Khác với những đội hình chiến sĩ mới hành quân về bổ sung cho Trung đoàn Pháo binh 58 trước đó, khi xuống tàu tại ga Vinh (Nghệ An), đoàn này mang ba lô có phần cồng kềnh, lỉnh kỉnh. Trong đêm tối, chúng tôi thấy nhấp nhô những cây đàn guitar và các quả bóng phía trên ba lô của họ. Thì ra đó là những sinh viên mới nhập ngũ từ các trường đại học.
Hành quân bộ khoảng hai ngày, đoàn chiến sĩ mới có phần mệt mỏi, bước chân lê lết. Họ bắt đầu bỏ ra khỏi ba lô những thứ không thật cần thiết và không phù hợp với cuộc chiến đấu sắp tới. Thoạt đầu là những cuốn tiểu thuyết, giáo trình, từ điển, dần dần là những quả bóng, rồi đến những cây đàn. Trong số những chàng lính sinh viên đó, tôi thấy có anh hay đeo hộ bạn nhiều thứ tư trang. Anh có khuôn mặt thông minh, nụ cười niềm nở, không biết chơi đàn nhưng hay vác đàn hộ bạn. Mọi người đoán, sẽ đến lúc chàng bỏ lại cây đàn guitar ven đường, hoặc cũng giống như mấy nghệ sĩ guitar trước đó: Tung cây đàn lên thật cao cho nó rơi xuống vực rồi tất cả nhìn theo cây đàn đang rơi, đồng thanh hô: “Vĩnh biệt”. Nhưng không, chàng trai mà tôi để ý đã thành người vác cây đàn lâu nhất đi về phương Nam. Đó là cây đàn cuối cùng của đoàn chiến sĩ sinh viên. Hình như tiếc cây đàn đẹp, đến sát vùng giới tuyến 17, chàng mới chạy sâu vào một cánh rừng non, treo cây đàn vào vách lán nứa của một đơn vị nữ thanh niên xung phong.
Không ngờ, nửa ngày sau, chàng trai ôm đàn guitar đó được điều về Đại đội 26-đại đội của tôi. Sau mấy phút vui vẻ nhận đồng hương Nam Định, tôi biết anh là Nguyễn Trường Thành, từng là học sinh giỏi của lớp Toán đặc biệt, trường Thành Chung (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), Nam Định. Năm 1969, sau khi học hết lớp 10, gần cả lớp chuyên Toán ấy được đi học đại học ở Đức và Liên Xô. Thành và mấy người bạn phải học trong nước vì không đủ sức khỏe sống ở xứ lạnh... Vào học Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được hai năm, gần nửa lớp anh lên đường nhập ngũ; tháng 9-1971, cảm thấy ngồi học chẳng yên lòng, Thành viết đơn tình nguyện lên đường.
Ngày 30-3-1972, Chiến dịch Trị-Thiên mở màn bằng những loạt đạn pháo đồng loạt đổ xuống các căn cứ. Trên đường vào mặt trận, Nguyễn Trường Thành vừa đi vừa học sử dụng các loại binh khí, tìm hiểu các trang thiết bị thông tin. Học ít mà hỏi nhiều, chỉ sau mấy tuần hành quân dọc đường Trường Sơn tập kết vào Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị), Thành đã nắm chắc các chiến thuật trinh sát và các loại máy thông tin vô tuyến lẫn hữu tuyến được trang bị cho đại đội chỉ huy của anh. Anh có thể chiến đấu, nhận nhiệm vụ thay thế nhiều vị trí nếu đồng đội mình đau yếu hay thương vong.
Nửa tháng sau, anh được Trung đoàn trưởng tin tưởng giao phó chức Đài trưởng thông tin và trinh sát dẫn tọa độ pháo kích cho Trung đoàn 58 chúng tôi. Mỗi tuần chiến dịch trôi qua, anh càng trưởng thành như một viên chỉ huy thông minh, quả cảm. Là người có bộ não toán học bẩm sinh, anh có thể tính toán chính xác và cực kỳ nhanh chóng các phần tử bắn.
Ngày 23-5-1972, trên một điểm quan sát bí mật của đài chỉ huy, anh giật mình vì tiếng nổ đầu nòng của một quả đạn pháo biển, gắn với luồng hơi vào người rồi thấy áo ngực mình vừa ấm vừa ướt. Chưa thấy đau đớn gì, anh biết mình đã bị thương rất nặng. Sờ ngực áo bên trái, anh phát hiện có lỗ thủng rồi mới ngã gục xuống, bất tỉnh... Tại rừng cao su Bãi Hà, lần đầu tiên trong đời, anh phải cất tiếng la hét trên bàn mổ. Rất may, mảnh đạn pháo nằm gần cuống tim nhưng chưa xuyên qua lồng ngực. Trạm phẫu hết thuốc gây mê, chỉ có thuốc novocain gây tê, mà thuốc tiêm lại không đủ liều... Sau này, anh vừa kể vừa lắc đầu: “... mổ lâu, thuốc hết tê, đau như cha chết, nhưng cuối cùng cũng lấy được mảnh đạn ra”. Không chờ xe vào chở thương binh ra Bắc điều trị tiếp, anh chỉ nằm nghỉ lấy sức mấy ngày rồi xin phép bác sĩ, chống gậy tìm đường trở lại mặt trận.
Chiến cuộc giải phóng Đông Hà-thị xã Quảng Trị mỗi ngày một gay go, khốc liệt. Đại đội của anh số người bị thương và lần lượt ngã xuống mất quá nửa quân số. Thành trở thành cán bộ chỉ huy đại đội lúc nào mà chính anh cũng không kịp nhớ. Trong Trung đoàn lan truyền một tin vui nhưng rất khó tin: Sinh viên Nguyễn Trường Thành vừa đánh nhau, vừa học tiếng Anh.
Thật ra, như chúng tôi đã để ý thấy, Thành nhặt được cuốn "Từ điển Anh-Việt" như một chiến lợi phẩm quý giá. Anh thường mò mẫm ghi chép những dòng chữ tiếng Anh in trên các thiết bị quân sự và vũ khí Mỹ bỏ lại, đem về hầm, tra từ điển để tìm cách sử dụng. Máy bộ đàm và pháo mặt đất của quân địch bỏ lại rất nhiều. Nhiều bản dịch “Hướng dẫn sử dụng” của “dịch giả” Nguyễn Trường Thành được anh em pháo thủ chuyền tay nhau học thuộc. Đi đài luồn sâu đồng nghĩa với sự chui lủi sát lưng địch rồi chỉ điểm cho pháo binh ta từ xa bắn phá. Đài chỉ huy do "Xê trưởng" Thành phụ trách phần lớn đều áp sát lưng địch nên pháo của ta bắn rất chính xác và nhanh gọn.
Trung tuần tháng 7-1972, quân ngụy điên cuồng tấn công tái chiếm thị xã Quảng Trị. Sư đoàn chúng tôi phải bỏ Tích Tường, Như Lệ, rút về phía Nam sông Thạch Hãn. Lối đi và cách dẫn bắn của Đài luồn sâu do Đài trưởng Thành phụ trách bị địch phát hiện và bao vây, mất đường rút lui. Tổ đài tôi đi cùng anh phải di chuyển, về ngồi sát lưng nhau trong căn hầm đầy muỗi, vắt. Những ngày mùa mưa đến, nền hầm lầy lội, không có chỗ nằm, chúng tôi cũng hết cả lương thực để ăn. Đúng lúc cả tổ đang lịm dần vì đói thì một con chuột cống chạy lụt, leo lên vách hầm ngủ nhờ. Thành nhanh tay tóm được. Anh tìm cách luộc chín vị khách không mời đó, rồi xé ra, chia cho mỗi người một miếng. Tôi nhìn đã muốn nôn ọe. Nhưng đã 3 ngày không ăn gì rồi. Anh quát: “Phải coi đây là protein. Một là nuốt, hai là chết!”. Quả nhiên, nhắm mắt nuốt trôi mẩu thịt chuột, cả tổ đài được hồi sức, chờ đêm xuống, mở đường máu thoát về đơn vị.
Sau khi bàn giao các điểm chốt phía Tây Nam thị xã Quảng Trị, đơn vị chúng tôi được rút ra Bắc củng cố lực lượng, anh Thành được nhận Huân chương Chiến công và quân hàm Thiếu úy, tương ứng với chức vụ Đại đội trưởng mà anh đảm nhiệm suốt mấy tháng cuối chiến dịch. Được vào học Trường Sĩ quan Pháo binh, anh sớm bộc lộ rõ tài năng và tri thức quân sự của mình. Từ kinh nghiệm thực tế chiến đấu, anh đã nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh nội dung một số giáo trình và học liệu pháo mặt đất... Thế nhưng, đất nước hòa bình bước vào thời kỳ xây dựng khiến anh trỗi dậy khao khát học hành và niềm mơ ước toán học thuở thiếu thời. Vậy là anh xin ra quân rồi trở về học tiếp đại học mà ngày xưa đang tạm gác.
|
|
TS Nguyễn Trường Thành phát biểu bằng tiếng Anh tại một hội thảo quốc tế về bảo vệ thực vật.
|
Anh đeo ba lô về trường giữa niên học mới. Ban chủ nhiệm Khoa Toán-Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tạo điều kiện cho Nguyễn Trường Thành vào học tắt, học đuổi khi niên học đã hết một học kỳ. Tốt nghiệp với kết quả xuất sắc, anh được giữ lại làm giảng viên. Nhưng làm giảng viên đại học một thời gian, do thời buổi kinh tế khó khăn, lại phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam nên anh đành phải quyết định lựa chọn một tọa độ mới cho cuộc đời mình...
Những cựu chiến binh của Trung đoàn Pháo binh 58 nhiều năm qua vẫn chọn ngày thành lập Trung đoàn làm ngày họp mặt hàn huyên. Chúng tôi gặp lại Nguyễn Trường Thành như gặp một thủ trưởng cũ và một ân nhân đã cứu mình trong khói bom, lửa đạn. Riêng tôi, gặp lại đồng đội Nguyễn Trường Thành khi anh đã chuyển phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu và ứng dụng sinh học của mình từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để có điều kiện thuận lợi cho việc kích thích sinh trưởng các giống lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Thật bất ngờ, một nhà toán học lại rất “thuận tay trái” trong ngành sinh học. Anh đã tốt nghiệp thêm hai bằng, Thạc sĩ và Tiến sĩ sinh hóa, sử dụng tốt tiếng Anh, làm Viện trưởng một viện nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tác giả của 5 cuốn sách và hàng chục tham luận trong các hội thảo quốc tế về thuốc bảo vệ thực vật, tạo việc làm cho nhiều con cháu của đồng đội. Bao nhiêu năm qua, anh không nhận trợ cấp chất độc da cam mà còn âm thầm khắc phục, cầm cự những di chứng chất độc trong con cái.
Gần đây, tôi gặp anh khi mới đi dự hội thảo khoa học nông nghiệp các nước Á Phi từ Tây An, Trung Quốc trở về. Nhìn anh cười, không ai biết nhà khoa học đầy thương tích trên mình này đã quá tuổi 70 và 50 năm tuổi Đảng. Khoa học không cần biết tới tuổi tác. Anh cười hồn hậu, niềm nở, chân tình, chạm cốc với đồng đội như chưa hề chịu đựng những gánh nặng chiến tranh. Nhìn anh, tôi thường bị nấc, vì nhớ lại “miếng protein” trong căn hầm ở Quảng Trị ngày nào. Nhưng tôi lại hết nấc ngay sau khi nhớ lại hình ảnh chàng lính trẻ vác cây đàn guitar trên đường hành quân, cây đàn cuối cùng trong đoàn lính sinh viên trước ngày vượt sông Bến Hải, vào chiến dịch.
PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG