Nỗi đau vương lại từ những giọt chất độc
Những ngày đầu tháng 6-2021, mặc dù đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh nhưng Trung tá Đinh Văn Thức, Trưởng phòng Công nghệ xử lý môi trường, Viện Hóa học môi trường quân sự cùng các đồng đội vẫn vượt mọi khó khăn hành quân đến tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ. Đây là chuyến công tác đặc biệt, bởi viện được giao nhiệm vụ cùng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế thu gom, xử lý 21 tấn chất độc CS, sản phẩm thủy phân chất độc CS và các loại vật liệu nhiễm chất độc CS tại khu vực hồ Khe Lời, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy.
Chất độc CS thuộc nhóm chất độc kích thích gây tác hại chủ yếu đối với mắt; ở nồng độ cao, CS có thể gây tác hại cho cả đường hô hấp và da. Khi bị trúng độc CS nặng sẽ xuất hiện triệu chứng toàn thân, như: Rối loạn hô hấp, rất khó thở, rối loạn tim mạch, mệt mỏi và suy nhược cơ thể, kiệt sức, hôn mê dẫn đến tử vong...
|
|
Bộ đội hóa học thu gom, xử lý vật liệu chiến tranh chứa chất độc CS vùi sâu trong đất nhiều năm. Ảnh: QUÝ HỢI |
Trước chuyến công tác này, anh Thức cùng đội công tác của viện đã đến xã Thủy Phù tiền trạm. Đây là vùng quê còn nhiều khó khăn về kinh tế, người dân chủ yếu trồng lúa, rau màu và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, như: Bò, gà, chim cút... Cuộc sống mưu sinh lam lũ là thế, nhưng người dân còn phải hứng chịu nghiệt ngã về bệnh tật mà phần lớn do chất độc hóa học tồn lưu trong chiến tranh gây ra. Từ năm 2010 đến nay, trên toàn xã có gần 100 người chết do bệnh ung thư. Có gia đình 4 người chết vì ung thư. Nhiều người bị ung thư qua đời khi còn rất trẻ. Theo phản ánh của người dân, những hộ có người chết vì bệnh ung thư tập trung chủ yếu gần khu vực Khe Lời, nơi cất giữ các chất độc hóa học quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Nhiều năm trước đây, khi người dân phát hiện ra vị trí hầm chứa chất độc CS tại Khe Lời, chính quyền địa phương đã tiến hành thu gom, xử lý, tuy nhiên hiệu quả thấp. Bước chân vào khu vực hầm chứa chất độc CS của quân đội Mỹ năm xưa, anh Thức khẽ rùng mình. Theo thời gian, chất độc CS nơi đây vẫn còn đọng lại, phân hủy, lây lan ra đất, nước, cây cỏ, gieo mầm nhiễm độc cho sự sống.
Lần thứ hai trở lại xã Thủy Phù để tẩy độc cho khu đất nhiễm, Trung tá Đinh Văn Thức cảm nhận được niềm hy vọng của người dân vào Bộ đội Hóa học. Những ngày tháng 6, ở Thừa Thiên Huế đang là cao điểm nắng nóng, khu xử lý chất độc nằm trên quả đồi trọc, xa khu dân cư, điện lưới không bảo đảm đủ công suất cho việc vận hành thiết bị xử lý. Biết bộ đội gặp khó khăn, người dân trong xã tự nguyện góp sức xây dựng đường dây điện dài hơn 2km giúp các anh thực hiện nhiệm vụ. Nhiều hộ chặt bỏ cả cây trồng cho bộ đội mượn đất dựng lán trại làm nơi ăn ở, sinh hoạt. Những hôm các anh làm việc xong, đi ra khỏi khu nhiễm độc, người dân bảo nhau nhường nước tắm cho bộ đội. Những việc bình thường, giản dị như vậy, nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn trở nên đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Và trong khó khăn, tình quân dân thắm thiết là điểm tựa vững chắc giúp anh Thức cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ.
Trong thời gian gần hai tháng, cán bộ, nhân viên Viện Hóa học môi trường quân sự làm nòng cốt phối hợp với các đơn vị trên địa bàn xử lý an toàn, triệt để 21 tấn hóa chất độc các loại. Đất sạch, mầm xanh đâm chồi, cuộc sống tốt tươi bắt đầu tái sinh.
Chữa lành vết thương nhiễm độc cho đất
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hiếu đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Hóa học và có 11 năm công tác tại Liên bang Nga. Trở về nước, làm ở Phòng Công nghệ xử lý môi trường, Viện Hóa học môi trường quân sự, anh bắt tay vào nghiên cứu để đưa ra quy trình công nghệ xử lý các đối tượng chất độc hóa học khác nhau.
Anh Hiếu cho biết, việc dò tìm chất độc dioxin vô cùng khó khăn, phức tạp. Chưa có máy móc phát hiện ngay được dioxin tại hiện trường, phải trên cơ sở phán đoán khu vực nghi vấn, lấy mẫu, đưa về những phòng thí nghiệm chuyên dụng với các máy phân tích có độ nhạy cao tới một phần nghìn tỷ gram mới có thể phân tích, kết luận được về nồng độ dioxin so với ngưỡng cho phép đối với môi trường. Đây là loại chất độc vô hình, khó nhận biết, truyền lan nhanh, phạm vi tác hại rộng, hủy hoại cơ thể sống một cách âm thầm, lặng lẽ, dai dẳng và phát tác sau nhiều năm.
Để có giải pháp tiêu tẩy chất độc phù hợp, anh Hiếu và đồng đội phải mắt thấy, tay sờ, lấy mẫu phân tích từ thực địa. Đến nay, cán bộ, nhân viên của viện đã bước chân đến hầu hết các tỉnh miền Trung, miền Nam lấy mẫu phân tích, xác định tỉ mỉ từng khu vực nhiễm để đề xuất phương án tiêu độc.
Trung tá Đinh Văn Thức cho biết thêm, viện đã tham gia nghiên cứu, điều tra, khảo sát 11 “điểm nóng” của một số sân bay tồn lưu chất độc sau chiến tranh, triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý đất nhiễm chất độc dioxin trong điều kiện Việt Nam”.
|
|
Ảnh 2: Bộ đội hóa học xử lý chất độc CS. Ảnh: QUÝ HỢI |
Với Dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc hóa học chứa dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai”, cán bộ, nhân viên của viện làm nòng cốt xử lý 100.000m3 đất nhiễm trên diện tích 4,7ha bằng phương pháp chôn lấp, cô lập cách ly, với việc sử dụng các vật liệu cách ly, vật liệu lọc, vật liệu hấp phụ có hệ số an toàn cao... Kết quả của dự án đã giải quyết xong cơ bản “điểm nóng” tại sân bay Biên Hòa, góp phần bảo vệ môi trường, trả lại cuộc sống bình yên và an toàn cho nhân dân trên địa bàn.
Viện cũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Tiêu biểu có đề tài “Công nghệ xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh” được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đưa vào ứng dụng “Quy trình công nghệ thu gom, xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh”. Gần đây nhất, đề tài “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích phù hợp với điều kiện Việt Nam” thuộc Chương trình “Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người” đã được nghiệm thu và triển khai áp dụng.
Hiện nay, trong mối quan hệ hợp tác quốc tế, Việt Nam đang tiếp cận, thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin của Mỹ và Nhật Bản. Là những người tiên phong trên tuyến đầu xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, cán bộ, nhân viên Viện Hóa học môi trường quân sự tiếp tục tham gia trong vai trò giám sát. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Viện Hóa học môi trường quân sự thật đáng trân quý.
PHẠM TUẤN - ĐỖ NỤ
(còn nữa)