Trung tướng Khuất Duy Tiến sinh ngày 27-2-1931 trong một gia đình cố nông ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Ngay từ nhỏ, ông đã phải chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, nạn đói hoành hành, hai người chú, bảy người em ruột thịt của ông cũng giã từ cõi đời vì thiếu đói, bệnh tật.
Năm 13, 14 tuổi, chàng trai trẻ Khuất Duy Tiến được giác ngộ và tham gia hội kín. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Khuất Duy Tiến cùng thanh thiếu niên trong làng theo người lớn giành chính quyền ở xã, ở huyện. Kháng chiến toàn quốc, Khuất Duy Tiến tích cực tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng và diệt ác trừ gian tại địa phương. Không may, ông bị địch bắt, tra tấn, giam cầm ở Sơn Tây và nhà tù Hỏa Lò nhưng vẫn giữ vững khí tiết. Vượt ngục tù, ông tiếp tục tham gia hoạt động và nhập ngũ tháng 9-1950, thuộc Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), liên tục chiến đấu trên địa bàn các tỉnh: Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc.

leftcenterrightdel

Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, ông về công tác ở Quân khu 3 một thời gian rồi cùng Sư đoàn 320A lên đường vào Nam chiến đấu. Chiến trường Quảng Trị, Đường 9-Nam Lào, Đăk Tô-Tân Cảnh, Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam in đậm những đóng góp của ông cùng đồng đội. Niềm vui của dân tộc chưa được bao lâu, ông lại cùng Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Ông có gần chục năm ở cương vị chỉ huy Quân đoàn 3 tham gia giữ địa bàn trọng yếu, bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và tổ chức hành quân trở lại Tây Nguyên xây dựng quân đoàn chủ lực trong thế trận mới vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia xây dựng Tây Nguyên. Trước khi nghỉ hưu, ông còn có 10 năm đảm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Quân lực và Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Là người lính trải qua tất cả các chức vụ, cấp bậc từ chiến sĩ, binh nhì đến cấp trung tướng, qua hàng trăm trận đánh, hàng chục chiến dịch của các cuộc kháng chiến và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, có thể nói, ông là người đã cảm nhận đủ các cung bậc hạnh phúc khi chiến thắng, nhưng cũng vô cùng buồn đau vì phải chứng kiến quá nhiều mất mát của đơn vị, hy sinh của đồng đội và cả những điều còn trăn trở đến hôm nay.

Ngày 30-10-2013, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu cũng như phẩm chất, năng lực trong lãnh đạo, chỉ huy xây dựng đơn vị. Được Đảng, Nhà nước, quân đội ghi nhận công lao, ông rất vui nhưng ông đã khóc và cúi đầu cảm ơn những đồng chí, đồng đội và bao người dân đã cùng ông chiến đấu suốt mấy chục năm trên khắp các chiến trường để giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Ông hay bùi ngùi mỗi khi nhắc đến những con số đau lòng là gần 1,5 vạn liệt sĩ của Sư đoàn 320 hay 4,9 vạn liệt sĩ của Quân đoàn 3, trong khi ông lại may mắn được sống, được hưởng vinh quang.

Sau khi nghỉ hưu, anh em đồng chí nhiều thế hệ tin cậy, yêu quý và trao cho Trung tướng Khuất Duy Tiến nhiệm vụ cao cả là Trưởng ban liên lạc (BLL) truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320. Những năm qua, BLL truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả, thu hút nhiều gia đình và cá nhân cựu chiến binh (CCB) tham gia, thường xuyên thăm hỏi, động viên các đồng chí, gia đình đồng đội còn khó khăn cùng nhau vươn lên, phấn đấu xây dựng quê hương, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các nhà bia, đền thờ liệt sĩ ở Gia Lai, Kon Tum, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ do BLL chủ trì hay phối hợp xây dựng còn là điểm văn hóa tâm linh góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch.

leftcenterrightdel

Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 2017, BLL truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 triển khai xây dựng Nhà bia trên điểm cao 1015 (Charlie) và 1049 (Delta) với sự nhất trí của Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum và sự đồng tình của lãnh đạo, nhân dân huyện Sa Thầy, các xã Rờ Kơi, Hơ Moong. BLL không kêu gọi đầu tư, không lập đề án xin tiền Nhà nước hay tổ chức bên ngoài mà động viên các CCB sư đoàn, người nhiều người ít, tự nguyện đóng góp trên tinh thần nghĩa tình, tri ân nhớ về đồng đội. Mặc dù phải khắc phục quá nhiều khó khăn vì điều kiện địa hình dốc đứng, thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt và thiếu thốn trăm bề, nhưng với ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, tấm lòng với linh hồn mấy trăm người đã hy sinh nơi đây mà 28 CCB trên dưới 70 tuổi, tóc bạc, sức yếu đã vượt qua gian khổ, lập nên một chiến tích mới. Sau khi công binh của Sư đoàn 320 giúp rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, san lấp mặt bằng thì chính những CCB này đã lăn lộn nhiều ngày trên triền núi, sử dụng các phương tiện thô sơ, kết hợp đi bộ, leo trèo, cõng gùi như 45 năm trước từng nhịn đói, chịu khát tải đạn, cõng thương. Cực nhất là thiếu nước sinh hoạt và nước cho xây dựng, phải mua và chuyển lên đỉnh núi với chi phí rất cao, thế mà họ đã trụ được cả mấy tháng trời trong mưa gió trái mùa, nắng rát Tây Nguyên. Có người đau đại tràng mà cố chịu đựng, xong công trình mới vào viện mổ cắt bỏ 20cm trực tràng.

Trong 6 tháng trời, họ đã góp sức mình cùng thế hệ trẻ Sư đoàn 320 vận chuyển hơn 100 tấn vật liệu, hàng trăm mét khối nước lên điểm cao hơn 1.000m để xây dựng nhà bia cho đồng đội. Đầu tháng 1-2018, hai nhà bia cách nhau 6km trên điểm cao 1015 và 1049 được khánh thành, có dựng hai tấm bia lớn nặng hơn 3 tấn/bia bằng đá quý tự nhiên Thanh Hóa do thợ lành nghề của Nghệ An, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định khắc chữ và thể hiện họa tiết, hoa văn rất đẹp. Tổng kinh phí xây dựng hơn 2 tỷ đồng đều do anh em, các gia đình CCB đóng góp, riêng vị tướng già Khuất Duy Tiến cùng con cháu của ông đã góp 400 triệu đồng.

Khi làm lễ cầu siêu, thay mặt anh em CCB, ông khấn: “Các anh em ơi, sống khôn thác thiêng hãy về đây ghi nhận chút lòng thành, phù hộ cho chúng tôi, những người đồng đội của các anh, nhờ các anh mà sống sót đến hôm nay, phù hộ cho bà con các dân tộc trong vùng và quê hương đất nước được bình yên, hạnh phúc”. Ngay sau đó là những tiếng ve ran lên hòa với tiếng gió, lay động những vạt cỏ tranh còn lại trên các sườn đồi theo dãy Chư Mom Ray, phía tây sông Pô Cô. Ngoài ra còn có bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ được tỉnh Gia Lai công nhận là Di tích văn hóa cấp tỉnh. Đây là công trình văn hóa tâm linh rất ý nghĩa do CCB Sư đoàn 320 tự xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông và BLL.

Đến nay, gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến đã góp hơn 800 triệu đồng vào quỹ xây dựng nhà bia, nghĩa trang liệt sĩ và làm nhà tình nghĩa của sư đoàn. Ông và BLL vẫn trăn trở vì chưa có điều kiện làm được gì ý nghĩa hơn cho linh hồn những đồng đội hy sinh trên đất bạn Campuchia. Ông vẫn tâm sự: “Dù làm tướng hay là người lính, điều quan trọng nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, giữ được nhân cách, đóng góp được cho dân, cho nước; người lính gác hoàn thành nhiệm vụ còn đáng trọng hơn ông tướng, ông quan mà nhân cách thấp, chạy chức chạy quyền, tham nhũng của công. Ngày nay, trong hòa bình xây dựng đất nước, càng phải thấm nhuần và làm tốt những lời dạy của Bác Hồ. Mà cách học và làm theo tốt nhất là cán bộ cấp trên làm gương cho cán bộ cấp dưới noi theo, cán bộ cấp thấp cũng gương mẫu cho chiến sĩ học tập".

Đã ngoài 90 tuổi, có lẽ được tổ tiên, được đồng đội đã hy sinh phù hộ mà ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Hằng ngày, ông vẫn gặp bạn, tiếp khách, đọc báo và viết sách. Bà Vân-người vợ hiền lành, phúc hậu vẫn như người trợ lý thân cận, tận tụy bên ông. Mấy người con của ông bà có gia đình riêng, trưởng thành trong sự nghiệp nhưng vẫn luôn quây quần, gần gũi bên bố mẹ. Ông nói, được như ngày nay là ơn Đảng, nhân dân và đồng đội rất nhiều...

NGUYỄN NHÂN TỎ