Cùng với hóa giải những "quả bom" ô nhiễm đột xuất, họ còn thường xuyên tham gia xử lý chất độc da cam/dioxin sau chiến tranh, đem lại cho người dân cuộc sống trong lành, xanh, sạch...

Bài 1: "Bắt mạch" môi trường

Lặng thầm bộ đội quan trắc

Những ngày cuối thu, trong căn phòng yên tĩnh của Trạm Quan trắc cảnh báo môi trường độc, xạ miền Bắc, Viện Hóa học môi trường quân sự trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, Trung tá Phạm Viết Đức đang miệt mài với những số liệu. Đó là thông số mẫu nước, không khí của TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận được trạm thu thập, phân tích, theo dõi thường xuyên. Những con số là thước đo đánh giá “sức khỏe” của môi trường.

Anh Đức lý giải: "Trong thành phần của nước, không khí có nhiều tạp chất do khói, bụi. Đặc biệt, chất thải từ nhà máy, khu công nghiệp... dễ tán phát trong nước, không khí, gây hại cho sức khỏe con người nhưng lại không màu, không mùi nên khó nhận biết. Có những loại chất độc chỉ khi con người, động vật tiếp xúc, xuất hiện triệu chứng mầm bệnh thì mới phát hiện được. Do đó, việc theo dõi thường xuyên chất lượng nguồn nước, không khí có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo đảm môi trường sống trong sạch cho người dân".

leftcenterrightdel
Viện Hóa học môi trường quân sự quan trắc môi trường tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TRƯỜNG SỰ

Ngoài nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo phát hiện các biến động ô nhiễm môi trường hóa độc, xạ, trạm còn tham gia phân tích xác định các tác nhân hóa học, phóng xạ, khắc phục các sự cố độc xạ và đánh giá tác động môi trường. Vậy nên, công việc của anh Đức và đồng nghiệp liên quan chủ yếu đến các hóa chất và phản ứng hóa học, âm thầm, lặng lẽ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Cơn gió lạnh khẽ ùa tới, bất giác gợi cho anh Đức nhớ về kỷ niệm năm 2016. Sáng sớm, Viện Hóa học môi trường quân sự liên tục nhận được điện thoại thông báo cá ở Hồ Tây, TP Hà Nội chết hàng loạt, nổi dạt vào bờ. Ngay sau đó, anh Đức nhận lệnh cùng 3 đồng nghiệp mang hóa chất và thiết bị chuyên dụng ra hồ phân tích mẫu nước. Sương trắng bảng lảng mặt hồ, hàng nghìn con cá chết trắng bụng nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Mùi không khí xú uế nặng nề. Chiếc thuyền chở đoàn công tác lướt tới từng điểm xác định, lấy mẫu nước đổ vào thùng, sử dụng hóa chất đánh lắng, rồi phân tích, đánh giá...

leftcenterrightdel
Viện Hóa học môi trường quân sự quan trắc môi trường tại đảo Đá Tây A. Ảnh: TRƯỜNG SỰ

Điều bất thường xảy ra, nước ở khu vực gần bờ nồng độ nhiễm độc rất thấp nhưng ở khu vực giữa hồ nồng độ nhiễm độc lại cao, gây khó khăn cho nhóm công tác trong việc tìm nguồn lây. Quá trưa, công việc phân tích thành phần nước tại thực địa mới xong, chuyển sang bước phân tích tại phòng thí nghiệm. Rất nhanh chóng sau đó, kết quả phân tích nguồn nước ô nhiễm đã được Viện Hóa học môi trường quân sự gửi đến cơ quan chức năng.

Ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp thiết nên không chỉ trên địa bàn TP Hà Nội, bất cứ nơi đâu cần, nhận mệnh lệnh là anh Đức cùng đồng đội lập tức lên đường.

Cũng trong năm 2016, biển miền Trung bị ô nhiễm do Công ty Formosa gây ra. Anh Đức nhận được lệnh tức tốc lên đường. Hơn nửa tháng, anh cùng cán bộ, nhân viên Viện Hóa học môi trường quân sự đi thuyền dọc bờ biển từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Thừa Thiên Huế, ban ngày vượt sóng gió lấy mẫu nước gần bờ và ngoài khơi, đến tối xử lý kỹ thuật, gửi mẫu ra trung tâm ở TP Hà Nội phân tích. Kết quả, viện đã có thông số chính xác báo cáo cấp trên và tham mưu cho cơ quan chức năng, góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân sự cố môi trường nghiêm trọng này.

Dấn thân trong hiểm nguy

Trên khắp các vùng miền của Tổ quốc, cán bộ, nhân viên Viện Hóa học môi trường quân sự luôn theo sát những biến đổi của môi trường. Trong những ngày TP Hồ Chí Minh oằn mình chống dịch Covid-19, chúng tôi liên hệ với Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Trạm trưởng Trạm Quan trắc cảnh báo môi trường độc, xạ miền Nam (gọi tắt là Trạm Quan trắc). Anh Đức kể ngay, từ đầu tháng 7, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, cán bộ, nhân viên trạm căng mình làm việc gấp đôi ngày thường. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên quan trắc, cảnh báo phát hiện các biến động ô nhiễm môi trường hóa độc, xạ, trạm còn cử lực lượng cùng chính quyền địa phương làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm dịch phòng, chống Covid-19.

Qua vài phút trò chuyện, tinh thần sôi nổi của Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức làm chúng tôi như cảm nhận được sự nhiệt huyết của cán bộ, nhân viên trạm. Bắt nối câu chuyện, Thiếu tá QNCN Võ Hồng Cầu, nhân viên hóa nghiệm của trạm hồ hởi kể thêm với chúng tôi, hơn chục năm qua, cán bộ, nhân viên trạm đã tham gia khắc phục nhiều sự cố môi trường như tràn dầu, rò rỉ hóa chất, cháy, nổ kho hóa chất, trải dài trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Thuận đến Kiên Giang, Bến Tre... Lần cam go nhất cán bộ, nhân viên của trạm tham gia là khắc phục sự cố cháy kho hóa chất tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, năm 2014.

leftcenterrightdel
Cán bộ, nhân viên Viện Hóa học môi trường quân sự lấy mẫu nước, phân tích tại vùng biển Trường Sa. Ảnh: TRƯỜNG SỰ 

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, vụ cháy xuất phát từ một cơ sở kinh doanh có 185 loại hóa chất, dung môi công nghiệp, với tổng khối lượng khoảng 1.000 tấn hóa chất. Trong đó, một số loại hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao. Khi xảy ra sự việc, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TP Hồ Chí Minh đã có mặt chữa cháy. Tuy nhiên, do phản ứng của hóa chất, ngọn lửa sau mỗi lần bị dập tắt lại tự động bùng phát đám cháy mới, làm 24 người tham gia chữa cháy bị bỏng và ngạt thở do hóa chất.

Trong lúc nguy nan, anh Đức và cán bộ, nhân viên Trạm Quan trắc nhận lệnh lên đường tìm hóa chất lạ dẫn đến đám cháy bất thường. Đeo mặt nạ, mặc khí tài đi vào khu nhà xưởng rộng hơn 1.000m2 với hàng trăm loại hóa chất vương vãi, vừa cháy, vừa phản ứng với nhau, anh Đức nói với anh Cầu và một số đồng đội: “Chúng ta lao vào miệng lửa, cùng với hàng tấn hóa chất, lành ít dữ nhiều. Mọi người chia thành nhóm nhỏ hai người, lỡ có sự cố, nhóm còn lại thoát ra cầu cứu. Cố gắng phân loại, xác định hóa chất gây ra cháy bất thường, sớm tìm ra thủ phạm”. Giữa lằn ranh nguy hiểm, tinh thần dũng cảm đã thôi thúc các anh tìm ra nguyên nhân, dập tắt đám cháy triệt để.

Câu chuyện bảo vệ môi trường của cán bộ, nhân viên Viện Hóa học môi trường quân sự còn nhiều, muôn hình muôn vẻ, từ những công việc âm thầm thường ngày, "bắt mạch" môi trường đến lao vào điểm nóng khắc phục sự cố môi trường, góp phần tô thắm thêm chiến công thầm lặng của Bộ đội Hóa học. Phần tiếp theo, chúng tôi gửi tới bạn đọc công việc của cán bộ, nhân viên Viện Hóa học môi trường quân sự tham gia chữa lành vết thương cho những mảnh đất nhiễm chất độc hóa học.

PHẠM TUẤN - ĐỖ NỤ

(còn nữa)