“Chiến tranh đã dần lùi xa. Ai còn biết đến trận Vịnh Chèo, ai còn nhớ trên mảnh đất này đã có bao nhiêu người nằm xuống cho độc lập tự do? Mình còn sống về với gia đình là may mắn lắm rồi. Dù muộn nhưng phải quyết tâm làm công trình tình nghĩa cuối đời này, cho cha mẹ, con, cháu, người thân liệt sĩ có nơi vô thăm, thắp nén nhang. Anh em phải về chung một chỗ, phải ở cùng nhau", Thiếu tướng Trần Văn Niên (Tư Niên), chia sẻ mà nước mắt cứ chảy dài trên má.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Trần Văn Niên.

Khu tưởng niệm liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh có diện tích 5.000m2, gồm các hạng mục: Đền thờ, nhà bia, nhà trưng bày, ao sen, hàng rào cùng những hàng cây cao rợp mát bao quanh... Kinh phí dự kiến hơn 10 tỷ đồng, hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ được bàn giao cho tỉnh Hậu Giang quản lý, sử dụng, trở thành khu di tích lịch sử, là nơi “về nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

“Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình”. Suốt cuộc đời Thiếu tướng Trần Văn Niên là sự tận hiến, không chịu ngừng nghỉ bao giờ. Cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài đến 49 năm; khi về hưu (năm 1999) mô hình nuôi ba ba của ông nổi danh khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành “tướng ba ba”, ra tận Hà Nội báo cáo tại Hội nghị điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. 75 tuổi ông lại xung trận, trở thành Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại A.C.M đến tận hôm nay, góp phần quan trọng cho dự án lấn biển, tạo cho Hà Tiên thêm sức hút. 

Trận Vịnh Chèo cỏ cây trộn thân xác/ Gom thành bọc gói vội gởi trong đêm”. 51 cán bộ, chiến sĩ mãi mãi nằm xuống, hơn chục khẩu pháo bị địch lấy vào trưa 29-12-1974. Đó là trận phối hợp tác chiến phục kích đánh đoàn xe thiết giáp tại cánh đồng ven rạch Vịnh Chèo (nay thuộc ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). “Cả cuộc đời mấy chục năm chinh chiến, trải qua cả ngàn trận đánh, nhìn lại, tôi không ân hận, day dứt điều gì trừ trận Vịnh Chèo này. Nỗi đau cứ ám ảnh hoài và theo tôi mãi”. Nước mắt người lính bạc đầu 87 tuổi dạn dày khói lửa của 2 cuộc kháng chiến (chống Pháp, chống Mỹ), trên 3 chiến trường (miền Tây Nam Bộ, Lào, Campuchia) thật xúc động, trân quý. Đó là những giọt nước mắt dành cho đồng đội.

Những ngày đầu năm 2021, sau hơn 46 năm, trong khuôn viên Khu tưởng niệm liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh đang được hoàn thiện (dự kiến khánh thành cuối năm 2021), đám giỗ tập thể đầu tiên cho 51 liệt sĩ Vịnh Chèo được tổ chức. Có người lính chạy xe suốt đêm về dự lễ, có đồng đội từ phía Bắc cũng hối hả trở về. Đám giỗ đơn sơ mà trang trọng. Lại nhớ ngày khởi công vào tháng 10-2020 xây dựng khu tưởng niệm, cựu chiến binh Đoàn 6 khắp nơi tụ về. “Tối ngủ tôi thấy 51 anh em rủ nhau về đây gần hết rồi”, cựu chiến binh Đoàn 6, Đại tá Đỗ Hà Thái xác quyết. Nghi thức động thổ hôm đó lạ lắm, tiếng mõ cứ trải dài, loang xa trên những cánh đồng lúa vừa gặt. Đoàn trưởng Tư Niên chân đã yếu vẫn nhất quyết về, anh em bố trí cho ông ngồi lên xuồng vượt đồng nước đẩy vô tận địa điểm tổ chức. Trong năm, dù phải nhập viện 10 lần nhưng cứ ra viện ông lại nhất quyết phải xuống công trường. Anh em bàn tính rồi lắp camera tại nhà để ông có thể an tâm, bám sát được tiến trình công việc.

leftcenterrightdel
Tượng Bác Hồ được cựu chiến binh Đoàn 6 Pháo binh gửi tặng Khu tưởng niệm liệt sĩ. 

“Thật xúc động bởi sự hỗ trợ tích cực từ các địa phương, các cựu chiến binh cùng bao tấm lòng từ tâm thiện nguyện”, Thiếu tướng Trần Văn Niên nói tiếp. “Hậu Giang nghĩa tình thật sâu đậm. Tháng 11-2019 tỉnh đã bàn giao toàn bộ khu đất sạch, rộng 5.000m2 ngay trận địa xưa cho Ban liên lạc Đoàn 6. Các cựu chiến binh Đỗ Hà Thái, Lê Quốc Trạng... bỏ hết việc nhà xuống dựng trại bám công trường. Vợ chồng cựu chiến binh tên Toàn trong Ban liên lạc Đoàn 6 phía Bắc ủng hộ 500 triệu đồng, còn thuê người vẽ thiết kế và huy động “thợ chiến” ngoài đó vô tham gia công trình. Cựu chiến binh Sỹ Nhân vừa đóng góp vừa kêu gọi hỗ trợ, ủng hộ hơn 2 tỷ đồng. Có cựu chiến binh vừa góp tiền xong thì mất, để lại lời nhắn gửi toàn bộ số tiền phúng điếu đến ban vận động. Anh Cát Văn Lý nhập ngũ sau này (năm 1980) cũng xin ủng hộ 30 triệu đồng. Cựu chiến binh Phi Hùng ở Hà Tiên không phải bộ đội Đoàn 6 cũng đóng góp 200 triệu đồng. Lại có cặp vợ chồng mới nghe kể về trận đánh đã lặn lội từ TP Hồ Chí Minh xuống tận công trường, ủng hộ ngay mấy chục triệu đồng... Những tấm lòng thiện tâm vẫn luôn tỏa sáng, sát cánh cùng cựu chiến binh Đoàn 6 Pháo binh.

Trở lại cánh đồng ven rạch Vịnh Chèo giữa tháng 5 oi ả, nóng hầm hập, công trình Khu tưởng niệm liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh vẫn thi công hối hả, chúng tôi được Thiếu tướng Trần Văn Niên nhắn nhủ: “Ngôi nhà mới khắc lên Vịnh Chèo mới/ Chiến binh xưa đâu lạc mãi đội hình”. Đám giỗ tập thể lần thứ hai khoảng cuối năm 2021 dự kiến cũng được tổ chức ngay tại đây, giữa màu xanh ruộng lúa bao quanh.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU - THỐNG NHẤT