Đầu năm 1972, sau trận đánh phục kích bọn lính Thái ở bản Vườn Lê 42 (thuộc cao nguyên Bolaven, Nam Lào), tôi được cử đi học lớp tập huấn công binh, chuyên về gỡ mìn và kỹ thuật mở cửa hàng rào đánh căn cứ. Sau hơn một tháng, kết thúc khóa học, tôi trở về đơn vị và được biên chế vào B5, trung đội chuyên làm nhiệm vụ mở cửa và đánh lô cốt đầu cầu của đại đội. Chỉ huy mới của tôi khi ấy là Tiểu đội trưởng Đỗ Xuân Trọng.
Anh Trọng đón nhận tôi về tiểu đội một cách hồ hởi, nên tôi rất thoải mái. Anh cho tôi nằm chung hầm, chúng tôi cùng kể chuyện về bản thân cho nhau nghe. Có điều tôi không ngờ là anh lại không biết chữ...Tiểu đội trưởng Trọng dáng người tầm thước nhưng to khỏe theo kiểu lực điền. Anh vào chiến trường trước tôi hai mùa chiến dịch. Anh là một trong những tiểu đội trưởng "cứng", gan dạ và rất xông xáo, giỏi xử lý tình huống trong chiến trận lại có nhiều kinh nghiệm trong đời thường.
Quê anh ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Chỉ cách trung tâm Hà Nội có hơn bốn chục cây số, vậy mà do nhà nghèo nên anh không được đi học. Tuổi thơ của anh gắn liền với chăn trâu, cắt cỏ và làm ruộng. Trước khi đi bộ đội, anh là lao động chính trong gia đình. Vì thế anh càng quý tôi khi biết tôi đã học hết lớp 10 phổ thông. Sự chân thành và nghịch cảnh đã gắn bó tôi với anh thành đôi bạn lính. Lúc ở hậu cứ, hai chúng tôi luôn ở chung hầm. Còn khi ra trận thì tôi và anh bao giờ cũng đào hầm cạnh nhau. Là tiểu đội trưởng nhưng trong những trận đánh chốt, anh thích sử dụng hỏa lực B40, dù rằng giữ súng này thì phải năng vận động và thay đổi vị trí bắn để tránh địch phản pháo. Anh bắn B40 rất tốt. Có trận chốt, anh bắn tới 12 quả đạn trong một buổi sáng mà vẫn không ù tai, hoa mắt như cảnh báo trong lý thuyết. Những lúc ra trận như thế mà được quạt AK yểm hộ cho anh thì thật tuyệt.
Anh Trọng quan tâm đến tôi hơn anh em khác trong tiểu đội chút ít nhưng cũng không ảnh hưởng đến tình cảm chung. Thực ra, lính tráng trong chiến trường sống chết vì nhau lắm. Chúng tôi hầu như ai cũng có thể sẵn sàng hy sinh vì đồng đội. Vào mùa mưa, đơn vị chúng tôi phải làm nhiệm vụ cùi cõng đạn dược và lương thực để chuẩn bị hậu cần cho mùa khô. Những lần vác đạn DKB thì phải hai người vác chung một quả. Quả đạn DKB chính là đạn của hỏa tiễn Cachiusa tháo rời, gồm phần thân và đầu đạn. Phần đầu đạn chỉ nặng 21kg, nhưng phần thân nặng tới 34kg. Mọi cặp khác đều đổi nhau vác, riêng cặp tôi với anh Trọng, thì anh đều giành phần vác thân quả đạn suốt cả quãng đường vận chuyển 6 tiếng đồng hồ...
Trận đánh đầu tiên của mùa khô năm 1972, anh Trọng chỉ huy tiểu đội tôi đánh chiếm cứ điểm Ba Lào Ngam-nơi có hệ thống công sự vững chắc. Vì quanh cứ điểm này, địch không phát quang hết cây lúp xúp, nên chiếc xe tăng của quân ta đi đầu tiên không nhận rõ hướng cửa mở. Trong tiếng máy nổ ầm ầm, một người lính trên xe tăng mở nắp xe hỏi tôi: "Hướng cửa mở đâu?". Tôi chỉ tay, nhưng vẫn chưa nhìn rõ nên người lính tăng vẫy tay, và tôi trèo lên thành xe tăng, định bám vào đó theo xe tăng để chỉ đường. Đúng lúc chiếc xe tăng rồ ga định lao đi thì anh Trọng xuất hiện. Anh nhảy lên thành xe tăng quát to câu gì đó, rồi nắm cổ áo tôi, kéo tôi ngã nhào xuống đất. Đoạn anh vụt đứng dậy hét to với người lính tăng: "Hướng cửa mở đây này!". Và anh chĩa AK về hướng cửa mở bắn một loạt dài. Những viên đạn lửa lắp sẵn của anh tạo thành một vệt đỏ dài thẳng hướng cửa mở. Chiếc xe tăng đóng nắp và xịt khói lao vào cửa mở, kéo theo những chiếc xe tăng khác và đội hình bộ binh có nhiệm vụ đánh thọc sâu.
Tôi chưa hết bàng hoàng thì anh Trọng lại túm lấy cổ áo tôi, gí sát mặt anh vào mặt tôi mà quát: "Mày ngồi trên nóc xe tăng mà làm bia đỡ đạn à?". Rồi anh chỉ tay theo hướng xe tăng, và tôi cũng còn kịp nhận ra những vệt đạn liên thanh của địch bắn vào thành xe tăng tóe lửa. Thế là tôi thoát chết, nhờ sự dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của anh. Sau trận đó tôi càng quý mến anh hơn.
|
|
Ông Đỗ Xuân Trọng (bên trái) và tác giả trong cuộc hội ngộ. Ảnh: CÔNG VŨ
|
Một lần khác, anh lại cứu tôi trong quá trình vô hiệu hóa lựu đạn quân địch gài trên chốt ở điểm cao phía Đông núi Chư Pa khi chúng rời đi. Hôm ấy, vì biết địch bỏ chốt, bao giờ cũng gài bẫy mìn, lựu đạn... nên tôi và anh Trọng lên trước. Tôi đi trước và phát hiện ra những quả lựu đạn địch gài bẫy bằng dây cước chăng ngang lối mòn, tất cả đều là loại nổ tức thì. Hai quả đầu lựu đạn bầu dục tôi dễ dàng khóa nó. Đến quả thứ ba thì gặp phải loại lựu đạn tròn, tôi ghì tay mãi đến cứng đờ hai ngón tay mà vẫn không đưa được lẫy chính về vị trí an toàn. Chỉ cần để tuột tay ra là quả lựu đạn nổ. Trong đầu tôi đã nghĩ đến cái chết hoặc có thể mất một cánh tay... Lúc ấy anh Trọng vẫn ở sát bên tôi, theo dõi mọi chi tiết xảy ra và chắc cũng đọc được ý nghĩ của tôi. Anh nói, giọng nhỏ nhưng kiên quyết: "Cố gắng lên. Hít thở sâu và ghì mạnh vào. Tao sẽ xỏ kim băng giúp mày. Nào!".
Tôi liếc nhìn anh. Quả lựu đạn mà nổ thì tan xác cả hai. Tôi hít một hơi dài rồi nghiến răng dồn lực vào hai ngón tay. Máu căng ra ở hai bên thái dương, giật giật. Anh Trọng vẫn quỳ sát bên tôi, và khi tay tôi vừa uốn được cái lẫy về vị trí gốc của quả lựu đạn thì anh kịp thời nhét cây kim băng vào lỗ chốt an toàn. Tôi buông tay, thả quả lựu đạn rơi xuống đất rồi nằm vật ra, thở dốc. Hai bàn tay cứng như bị chuột rút. Tôi nhìn lên bầu trời xanh tít tắp, cảm thấy mặt đất như đang xoay tròn. Một lúc sau, tôi mới lồm cồm bò dậy. Tôi và anh Trọng nhìn nhau, rồi chúng tôi ôm lấy nhau, thật lâu.
Sau đó chúng tôi tiếp tục gỡ thêm được 3 quả lựu đạn gài nữa, nhưng chỉ dám làm theo cách đơn giản là quấn nó lại và vùi xuống đất... Sau này, chúng tôi còn nhắc lại sự việc trên nhiều lần, mà mỗi lần nhớ lại tôi đều không khỏi rùng mình, sởn gai ốc.
Mùa mưa năm 1973, chiến sự thưa thớt sau Hiệp định Paris. Tôi nhận được hai, ba lá thư nhà. Mấy đồng chí khác trong tiểu đội cũng có thư. Riêng anh Trọng thì chẳng có lá thư nào. Lính tráng chiến trường vốn coi nhau như anh em một nhà, nên tất cả thư đều đem đọc chung và được giải thích một phần những nội dung trong đó. Đời sống tinh thần khá hơn. Tuy vậy, anh Trọng thường chỉ im lặng nghe đọc thư, ít góp thêm chuyện. Thế rồi một lần tôi bảo anh: "Anh cần phải biết chữ. Em sẽ dạy anh học!".
- Liệu có được không? - Anh băn khoăn hỏi lại.
- Được. Nhất định được. Ai cũng học được mà. Chỉ cần anh nghe em là được.
Thế là tôi bắt tay vào chuẩn bị dạy anh học. Cả tiểu đội, rồi cả đại đội biết tin, ai cũng ủng hộ, nhất là chính trị viên đại đội khi ấy là người dân tộc thiểu số, văn hóa mới hết lớp 5, nhưng thích cái ý định của tôi lắm. Anh qua các trung đội, thu thập cho tôi một lô giấy trắng và vài cây bút bi chiến lợi phẩm... Mọi người đều tin tưởng là một đứa học lớp 10 như tôi nhất định sẽ dạy được vỡ lòng. Nhớ lại ngày xưa học vỡ lòng, có hộp ô chữ bằng gỗ nên tôi hì hục lấy gỗ đẽo thành những miếng vuông be bé, phơi khô rồi lấy dùi nung khắc những chữ cái vào các miếng gỗ đó. Tôi khâu một cái túi nhỏ bằng vải dù để đựng các ô chữ cái. Thế là từ đó di chuyển quân đến đâu, anh Trọng cũng đem theo túi chữ. Tôi còn dùi thêm trên mỗi miếng gỗ một cái lỗ. Mỗi ngày, tôi lấy ra một chữ cái, xỏ dây vào và bắt anh Trọng đeo vào cổ như đeo số lính. Cứ dừng chân, giải lao trong các buổi hành quân hay luyện tập là anh Trọng lôi miếng gỗ ra nhận mặt chữ, đọc to ê a và lấy que viết lên mặt đất. Nếu ở lán thì lấy bút viết ra giấy. Học thuộc xong chữ cái thì tập ghép vần, tập đọc. Cái phương pháp của tôi chả hiểu có tính sư phạm nào không, nhưng được cái anh Trọng rất chịu khó và chăm chỉ. Dần dà anh đã đọc được chữ và đã chép được các bài tập viết do tôi soạn, tuy còn chậm. 6 tháng sau, cả đại đội vui mừng khi chứng kiến anh đã viết được một lá thư ngắn đầu tiên gửi về nhà. Lá thư đó đã được cả đơn vị xem trước khi bỏ vào phong bì gửi đi.
Gần cuối mùa mưa năm 1974, đại đội chúng tôi nhận nhiệm vụ luồn sâu để tổ chức những trận tập kích hoặc phục kích nhằm tiêu hao sinh lực địch. Cả đại đội luồn rừng lọt hẳn vào một khu vực nằm giữa hai khu căn cứ của địch ở đường 5A và 5B, phía Tây thị xã Pleiku (Gia Lai). Thời gian này hầu như ngày nào cũng có mưa. Mưa tầm tã, mưa rả rích tới mức dằn vặt. Quần áo lúc nào cũng ẩm ẩm và dẻo dẻo vì dính bùn đất. Đường đi trong rừng le ngoắt ngoéo, nên tầm quan sát bị hạn chế nhiều. Để chống lại các đơn vị luồn sâu của ta, địch cũng cho nhiều tốp thám báo lùng sục, phát hiện quân ta rồi gọi pháo bắn. Nhiều lúc chúng cũng cho các đơn vị bộ binh, chủ yếu là bọn lính biệt động quân, tổ chức theo từng trung đội để lùng sục quân ta. Có lúc hai bên chạm trán nhau bất ngờ và phải nổ súng theo kiểu tao ngộ chiến.
Trong một lần bất ngờ gặp địch, sau ít phút nổ súng, bọn địch rút lui và gọi pháo bắn, anh Trọng bị trúng một mảnh pháo xuyên thấu ngực, phải đưa về trạm phẫu. Từ đó chúng tôi xa nhau.
Mấy chục năm sau ngày miền Nam giải phóng, tôi mới tìm được về quê anh Trọng. Đứng đón tôi trên nền đất trong một ngôi nhà cấp bốn ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội là một người đàn ông luống tuổi. Anh mặc một chiếc áo sơ mi cũ, một chiếc quần sẫm màu đã bạc và đi một đôi dép tổ ong. Không còn vẻ cường tráng của một người nông dân mặc áo lính, không còn vẻ dũng mãnh của một tiểu đội trưởng kiên cường, gan dạ nhưng tôi vẫn nhận ra anh nhờ ánh mắt rực lên như có lửa. Anh Trọng, người tiểu đội trưởng một thời của tôi đó. Tôi lao vào ôm chầm lấy anh, ôm thật lâu như năm nào trên ngọn đồi chốt ở Chư Pa. Ngày đó, chúng tôi đã ôm nhau khi vừa thoát ra khỏi cái chết chỉ trong gang tấc, sau khi hóa giải được quả lựu đạn. Cả hai cùng xúc động trào rơi nước mắt.
VŨ CÔNG CHIẾN