Người dân Thủ đô, nhất là những người sinh sống trên địa bàn Long Biên, Gia Lâm có lẽ không lạ lẫm với hình ảnh những chiếc máy bay của Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng - Binh đoàn 18) lên xuống đường băng sân bay Gia Lâm mỗi ngày.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, như: Bay chuyên cơ; phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; hiệp đồng diễn tập; trực sẵn sàng chiến đấu... công ty còn cung cấp nhiều loại hình bay dịch vụ, như: Phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí; MIA (chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam); cấp cứu y tế; du lịch...

Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các loại hình bay dịch vụ đều bị ảnh hưởng, nhất là bay du lịch. Trong khó khăn, công ty đã năng động tìm ra hướng đi mới là cung cấp dịch vụ bay cứu hỏa trọn gói (gồm phi công, kỹ thuật hàng không, dịch vụ bảo hành, bảo hiểm) cho đất nước Indonesia.

leftcenterrightdel
Đại tá Kiều Đặng Hùng, Tư lệnh Binh đoàn 18 (thứ sáu, từ phải sang) tặng hoa tổ bay trước chuyến bay sang Indonesia, tháng 10-2021. 

Còn nhớ, một sáng trung tuần tháng 10-2021, khi trời vần vũ mây cao mây thấp bởi cơn bão số 8 đang tiến vào đất liền, chiếc trực thăng Mi-172 mang số hiệu VN-8425 cùng tổ bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm sang Indonesia. Sáng hôm đó, trước bầu trời xám xịt, chúng tôi thoáng nghĩ ban bay có thể khó thực hiện.

Tuy nhiên, suy nghĩ đó sớm bị xua đi bởi niềm tin vào trình độ bay điêu luyện của các phi công trực thăng. Họ đã được thử thách trong nhiều nhiệm vụ đặc biệt, như: Bay treo ở độ cao cực thấp để tời cẩu, cứu người trên tàu mắc cạn trong bão; bay xuyên đêm cấp cứu bệnh nhân trên các đảo xa; hay có thể cơ động, hạ cánh trên nhiều địa hình hiểm trở để thực hiện nhiệm vụ MIA... Quả đúng như vậy, thời tiết xấu nhưng không cản được những cánh bay. 6 giờ sáng hôm đó, trực thăng cất cánh “mang chuông đi đánh xứ người”.

Xem toàn bộ hành trình trong kế hoạch bay và rà trên bản đồ khu vực Đông Nam Á, có thể thấy đây là chuyến bay rất đặc biệt. Sau khi cất cánh từ Gia Lâm, tổ bay hạ cánh để tiếp nhiên liệu bổ sung lần lượt tại các sân bay: Đồng Hới, Chu Lai, Cam Ranh, Vũng Tàu, Năm Căn, Sultan Mahmud (Malaysia) và đích đến là sân bay Hang Nadim (Indonesia). Tổng quãng đường bay cũng thật ấn tượng: Hơn 2.600km.

Với hàng không dân dụng, những chuyến bay có điểm đến trong khu vực hay châu lục khác là chuyện bình thường, nhưng với trực thăng, chuyến bay với hành trình và tổng quãng đường như trên là điều khá hiếm. Trước đó, trong tháng 9-2021, một chuyến bay trực thăng từ Việt Nam sang Indonesia với hành trình tương tự để thực hiện dịch vụ bay cứu hỏa cũng được Công ty Trực thăng miền Bắc (TTMB) tổ chức thành công.

Có gần 2.000 giờ bay tích lũy trên dòng trực thăng Mi, trong đó khoảng 200 giờ bay biển nên Thượng tá Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TTMB rất am tường về đặc điểm của những chuyến bay như vậy. Anh chia sẻ: Để bay từ Việt Nam sang Indonesia, trực thăng cần tới 17 giờ hoạt động trên không. Những chuyến bay quốc tế như vậy đặt ra yêu cầu rất cao đối với tổ bay và các thành phần liên quan.

Trong đó, phi công phải sử dụng thành thạo tiếng Anh theo mức 4 của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), làm cơ sở để liên lạc và bay đúng phương thức quy định của từng sân bay cũng như khi hoạt động trên đường hàng không quốc tế. Do chặng đường bay chuyển sân rất dài, trên nhiều địa hình ở nhiều quốc gia nên cần đặc biệt chú ý đến việc nắm bắt, dự báo khí tượng. Ngoài ra, công ty phải phối hợp chặt chẽ với đối tác nước ngoài tại các sân bay để làm tốt công tác dự báo, thông báo, điều hành bay; tra nạp nhiên liệu; phòng, chống dịch Covid-19...

Để tổ chức thành công các chuyến bay từ Việt Nam sang Indonesia, một đội hỗ trợ chuyển sân cũng được Công ty TTMB thành lập nhằm kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh. Sau khi kết thúc đợt bay cứu hỏa tại Indonesia và cơ động về nước, cũng nhờ đội hỗ trợ nắm sát tình hình và thông báo kịp thời nên trực thăng của công ty đã chủ động chuyển hướng về hạ cánh tại một sân bay khác trên chặng bay qua Malaysia để có đúng chủng loại nhiên liệu nạp bổ sung cho trực thăng Mi.

Chia sẻ về hành trình “mang chuông” vượt biển, Thiếu tá, phi công cấp 1 Nguyễn Hữu Phú, Chủ nhiệm Chính trị Công ty TTMB cho biết: "Đây là những chuyến bay chuyển sân quốc tế lần đầu được thực hiện bởi lực lượng phi công, nhân viên kỹ thuật của công ty. Để bay đúng hành trình, phi công phải nghiên cứu kỹ từng chặng, các sơ đồ sân bay chính thức và sân bay dự bị; đồng thời sử dụng tốt hệ thống dẫn đường trên máy bay và chấp hành nghiêm lệnh chỉ huy bay".

Sau hành trình vượt biển xa là những ngày bay cứu hỏa trên nước bạn. Điều khiển trực thăng cơ động trên địa hình rừng núi, thời tiết mùa khô nắng nóng, trong khi phải mang gàu chứa khoảng 4.000 lít nước, với độ dài cả dây và gàu ước khoảng 75m, các tổ bay đã thực hiện thành công 250 giờ bay chữa cháy rừng, bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Phía bạn đánh giá cao tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp và hiệu quả chữa cháy rừng của các tổ bay, đồng thời đề nghị công ty tiếp tục cung cấp loại hình dịch vụ này trong thời gian tới”, Thượng tá Phạm Văn Dũng cho biết.

Từ tác động của dịch Covid-19, Công ty TTMB đã năng động, sáng tạo biến “nguy” thành “cơ”, tổ chức huấn luyện bay cứu hỏa chặt chẽ, tạo cơ sở quan trọng để lần đầu tiên cung cấp thành công dịch vụ bay chữa cháy rừng ra nước ngoài. Hành trình ấy cũng thể hiện khả năng hoạt động độc lập của các tổ bay trên những đường bay quốc tế, qua đó khẳng định trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, phi công, nhân viên Công ty TTMB trong thời kỳ hội nhập.

Bài và ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ