"Năm 14 tuổi, được tổ chức quyết định đưa ra Bắc học tập nhưng tôi kiên quyết không đi mà chỉ có một nguyện vọng duy nhất là gia nhập đội du kích của xã để được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Thấy tôi còn quá nhỏ, ba tôi khuyên: “Ba chỉ còn mình con, con đi du kích lúc này chắc sẽ hy sinh như các anh trai và chị gái của con thôi. Nếu quyết tâm đi, con hãy mang theo thẻ hương này, khi hy sinh, ai đó sẽ thắp giùm, ba chẳng thể ra nơi lửa đạn để thắp hương cho con được”. Thẻ hương ấy đã theo tôi bao năm tháng. Thật may, cho đến ngày quê hương yên tiếng súng, thẻ hương ấy vẫn không phải thắp lên".

Đó là lời kể của thương binh hạng 4/4 Trương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam trong lần tôi đến thăm anh tại nhà riêng. Trong phòng khách rộng rãi với những tấm huân chương và bằng khen, giấy khen treo kín tường, bên ly cà phê, anh Mười say sưa kể cho tôi nghe về chặng đường đã đi qua.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Lộc Xuân (nay là xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), cha anh là một đảng viên, tham gia cách mạng từ thời chống Pháp; mẹ là một cán bộ hoạt động bí mật, bám trụ tại địa bàn. Bà có nhiều đóng góp cho cách mạng, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đợt 1) vì có 5 người con là liệt sĩ. Bản thân Trương Văn Mười là con út, khi 10 tuổi đã tham gia làm giao liên, 14 tuổi vào du kích xã, 16 tuổi giữ chức Xã đội trưởng. Trong 5 năm, anh tham gia đánh trên dưới 100 trận, hai lần được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng.

leftcenterrightdel

 Anh hùng LLVT nhân dân Trương Văn Mười (giữa) cùng đồng đội về thăm Bia di tích lịch sử cách mạng xóm Đình-nơi xuất quân đánh đồn Vườn Hoang năm xưa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghe đôi nét chấm phá về anh, tôi thầm ngưỡng mộ, trân trọng cống hiến của gia đình và cá nhân anh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Khi được hỏi về công việc của “chú bé loắt choắt” trong nhiệm vụ giao liên, anh cười hiền: “Đúng là ngày nớ tôi loắt choắt thật. Nhờ vậy mà địch không nghi ngờ. Còn công việc ư? Nhiều đó anh. Lúc thì chuyển thư tín, tài liệu cho các cô chú cán bộ nằm vùng; lúc thì quan sát nắm tình hình địch, quan sát bọn Mỹ đi càn, báo lại cho các cô chú du kích; lúc thì chuyển thư chiêu hàng cho các tên là chỉ huy của quân ngụy...".

Được biết, năm 1971, khi vừa 14 tuổi, anh Mười xin gia nhập đội du kích xã. Vì gia đình đã có 4 anh trai và một chị gái là liệt sĩ, hơn nữa do thể hình anh thấp bé nên tổ chức không nhất trí. Trước quyết tâm và lòng nhiệt thành của anh, cuối cùng tổ chức cũng chấp thuận và “sung” anh vào bộ phận trinh sát...

"Trong các lần đi trinh sát và tham gia các trận đánh, anh Mười nhớ nhất trận nào?"-tôi hỏi.

"Quả thật, trận đánh nào cũng để lại trong tôi những ký ức khó phai mờ. Vui có, buồn có. Vui khi giành được chiến thắng, buồn khi đồng đội hy sinh"-anh kể-"Tháng 5-1974. Chúng tôi tổ chức đánh đồn Vườn Hoang. Đội hình gồm 9 người, chia làm hai mũi. Tôi chỉ huy một mũi gồm 4 người. Trận này, chúng tôi đã chiếm hoàn toàn đồn địch và đốt trụi cơ quan ngụy ở sát đồn. Nhưng buồn vì có những đồng đội mãi mãi không về"...

Một khoảng yên lặng kéo dài. Có lẽ anh Mười đang nhớ lại những người đồng đội thân yêu đã anh dũng ngã xuống khi cùng anh thực hiện các trận đánh ngay trên mảnh đất quê hương. Tôi thấy trong đôi mắt trũng sâu của anh hai giọt nước ứa ra...

Tôi ngồi lặng im, không nói. Bên ngoài, gió đồng quê thổi mênh mang, mang theo hương đồng nội xen lẫn hương cà phê do chính tay anh pha lúc trước. Rồi khi bình tĩnh lại, anh Mười kể tiếp: “Bên cạnh những trận đánh có đồng đội nằm lại thì có trận đánh, tôi chỉ huy, chẳng tốn một viên đạn AK nào. Đó là trận đánh vào tháng 1-1975. Đội hình có 8 người. Vũ khí gồm 6 khẩu M79 và 2 khẩu AK. Giữa ban ngày, chúng tôi tập kích vào đồn Vườn Ông Đợi. Tôi cho anh em tiếp cận sát hàng rào rồi dàn hàng ngang. Tôi ra lệnh: “Chỉ dùng M79, không dùng AK”. Khi tôi phát hỏa, cả 5 khẩu M79 còn lại đồng loạt bắn. Bọn ngụy trong đồn hốt hoảng, không hiểu lực lượng nào đánh và đánh bằng loại vũ khí gì nên bỏ đồn tháo chạy”.

 - Chà, du kích mà dám đánh đồn?

 - Vâng. Đó là nét độc đáo của du kích xã tôi đấy. Chắc anh đã biết, đánh đồn thường là nhiệm vụ của bộ đội, mà là bộ đội đặc công kia, nhưng bọn tôi đánh ráo, miễn là có cơ hội và có điều kiện giành chiến thắng.

 - Có trận nào phối hợp cùng bộ đội đánh lớn không anh?

 - Nhiều chứ! Tháng 1-1975, tôi được phân công làm nhiệm vụ dẫn đường cho Sư đoàn 304 đánh địch ở khu đồn Xuân Đông. Sau khi đi trinh sát, phương án chiến đấu và giờ G được xác định. Nhưng đến 4 giờ sáng, một tên ngụy đi tiểu giẫm lên bộ đội, nó hoảng loạn la lối, bỏ chạy, buộc ta phải nổ súng tiêu diệt. Bị lộ, dù chưa đến giờ G nhưng hiệu lệnh phát hỏa buộc phải bắn lên từ hướng Đông. Địch bắn trả dữ dội ở hướng Tây, bộ đội ta thương vong nhiều. Trận đánh diễn ra ác liệt, giành giật với địch từng căn nhà, nóc hầm. Đến lúc bộ đội ở hướng Đông tràn lên xuất kích, địch gọi pháo bắn ngay trên đầu bộ đội ta để mở đường máu rút lui. Trong khói đạn mù mịt, tôi phát hiện mấy tên địch chạy về hướng đội hình của ta, ngay lập tức, tôi chộp khẩu RPD và siết cò, một loạt đạn bay ra hất nhào chúng xuống ruộng. Dưới làn pháo yểm trợ nổ rền vang, bọn địch đạp lên nhau tháo chạy... Trận này, ta đã tiêu diệt và làm bị thương cả trăm tên địch.

Hiệp định Paris được ký kết nhưng địch không thi hành hiệp định mà ào ạt xua quân lấn chiếm vùng giải phóng. Xã Lộc Xuân quê hương anh Mười là vùng giằng co với địch từng xóm, từng khu vườn, bờ tre, mảnh ruộng để treo cờ giành đất. 4 thôn của xã đều có 4 điểm đóng quân của địch. Cả xã chỉ còn xóm Đình là chưa có địch đóng. Anh Trương Văn Mười và hai du kích nữa là những người đầu tiên trở lại bám đất, bám làng xây dựng cơ sở, làm chỗ dựa vững chắc để cán bộ, du kích và bộ đội về hoạt động cho đến ngày giải phóng. Với thành tích này, tháng 6-1974, anh được tặng thưởng danh hiệu Thanh niên quyết tử, giành giữ hòa bình.

 Đang say sưa kể, bỗng giọng anh Mười chùng xuống: "Chúng tôi là du kích, phải tự túc cả lương thực và vũ khí. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa tạo ra vũ khí hoặc chiếm vũ khí của địch mà đánh. Nếu không dựa vào dân, nếu không có nhân dân giúp đỡ thì chẳng thể có được những chiến công đó đâu anh. Bởi vậy sau này, dù ở bất kỳ cương vị nào, cả khi làm Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hay khi làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam, tôi luôn đau đáu với công tác đền ơn đáp nghĩa. Trước hết là tri ân người dân quê tôi”.

 Câu chuyện của anh Trương Văn Mười và tấm gương về sự cống hiến cho quê hương, đất nước của gia đình anh, của cá nhân anh như một ngọn nến lấp lánh, góp thành bó đuốc rực sáng của quê hương Quảng Nam-nơi được mệnh danh là mảnh đất trung dũng kiên cường với 11.658 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 65.400 liệt sĩ; 30.700 thương binh, bệnh binh.

 Chúng tôi chia tay anh khi hoàng hôn nhuộm tím trời chiều. Ra về, tôi mang theo câu chuyện của anh về ánh chớp chói lòa và tiếng nổ long trời từ quả bộc phá đánh đồn ngày nào, mang theo niềm vui từ những chiến công mà anh cùng đồng đội lập nên. Càng vui hơn khi được biết, những chiến công của anh Mười đã được trang trọng ghi vào trang sử vẻ vang của quân dân huyện Đại Lộc và xã Đại Thắng quê anh. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ chiếc nồi đồng ngày xưa mẹ anh nấu cơm nuôi bộ đội; cây súng M79 mà anh đã sử dụng trong chiến đấu; danh hiệu Thanh niên quyết tử, giành giữ hòa bình và hai danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng mà anh được tặng thưởng.

Tháng 8-2015, một vinh dự lớn đến với thương binh Trương Văn Mười khi anh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân-danh hiệu xứng đáng với những hành động anh hùng và những chiến công hiển hách của anh.

 Đại tá, PGS, TS ĐỖ NGỌC THỨ