Ham bay, say học làm chủ bầu trời
Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) được trang bị máy bay mới. Cùng với nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, công tác đào tạo chuyển loại nâng cao trình độ đội ngũ phi công được lữ đoàn tổ chức chặt chẽ, khoa học để từng bước khai thác, làm chủ máy bay, vũ khí, trang bị hiện đại.
Tích cực học tập chuyển loại
Trời bừng nắng, sân bay Gia Lâm rền vang tiếng động cơ máy bay. Cả Lữ đoàn 918 tập trung phục vụ bảo đảm cho ban bay huấn luyện. Từ nhà điều hành, Thượng tá Đinh Chu Khiêm, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 918 vòng ra khu vực sân đỗ tiếp thu máy bay C-295, số hiệu 8901. Đã có hơn 1.000 giờ bay, nhưng mỗi lần cất cánh, anh đều thận trọng, tỉ mỉ trong công tác chuẩn bị, kiểm tra chất lượng máy bay hết sức chặt chẽ. Được lệnh của chỉ huy bay, chiếc C-295 từ từ lăn bánh ra đường băng, nhấc bánh mũi cất cánh. Đây là chuyến bay nhiệm vụ đường dài Gia Lâm-Đà Nẵng vận tải khí tài quân sự.
Trên đài K4, Đại tá Lê Quang Hòa, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 theo dõi chỉ huy ban bay. Sau khi máy bay chuyển sóng tiếp cận, anh Hòa trao đổi: “Hiện tại, lữ đoàn đang khai thác các loại máy bay hiện đại, như: C-212-400, C-295, NC-212i. Đây là dòng máy bay CASA do Airbus sản xuất nên phương thức khai thác có nhiều thay đổi so với dòng máy bay của Liên Xô (trước đây). Máy bay mới, các thiết bị buồng lái được tích hợp trên màn hình điện tử hỗ trợ rất nhiều cho phi công trong quá trình bay. Tuy nhiên, để hiểu và làm chủ được các thiết bị đó, đòi hỏi phi công phải có trình độ tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành vững vàng”.
|
|
Niềm vui của cán bộ, phi công Lữ đoàn 918 sau chuyến bay huấn luyện an toàn trên máy bay hiện đại. |
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngay từ đầu, Đảng ủy Lữ đoàn 918 đã ra nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch chặt chẽ, tổ chức các lớp học tiếng Anh tại đơn vị, cử lực lượng tham gia học tập tại Học viện Hàng không Việt Nam. Khi tiếp nhận máy bay mới về, lữ đoàn tập trung đội ngũ phi công có trình độ, dày dạn kinh nghiệm tham gia học tập chuyển loại, nghiên cứu tính năng kỹ thuật, chiến thuật của máy bay, đặc biệt chú trọng nghiên cứu khai thác trang thiết bị mới bằng tiếng Anh, từng bước lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm từ chuyên gia nước bạn.
Gắn bó nhiều năm với máy bay An-2, khi có kế hoạch tiếp nhận máy bay NC-212i, Thượng tá Đỗ Văn Lành, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 918 được lựa chọn bay chuyển loại cùng chuyên gia Tây Ban Nha. Kết thúc khóa huấn luyện hỗ trợ kinh nghiệm ban đầu, anh được chuyên gia phê chuẩn giáo viên lái chính, chỉ huy bay ngày, đêm trong điều kiện khí tượng giản đơn, khí tượng phức tạp. Chia sẻ về những yêu cầu trong quá trình sử dụng, anh Lành tâm sự: “Với dòng máy bay mới, mọi thao tác điều khiển đều bằng thiết bị điện tử tự động. Khi bay, máy tính sẽ tính toán chính xác về số liệu, độ cao, tốc độ cho phi công. Nếu có sai lệch, máy bay sẽ tự động thông báo cho phi công thực hiện. Quá trình bay không phức tạp, nhưng điều quan trọng là mình phải làm chủ được các thiết bị đó. Vì vậy, ngoài khả năng tiếng Anh, phi công còn phải nắm vững và tuân thủ đúng tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất”.
Được giao nhiệm vụ bay chuyển loại máy bay mới là niềm vinh dự lớn nhưng cũng hết sức nặng nề, đòi hỏi đội ngũ phi công, thành viên bay phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khi làm việc, các chuyên gia Tây Ban Nha kèm cặp tận tình nhưng yêu cầu rất khắt khe.
|
|
Phi công kiểm tra các thiết bị buồng lái chuẩn bị cất cánh. |
Là phi công tham gia những chuyến bay đầu tiên trên máy bay NC-212i, Thượng tá Lưu Văn Hoan, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 918, chia sẻ: “Trước khi bay ra Trường Sa, tôi từng bay tại các sân bay gần biển, như: Rạch Giá, Cà Mau; huấn luyện bay cất, hạ cánh trên đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện tại Trường Sa có nhiều điểm khác với các sân bay trên bờ, gần biển”.
Khó khăn là vậy, nhưng phi công luôn thực hành đúng nội dung bài bay, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Quá trình tổ chức chỉ huy thực hành bay được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Theo lời kể của anh Hoan, cảm xúc bay ra Trường Sa thật ấn tượng. Khi máy bay hạ cánh, bộ đội đứng hai bên làm tiêu binh ngoài sân bay khiến phi công rất xúc động. Sau hành trình bay dài vất vả, tổ bay nhận được tình cảm nồng ấm và sự giúp đỡ nhiệt tình của bộ đội, nhân dân trên đảo. Những món quà là rau xanh, trái cây dành tặng quân dân Trường Sa càng góp phần thắt chặt thêm tình cảm gắn bó giữa đất liền với biển, đảo của Tổ quốc.
Khai thác hiệu quả, sử dụng an toàn
Quá trình huấn luyện là quá trình tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho mỗi phi công. Chính vì vậy, lữ đoàn luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, trình độ, năng lực, phẩm chất của người phi công quân sự. Hoạt động bay có tính đặc thù cao, phi công không chỉ cần tố chất sức khỏe tốt mà còn phải có trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm xử trí tình huống bất trắc trên không. Do vậy, việc kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước là điều rất quan trọng. Sau mỗi ban bay, công tác giảng bình luôn được tiến hành chặt chẽ, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế để có biện pháp khắc phục.
Trung tá, phi công Quản Trọng Hải, Chính trị viên Phi đội 1 là một trong những người được tham gia bay chuyển loại máy bay C-295 đầu tiên của lữ đoàn. Khi được hỏi về kinh nghiệm trong quá trình huấn luyện chuyển loại, anh bộc bạch: “Có trình độ tiếng Anh, nhưng để bay an toàn, hiệu quả thì phi công phải có kiến thức, trình độ chuyên môn vững vàng, nắm chắc về nguyên lý bay, kỹ thuật hàng không, dẫn đường bay, khí tượng... Trước mỗi bài bay, phi công phải chuẩn bị cụ thể, tỉ mỉ sơ đồ bài bay, nắm chắc các số liệu về độ cao, tốc độ, các địa tiêu, địa vật, đài dẫn đường, sân bay dự bị, quy chế sân bay đi và đến, các tình huống bất trắc phát sinh và biện pháp xử lý, tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, giản đơn”.
|
|
Tổ bay tiếp thu máy bay chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ. |
Với những hỏng hóc phát sinh trong thực hành bay, trước hết phải bình tĩnh, giữ tốt trạng thái máy bay, kịp thời báo cáo chỉ huy bay, xác định hỏng hóc cụ thể, điều hành tổ bay thao tác theo đúng quy trình hướng dẫn xử lý bất trắc trên không. Muốn vậy, việc nắm chắc kỹ thuật hàng không, am hiểu máy bay là điều rất quan trọng. Đặc biệt, trong bất kỳ tình huống nào, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ sáng suốt và kinh nghiệm thực tế của phi công luôn là yếu tố quyết định. Tất cả điều đó được tích lũy trong quá trình thực hành, rèn luyện vất vả, nghiêm túc.
Hơn 20 năm gắn bó với hoạt động bay và bay trên 5 loại máy bay khác nhau, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Biên đội trưởng, Phi đội 2 luôn thận trọng, tỉ mỉ từ công tác chuẩn bị đến thực hành bay, đặc biệt, yếu tố an toàn bay luôn được đặt lên hàng đầu. Khi máy bay cất cánh, mọi tình huống diễn ra chỉ trong tích tắc, nếu phi công không tỉnh táo, sáng suốt, rất dễ dẫn đến mất an toàn bay. Anh nhớ lại tình huống xử trí bất trắc thành công trên máy bay NC-212i khi đang bay chuyển loại tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là ban bay huấn luyện ngày. Trước khi cất cánh, tổ bay tiếp thu máy bay ở trạng thái tốt, quá trình bay, động cơ và các hệ thống hoạt động bình thường. Khi về cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 75km, ở độ cao 2.100m, phi công phát hiện tiếng động cơ bên phải giảm, đèn cảnh báo trung tâm sáng, áp suất dầu nhờn động cơ phải giảm, vòng quay động cơ giảm từ 97% xuống 42%. Trước tình huống phát sinh trên, tổ bay nhanh chóng tắt động cơ phải theo đúng hướng dẫn, báo cáo chỉ huy bay về việc hạ cánh khẩn cấp với một động cơ. Đây là hỏng hóc phát sinh trên không, đặc biệt là hỏng hóc động cơ, rất nguy hiểm, lần đầu xuất hiện khi tiếp nhận máy bay mới. Tuy nhiên, tổ bay đã xử lý kịp thời, chính xác, đưa máy bay về hạ cánh an toàn.
Với tinh thần ham bay, say học của đội ngũ phi công, thành viên bay, các khóa huấn luyện, bay nhiệm vụ trên máy bay mới bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kết quả này khẳng định tính vững chắc trong công tác huấn luyện bay của đơn vị. Đại tá Vũ Tiến Dũng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, khẳng định: “Để tiếp thu, sử dụng hiệu quả các loại máy bay mới, đơn vị tiếp tục tổ chức huấn luyện chuyển loại theo đúng kế hoạch phê chuẩn. Với nhiều nội dung bay phức tạp trong điều kiện khí tượng, địa hình khác nhau đòi hỏi đội ngũ phi công phải tăng cường học tập, ôn luyện về lý thuyết bay, xử lý bất trắc, sử dụng trang thiết bị buồng lái. Đơn vị thường xuyên tổng hợp nội dung, chương trình huấn luyện chuyển loại với chuyên gia để làm cơ sở xây dựng giáo trình huấn luyện chiến đấu, hướng dẫn sử dụng máy bay và sổ tay phi công, qua đó nâng cao khả năng khai thác, làm chủ máy bay hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bầu trời Tổ quốc”.
Bài và ảnh: VŨ DUY