Dấu ấn văn hóa thuần Việt

Đến giờ, Đại tá Vũ Danh Cương, Giám đốc Bảo tàng Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) vẫn lâng lâng phấn khích khi nhắc đến ánh mắt thích thú của ngài A.Y.Krivoruchko khi được nghe Đại tướng Phan Văn Giang giới thiệu về giá trị của tranh dân gian Đông Hồ. Đón nhận bức tranh “Gà đàn” từ tay Đại tướng Phan Văn Giang ký tặng, Thứ trưởng A.Y.Krivoruchko nở nụ cười rất tươi. Chuyện là, sau lễ bế mạc, đoàn đến Nhà Hữu nghị Army Games 2021 thăm triển lãm. Tại đây, Đại tướng Phan Văn Giang đã chủ động giới thiệu với ngài A.Y.Krivoruchko và đại sứ, tùy viên quân sự các nước những hình ảnh tiêu biểu, truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng giới thiệu với Thứ trưởng A.Y.Krivoruchko cùng các quan khách về hoạt động của QĐND Việt Nam trong đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống và công tác đối ngoại quốc phòng, nhất là sự chuẩn bị và tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tiếp đó, Đại tướng Phan Văn Giang đã giới thiệu, nhấn mạnh truyền thống gắn bó mật thiết, thắm tình hữu nghị giữa QĐND Việt Nam với quân đội Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay và các nước bè bạn... Ngài Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga liên tục gật đầu, tỏ vẻ ấn tượng với những hình ảnh, hiện vật mang giá trị lịch sử văn hóa lâu đời, đặc sắc của dân tộc Việt Nam và thích thú với văn hóa ẩm thực Việt Nam, như: Trà sen, mứt sen, bánh đậu xanh... Khi đến gian trưng bày tranh Đông Hồ, Đại tướng Phan Văn Giang tự tay in bản cuối, hoàn thiện bức tranh có tên gọi “Gà đàn” rồi lấy bút và ký, tặng ngài A.Y.Krivoruchko trong tiếng vỗ tay không ngớt của rất đông quan khách.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Phan Văn Giang tự tay in, hoàn thành bức tranh dân gian Đông Hồ “Gà đàn” tặng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Alexey Yurievich Krivoruchko. Ảnh: TUẤN HUY

Trò chuyện với chúng tôi sau sự kiện trên, Đại tá Vũ Danh Cương tâm sự: "Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thời gian chuẩn bị ngắn, nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi đã cố gắng thiết kế, trưng bày các hình ảnh, hiện vật sinh động nhất, thể hiện cô đọng và rõ nét nhất truyền thống của Quân đội ta; đặc biệt là đã thể hiện được những thành quả trong công tác đối ngoại quốc phòng thời gian gần đây". Anh chia sẻ, Army Games 2021 không chỉ là nơi  vận động viên các nước phô diễn trình độ, khả năng nghiệp vụ quân sự mà còn có một ý nghĩa hết sức quan trọng khác. Đó chính là dịp để họ tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, đất nước, con người Việt Nam. Bức tranh “Gà đàn” là một trong 15 bức tranh giá trị nhất của dòng tranh Đông Hồ, thể hiện mong ước về một cuộc sống hạnh phúc, thanh bình, no ấm, sinh sôi nảy nở. Người Việt thường tặng bức tranh này vào dịp lễ, tết, chúc nhau những điều tốt lành. Nhiều tuyển thủ đã thực sự bất ngờ với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại triển lãm lần này. Đó là những mẫu phẩm tò he thiếu nữ áo dài, hoa sen, hoa súng, mục đồng với màu sắc bắt mắt hoặc tò he hình búp bê Nga, Anh hùng Che Guevara... Trung tá Muhammad Masudur, Đội trưởng Đội tuyển Bắn tỉa Bangladesh rất bất ngờ với những sản phẩm văn hóa Việt Nam tại đây. Anh nói rằng: “Chúng tôi rất háo hức, muốn tham quan những địa danh nổi tiếng của các bạn như Vịnh Hạ Long, TP Hồ Chí Minh. Bởi vậy, chúng tôi có kế hoạch quay trở lại Việt Nam trong một ngày không xa”.

Đến tinh thần không bỏ cuộc

Tối 2-9, nhân kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Nhà Hữu nghị Army Games 2021 diễn ra chương trình văn nghệ đặc sắc. Trước giờ biểu diễn, chúng tôi đi thăm triển lãm và thấy một vận động viên mặc áo mang cờ Venezuela ngắm nghía gian hàng tò he rất lâu. Phóng viên Đặng Thu Hà của Báo QĐND đã làm quen và trò chuyện với xạ thủ này. Thì ra chàng thanh niên trẻ cao to có nước da nâu bóng đến từ phía bên kia bán cầu muốn tìm hiểu về tò he. Anh cười hiền lành và chỉ vào tò he Thánh Gióng cưỡi ngựa rất dũng mãnh, rồi hỏi: "Gọi nó là gì?". Phóng viên Thu Hà đã nhiệt tình giải thích về vật liệu, phương pháp nặn tò he và còn mở điện thoại thông minh lấy hình ảnh tượng Thánh Gióng để diễn giải về truyền thuyết chống giặc Ân của người Việt. Anh gật gù và xin một tò he Thánh Gióng làm kỷ niệm. Người nặn tò he cảm kích trước tinh thần khám phá của chàng lính trẻ và đã tặng anh thêm hai tò he thiếu nữ mặc áo dài và hoa sen.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Phan Văn Giang giới thiệu với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Alexey Yurievich Krivoruchko về tò he. Ảnh: TUẤN HUY 

Cũng tại khu trưng bày của triển lãm, tôi gặp xạ thủ Vilavong Thanongsone của Đội tuyển Bắn tỉa quân đội Lào. Vilavong Thanongsone cố gắng sử dụng tiếng Việt để diễn tả điều muốn tâm tình. Anh bảo, các bạn trong đội bắn tỉa của Việt Nam rất chu đáo và thân thiện. Anh học được ở họ tính kỷ luật và sức mạnh cũng như tinh thần khát khao chiến thắng. Sáng 3-9, khi thực hành thi giai đoạn 4 bài “Bắn trong hành tiến”, quan sát trên các camera, tôi thấy Vilavong Thanongsone bắn trượt hai viên ở nội dung sử dụng súng K59. Anh bị phạt chạy hai vòng dài 400m. Khi sang bệ bắn súng SVD ở cự ly 300m, Vilavong Thanongsone lại bắn trượt. Anh gục đầu xuống thất vọng. Lúc này, nhiều khán giả trên khán đài nghe tiếng đạn không chạm vào bia kim loại như các xạ thủ khác đã đồng thanh hô vang: “Đội Lào chiến thắng! Đội Lào chiến thắng!”. Dường như tiếng hô ấy tiếp thêm sức mạnh cho Vilavong Thanongsone. Anh bật dậy và chạy phạt thêm một vòng 200m nữa. Sang đến phần bắn AK, anh bắn trúng 3 bia. Tiếp đó, anh lần lượt vượt qua các vật cản theo quy định và hoàn thành bài thi của mình. Trò chuyện với Vilavong Thanongsone sau bài thi, tôi được anh thổ lộ là đã học được tinh thần “Khó khăn nào cũng vượt qua” của Bộ đội Cụ Hồ.

Có khá nhiều câu chuyện rất hấp dẫn về sự lan tỏa văn hóa dân tộc Việt Nam trong những ngày diễn ra Army Games tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia khu vực 4 (Hà Nội), trong đó đáng khâm phục nhất là Đội tuyển "Vùng tai nạn" của Mali. Trong cả 3 phần thi, đội Mali luôn xếp cuối cùng. Tuy nhiên, dù nắng nóng và bị bào mòn thể lực qua các chuỗi vật cản phức tạp nhưng họ vẫn về đích. Trung úy Mohamed Brehim Haidara, Đội trưởng Đội tuyển "Vùng tai nạn" Mali chia sẻ rất chân thành rằng: Tuyển thủ đội Mali chủ yếu là lưu học sinh đang học tập tại Liên bang Nga và họ có thời gian tập luyện với vật cản rất ít. Đây là môn thi không chỉ đòi hỏi cả thể lực, kỹ năng mà cao hơn cả là ý chí. Anh nói: “Chúng tôi thua về thể lực và tốc độ, kỹ năng nhưng không thua về ý chí. Không bao giờ chúng tôi bỏ cuộc. Điều ấy chúng tôi học được ở chính các bạn Việt Nam”.     

Army Games 2021 là nơi để các tuyển thủ phô diễn kỹ năng, sức mạnh và tinh thần đồng đội, đồng thời là nơi văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự nói riêng mà tiêu biểu là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ lan tỏa, được nhiều tuyển thủ, quan chức ngoại giao các nước bạn biết tới. Đó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Army Games 2021 tại Việt Nam.

ĐỨC TÂM