Buổi tối trước ngày xuất phát, cuộc gặp mặt đầm ấm được tổ chức tại một nhà hàng ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội, ngoài các CCB của Trung đội Thông tin chúng tôi, còn có mặt người thân của một số chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Tôi rất vui vì được gặp lại ông Nguyễn Văn Thục, anh trai Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc-tác giả cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” nổi tiếng.
Lần gần nhất, tôi gặp ông Thục vào mùa hè năm 2015, tại cuộc gặp mặt của Trung đội tổ chức ở TP Hạ Long (Quảng Ninh). Lần đó, ông Thục tham gia với tư cách khách mời đặc biệt, tôi có nhiều thời gian để trò chuyện với ông, đặc biệt về anh Thạc, một chiến sĩ của Trung đội chúng tôi. Cùng với ông Thục, chúng tôi tìm đến mảnh vườn của một gia đình nông dân, nơi anh Thạc lúc đầu được mai táng. Lần này, rất tiếc, vì tuổi cao và lý do sức khỏe, ông Thục không thể tham gia chuyến đi vào Quảng Trị. Cũng có mặt tối hôm đó là CCB, Đại tá quân y Đỗ Minh Quang, người đã băng bó và sau đó mai táng anh Thạc hôm 30-7-1972 nhưng vì bận công việc ở bệnh viện nên không thể tham gia đoàn.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn sau khi rời Hà Nội là TP Vinh, nghỉ trưa và thưởng thức các món ăn đặc trưng xứ Nghệ. Điểm dừng chân tiếp theo là Vũng Chùa với Đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rất tiếc, chúng tôi không thể vào thắp nén nhang trên phần mộ Đại tướng, vì hôm đó khu mộ đóng cửa do công việc xây dựng đang tiến hành. Với cá nhân tôi, dù sao cũng có phần an ủi vì mùa hè 2018, tôi đã được đến đây thắp hương Đại tướng.
|
|
Cựu chiến binh Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 thăm lại chiến trường xưa.
|
Buổi sáng ngày thứ hai của hành trình, chúng tôi thăm tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ, trên trục đường Quách Xuân Kỳ, TP Đồng Hới-một di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho chúng tôi. Sau hơn một thập kỷ mới trở lại nơi này, tôi quá ngỡ ngàng trước sự thay đổi to lớn của khu vực nằm bên dòng sông Nhật Lệ với những con đường thênh thang, những ngôi nhà đồ sộ, hiện đại và bắt mắt. Khác với ngày xưa, chúng tôi hành quân ra trận cả tháng trời trên đường Trường Sơn, hôm nay, chỉ sau vài giờ đồng hồ đi xe từ bãi biển Nhật Lệ, đoàn chúng tôi đã đến đất Quảng Trị. Cả đoàn viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi quy tập hơn 10.000 phần mộ các liệt sĩ. Cùng các CCB của Trung đội Thông tin chúng tôi, mùa hè năm 2013, tôi đã đến nơi đây. Lần này, đoàn có nhiều thời gian hơn để lưu lại, sau nghi lễ nghiêm trang và xúc động, chúng tôi tỏa đi thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ.
Như ngày tiến quân trong Chiến dịch Xuân-Hè năm 1972, thẳng tiến theo Đường 9, chúng tôi về Đông Hà. Rồi dọc theo Quốc lộ 1A đi về phương Nam, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Triệu Phong. Nơi nghĩa trang tọa lạc hiện giờ chính là một phần đất của sân bay Ái Tử. Điểm dừng chân tiếp theo là Đài tưởng niệm 20 chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca huyền thoại, ở phía Bắc cầu Thạch Hãn. Tượng đài mô phỏng 20 giọt máu, 20 trái tim màu sáng hồng lấp lánh, soi xuống dòng Thạch Hãn. Và không thể thiếu được trong hành trình là thăm viếng Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và bến thả hoa bên bờ Nam sông Thạch Hãn.
Đối với tôi và đồng đội, về Quảng Trị là về với những đồng đội đang yên nghỉ, về mảnh đất của một thời hoa lửa, đặc biệt là địa phận của tuyến chốt chợ Sãi năm xưa, nằm sát hướng Đông Thành Cổ. Từ tháng 7 đến cuối tháng 10-1972, trước khi nhận lệnh ra bảo vệ cảng Cửa Việt, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ phân đoạn mặt trận này. Đó là lý do tại sao phần lớn các ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Long là nơi yên nghỉ của cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 101, trong số đó có hai chiến sĩ của Trung đội Thông tin chúng tôi: Anh Bùi Đức Nguyên, sinh 1954, quê quán thôn Lạc Dục, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, Hải Hưng (nay là tỉnh Hưng Yên), hy sinh ngày 3-8-1972; anh Phạm Văn Bốn, sinh 1953, quê quán xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Trên đường di chuyển, xe chạy qua cổng làng Hà My làm tôi nhớ lại đầu tháng 10-1972, tôi được giao nhiệm vụ duy trì thông tin liên lạc giữa sở chỉ huy tiền phương của Tiểu đoàn và khẩu đội cối 82mm đặt tại sân nhà thờ Hà My đã sụp đổ vì bom đạn. Hai xạ thủ là anh Bình và anh Thanh, hai chàng trai quê Hà Nội. Ở đó, chúng tôi sống trong căn hầm chữ A chật hẹp, giường nằm là các hòm gỗ đựng đạn. Ngày đêm, chúng tôi chờ lệnh của Ban chỉ huy tiểu đoàn cho nổ súng mỗi khi quân ngụy tìm cách tấn công các điểm chốt của ta. Nhiều đêm chúng tôi phải thức trắng vì trời mưa làm hầm ngập nước, anh em thay nhau tát nước ra ngoài. Rồi những lần quân địch phản pháo, máy bay Mỹ ném bom làm cho hầm bị hư hỏng nặng đến mức gần sụp đổ. Không thể quên các anh, sau nhiều năm đi tìm, gần đây tôi liên lạc được với anh Bình hiện đang sống ở Hà Nội, anh kể, sau ngày toàn thắng, hai anh xuất ngũ nhưng anh Thanh đã qua đời vì bệnh tật.
Sau khi rời Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Long, theo Tỉnh lộ 64 hướng Cửa Việt (hồi chiến tranh, bộ đội ta gọi là Đường 4), chúng tôi đến xã Triệu Trạch, nơi có “Chốt thép Long Quang”, một chứng tích lịch sử anh hùng. Trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, tháng 7-1972, quân ngụy bị chặn đứng ở đây và không thể tiến về cảng Cửa Việt. Sau trận chiến đẫm máu bảo vệ cảng Cửa Việt, kết thúc hôm 31-1-1973, trung đội chúng tôi về đóng quân ở đây cho đến cuối năm 1974.
Đến khu vực trước đây chúng tôi dựng lán, nhiều người chạy ra chào đón. Bà con cảm nhận được chúng tôi là những chiến sĩ Quân Giải phóng từng gắn bó với vùng đất này. Một người đàn ông bắt chuyện rồi kể, khi chúng tôi đóng quân ở làng, ông mới 16 tuổi. Điều bất ngờ là ông còn nhớ tên nhiều người trong Tiểu đoàn bộ chúng tôi và sự kiện đau thương xảy ra với anh Thích -chiến sĩ trinh sát, hy sinh vì chạm phải bom bi còn sót lại khi cuốc đất. Trong số các o du kích của làng, tôi chỉ còn nhớ tên o Phượng. Khi tôi dạy học cho du kích địa phương, o ở lớp tôi, nhà lại ở gần lán của tiểu đội. Rất buồn là o đã mất sau khi vào sống với gia đình ở Tây Nguyên. Những gì đã diễn ra ở Lệ Xuyên (tây) cho thấy, những người lính chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ, như câu nói của bộ đội ta thường nhắc nhở nhau phải làm sao để “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Trên đường vào Quảng Trị, như chuyến thăm lần trước vào mùa hè năm 2013, Tỉnh ủy Quảng Trị mời đoàn chúng tôi nghỉ qua đêm tại nhà khách của tỉnh. Trong bữa ăn tối và ăn sáng ngày hôm sau, chúng tôi có dịp trò chuyện với cán bộ của tỉnh và thật phấn khởi khi được nghe kể về các dự án lớn của Quảng Trị trong thời gian tới, đặc biệt là dự án Cảng hàng không Quảng Trị...
Rất tiếc, hành trình của chúng tôi kết thúc tại Quảng Trị. Do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều đoạn đường ở Quảng Nam-Đà Nẵng bị ngập, buộc chúng tôi thay đổi kế hoạch ban đầu là vào bán đảo Sơn Trà. Mong muốn đến đó của các đồng đội xuất phát từ thực tế, trong tháng 3-1975, đơn vị chúng tôi đã tấn công điểm cao 363 ở phía Tây Huế, rồi giải phóng Huế, vượt đèo Hải Vân, giải phóng Đà Nẵng, và tháng 4-1975 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Trên đường trở ra, đoàn chúng tôi tới viếng thăm Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc trên hệ thống Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Khu di tích, tuy nhiên, năm 1972 khi hành quân ra trận, tôi và các đồng đội đã đi qua khu vực này nên biết rất rõ sự ác liệt cũng như sự gian nan, vất vả của lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải ở cung đường này. Họ đã sống và chiến đấu đúng theo phương châm, tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Nghi lễ được tiến hành tại đây đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều cảm xúc khó quên.
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là bãi biển Cửa Lò, nơi tôi đã đến thăm rất nhiều lần trong những năm qua. Với tôi, Cửa Lò nói riêng và Nghệ An nói chung là một hình mẫu thể hiện sự đổi thay hằng ngày, là sự phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Một loạt công trình mới đập vào mắt tôi, như cầu Cửa Hội, cầu cảng Cửa Lò và hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất Bắc Trung bộ nối đất liền với đảo Ngư ở thị xã Cửa Lò là những dấu hiệu tiếp tục chuyển mình của vùng đất một thời được coi là nghèo đói. Và Cửa Lò cũng là nơi tôi chia tay đồng đội để về quê với mẹ trước khi trở lại Đức.
Thật bùi ngùi khi lại xa các đồng đội mà tôi yêu quý như anh em một nhà và xa Tổ quốc thân yêu của tôi. Nhưng tôi rất vui vì mỗi lần trở về lại được chứng kiến cuộc sống phát triển tươi đẹp, hạnh phúc và bình yên trên quê hương. Sau chuyến đi, tôi ý thức được rằng những đồng đội của tôi đã ngã xuống để đất nước có ngày hôm nay, và chúng ta càng cần phải phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi càng yêu thương hai chữ "Việt Nam" thiêng liêng, càng tự hào về những con đường, cây cầu, ngôi nhà, trường học, bệnh viện... ở những miền quê tôi đã đến và sẽ đến nay mai.
Bài và ảnh: HỒ NGỌC THẮNG (Việt kiều tại Đức)