Xác định những nguy cơ tiềm ẩn

 Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều sự cố môi trường, sự cố hóa chất. Các sự cố môi trường ập đến bất ngờ và dường như ngay lập tức, gây nên hậu quả thảm khốc cho con người và môi trường. Nếu không xử lý kịp thời và đúng cách có thể để lại hậu quả lâu dài về sau.

Nhiều năm trực tiếp tham gia và chỉ huy khắc phục các sự cố hóa chất, sinh học, Thượng tá, TS Nguyễn Khánh Hưng, Viện trưởng Viện Hóa học môi trường quân sự luôn trăn trở: Làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố hóa chất? Không phải để khi sự cố xảy ra mới tìm cách khắc phục mà cần có biện pháp căn bản ngăn chặn từ sớm, từ xa. Bàn về vấn đề này, anh Hưng chia sẻ: “Trước hết, chúng ta phải xác định được những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ sự cố môi trường, sự cố hóa chất”. Hầu hết các sự cố môi trường xảy ra do cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi ích kinh tế, đổ trộm chất thải hoặc do công trình xử lý, lưu trữ chất thải gặp sự cố, cháy, nổ, rò rỉ hóa chất... dẫn đến các sự cố nghiêm trọng. Điển hình như sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung liên quan đến Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; sự cố cháy, nổ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông... không những ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sức khỏe của người dân mà còn đe dọa đến trật tự, an toàn xã hội. Đây chỉ là hai vụ việc điển hình giống như phần nổi của tảng băng.

leftcenterrightdel
Cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự lấy mẫu từ sự cố cháy ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Hà Nội). Ảnh: QUÝ HỢI 

Ở nước ta, mức độ công nghiệp hóa ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng hóa chất trong sản xuất ngày càng lớn. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất hóa chất vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. Công tác quản lý hóa chất ở các cấp, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố.

Mặt khác, nguy cơ rò rỉ, sự cố hóa chất độc, phóng xạ ngày càng gia tăng, do một số quốc gia trên thế giới tiếp tục duy trì, phát triển kho vũ khí hóa học, hạt nhân. Việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển nguồn phóng xạ diễn ra phức tạp; hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, cơ sở hóa chất quy mô lớn của các quốc gia trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa

Các tác nhân sinh học, hóa chất, hạt nhân khi lây lan ra môi trường đều là “kẻ thù vô hình” có sức hủy diệt ghê gớm đối với môi trường và con người. Để ngăn chặn từ sớm, Viện Hóa học môi trường quân sự đã tham mưu cho cấp trên và trực tiếp tổ chức tốt việc quan trắc, cảnh báo môi trường hóa chất độc, phóng xạ tại các khu vực, như: Quảng trường Ba Đình, sân bay Nội Bài, khu quân sự Sơn Tây-Hòa Lạc, các quân cảng, các cơ sở công nghiệp...; kiểm soát môi trường không khí 24/24 giờ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...; khảo sát, điều tra hiện trạng phóng xạ môi trường tại các quân cảng và một số vùng kinh tế trọng điểm ven biển, huyện đảo Trường Sa, các xí nghiệp, bệnh viện, kho tàng, trường học trên địa bàn cả nước.

leftcenterrightdel
- Cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự nghiệm thu đề tài khoa học xử lý môi trường. Ảnh: QUÝ HỢI 

Viện còn tư vấn, đánh giá tác động môi trường hơn 200 cơ sở công nghiệp và dự án đầu tư xây dựng, như: Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới (Quảng Bình), Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang), các nhà máy thủy điện: Trị An (Đồng Nai), Thác Mơ (Bình Phước), Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), Khu công nghiệp Nội Bài, Khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc... Viện cũng điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường đối với 150 đơn vị trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố.

Theo Thượng tá, TS Nguyễn Khánh Hưng, để bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ hóa chất, sinh học, hạt nhân và có đủ bản lĩnh xử lý, khắc phục hậu quả khi có các sự cố xảy ra, những năm qua, Viện Hóa học môi trường quân sự đã nghiên cứu, bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng và cấp Nhà nước. Viện cũng đang nghiên cứu và thực hiện các đề tài: “Nghiên cứu chế tạo vật liệu cản xạ phục vụ công tác ứng phó sự cố và các tình huống hạt nhân”; “Nghiên cứu chế tạo thiết bị đo phóng xạ đa năng dải rộng tích hợp chức năng đo nhiễm bẩn bề mặt dùng trong quân sự”; “Nghiên cứu, tính toán lan truyền phóng xạ trong môi trường không khí và hiện đại hóa Trạm tính toán phân tích phóng xạ-hóa học (PACT-1)"... Các đề tài được nghiệm thu từng bước đưa vào ứng dụng trong thực tiễn mang lại kết quả cao.

Viện cũng tham mưu với Binh chủng Hóa học, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, lực lượng và địa phương nắm chắc tình hình, khảo sát, đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố tại các cơ sở hóa chất, bức xạ trọng điểm; đề xuất biện pháp quản lý, phòng ngừa, ứng phó, nhất là những nơi có nguy cơ cao. Viện tham gia xây dựng, hoàn thiện phần mềm quản lý an toàn hóa chất, phóng xạ trên phạm vi cả nước nhằm quản lý, kiểm soát các nguồn hóa chất, phóng xạ. Đồng thời, viện đóng góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, các lực lượng trong phòng ngừa, ứng phó khi sự cố xảy ra.

Có thể nói, từ nhiều năm nay, bước chân của cán bộ, chiến sĩ Viện Hóa học môi trường quân sự đã đi đến nhiều nơi, trực tiếp xử lý những sự cố, những vấn đề liên quan đến chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, trả lại cuộc sống an toàn cho người dân. Nhắc tới những thành quả đó, Thượng tá, TS Nguyễn Khánh Hưng không khỏi tự hào: “Có những mảnh đất trước đây nồng nặc mùi hóa chất, gieo rắc mầm bệnh hiểm nghèo và nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân, đẩy người dân vào vòng xoáy đói nghèo, ly tán tha hương. Và khi chúng tôi đến, những mảnh đất đó được tẩy sạch, người dân quần tụ, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, trở thành vùng quê giàu có, bình yên. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi”.

Đồng hành với các cán bộ, chiến sĩ Viện Hóa học môi trường quân sự tham gia xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố môi trường, chúng tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng vun đắp cho “quả ngọt”. Dẫu đã đạt nhiều thành tích, nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện, cán bộ, chiến sĩ của viện đều cười, khiêm tốn: “Câu chuyện của chúng tôi bình thường, không có gì đáng kể”. Lời nói ấy của những “dũng sĩ bảo vệ môi trường” bộc bạch thật nhẹ nhàng, giản dị. Phải thật yêu nghề, cống hiến hết mình với nghề thì họ mới có thể coi những thách thức, nguy hiểm nhẹ tựa lông hồng như vậy.

PHẠM TUẤN - ĐỖ NỤ