Những mái đầu bạc đứng lặng yên mặc niệm trước anh linh của những chàng trai trẻ mãi tuổi hai mươi. Nén nhang thơm nghi ngút khói hương như chiếc cầu nối giữa hai thế giới âm dương, kết nối tình đồng chí, đồng đội của những người từng chung chiến hào, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

CCB Lê Văn Chớ đón tiếp chúng tôi tại căn phòng làm việc ấm cúng trong khuôn viên khách sạn hướng mặt ra sông Cày. Đã bước sang tuổi 76, bước đi của ông Chớ nay chậm chạp hơn trước, nhưng ở ông vẫn toát lên nét cương nghị, quyết đoán của vị mũi trưởng đặc công năm nào. Tuổi tác có thể lấy đi sức khỏe và tuổi trẻ của chàng dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa nhưng ký ức về những năm tháng quần mình cùng mưa bom bão đạn vẫn luôn rực cháy trong trái tim người lính già.

Ông Lê Văn Chớ sinh ngày 19-5-1949 ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, trong gia đình có truyền thống cách mạng (anh trai là liệt sĩ Lê Văn Sơn, chị gái là thương binh hạng 2/4). Ngày 16-1-1967, Lê Văn Chớ tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ. Sau 5 tháng huấn luyện tại Trường Trinh sát đặc công, ông được biên chế vào Đại đội 17 trinh sát, Trung đoàn 2 (phiên hiệu 812), Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên-Huế. Là một trinh sát dũng cảm, nhanh nhẹn và mưu trí, từ những ngày đầu vào chiến trường, Lê Văn Chớ liên tục lập chiến công, trở thành tấm gương anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tháng 12-1967, đơn vị của ông Lê Văn Chớ được lệnh hành quân cấp tốc vào chiến trường phía Nam Quảng Trị. Ngày 30-12-1967, ông cùng trinh sát Phan Thế Kiền cải trang và nhờ du kích dẫn đường đi qua nhiều đồn bốt địch giữa ban ngày đến xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đón đồng chí Ngô Hoàng, Phó bí thư Huyện ủy Hải Lăng, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn khi đó về sở chỉ huy tiền phương phối hợp cùng đơn vị vạch kế hoạch vận động quần chúng đấu tranh vũ trang đánh chiếm thị xã Quảng Trị.

Khi về đến thôn Đá Nghi, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng thì lọt vào ổ phục kích của địch. Lê Văn Chớ cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu. Lợi dụng đàn trâu chăn thả ở địa phương để đánh thẳng vào giữa ổ phục kích của địch. Tổ trinh sát của Lê Văn Chớ và đồng chí Ngô Hoàng vừa đánh trả, vừa yểm hộ lẫn nhau thoát khỏi vòng vây, trở về an toàn.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh, thương binh Lê Văn Chớ. 

Đêm Giao thừa, rạng sáng mồng Một Tết Mậu Thân 1968, lực lượng của ta đồng loạt tiến công vào các địa điểm ở trung tâm, căn cứ, kho tàng, sân bay tại Quảng Trị, giáng cho địch một đòn chí tử. Tiểu đoàn 4 (Sư đoàn 324) đồng loạt nổ súng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng Quảng Trị, khu nhà đèn (gồm bưu điện tỉnh, nhà tù Quảng Trị), giành thế chủ động hoàn toàn. Tuy nhiên đến sáng, địch lại tổ chức nhiều đợt phản công với lực lượng và hỏa lực mạnh. Cuộc chiến giằng co từ trưa đến tối, ta và địch giành giật nhau từng căn nhà, dãy phố. Pháo địch bắn trùm lên cả dải phân cách. Toàn bộ thôn Tri Bưu với diện tích gần 3km2 bị đạn pháo cày xới và bom Mỹ san phẳng; hơn 300 cán bộ và chiến sĩ của ta hy sinh trong cuộc chiến giằng co đó nên cấp trên ra lệnh cho Tiểu đoàn 4 bí mật rút về vùng giải phóng để củng cố lực lượng.

Sang năm 1969, Lê Văn Chớ được điều động về chỉ huy mũi chủ công của Đại đội 20 đặc công, Trung đoàn 812. Nhằm lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác, đêm 17, rạng sáng 18-5-1970, đơn vị ông được lệnh tham gia đánh Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 54 ngụy tại điểm cao 440, phía Tây Hải Lăng. Mũi chủ công của Đại đội 20 đặc công do Lê Văn Chớ dẫn đầu bí mật luồn sâu vào sở chỉ huy và khu thông tin đánh "nở hoa trong lòng địch".

Khi đồng chí Hà Văn Bồng, Đại đội trưởng hy sinh, Lê Văn Chớ chỉ huy mũi chủ công lên thay, đánh tiêu diệt và làm chủ trận địa. Trong lúc chiến đấu, ông không may bị thương nhưng vẫn cố gắng chịu đựng, không rời khỏi vị trí chiến đấu. Đến khi bị thương rất nặng lần thứ hai do đạn xuyên từ lưng qua bụng, nguy kịch nên ông Lê Văn Chớ được đồng đội đưa về trạm cứu thương dã chiến phía sau trận địa để phẫu thuật cấp cứu.

Sau thời gian điều trị, vết thương dần bình phục, Lê Văn Chớ được điều chuyển về làm Trợ lý đặc công ở Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, rồi được biệt phái sang Tỉnh đoàn làm Đội trưởng thanh niên xung phong, tham gia phá bom nổ chậm, đắp đường giao thông tại các trọng điểm dọc đường 15A. Từ tháng 6-1967 đến hết năm 1970, gần 4 năm xông pha trận mạc nơi địa đầu tuyến lửa, Lê Văn Chớ đã tham gia rất nhiều trận đánh lớn, nhỏ. Với thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba; nhiều lần được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ".

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Lê Văn Chớ (đứng hàng đầu, ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội trong dịp gặp gỡ 55 năm ngày truyền thống Bộ đội Đặc công. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một thời gian, ông Lê Văn Chớ xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 61%. Hoàn cảnh khó khăn chồng chất, ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ bơm vá, sửa chữa xe đạp đến tham gia thi công, làm đường... Vậy mà, tinh thần tiến công của những người lính đặc công năm xưa được ông phát huy cao độ khi cho ra đời Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ thương mại 27-7 năm 1993. Năm 1998, ông tiếp tục hoàn thành việc xây dựng khách sạn Hoàng Anh, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và con em của họ; hằng năm, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 100 triệu đồng.

Hội trường 150m2 của khách sạn Hoàng Anh được CCB Lê Văn Chớ làm thành Phòng truyền thống của CCB Sư đoàn 324, nơi tụ hội, gặp mặt giao lưu và là nơi hương khói cho các đồng đội đã hy sinh. Nhiều năm qua, nơi đây cũng trở thành mái nhà chung cho thân nhân gia đình các liệt sĩ dừng chân nghỉ lại, những CCB may mắn sống sót trở về từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa hay những người từng sát cánh cùng ông tại Tổng đội Thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc.

Khi cuộc sống ổn định, con cái đã trưởng thành, người CCB sâu nặng nghĩa tình Lê Văn Chớ lại bắt đầu một hành trình mới: Trở lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt đồng đội. Bởi sâu thẳm trong lòng ông là nỗi trăn trở khôn nguôi khi còn biết bao đồng đội vẫn đang nằm lại đâu đó giữa rừng sâu, núi thẳm. Bên cạnh việc thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ hàng trăm thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, ông cùng các đồng đội còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng, lặn lội khắp các chiến trường tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Dấu chân của những người CCB đã in khắp 72 nghĩa trang trên mảnh đất thiêng Quảng Trị và những nơi họ từng chiến đấu để kiếm tìm đồng đội. Gần 1.300 ngôi mộ và hài cốt liệt sĩ được CCB Lê Văn Chớ cùng những người đồng đội tìm kiếm, quy tập, chỉ dẫn thông tin tìm kiếm trong những năm qua là kết quả cho hành trình không mệt mỏi của các CCB.

Bây giờ, ở cái tuổi mắt mờ, chân chậm, CCB, thương binh Lê Văn Chớ không còn đủ sức khỏe để bước chân trên hành trình tìm kiếm đồng đội như xưa, nhưng mỗi ngày qua đi, ông vẫn say sưa với việc trả lời điện thoại của thân nhân gia đình liệt sĩ trên mọi miền đất nước, làm sợi dây kết nối chỉ dẫn cho họ trên bước đường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Như ông Lê Văn Chớ từng chia sẻ: “Chính những người đồng đội của tôi trước khi về với đất mẹ đã nhường lại cho tôi chút hơi ấm cuối cùng. Tôi có sống thêm bao nhiêu cuộc đời cũng không thể trả hết món nợ ân tình này”.

NGUYỄN HẰNG