Anh nuôi Đặng Văn Thìn, một người anh cùng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 968, Đoàn 559 (sau này là Bộ tư lệnh Trường Sơn) với chúng tôi những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một người như thế và được đồng đội luôn nhắc nhớ.
Anh Thìn, quê ở Duy Tiên, Hà Nam. Anh tuổi Thìn nên được các cụ đặt tên theo tên con vật đại diện của năm sinh cho dễ nhớ. Kiểu đặt tên như thế ở quê khá phổ biến. Chúng tôi quý anh Thìn bởi tấm lòng nhân ái và yêu thương cánh lính trẻ như những đứa em, cùng những bữa cơm nóng sốt ngay cả lúc hành quân trong trời mưa tầm tã. Mưa rừng liên miên kéo dài chứ không phải như những trận mưa rào ào đến nhanh và dứt tạnh cũng nhanh.
Trong chiến trường mấy khi được ở hậu cứ. Ra tuyến trước cũng chuyển địa điểm tác chiến liên tục. Những khi ấy bếp ăn được chia ra, mỗi anh nuôi đi theo một trung đội. Tất cả mọi thứ của anh nuôi, từ ba lô đến soong nồi đưa lên vai gánh. Đi trong rừng rậm, lên xuống dốc và lội qua suối sâu liên tục, gánh gồng vất vả hơn rất nhiều so với lính tráng chúng tôi đeo ba lô, vác súng. Bữa cơm phổ biến chỉ có cơm và muối vừng. Gọi muối vừng cho vui chứ có khi cả năm mới có một lần là muối lạc thật, còn toàn là muối rang không, mà có đủ muối ăn cũng đã là quý rồi.
Lúc ở hậu cứ, chúng tôi còn đi kiếm ít rau rừng để cải thiện, chứ khi luồn sâu, chốt giữ hay lùng sục thì chịu. Nhưng nhiều khi cũng có tí rau do anh nuôi kiếm. Phải vừa tháo vát, nhanh và chịu khó, lại thương bộ đội thì mới có. Đó là khi anh Thìn vặt vội được nắm rau tàu bay, mớ lá chua rừng nấu canh hay bẻ được mấy cái hoa chuối ở bụi chuối rừng ven suối làm nộm. Nhưng buổi hành quân đường dài phải dừng lại giữa trời mưa, bất kể là bữa trưa hay bữa tối, chỉ một mình anh Thìn vừa căng che tấm tăng, vừa đào bếp và nấu cơm. Thường thì chỉ cần có cơm, còn chúng tôi ăn cơm xong uống nước suối là được. Vì chúng tôi đã quen thế. Vậy mà nhiều bữa, anh Thìn còn bứt lá chua nấu thêm được cả một nồi canh nóng.
Khi mấy thằng lính chúng tôi lúng túng khen nịnh, anh Thìn bảo:
- Làm mãi thì quen thôi. Chúng mày đánh nhau vất vả, lại chịu ác liệt hy sinh, anh thương lắm. Anh làm được thế cũng là nhiệm vụ, mới thế này đã ăn thua gì.
Nhưng nếu chỉ có như thế thì cũng giống như các anh nuôi khác trong Đại đội, đều hết lòng vì anh em để làm tốt nhiệm vụ. Anh Thìn của Đại đội tôi còn đặc biệt hơn nhiều. Làm anh nuôi nhưng chiến công của anh chẳng kém gì một người lính xung kích mang súng AK, nếu không nói là có phần hơn. Đấy là khoảng cuối năm 1972, khi Đại đội 6 chúng tôi làm nhiệm vụ luồn sâu ở phía Nam Đường 23 trên cao nguyên Bolaven (Nam Lào), Trung đội 4 được tách ra lập chốt cách Đại đội một con suối to. Anh Thìn được phân công đi cùng Trung đội 4. Đợt ấy mưa to và dai dẳng, lũ rừng kéo đến bất ngờ, Trung đội 4 bị cô lập không liên lạc được với Đại đội tới cả chục ngày.
Một lần khi đang mang cơm lên chốt cho bộ đội, anh Thìn bất ngờ thấy một chiếc trực thăng của địch sà xuống đỗ ngay trên đỉnh đồi trước mặt. Không hiểu cái trực thăng ấy bị trục trặc hay có ý định gì đó mà đáp xuống nơi này. Anh Thìn lập tức đặt gùi cơm xuống, xách AK lần lên đỉnh đồi. Thấy có 3 tên địch đang loay hoay cạnh chiếc trực thăng, anh Thìn bình tĩnh lia cho mấy loạt AK, hạ gục cả 3 tên địch. Tiến lại kiểm tra, anh thấy trong trực thăng chẳng có súng đạn gì ngoài mấy thùng hàng, mở ra toàn cá hộp.
Nghe anh Thìn về báo, Trung đội trưởng Tuyền cho các chiến sĩ ra thu toàn bộ số cá hộp cùng mấy khẩu súng cá nhân, không quên quay lại nện cho nó một phát B40 tiêu hủy máy bay. Đề phòng nhỡ nó có điện đài gì trong đó mà mình không biết, nó tự động báo tọa độ về, địch cho quân tới thì bất lợi.
Thật may vì sau mấy ngày biệt lập, gạo mang theo cho mấy ngày đã hết, nhưng cả Trung đội 4 vẫn sống được nhờ ăn cá hộp thay cơm. Đến khi nước lũ rút hết, quay về với đơn vị vẫn còn đủ một ít hộp cá "làm quà" để anh em Đại đội có bữa liên hoan. Sau vụ tiêu diệt địch cùng cái máy bay trực thăng ấy, anh Thìn được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đại đội 6 nổi danh khắp Trung đoàn 9 từ sau vụ đó.
Những ngày ở hậu cứ, lính tráng chúng tôi thường tán đủ thứ chuyện. Trong Đại đội có mỗi anh Thìn tuổi rồng. Chúng tôi ngồi quanh anh tán chuyện và có chút nịnh anh về cái tuổi của con vật cao quý trong 12 con giáp. Không ngờ anh cười rồi bảo chúng tôi:
- Các cụ ngày xưa đặt lịch theo 12 con giáp, chọn xong 11 con rồi, thấy con nào cũng có cái hay cái dở mà ai cũng dễ nhận ra, chẳng con nào thật sự hơn con nào nên mới đặt ra con thứ 12 là rồng, gọi nôm là Thìn... Vì không có thật, chẳng biết hình thù cụ thể ra sao, nên người ta mặc định hình con rồng theo các họa sĩ vẽ ra...
|
|
Tác giả Vũ Công Chiến (bên phải) trong lần thăm lại chiến trường xưa ở Nam Lào (năm 2016). |
Nhìn chúng tôi lao xao một lúc, anh Thìn lại tiếp:
- Còn theo tớ cũng như quan niệm của người thường thì rồng không phải là đứng trên tất cả mà chỉ như 11 con vật khác, nhưng nó lại có thể đóng thế khi cần thiết. Có nghĩa là cứ chỗ nào khó, chỗ nào thiếu thì lôi con rồng ra. Ví như người có nhóm máu “O” ấy mà. Chẳng nhóm máu nào thay được cho nó, nhưng khi cần, máu nhóm “O” lại thay được cho mọi nhóm máu khác. Ngay tớ cũng thế thôi. Lúc này là anh nuôi, nhưng tới khi cần lại là người lính cầm súng...
Nhìn vẻ mặt hiền hiền và nụ cười có vẻ hóm hỉnh khi kết thúc câu chuyện, chúng tôi nhớ đến vụ anh hạ được mấy tên lính địch cùng chiếc trực thăng. Đâu phải người chiến sĩ nào cũng dễ lập được chiến công như thế!
Cái ý nghĩa của câu “lúc cần thì thay thế” anh Thìn nói ra, không ngờ về sau ứng đúng vào anh thật. Khi Trung đoàn 9 chúng tôi chuyển về chiến trường B3 Tây Nguyên, anh Thìn được điều xuống làm Tiểu đội trưởng một tiểu đội bộ binh. Kinh nghiệm chiến đấu và sự dũng cảm ở anh có thừa, lính tráng chúng tôi chẳng ai nghi ngờ. Chiến sĩ trong tiểu đội của anh còn có niềm vui nữa là những khi đi công tác lẻ, anh trổ tài “ca cóng” ra kiếm thêm cái ăn trong rừng như rau, củ... để cải thiện bữa ăn.
Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 nổ ra. Quân ta liên tiếp dành được chiến thắng. Các cánh quân của ta thừa thắng tiến sát về Sài Gòn. Trận đánh căn cứ Đồng Dù sáng 29-4-1975 của Trung đoàn tôi nằm trong đội hình của Sư đoàn 320A là một trận đánh ác liệt. Cửa mở mãi không thông. Mìn định hướng không đủ quét đứt 8 lớp rào các loại, nên bộ binh phải lên phá tiếp bằng bộc phá ống. Trước khi cửa mở được khai thông, tiểu đội bộc phá hy sinh hết, trong đó có Tiểu đội trưởng Đặng Văn Thìn. Các anh ngã xuống trước giờ kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam chỉ... một ngày.
Sau chiến tranh, chúng tôi tới Nghĩa trang An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) thắp hương cho anh Thìn và đồng đội ngã xuống trong trận đánh cuối cùng ấy không chỉ một lần. Mộ những người lính của Sư đoàn hy sinh trong trận đánh cuối cùng ấy nằm trắng một góc nghĩa trang.
Mấy chục năm đã trôi qua, cái vòng 12 con giáp quay đến mấy lần. Cứ mỗi lần như vậy, chúng tôi lại nhớ về anh, người đồng đội đáng mến, Tiểu đội trưởng Đặng Văn Thìn, người anh nuôi tuổi rồng với nhiều nỗi niềm cảm xúc và nhớ thương khôn nguôi.
Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN