Chị Thao sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Bố chị và anh trai, chị gái đều lần lượt hy sinh trong các cuộc chiến đấu với quân thù. Bản thân chị khi mới 14 tuổi đã tham gia hoạt động trong đội du kích địa phương. Tháng 2-1965, chị gia nhập lực lượng TNXP. Đầu năm 1967, chị chuyển sang Quân đội, công tác tại Đại đội 4, Tiểu đoàn Bắc Hải, Quân khu 5. Năm 1968, vùng căn cứ ở chiến trường Khu V bị máy bay B-52 đánh phá liên tục khiến lương thực, vũ khí, đạn dược... thiếu thốn trầm trọng. Trước tình hình đó, ngày 8-3-1968, Tiểu đoàn Vận tải nữ 232 (Tiểu đoàn Vận tải 232) được thành lập và chị Phạm Thị Thao được giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn trưởng.
Với quân số khi đó hơn 500 người, Tiểu đoàn được biên chế thành 4 đại đội, 1 trạm xá, 1 bộ phận cơ yếu và 1 đội sản xuất. Nhiệm vụ trọng tâm là vận chuyển vũ khí, vận chuyển gạo phục vụ thương binh, mở đường cho xe qua và sản xuất để có lương thực. Phương thức vận chuyển là gùi bộ. Chị kể: "Khi mới vào quân ngũ thì các chị mang từ 30 đến 40kg, sau tăng lên 60 đến 80kg. Tuyến đường đi thường từ 7 đến 8 tiếng đồng hồ, chủ yếu là đường rừng, toàn đèo dốc, phải cúi lưng xuống mới đi được"... Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu đoàn Vận tải 232 phục vụ rất nhiều trận đánh, trong đó có các trận tiêu biểu như: Quế Sơn, Tam Kỳ, Chu Lai, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Riêng 4 năm, từ 1969 đến 1972, Tiểu đoàn đã vận chuyển hơn 9.000 tấn hàng các loại, bảo đảm cho Quân khu V tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi". Cái tên "Tiểu đoàn Bà Thao" được biết tiếng từ thời đó.
|
|
Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thị Thao. Ảnh: NGỌC THỨ
|
Khi được hỏi bí quyết nào để chị hoàn thành xuất sắc việc chỉ huy một tiểu đoàn nữ với quân số đông như vậy, chị cười: "Có bí quyết chi mô anh. Đã là người lính ở chiến trường thì ai cũng chịu cực khổ, bom đạn như nhau nên tôi luôn tâm tình, chia sẻ buồn vui, vun đắp sự đoàn kết, thương yêu trong đơn vị. Người chỉ huy phải “miệng nói tay làm”. Những lần đi tải đạn, tải lương, tôi cũng gùi như chị em. Thậm chí còn gùi nhiều hơn để làm gương"...
- Mỗi lần chị gùi khoảng bao nhiêu ki-lô-gam?
- Thường là 8 thùng đạn DKB, tức là 80kg. Gạo thì gùi 10 ang, đơn vị đo của dân Khu V chúng tôi. 10 ang cũng tương đương 80kg đó anh.
- Trong các lần đi gùi đạn, gùi gạo, chắc chị có rất nhiều kỷ niệm?
- Kỷ niệm chiến trường thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất là những lần đi xuống vùng B Đại Lộc gùi gạo. Ngày ấy, chiến trường Khu V ác liệt lắm. Địch vây ráp, kiểm soát gắt gao. Thương binh về nhiều mà chẳng có cái ăn. Ngày ấy, để có hạt gạo, phải đổi bằng máu vẫn cứ đi. Không đi thì thương binh không có cái ăn. Nhìn họ vừa gồng mình chống đỡ những cơn đau vừa quằn quại trong cơn đói, mình thấy như có lỗi với họ. Nhìn anh em bị thương, mất nhiều máu, sốt triền miên, người xanh như tàu lá mà phải ăn sắn thay cơm. Có người hy sinh đúng những ngày đơn vị hết gạo... Thương lắm.
Tháng 4-1970, chị Thao chỉ huy một tổ gồm 13 chị em bí mật luồn rừng đi lấy gạo. Địch phát hiện, chúng bắn pháo dữ dội, không thể nào vượt qua con lộ. Suốt từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, 13 chị em ngồi lom khom, thức suốt đêm trong hang đá nhỏ. Một quả đạn 105mm của địch bắn trúng miệng hang. 6 chị hy sinh tại chỗ. Chị Thao và 4 chị bị thương, máu thấm đẫm bộ quần áo bà ba... Lần khác, chị lại chỉ huy một tổ đi lấy gạo. Khi về, đang vượt sông Xuyên Trường thì bị máy bay trực thăng địch phát hiện. Chúng bắn rát lắm. Trên lưng là 80kg gạo, không thể chạy nhanh mà ẩn nấp được. Đúng lúc ấy thì chị Hoàng Thị Lựu bị một mảnh đạn găm vào đùi, máu loang cả mặt sông. Chị đến bên dìu chị Lựu nhưng Lựu không thể đi được nữa. Bỏ gạo để cõng Lựu thì thương binh không có cái ăn. Hạt gạo lúc này cũng quý như máu. Chị động viên Lựu cố đứng tại chỗ rồi vội băng qua bờ, để gạo nơi khô ráo và quay lại. Mặc cho máy bay địch vần vũ trên đầu, bắn như vãi đạn. "Tôi cõng Lựu sau lưng, trước ngực là gùi gạo. Sức nặng của Lựu và gùi gạo cứ muốn dìm tôi xuống sông. Nghĩ đến anh em thương binh ở nhà chờ gạo nên tôi không nỡ bỏ gạo. Bỏ Lựu thì càng không. Tôi cố lấy hết sức để vừa cõng Lựu vừa mang gùi gạo vào đến bờ"-nữ Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao nhớ lại.
Chị cười hiền hậu, đôi mắt đượm buồn nhưng vẫn ngời lên niềm tự hào. Chúng tôi lặng im nghe chị kể chuyện của mình cùng những người đồng đội, những thương binh đã vượt lên gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữa chiến trường Khu V đầy gian khó và ác liệt như vậy. Năm 2010, Tiểu đoàn Vận tải 232 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Bản thân nữ Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong dịp ấy.
|
|
Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thị Thao (thứ hai, từ trái sang) cùng đoàn công tác trao nhà tình nghĩa tặng người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị Phạm Thị Thao lấy chồng và ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Một thời gian sau, gia đình chị lại trở về TP Đà Nẵng sinh sống theo nguyện vọng của chị là được trở về quê để hương khói cho ba mẹ và những người đồng đội. Về đây, chị đảm nhiệm chức Phó văn phòng Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu năm 2002.
Nhận quyết định nghỉ hưu nhưng Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thị Thao lại tích cực tham gia công tác ở địa phương. Từ năm 2004 đến nay, qua 4 nhiệm kỳ liên tục, chị được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam. Cũng 4 khóa liên tục, chị đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Đà Nẵng kể từ năm 2006 đến nay. Mấy chục năm qua, chị luôn đau đáu việc đi tìm mộ các đồng đội của Tiểu đoàn Vận tải nữ 232 đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và nhiều năm qua, chị cùng các đồng nghiệp đã tìm, tổ chức di dời được 30 mộ của đồng đội đưa về nghĩa trang TP Đà Nẵng và về nghĩa trang gia tộc của họ, trong đó có mộ của một đồng đội được đưa về quê ở tỉnh Hà Nam.
Câu chuyện của chị Thao cứ bị ngắt quãng, có lúc gần như tắt tiếng bởi căn bệnh viêm dây thanh quản mãn tính do ảnh hưởng từ việc mang vác nặng và chất độc da cam từ thời chiến đang hành hạ chị. Nhìn chị với dáng người mảnh dẻ, có phần khô gầy bởi những năm tháng gian khổ giữa thăm thẳm Trường Sơn, nhưng nụ cười và ánh mắt vẫn ngời lên một khát vọng cống hiến.
Gió từ sông Hàn vẫn thổi mênh mang. Hương hoa ngoài khuôn viên văn phòng theo gió lan vào dịu nhẹ, vấn vương. Nhấp ly trà nóng, chị Thao khẽ khàng: “Cũng như Hội Trường Sơn các anh, phần lớn thành viên Hội Cựu TNXP TP Đà Nẵng, trong đó có gần 400 cựu chiến binh Tiểu đoàn 232 của chúng tôi trở về quê, bươn chải kiếm sống bằng các nghề lao động phổ thông, làm ruộng hoặc buôn bán nhỏ, ít có cơ hội xây dựng gia đình. Nhiều chị đơn độc suốt đời. Không ít chị đơn thân nuôi con trong nhọc nhằn, thiếu thốn”...
Một khoảng im lặng kéo dài. Nét mặt chị như chùng xuống. Chị đưa bàn tay gầy guộc gạt nhẹ ngang mắt, rồi nói tiếp: “Tôi nghĩ, còn sức còn chiến đấu. Còn sức, chân tôi còn đi. Đi đến những nơi đồng đội tôi đang nằm, đến những gia đình đồng đội còn khó khăn, đến với những mảnh đời bất hạnh”...
Nhìn thấy sự chân thành và quyết tâm từ chị, tôi nghĩ đến những nụ cười, những niềm vui của nhiều gia đình cựu TNXP trong mùa xuân 2024 này, khi những bước chân không mỏi của chị mang đến các món quà nhỏ nhưng nặng trĩu nghĩa tình. Được biết, từ khi giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Đà Nẵng, xuân nào chị cũng đi đến những gia đình hội viên khó khăn để tặng quà. Trong những năm qua, chị cùng các anh trong Ban Chấp hành Thành hội đã vận động kinh phí xây dựng 27 ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội”, hỗ trợ sửa chữa 11 nhà và vận động hàng nghìn suất gạo, tiền, quà, quần áo, vật dụng gia đình, giúp đỡ những đồng đội nghèo khó. Chị đã vận động các bệnh viện và nhiều cơ quan liên quan tổ chức phẫu thuật, điều trị bệnh tim mạch cho 1.455 lượt hội viên khó khăn, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Chiều muộn, chúng tôi chia tay chị trong bịn rịn, nghẹn ngào. Chị tiễn chúng tôi ra tận cổng. Trên đường về, lác đác chậu hoa xuân, cây cảnh... đã được người dân bày bán sớm hai bên đường. Phố phường như tấp nập, đông vui hơn. Tôi ngồi lặng trên xe, thầm cảm ơn chị đã truyền cho tôi ngọn lửa cống hiến. Năng lượng tích cực tỏa ra từ chị như ngọn lửa ấm, khơi dậy trong tôi niềm tự hào về những năm tháng gian lao trên dọc dài cánh rừng Trường Sơn bom đạn. Tôi luôn trân trọng và ngưỡng mộ sự hy sinh lớn lao của lớp người đi trước như chị, của những con người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân giữa thăm thẳm Trường Sơn thời hoa lửa đến nay vẫn đang tiếp tục hành trình lan tỏa hương thơm cho đời.
Đại tá, PGS, TS ĐỖ NGỌC THỨ