Tranh thủ giờ nghỉ, Tường rủ mấy người tập phi dao găm. Đây là bài tập hoàn toàn không có trong chương trình mà chỉ là một thứ bài tập tự phát. Trong tiểu đội, Tường là người phóng dao tài nhất, phóng 10 lần trúng đến 7, 8 lần. Đang say sưa luyện tập, một hôm, Tường tuyên bố: "Từ nay chấm dứt trò này!". Tôi không hiểu. Tường bảo: "Rồi khắc biết".
Trưa hôm sau, đang chờ cơm, Tường kéo tôi ra nấp ở góc vườn nhà bên quan sát. Một lúc sau, ông chủ nhà cũng rón rén núp vào góc vườn nhà mình theo dõi cảnh bộ đội giải lao. Mỗi lần mũi dao cắm vào thân cây chuối, nhựa chuối trào ra, ông chủ nhà lại nhăn mặt một cái, đau đớn như mũi dao đã cắm trúng ngực mình. Tường cũng nhăn mặt đau khổ, xông vào vườn chuối, túm chặt cổ tay một người cầm dao, không cho phóng nữa.
Tường quay ra chắp tay lạy ông chủ nhà: "Chúng con xin lỗi bố! Chúng con quên tiền đong gạo là tiền bán chuối". "Không sao, không sao", ông chủ nhà xua tay, “chỉ mất vụ này thôi, các chú cứ việc tập, hỏng vườn chuối này, tôi trồng đợt khác, miễn là các chú ra trận chiến thắng, báo tin về".
Đêm hôm đó, nằm bên, tôi biết Tường khóc. Thì ra anh khóc vì ân hận, khóc vì nhớ vườn chuối nhà anh ở quê, ven bờ sông Nhật Lệ. Anh tự dằn vặt với tôi: "Sao chúng mình vô tâm đến thế? Vườn chuối là cả một nguồn thu nhập của gia đình. Chúng mình mắc nợ lớn với chủ nhà rồi, cậu còn nhớ ông cụ nói gì không: "Chiến thắng, báo tin về!".
Nhưng rồi chúng tôi cũng không có nhiều thì giờ để mà ân hận. Hai ngày sau, chúng tôi nhận lệnh hành quân vào Nam. Phần lớn đại đội tôi vào bộ binh, riêng Tường được điều động sang Binh chủng Tăng thiết giáp để huấn luyện gấp. Trở thành lính tăng thiết giáp là niềm khao khát của lính mới chúng tôi thời ấy. Chúng tôi không giấu sự ghen tỵ với Tường, song trong thâm tâm cũng thấy là bạn mình xứng đáng được chọn.
    |
 |
Binh nhì Nguyễn Thế Tường ngày trong quân ngũ. Ảnh: BẢO NINH
|
Bước vào Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, chúng tôi bặt tin nhau. Đầu năm 1973, trong chuyến đi trinh sát, tình cờ tôi nghe tin buồn: Trong một trận giáp chiến dữ dội với quân ngụy, Nguyễn Thế Tường trong đội hình Lữ đoàn Xe tăng 202 đã lập công lớn và hy sinh.
Biết tin đó, tôi đứng chết lặng một lát rồi bước đi như người mộng du. Nghe tin bạn hy sinh vài tuần, lại đến lượt tôi bị thương nặng, phải ra Bắc điều trị. Dọc đường chuyển thương qua các binh trạm, tôi lại nghe một tin khác về Tường: Tường bị bắt và đã chiêu hồi. Một thương binh cụt chân nằm bất động trên cáng cứ trợn mắt lên mà quát vào mặt tôi: "Cái xe của nó lái bắn được 5 chiếc xe ngụy thì hết xăng, bị bắt sống. Truyền đơn của ngụy còn in cả ảnh nó, rải dọc Vĩ tuyến 17, có ý khoe chiến thắng "bắt sống xe tăng cộng sản" cơ mà". Đến cái tin này thì tôi thực sự bị choáng. Choáng tới mức suốt một ngày tôi không biết chọn thái độ thế nào với Tường cho đúng? Thôi thì cầu cho bạn sống...
Chiến tranh kết thúc, tôi hồi phục sức khỏe, nhận quyết định ra quân, về Hà Nội học tiếp. Một hôm, đến Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thăm bạn, tôi giật mình vì thấy một dáng người quen thuộc. Lúc ấy là buổi tối, trời mưa dầm. Trong mưa, có chàng trai mặc áo lính cứ đứng nhìn lên cửa sổ phòng nữ sinh tầng ba. Tôi nhìn cái khuôn mặt chữ điền, đôi môi dày của người lính ướt át bên cột điện rồi kêu toáng lên: "Có phải mày không, Tường? Mày vẫn còn sống à?".
"Sống chứ, cậu cũng không chết à?", Tường đáp.
Tôi bèn hỏi: "Sao lại đứng dưới mưa thế này, vào trong căng tin kia đi". "Tại tớ... yêu đấy", Tường ngại ngùng đáp. Thấy Tường lúng túng, tôi bèn hẹn Tường sáng mai gặp lại. Hôm sau, tôi chờ nửa ngày, Tường không đến. Từ ngày đó, tôi không thôi ý định tìm anh. Nửa năm sau, tôi gặp một pháo thủ cùng trung đội xe tăng với Tường. Anh kể: "Chẳng có chuyện tù binh, chiêu hồi nào cả, đó chỉ là đồn thổi, thêm thắt của mấy anh em bịa ra kể cho đỡ buồn mà thôi. Đúng ra nó được phong anh hùng đàng hoàng. Còn bây giờ thì nó hơi lẩn thẩn đấy, tội lắm!”...
    |
 |
Nhà văn Nguyễn Thế Tường. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Lần ấy, đơn vị Tường tham gia trận đánh chống lấn chiếm, ngăn chặn chiến dịch mang tên “Tràn ngập lãnh thổ” của ngụy. Nhận lệnh của trên, kíp xe tăng K63-85 số hiệu 704 của Đại đội 1, Tiểu đoàn 66, Trung đoàn 202, gồm: Trưởng xe Nguyễn Văn Khoán; lái xe Nguyễn Thế Tường; pháo thủ Hoa Xuân Toàn; nạp đạn kiêm điện đài Nguyễn Văn Khanh cùng đơn vị cơ động bí mật vượt sông vào khu vực Nam Cửa Việt, ém quân chờ lệnh. Đêm 27 rạng sáng 28-1-1973, Đại đội của Tường được lệnh xuất kích. 12 chiếc của đơn vị Tường xông lên với khí thế áp đảo. Đang giữ chân ga với tốc độ cao, Tường chợt thấy trước mũi xe mình xuất hiện vật cản, anh tìm cách vòng tránh thì đi lệch phương vị. Chiếc xe bị sa xuống một hố bom cũ. Hì hục xoay xở một lúc, Tường mới đưa được xe lên khỏi hố bom.
Cũng đúng lúc đó, Tường thấy những khối sắt đen lạnh lẽo, phất phơ mấy cành cây ngụy trang. Căng mắt ra nhìn, Tường phát hiện ra đó chính là những chiếc xe tăng địch. Hóa ra xe của Tường đã vô tình thọc vào đội xe tăng dự bị của đối phương. Không chần chừ, Tường dừng xe cho pháo thủ nổ súng, tiêu diệt luôn 2 chiếc. Bị đánh bất ngờ, quân ngụy náo loạn. Chúng không thể hình dung có một chiếc xe bất thình lình xuất hiện sau lưng chúng một cách hung hãn như vậy. 5 chiến sĩ trong xe do Tường lái phối hợp nhịp nhàng, chiến đấu với địch. Tường ghì chặt tay lái, bật đèn pha lao thẳng vào xe địch như quả bom ba càng cảm tử. Đạn địch xả vào vỏ xe như vãi trấu làm lòng xe nóng hầm hập, nhiều quả pháo địch bắn đã chạm cả tháp pháo. Hoa Xuân Toàn, pháo thủ số một không hề bối rối, bình tĩnh ngắm trúng mục tiêu, giật cò. Mỗi lần bắn trúng một chiếc, Toàn lại khoan khoái đếm: "Thằng thứ 4... thằng thứ 5..."...
Khi tiêu diệt được chiếc xe tăng thứ 5, đang chuẩn bị bắt mục tiêu tiếp theo thì chiếc xe của Tường trúng đạn, chết máy, toàn bộ hệ thống điều khiển bị phá hủy. Chiếc xe bỗng chốc trở thành mục tiêu cố định cho xe tăng địch thi nhau nã pháo.
Tường, Toàn và đồng đội hò nhau nhảy ra khỏi lòng xe nóng bỏng. Nhưng bất ngờ, hai quả đạn địch tới tấp phá tung dải băng xích. Sức ép hất Tường ra khỏi lòng xe. Anh lết đi được một đoạn trong tiếng gầm gào của xe tăng địch đang xô tới, rồi ngất đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, Tường thấy mình đang nằm lọt trong một rãnh khoai, máu từ các vết thương đã khô cứng, đọng thành một vệt chạy dài trên cát. May mắn anh được đồng đội phát hiện và đưa về.
Trận đánh ấy, xe tăng số hiệu 704 đã tiêu diệt được 5 xe tăng M48 và bắn bị thương 2 chiếc xe tăng khác của địch. Riêng Tường được đơn vị đánh giá là tay lái mưu trí, sáng tạo, đã chủ động đánh thọc sườn địch, phá hỏng kế hoạch lấn chiếm của chúng, tạo điều kiện cho các xe còn lại của đơn vị tiến công hiệu quả. Một lần nghe trung đoàn trưởng biểu dương thành tích, Tường vội vã lên tiếng cải chính lý do vì sao anh lái xe đánh thọc sườn địch.
    |
 |
Bìa một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Thế Tường.
|
Thật không may, thời gian sau, vết thương tái phát, Tường phải vào bệnh viện lấy mảnh đạn trong đầu. Bệnh viện hết thuốc mê, chỉ còn thuốc tê, nhưng Tường vẫn khăng khăng đòi mổ. Vết thương sâu, mảnh đạn chưa gắp được ra thì thuốc tê hết tác dụng, Tường đau đớn, la hét, phá nẹp chạy tháo thân. Một tháng sau đơn vị mới tìm ra anh, khi đó cũng không hiểu bằng cách nào, anh đã về quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình.
Thế rồi cuộc sống bận rộn mưu sinh thời hậu chiến không cho phép chúng tôi tìm gặp, thăm nhau. Gần đây, trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi thấy Thế Tường xuất hiện trên truyền hình. Anh đã thành nhà văn Nguyễn Thế Tường, cây bút hàng đầu của Binh chủng Tăng thiết giáp lâu nay. Anh định đơn ca nhưng giọng yếu quá, phải nhờ một ca sĩ đứng cạnh hát cùng. Thế Tường hát không nổi nhưng nói rất hay, vì anh thổ lộ những điều gan ruột: “5 anh em chúng tôi chung một chiếc xe tăng, vẫn cùng hay hát chung một bài. 50 năm qua đi, xe tăng 704 của chúng tôi bị cát vùi lâu rồi, 5 người... mà bây giờ chỉ còn mình tôi đứng hát!”.
PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG