Tháng 10-1968, tháng cuối mùa mưa, các lực lượng của tuyến đường Trường Sơn ráo riết chuẩn bị bước vào một mùa khô ác liệt cam go. Bởi sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, kẻ địch biết rõ những lực lượng và vũ khí đã bất ngờ tấn công chúng trên khắp các tỉnh, thành phố miền Nam hầu hết đều hành quân và vận chuyển qua tuyến đường này.

Cuối tháng 11, nước sông rút dần, công binh dùng đá sửa chữa, lát lại ngầm để xe vượt qua. Muốn xe qua sông sớm hơn, nhằm cấp tốc đưa vũ khí và gạo vào cứu đói cho các đơn vị phía trong, củng cố các lực lượng để sẵn sàng bước vào một mùa khô mới, Tiểu đoàn 4 (d4), Trung đoàn 251 nhận được lệnh đặc biệt: Bắc cầu chìm qua sông Tôm Ru.

Cầu hoàn toàn bằng gỗ, mặt cầu chìm dưới mặt nước để máy bay Mỹ rà soi kiểu gì cũng không phát hiện được. Lực lượng khảo sát chọn chỗ có lòng sông hẹp, nước không sâu quá để rút ngắn độ dài của cầu và việc thi công thuận lợi hơn. Theo kế hoạch, tất cả Tiểu đoàn tập trung bắc cầu trước, xong cầu rồi mới nhanh chóng mở đường nhánh, xuyên từ hai đầu cầu về tuyến đường chính, còn được gọi là đường trục. Như thế sẽ bảo đảm bí mật khi bắc cầu, và bất ngờ khi xe đi theo đường nhánh, máy bay địch trinh sát tưởng là đường cụt mà xe ta vẫn vượt được qua sông.

Muốn có gỗ bắc cầu, bộ đội phải khai thác từ những cánh rừng đại ngàn phía bờ Nam. Trung đội tôi cùng một số đơn vị bạn, sáng vượt sông sang bờ Nam lao động, chiều lại vượt sông về doanh trại nhà thùng. Hơn 200 chiến sĩ d4, dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, tìm chọn, chặt hạ những cây gỗ tốt, cưa cắt, đẽo gọt thành các bộ phận của cầu, khiêng về tập kết cạnh bờ sông. Những người khỏe nhất được chọn để lội sông thi công đóng cọc, lắp đà, lao rầm, lát mặt. Mặt cầu được ghép bằng những cây gỗ thẳng, đường kính trung bình khoảng 20cm ken dày sát bên nhau. Công việc rất khẩn trương, không khí giống như những ngày cấp tốc mở đường bí mật mang tên Hội Phong hồi tháng 4, chỉ khác một điều là hồi ấy ăn cơm bao nhiêu tùy sức, còn bây giờ, hai tuần đầu được ưu tiên mỗi người 3 lạng gạo một ngày, chia ra 3 bữa. Bữa sáng ăn lót dạ một lạng là tốt rồi. Hai bữa trưa và chiều cũng một lạng gạo nên phải ăn thêm các thức độn. Các thức độn ấy, thỉnh thoảng mới có sắn, còn lại chủ yếu là măng tre.

Qua mấy tháng mưa lũ, các rặng tre hai bên bờ sông măng lên nhiều vô kể, tha hồ hái lượm. Để loại bớt chất đắng của măng, nuôi quân phải luộc đi luộc lại vài ba lần. Thức ăn duy nhất cho cả cơm và măng là mắm kem. Đó là dạng gia vị được hòa trộn giữa muối tinh với mắm tôm, ép khô cứng thành tảng vuông vức, mỗi tảng nặng tới cả chục ki-lô-gam. Dùng thứ này xào nấu rất tiện, vì vừa có vị mặn của muối, lại có vị ngọt của mắm. Nếu là muối, với khí hậu mùa mưa Trường Sơn ẩm ướt mấy tháng liền, nó sẽ chảy tan dần thành nước, mà khi thành nước thì nó chuyển sang vị đắng ngắt, không dùng được.

Trong khi đó, các tảng mắm kem ép khô thì vẫn giữ nguyên dạng rắn chắc, mỗi lần nấu nướng, phải dùng dao đẽo ra ăn dần. Song một số người ghét mắm tôm, trong đó có tôi, thì rất không ưa cái mùi của loại gia vị này. Bởi hồi tôi lên 5, khi bị trận ốm thập tử nhất sinh, được bà nội cho ăn đậu phụ chấm mắm tôm rồi bỗng khỏi bệnh. Lớn lên, hễ cứ ngửi thấy mùi mắm tôm là tôi lợm giọng rất khó chịu, phải nhanh chóng tránh cho xa. Nhưng lúc này, có mắm kem đã là diễm phúc lắm rồi, và phải là lực lượng tham gia lao động bắc cầu chìm mới được cấp đủ dùng, chứ ai yếu sức ở nhà trông coi doanh trại thì chỉ được hai lạng gạo và mắm kem cũng rất thiếu, nên thường phải lấy than cỏ tranh, rau lạc tiên ăn tạm thay cho vị mặn.

Công việc lao động nặng nhọc, khó khăn. Bắc cầu cho ô tô đi mà không có máy móc, chỉ dựa vào sức người, vất vả gian nan là lẽ đương nhiên. Mỗi bữa ăn, kiểu gì cũng  phải “nhét” cho đầy dạ dày mới có sức mà làm. Cơm chỉ có một phần, còn măng phải nhiều gấp mấy lần cơm. Thức ăn thì chỉ có mắm kem, nên dù có ngán đến mấy cũng phải ăn, không còn cách nào khác. Nếu ăn nhạt chỉ ba, bốn ngày là bị phù. Đã trải qua mấy trận sốt rét, sức khỏe giảm sút nhiều, giờ thỉnh thoảng có hôm vẫn bị sốt nhẹ, nếu thêm bệnh phù thũng, sốt rét càng có cơ hội quật lại, rất dễ trở thành ác tính, mất mạng như chơi. Do đó, dù không ưa hay không thích, kiểu gì cũng phải tự rèn mình để ăn được mắm kem. Những ngày đầu, tôi vừa ăn, vừa buồn nôn, cố chấm thật ít mắm kem, chịu nhạt hơn mọi người. Rồi khứu giác quen dần với cái mùi khó ngửi ấy, vị giác của tôi cũng đòi hỏi không thể ăn nhạt hơn khi mắm kem còn đó, nhất là trong hoàn cảnh lao động nặng nhọc vất vả suốt ngày.

leftcenterrightdel
Minh họa: KHOA AN 

Sang đến giữa tuần thứ ba, cầu cơ bản hoàn thành, chỉ còn gia cố thêm các cọc lan can hai bên. Ban ngày chỉ có vài chục đầu cọc nhô lên khỏi mặt nước. Khi nào xe sắp đến, sẽ chăng vải dù trắng qua các đầu cọc, làm “tiêu” cho lái xe căn đúng “tim” cầu mà vượt qua sông. Xe đi xong lại gỡ vải dù ra, không để máy bay địch nghi ngờ đoán ra cây cầu chìm dưới mặt nước. Trưa ngày thứ 19 kể từ khi bắt đầu việc thi công bắc cầu, hai đường nhánh từ hai đầu cầu ra đường trục sắp thông, thì cũng là lúc hậu cần báo hết không còn hạt gạo nào. Theo cấp trên cho biết, đoàn xe tiên phong 12 chiếc Gaz-63 (loại xe tải hạng nhẹ, dễ cơ động khi tuyến đường còn nhiều chỗ lầy bùn) chở hàng gồm gạo, thuốc y tế và vũ khí đã vượt qua cửa khẩu biên giới từ mấy hôm trước, 2 xe chở gạo đã dừng lại phát cho các đơn vị từ cửa khẩu vào đến Đường 9. Còn lại 10 xe đang trên đường tới đây, theo kế hoạch đến đêm nay sẽ vượt sông Tôm Ru vào các binh trạm phía trong, và có 1 xe sẽ dừng lại cấp gạo cho Tiểu đoàn. Tin vui này làm nức lòng mọi người, như được tiếp thêm sức mạnh, quên hết gian truân, nên bữa trưa hôm ấy không có cơm, cả Tiểu đoàn ăn măng trừ bữa mà không khí vẫn vui vẻ. Những búp măng tre to hơn cổ chân, chỉ lấy phần non tơ nhất, dài chừng một gang trở xuống, bóc ra trắng nõn, bổ dọc thành 6 đến 8 mảnh, luộc bằng nồi quân dụng. Luộc xong vớt ra các rổ tre cho ráo nước rồi chất vào những chậu nhôm nhỏ, kèm với bát mắm kem, mỗi tiểu đội hai chậu măng đầy, để ngay trên đất, cạnh con đường nhánh vừa được mở tạm thông tới đầu cầu. Không có cơm nên không cần dùng bát đũa. Mọi người quây tròn quanh rổ, dùng tay nhón măng chấm mắm kem ăn. Dường như thấy có một số khuôn mặt thất vọng vì chậu nhôm vốn đựng cơm, giờ chỉ toàn măng, thủ trưởng Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn đứng giữa đường nói rất to:

 - Các đồng chí hãy cố gắng ăn thật no, lấy sức chiều nay làm nốt các việc cuối cùng cho cầu chắc, đường thông. Mai có gạo thổi cơm, ta sẽ ăn “trả thù” thằng Mỹ.

Nghe mấy lời động viên pha chút hài hước ấy, mọi người tiếp tục vừa ăn, vừa cười nói rôm rả. Nhưng ăn cơm có thể ăn liền một mạch, chứ ăn măng thì thường phải ngưng nghỉ giữa chừng, như kiểu giải lao cho đỡ ngán, rồi mới cố mà ăn thêm cho đầy bụng, vì thế bữa ăn kéo dài hơn bình thường. Chừng nửa tiếng sau, Tổ trưởng nuôi quân chạy đến thông báo:

 - Măng luộc vẫn còn. Ai cần ăn nữa thì đến bếp dã chiến của Tiểu đoàn lấy thoải mái nhé!

Song, chưa có ai kịp đi lấy thêm măng thì xảy ra sự việc: Đầu tiên là một số người ăn nhanh, ăn nhiều thấy đau bụng, nhức đầu, có người bị nôn. Đó là triệu chứng của bệnh say măng. Măng tre ăn đắng hơn măng le, măng nứa. Vị đắng ấy là chất gây ra chứng say như say sắn. Chắc là mọi hôm ăn măng còn có bát cơm lót dạ trước nên không sao. Hôm nay ăn toàn măng tre, chất đắng tích tụ không có cơm trung hòa, nên lần lượt người trước, người sau đều say, không nhiều thì ít. Người nhẹ thì chỉ đau đầu, buồn nôn. Người nặng thì thêm đau bụng, nôn mửa. Nặng nữa thì “miệng nôn, trôn tháo”, đổ mồ hôi đầm đìa. Mấy chục người nôn xong rồi nằm vật ra la liệt hai bên lề đường, người này ôm bụng, người kia ôm đầu rên rỉ như trong vùng đại dịch. Y tá Dân cũng bị say nhưng nhẹ hơn. Anh khuyên mọi người ai buồn nôn thì móc họng cho nôn ra, quân y không có thuốc giải say, mà chỉ có thuốc chữa sốt rét, chữa đi ngoài. Anh cũng động viên mọi người rằng say măng thì không nguy hiểm đến tính mạng, chịu đựng qua vài ba tiếng đồng hồ là sẽ tự khỏi. Tôi vì không ưa mắm kem nặng mùi, cố gắng ăn cũng bằng nửa người khác, nên chỉ bị đau bụng, nhức đầu và hơi chóng mặt, chưa đến mức bị nôn.

Trước tình hình diễn biến đột xuất như vậy, từ cán bộ đến chiến sĩ đều lo buổi chiều không có người khỏe để làm nốt mấy công đoạn cuối cùng, nhất là phải lội sông làm lan can và đóng hàng loạt đinh “đỉa” gia cố thêm cho cầu vững chắc, kịp cho đoàn xe vượt sông tối nay. Đến đầu giờ làm việc buổi chiều, y sĩ Tiểu đoàn đứng giữa đường hỏi to:

- Có ai còn say không? Đồng chí nào say quá, sức yếu thì không được lội xuống sông. Báo tôi biết để tôi đề nghị đổi cho đồng chí khác thay thế. Ai có ý kiến gì không?

Không ai có ý kiến gì. Tất cả lại hối hả trở về công việc từ dưới sông đến hai ngả đường nhánh, cả hai phía bờ Bắc và bờ Nam. Khoảng hơn 16 giờ mọi công việc đã hoàn thành, vượt kế hoạch đề ra trước gần một tiếng đồng hồ.

17 giờ 30 ngày 21-10-1968, trời chưa tối hẳn, đoàn xe 9 chiếc Gaz-63 lần lượt thận trọng, từng chiếc chầm chậm vượt qua cầu chìm trong tiếng reo hoan hô âm vang hai bên bờ sông Tôm Ru, tiếng reo của hàng trăm lính d4 vừa bị say măng nằm lăn lóc bên đường sau bữa trưa hôm đó. Ghi lại sự kiện say măng tập thể này, tôi đã viết vào nhật ký mấy câu thơ:

      "Bắc cầu chìm qua sông Tôm Ru

      Cuối mùa mưa, gạo không còn nữa

      Măng luộc chấm mắm kem trừ bữa

      Ăn trưa xong, cả Tiểu đoàn đều say

      Đau bụng, nhức đầu, chóng mặt lăn quay

      Say măng tre, nôn xong rồi sẽ khỏi

      Đầu giờ chiều quân y cầm loa hỏi:

      “Có đồng chí nào còn say nữa không?

      Nếu sức yếu thì đừng xuống sông!”

      Nhưng tất cả không có ai nằm lại

      Cầu phải bắc xong cho tối nay xe chạy

      Vũ khí vào chiến trường,

                               mai có gạo thổi cơm!". 

Bút ký của VŨ MINH VỸ