Chẳng khó khăn gì khi tìm địa chỉ nhà cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Xuất, Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Bởi địa chỉ nhà anh là một cơ sở chế tác đá mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng mang tên Xuất Ánh, tọa lạc trên một khuôn viên rộng, nằm ngay bên đường Trường Sa nhộn nhịp người, xe ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Vừa vào cổng, tôi gặp ngay một “lão nông tri điền” trong bộ quân phục hải quân đã bạc màu, trên đầu là chiếc nón vải đã nhuốm màu thời gian, tay cầm vòi nước tưới cho hai cây bàng quả vuông bên mô hình cột mốc chủ quyền mang tên Trường Sa Đông.

- Chào anh. Giữa lòng thành phố mà lại có mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông, đặc biệt quá anh nhỉ?

 - Mô hình này tôi xây từ lâu rồi mà, chắc anh mới ngoài Bắc vô?

 - Vâng. Tôi là bộ đội nghỉ hưu, mới chuyển vào sinh sống ở đây được ít năm.

Dường như câu nói “là bộ đội nghỉ hưu” đã kéo tôi lại gần với anh hơn. Anh dừng tay, quay về phía tôi, thân thiện:

- Mô hình được xây dựng gần cuối thập niên 2000, sau hơn 20 năm kể từ khi tôi rời Trường Sa anh ạ.

 - Ô, thì ra anh là cựu lính hải quân. Tôi là lính phòng không-không quân. Mô hình trông y như thật! Vì thế, đứng ở đây mà cứ ngỡ đang ở Trường Sa anh ạ.

leftcenterrightdel
  Mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông do cựu chiến binh Trần Văn Xuất đầu tư xây dựng tại TP Đà Nẵng. 

Anh Xuất sinh năm 1964, nhập ngũ tháng 2-1984 và được biên chế về Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, đóng quân ở Trường Sa Đông (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Tháng 5-1987, anh xuất ngũ. Mô hình cột mốc được xây theo nguyên bản cột mốc ở đảo Trường Sa Đông, nơi anh gắn bó cùng đồng đội vượt qua bao gian nan, vất vả. Mô hình có chiều cao 6m, rộng 1,5m, chi phí khoảng 200 triệu đồng. Còn hai cây bàng quả vuông là do hai người bạn của anh mang từ đảo Trường Sa Lớn về tặng. Mục đích ban đầu khi anh xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền này là để tìm lại đồng đội cũ và thể hiện tấm lòng của một người lính từng có những năm tháng công tác, canh giữ Trường Sa. Đối với những ai chưa có điều kiện đến với Trường Sa, khi nhìn thấy mô hình cột mốc ngay trong đất liền cũng sẽ ý thức được việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo... 

 - Những ngày ở Trường Sa chắc đã để lại trong anh nhiều ký ức đẹp về tình đồng đội?

 Nhấp ngụm trà nóng, anh say sưa: "Những năm 80 của thế kỷ trước, lính đảo Trường Sa khổ lắm. Tôi nhớ, khi tàu chở chúng tôi đến neo đậu gần đảo, nhìn đảo hoang vu với mấy mái lán làm tạm, ai cũng ái ngại. Tôi là người đầu tiên khoác ba lô xuống xuồng bơi vào đảo. Chỉ có đá san hô, gió và những tiếng chim biển kêu hoang dại. Trong đời sống thường nhật trên đảo, cái cần thì không có, cái có thì không cần. Khổ".

Ngày ấy, ở đảo Trường Sa Đông có 31 anh em. Sáng thì vác đá kè đê chắn sóng cho đảo, chiều thì luyện tập quân sự. Khi ấy anh là Khẩu đội trưởng Khẩu đội ĐKZ-75. Làm việc, luyện tập vất vả mà ăn uống thì cực lắm. Gạo để lâu ở nơi có độ ẩm lớn, nồng độ muối trong không khí cao nên rất mau mục. Rau xanh rất thiếu. Cũng may, ngày nhỏ anh Xuất thường theo cha dong thuyền ra khơi đánh cá nên thạo nghề biển. Nhìn nước lên, nước xuống là anh biết nên đi bắt loại hải sản gì. Lúc thì đi bắt ngao, lúc lại bắt bạch tuộc, lúc thì đi chém cá. Các loại đó ở đảo nhiều lắm, mà lại to nữa. Bạch tuộc và cá có con nặng hàng chục ký. Lúc đầu chủ yếu là anh đi kiếm cho anh em, sau anh truyền kinh nghiệm cho anh em nên bữa ăn của bộ đội cũng được cải thiện.

Cho đến bây giờ, kỷ niệm luôn ghi vào tâm trí người CCB hải quân là việc đưa bạn đi cấp cứu ở đảo. Anh nhớ lại: "Tháng 8-1985, đơn vị có một anh tên là Lẹm, quê ở Phú Yên, bị đau ruột thừa, cần phải mổ gấp. Giữa mênh mông trùng khơi, lấy đâu ra bệnh viện mà mổ. Nhìn Lẹm đau quằn quại, có lúc phải chống tay xuống giường, chổng mông lên trời kêu đau, anh em thương lắm. Giá có đau thay được thì anh em cũng sẵn sàng. Đảo trưởng quyết định phải đưa Lẹm vào đất liền. Khổ nỗi, khi ấy phương tiện tàu lớn ở đảo không có. May mà có một tàu đang ở đảo An Bang ghé qua. Lúc đó, sóng to gió lớn, tàu không thể buông neo, chúng tôi đã dùng xuồng không máy đưa Lẹm lên tàu. Nhưng vật lộn từ 9 giờ sáng tới 15 giờ chiều mới đưa được Lẹm lên tàu. Thú thật, cả đơn vị đều nghĩ Lẹm không thể qua khỏi. Khi tàu kéo hồi còi dài chào đảo, anh em chúng tôi đều nghĩ đó là lời chào vĩnh biệt của Lẹm. Đã có những giọt lệ âm thầm rơi".

Lời anh Xuất như đến từ một nơi rất xa. Dường như anh đang xúc động khi nhớ lại những ngày tháng gian khó nơi quần đảo Trường Sa-“Giọt máu thiêng của đất Việt dưới ngầu ngầu bọt sóng” (thơ Trần Đăng Khoa). Tôi thấy nơi khóe mắt anh ngân ngấn nước. Tôi ngồi lặng yên, không nói. Gió từ eo biển Hòa Hải cứ thổi mênh mang. Anh đưa tay dụi dụi đôi mắt đã có phần hoe hoe, rồi tiếp:

- Nhưng điều kỳ diệu vẫn luôn đến với mỗi người trong cuộc đời này anh ạ. Năm 2010, sau 24 năm, trong hành trình đi tìm đồng đội cũ, tôi đã gặp được người đồng đội ấy. Cũng nhiều gian nan lắm. Qua bạn bè, đồng đội, tôi tìm về Phú Yên, quê của Lẹm và biết Lẹm đã đưa vợ con lên Đắk Lắk làm kinh tế mới. Thế là tôi lại đi Đắk Lắk, tìm đến tận nhà, mừng vui không thể nói và cũng buồn biết bao khi thấy đồng đội giờ không thể làm được gì vì đã qua 3 lần mổ, gia đình rất khó khăn. Đây là người đồng đội cuối cùng trong đơn vị mà tôi tìm gặp sau 24 năm rời quân ngũ.

- Vậy là sau 24 năm kiên trì và nhờ cột mốc này mà anh đã tìm gặp được hết những đồng đội đã cùng anh sống và bảo vệ đảo Trường Sa Đông ngày ấy?

- Vâng. Tôi đã tìm và gặp lại được cả 30 đồng đội thân yêu của mình. Mừng lắm, hạnh phúc lắm - anh Xuất trả lời.

Câu chuyện của CCB Trần Văn Xuất mang đến cho tôi một cảm xúc dâng trào. Tôi nể phục và trân trọng nghĩa tình đồng đội sâu nặng của anh. Với anh, những năm tháng cùng anh em đồng đội sống và bảo vệ đảo Trường Sa Đông là những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Trần Văn Xuất bên mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông. Ảnh: ĐỖ NGỌC 

Được biết, từ năm 2005, anh Xuất bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội. Anh nhớ lại những mẩu chuyện, những tâm sự mà anh em từng chia sẻ khi còn ở đảo để làm đầu mối tìm lại từng người. Cứ nghe thông tin về ai, dù ở Ninh Bình, Nha Trang hay Phú Yên... là anh lại lên đường. Bất chợt đi, bất chợt về. Gặp được người này lại hỏi thông tin về người khác. Nhờ thế, anh đã tìm và liên lạc được với cả 30 người cùng ở đảo Trường Sa Đông với anh ngày trước.

Sau khi tìm được nhau đến nay, các anh đã họp mặt được hai lần mà không thiếu một ai. Lần đầu là tại cột mốc này. Lần thứ hai là tại Khánh Hòa. Anh bảo: "Khi anh em về đây gặp mặt, cả gia đình tôi mới hiểu được ý nghĩa của công việc thầm lặng mà tôi đã làm. Tôi cũng hạnh phúc vì đã nhận được sự sẻ chia từ vợ con".

Sau khi tìm lại được đồng đội, biết cuộc sống của họ còn nhiều vất vả, khó khăn nên anh trăn trở, muốn giúp đỡ họ, người thì 5 triệu đồng, người thì 10 triệu đồng. Biết rằng chừng ấy cũng chẳng thấm gì, nhưng giúp đồng đội được chừng nào là anh vui chừng ấy. Vợ anh là người ủng hộ anh nhiều nhất, vì cô ấy hiểu, đời người lính, ngoài gia đình, không có gì quý hơn những người đồng đội đã cùng chia sẻ sướng khổ, vui buồn nơi đầu sóng ngọn gió.

CCB Trần Văn Xuất may mắn hơn đồng đội bởi cơ sở chế tác đá mỹ nghệ của gia đình anh là một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả ở TP Đà Nẵng. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi nước ngoài. Dù bận kinh doanh, anh vẫn luôn dành thời gian và tiền bạc để thực hiện tâm nguyện giúp đồng đội của mình. Hiện tại, cơ sở Xuất Ánh có hơn 100 công nhân, trong đó trên 70% là CCB, con em CCB. 

Thật vui khi nhiều năm nay mô hình cột mốc Trường Sa Đông tại TP Đà Nẵng trở thành một điểm tham quan của không ít khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt với các đoàn học sinh, sinh viên, mô hình cột mốc như một nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Không chỉ xúc động khi được trực tiếp nhìn thấy cột mốc chủ quyền mà các em còn được chủ nhân của nó kể về những kỷ niệm nơi biển, đảo xa xôi. Còn hai cây bàng quả vuông được mang về từ đảo Trường Sa Lớn như biểu tượng của sự bền bỉ, dẻo dai trước gian khổ, sóng gió của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Đại tá, PGS, TS ĐỖ NGỌC THỨ