Người đi tìm anh hùng
Hiện nay, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Quốc, một thành viên của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên (Hà Nội) rất tâm huyết với nhiệm vụ đi tìm các anh hùng thời chiến tranh. Trong căn nhà nhỏ ở phố Đại Từ (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội), ông gợi ý cho tôi viết về hành động anh hùng của Đặng Hồng Sơn ở nhà tù Phú Quốc, khi bị địch tra tấn, đóng 9 chiếc đinh vào cơ thể và hy sinh.
Qua chuyện này, tôi đọc được những suy nghĩ đau đáu đầy trăn trở của ông. Nhiều năm qua, ông đã đến các cơ quan chức năng ở Hà Nội, Hải Phòng để tìm ra đơn vị cuối cùng trước khi Đặng Hồng Sơn bị bắt năm 1968. Tuy nhiên, Đại đội 2, Tiểu đoàn 3 Dĩ An, Trung đoàn 165A ghi trong hồ sơ của liệt sĩ Đặng Hồng Sơn ở TP Hồ Chí Minh lại không tìm thấy tên người cán bộ quả cảm này trong tàng thư. Thế là hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Đặng Hồng Sơn phải tạm gác lại trong sự tiếc nuối. Ông Quốc thao thức, mất ăn mất ngủ nhiều ngày mà chưa nghĩ ra cách khả thi. Ông kể, đây là công việc “mò kim đáy bể”, rất tốn thời gian, công sức và cần phải có người tâm huyết. Như trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô ở tỉnh Bắc Ninh, ông cùng các CCB ở bảo tàng phải mất rất nhiều công mới tái hiện lại chi tiết hành động địch tra tấn anh bằng cách trùm bao bố, đổ nước sôi lên người và hoàn thiện hồ sơ để được Nhà nước ra quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2018. Có được sự ghi nhận của Nhà nước về công lao một anh hùng như trường hợp liệt sĩ Nguyễn Đình Xô là ông và đồng đội được tiếp thêm động lực, quyết tâm theo đuổi công việc đi tìm anh hùng trong chiến tranh vô cùng phức tạp.
81 tuổi đời, thay vì nghỉ ngơi, CCB Nguyễn Đình Quốc lại chọn cho mình công việc quá khó, quá phức tạp. Bước chân ông in dấu ở nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông đưa cho tôi xem những tài liệu, hồ sơ đang lưu giữ, trong đó có rất nhiều giấy khen ghi nhận thành tích của ông trong các hoạt động xã hội. Ông chia sẻ, để có được độc lập, tự do, hòa bình hôm nay là bao máu xương của cha anh đã đổ xuống; những hy sinh ấy cần phải được các thế hệ biết đến một cách đầy đủ, chi tiết, khoa học, chân thực và sống động. Đó là công việc không chấp nhận sự hời hợt.
Trận chiến bi tráng và đòn thù
CCB Nguyễn Đình Quốc vốn là cán bộ hàng hải trên tàu không số chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Chuyến hàng cuối cùng của ông trên Tàu 176 năm 1970 không thành công.
Ngày 21-11-1970, lúc 22 giờ, khi còn cách bến ở tỉnh Bến Tre khoảng 4 hải lý, Tàu 176 bị địch phát hiện. Địch dùng cả tàu và trực thăng, thay nhau bắn xối xả về phía đài chỉ huy khiến đồng chí Lương, báo vụ số 2 hy sinh. Thuyền trưởng Ngọc thét to: "Các đồng chí, hãy chiến đấu trả thù cho đồng chí Lương".
B40 và ĐKZ của ta đồng loạt tấn công địch ở bên sườn. Súng máy 12,7mm hất trực thăng địch lên cao. Tàu địch bị thương phải giãn ra. Tận dụng thời cơ, Tàu 176 tiếp tục thẳng lái và hết tốc lực vào bến. Pháo địch nổ ùng ục ở đuôi tàu. Trực thăng vãi đạn trên mặt boong. Từ hầm máy, Máy trưởng Thả hét qua hệ thống liên lạc: "Báo cáo, két dầu phụ bị trúng đạn".
Thuyền phó Quốc nhận định, chỉ vài phút nữa thì máy sẽ chết và rất dễ bị tàu địch áp sát, liền vơ hải đồ cho vào túi, hủy tài liệu ném xuống biển rồi lao xuống mặt boong. "Rời tàu, điểm hỏa như phương án", Thuyền trưởng Ngọc thét lên xé lòng.
Khi đang cố bơi thật nhanh trên mặt biển để tránh xa con tàu thân yêu thì một tiếng nổ cực lớn dưới pháo sáng trắng trời. Mảnh vỏ tàu bay ràn rạt trên đầu. Thuyền phó Quốc và Hóa cùng pháo thủ đuôi tàu đi một hướng. Gần sáng, pháo thủ đuôi tàu bị lạc, mặc dù đã tìm kiếm rất lâu nhưng không thấy. Hai người đành nhằm bờ bơi vào. Chiều 22-11-1970, cả hai bị địch bắt rồi đưa về sư đoàn 7 ngụy. Đêm đó, Nguyễn Đình Quốc bị chúng tra tấn dã man. Chiều hôm sau, chúng đưa ông về Sài Gòn, nhốt vào xà lim và liên tiếp thẩm vấn, tra tấn, hết mua chuộc lại dụ ép, bắt khai nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Cuối cùng, chúng đưa ông về giam tại Cần Thơ và đưa ra nhà tù Phú Quốc. Tháng 3-1973, ông được trao trả theo Hiệp định Paris và được về Tuyên Quang an dưỡng.
Không thể gục ngã
Trước khi nhập ngũ, chàng thanh niên giàu nhiệt huyết Nguyễn Đình Quốc quê ở xã Việt Hùng (Trực Ninh, Nam Định) đã có gần 6 năm là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định. Ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một công nhân, anh tích cực tham gia hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên. Anh được tặng nhiều bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh và của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cuối năm 1961, Nguyễn Đình Quốc đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một trong những tài sản mà ông Quốc trân quý và gìn giữ cẩn trọng dù nhiều lần di chuyển gia đình là Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng.
Tháng 11-1964, Nguyễn Đình Quốc cùng Tàu 69 vận chuyển hàng vào Bến Tre thành công, rồi được cử đi học sĩ quan hải quân. Kết thúc khóa học, ông tiếp tục cùng đồng đội lăn lộn với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển để thực hiện nhiệm vụ cao cả chi viện tiền tuyến lớn cho đến khi bị bắt. Nhưng điều quái ác là, sau khi ông bị bắt, địch tung tin ông được chúng đưa ra hạm đội 7 và phong hàm trung tá, chỉ huy hải quân. Chúng giả tiếng của ông rồi thu âm, cho trực thăng phát loa ở khu vực tàu ta trả hàng. Ông nghe được điều này trong thời gian về Đoàn tàu không số nghỉ tranh thủ. Ông cười trừ cho qua vì tin rằng “cây ngay không sợ chết đứng”.
Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ hẹp với chiếc bàn uống nước đơn sơ, ông Quốc lật giở cuốn sách khổ A4 bìa cứng và lấy ra một văn bản photocopy: "Văn bản này đã chính thức “cởi trói” cho tôi khỏi những oan khuất đeo đẳng suốt nhiều năm đằng đẵng".
Lướt nhanh những dòng chữ trong bản photocopy của Công văn số 64/CV-CCT-BV do Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Bảo vệ An ninh, Cục Chính trị Hải quân ký ngày 25-6-2009, tôi đặc biệt chú ý đến thông tin kết luận: Trong quá trình bị địch bắt và giam giữ tại nhà tù Phú Quốc, trong hồ sơ lưu trữ thể hiện đồng chí Nguyễn Đình Quốc không khai báo tiết lộ bí mật, không đầu hàng phản bội.
Ông Quốc bắt đầu tâm sự về những khổ đau không đáng có. Tháng 6-1975, ông chuyển ngành về Tỉnh đoàn công tác, nhưng điều buồn nhất là không được sinh hoạt chi bộ. Từ trong sâu thẳm ông lờ mờ nhận ra bất ổn khó diễn tả. Ông hỏi bí thư chi bộ thì chỉ nhận được những cái lắc đầu và lời hứa sẽ hỏi Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Sang Bộ CHQS tỉnh, ông cũng nhận được câu trả lời như vậy. Nhiều lá đơn được chuyển đi nhưng không có hồi âm. Không nản chí, ông ra Hải Phòng, về Lữ đoàn 125 Hải quân, Cục Chính trị Hải quân để hỏi nhưng cũng không có kết quả. Rồi ông lại ra Hà Nội, đến các cơ quan chức năng để phản ảnh nhưng đều rơi vào im lặng. Điệp khúc chờ đợi từ cơ quan chức năng cứ văng vẳng, len vào trong bữa ăn, giấc ngủ của ông nhiều năm tháng. Cuối cùng, ông quyết định xin chuyển sang Liên hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Nam Hà công tác.
Thời gian trôi đi, mỗi ngày như thêm một mũi kim đâm vào tim. Ông lặng lẽ đến cơ quan và gắng sức hoàn thành nhiệm vụ được giao như không có chuyện gì xảy ra. Cuối cùng, sự cố gắng của ông được đền đáp. Năm 1984, ông được khôi phục sinh hoạt Đảng. Từ đây, niềm vui được trở lại hàng ngũ đội quân tiên phong của giai cấp công nhân tiếp thêm cho ông sức mạnh. Nhưng nào ngờ...
Năm 2007, qua một người đồng đội cũ, ông xin gia nhập Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển khu vực Hà Nội, nhưng nhiều đồng đội cũ xì xào bàn tán về quá khứ sau khi bị địch bắt của ông. Năm 2008, khi có chủ trương xét khen thưởng những CCB từng công tác ở Đoàn tàu không số, ông Quốc làm hồ sơ nhưng nhiều người đã phản đối ra mặt vì cho rằng ông phản bội. Lúc này, ông Quốc mới đưa ra quyết định khôi phục sinh hoạt Đảng. Ban liên lạc hội liền đề nghị Cục Chính trị Hải quân xác minh. Ngày đón nhận Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, khi nghe ban tổ chức thông báo về Công văn số 64/CV-CCT-BV, ông đã khóc vì vui mừng.
Cuối câu chuyện, ông tâm tình rằng mình đã vượt qua ranh giới để sống bất khuất, kiên trung. Ông không sợ quân địch nhiều súng, nhiều đạn, nhiều thủ đoạn gian ác, không sợ hy sinh mà sợ nhất là mang danh kẻ phản bội, bị đồng đội, đồng chí xa lánh. Hơn 30 năm trời, ông đã sống trong điều tiếng ấy và đã kiên cường vượt qua trong khổ đau không thể giãi bày cùng ai. Nếu chấp nhận thì ông sẽ mãi mãi là kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội lại chính những đồng đội của mình. Ông đã chọn cách kiên trì để lấy lại sự trong sạch, cho dù phải mất thời gian, trong nỗi đau âm ỉ liên tục cắn xé, cho dù có khiến ông mất đi những cơ hội tốt để phát huy trong công tác, nhưng không thể làm ông mất đi niềm tin vào chân lý. Ông xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu sáng ngời bản lĩnh và phẩm giá Bộ đội Cụ Hồ.
(còn nữa)
NGUYỄN MẠNH THẮNG