Lớp cha trước, lớp con sau

Được bầu làm lớp trưởng ngay khi nhập học vào Trường Đại học FPT Hà Nội, một trong những trường đại học tốp đầu cả nước, kết quả học tập luôn đạt khá giỏi, Nguyễn Minh Hải khiến nhiều bạn cùng khóa bất ngờ khi xin bảo lưu kết quả học tập, xung phong lên đường nhập ngũ năm 2022. Cùng Thượng tá Phùng Ngọc Tuấn, Chính trị viên Ban CHQS TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi đến thăm gia đình chàng sinh viên đặc biệt này tại số nhà 183, đường Nguyễn Viết Xuân, phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên. Căn nhà 5 tầng bề thế, rộng gần 300m2 của gia đình Hải tọa lạc ngay vị trí trung tâm, sầm uất nhất thành phố. Được biết, gia đình Hải kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm cao cấp, cung ứng đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Gia đình còn sở hữu hệ thống trang trại chăn nuôi cùng hàng chục xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của gia đình hàng tỷ đồng mỗi năm.

leftcenterrightdel
- Hoạt động giáo dục truyền thống cho thanh niên nhập ngũ năm 2022 ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Sau cái bắt tay thân mật, bố của Nguyễn Minh Hải là ông Nguyễn Minh Đức, người cựu chiến binh từng 5 năm phục vụ trong quân đội, trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bày tỏ: “Điều kiện kinh tế hiện tại của gia đình không khó để lo cho cháu công việc ổn định. Nhưng trước quyết tâm của con trai, tôi rất mừng, vì cũng muốn con vào bộ đội, để vừa hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, vừa có cơ hội rèn luyện cho mình bản lĩnh, ý chí và tính kỷ luật của người lính. Mong muốn lớn nhất của gia đình là con trai phấn đấu được kết nạp vào Đảng trong thời gian tại ngũ”.

Ngồi đối diện với tôi lúc này là chàng thanh niên có nước da trắng hồng, gương mặt điển trai, đôi mắt toát lên vẻ cương nghị. Vừa trò chuyện vui vẻ, Hải vừa nhẹ nhàng gấp vuốt bộ quân phục còn thơm mùi vải mới, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Những ngày qua, Hải nhận được nhiều lời chúc mừng từ bạn bè, sự quan tâm, động viên của gia đình, người thân và cấp ủy, chính quyền địa phương, nên càng háo hức, chỉ mong sớm đến ngày lên đường.

- Vì sao Hải quyết định tạm dừng việc học để vào bộ đội?-Tôi chủ động bắt chuyện.

- Tôi muốn vào bộ đội chỉ với suy nghĩ được rèn luyện, thử thách bản thân trong một môi trường kỷ luật nghiêm khắc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi sẽ có một hành trang khá đặc biệt mà nhiều bạn cùng trang lứa không có được.

leftcenterrightdel
- Các thanh niên Nguyễn Minh Hải (thứ 4 từ phải sang), Nguyễn Triệu Tùng Linh (thứ 3 từ phải sang), nghe các cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Phúc kể chuyện truyền thống. 

Với Nguyễn Triệu Tùng Linh, sinh viên năm thứ hai ngành chăn nuôi-thú y, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kết quả học tập luôn nằm trong tốp đầu của lớp, việc quyết định xin bảo lưu kết quả học tập, xung phong nhập ngũ xuất phát từ mong ước được trở thành chiến sĩ từ khi còn là cậu học sinh cấp I. Có bố đang công tác tại Trường Quân sự Quân khu 2, từ nhỏ Linh thường xuyên được vào thăm đơn vị của bố, được chứng kiến các hoạt động học tập, rèn luyện của các chú bộ đội. Từ đó, Linh đã ấp ủ dự định khi lớn lên sẽ xung phong vào bộ đội, đi theo nghiệp của bố.

Một lý do nữa thôi thúc Linh viết đơn tình nguyện nhập ngũ, xuất phát từ những câu chuyện của các bác cựu chiến binh, kể về những tấm gương anh hùng liệt sĩ, những sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận” năm xưa, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, nhưng luôn giữ vững ý chí cách mạng... Những câu chuyện lịch sử sống động ấy ngấm sâu vào suy nghĩ, hành động của Linh từ bao giờ, để khi quyết định xung phong nhập ngũ, em thấy quyết định của mình thật đúng đắn. “Thời chiến tranh gian khổ, hy sinh lớn lao như vậy, thế hệ cha anh chúng ta vẫn sẵn sàng lên đường, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhiều người còn lấy máu của mình viết đơn xung phong vào chiến trường. Vậy tại sao trong cuộc sống hòa bình, no đủ như bây giờ, thế hệ trẻ không kế tục truyền thống hào hùng ấy”-giọng chàng thanh niên vừa bước vào tuổi 19 đầy quả quyết.

Trách nhiệm công dân thôi thúc lên đường

Mới đây, tại lớp bồi dưỡng chính trị do Ban CHQS quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, tổ chức cho thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự chuẩn bị nhập ngũ, tôi có dịp gặp gỡ thanh niên Nguyễn Khoa Bằng, trú tại số nhà 18, ngõ 20, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Đang là sinh viên năm thứ nhất Chương trình đào tạo cử nhân quản trị và an ninh, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Khoa Bằng xin bảo lưu kết quả học tập để đi bộ đội. Là sinh viên năng động, nhiệt tình tham gia các hoạt động của trường, kết quả học tập khá giỏi, nên việc Bằng tạm dừng việc học để nhập ngũ khiến bạn bè cùng trang lứa không khỏi nuối tiếc. Nhưng ít người biết rằng, đầu năm 2021, anh trai của Bằng, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, được tuyển thẳng vào Khoa Kinh doanh và Quản trị, Trường Đại học RMIT, đã tạm dừng việc học, xung phong nhập ngũ. Chàng sinh viên gốc Hà Nội kể, những lần lên thăm anh trai đóng quân ở Lữ đoàn Công binh 299, Quân đoàn 1, em thực sự ấn tượng về nền nếp sinh hoạt trong quân đội. Nhất là chứng kiến sự trưởng thành, chín chắn của anh trai, biết yêu thương người thân hơn và sống có trách nhiệm với xã hội. Đó chính là tấm gương, là động lực để Bằng quyết định xin bảo lưu kết quả học tập, xung phong lên đường nhập ngũ. “Tôi muốn vào độ đội để được rèn luyện, cống hiến như anh trai của mình. Khi tâm sự nguyện vọng này, tôi được gia đình rất ủng hộ. Mục tiêu tôi đặt ra là phấn đấu được kết nạp vào Đảng, để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ”-Nguyễn Khoa Bằng thổ lộ.

leftcenterrightdel
Thanh niên TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nhập ngũ năm 2022 nghe kể chuyện truyền thống.

Nhắc đến những tấm gương xung phong lên đường nhập ngũ, đang trở thành phong trào rộng khắp trong thanh niên cả nước những năm qua, Trung tá Nguyễn Trung Thuận, Chính trị viên phó Ban CHQS quận Hai Bà Trưng không khỏi tự hào, tâm sự: "Mỗi đợt tuyển quân hằng năm, quận Hai Bà Trưng đều có thanh niên đang học tập trong các trường cao đẳng, đại học xung phong nhập ngũ. Lực lượng này nâng cao chất lượng công dân nhập ngũ, đồng thời thể hiện trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ hôm nay đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Quá trình khảo sát, tìm hiểu công tác tuyển quân năm 2022 tại nhiều địa phương, tôi còn biết đến không ít thanh niên cũng “xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ”. Đó là Lê Nhật Khánh, trú tại phố Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, con trai đầu của ông Lê Xuân Tùng, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa. Từ nhỏ, ngoài việc học, Khánh không phải làm việc nặng bao giờ, nên khi em quyết định xin bảo lưu kết quả học tập tại Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Hồng Đức, xung phong nhập ngũ, những tưởng sẽ bị bố mẹ phản đối, nhưng em lại nhận được sự động viên, khích lệ rất lớn từ gia đình. Lê Nhật Khánh tâm sự, lý do đi đến quyết định tạm dừng việc học để nhập ngũ, bởi bản thân từng trải qua một khóa học kỳ quân đội từ khi còn nhỏ. Được trải nghiệm môi trường quân đội, làm quen với giờ giấc, nền nếp chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt, chứng kiến các chú bộ đội ngày ngày hành quân ra thao trường, mang trên mình bộ quân phục khỏe khoắn, chững chạc, Khánh vừa tự hào, vừa cảm mến. Trong suy nghĩ non nớt của cậu học trò nhỏ bắt đầu nhen nhóm ước mơ trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ. “Hai năm nghĩa vụ quân sự sẽ là thời gian bổ ích, giúp con vững vàng, chững chạc hơn trong cuộc sống sau này. Điều tôi mừng nhất là cháu sống có lý tưởng, có khát vọng, có trách nhiệm với xã hội, với quê hương đất nước”-ông Lê Xuân Tùng tự hào khi nhắc đến cậu con trai, nay đã trở thành chiến sĩ.

leftcenterrightdel
 Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc kể chuyện truyền thống cho các bạn trẻ chuẩn bị lên đường nhập ngũ.

Theo giới thiệu của đồng nghiệp, tôi còn biết đến Lê Nguyên Khang, gia đình ở số 7, đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Khang được nhiều bạn bè, thầy cô yêu mến, nể phục không chỉ bởi thành tích học tập, mà còn bởi em là một cây bóng rổ có hạng ở Trường Đại học Văn Lang. Khi được hỏi vì sao muốn vào bộ đội, chàng thanh niên Nam Bộ chẳng cần suy nghĩ: "Ông ngoại của tôi là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Ông trẻ tôi là cán bộ cấp cao công tác ở Binh chủng Đặc công. Nhiều anh em họ hàng của tôi đang phục vụ trong quân đội. Truyền thống gia đình, trách nhiệm công dân thôi thúc tôi nhập ngũ".

Như vậy có thể thấy, những sinh viên quyết định "xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ" đều là những sinh viên tốt, dù hoàn cảnh và lý do để họ đi đến quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ là khác nhau nhưng điểm chung là họ đều thấy quân đội là "trường học lớn" để họ rèn luyện bản lĩnh, nhân cách-hành trang quan trọng nhất để mỗi người bước đi những bước vững chắc cho cuộc đời còn rộng dài phía trước của mình.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG