Tăng trưởng trong dịch Covid-19

Phóng viên (PV): Gần hai năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và thế giới. Nhà máy Z131 đã thực hiện các mục tiêu vừa làm tốt nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, TS Nguyễn Hồng Sơn: Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nên việc triển khai nhiệm vụ của nhà máy ít nhiều cũng gặp một số khó khăn như: Việc sản xuất kinh tế chịu sự cạnh tranh gay gắt của thị trường; giá cả, chi phí vật tư, nguyên vật liệu biến động tăng; chuỗi cung ứng bị đứt gãy...

Ngay từ đầu, chúng tôi xác định không để dịch bệnh xâm nhập vào đơn vị, bằng việc duy trì tốt các chế độ phòng dịch theo quy định như: Khử khuẩn, kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ quân số tại đơn vị. Thường xuyên theo dõi và bảo đảm quân số khỏe luôn đạt trên 98,5%. Đơn vị không có trường hợp nào bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Cùng với đó, để bảo đảm cho sản xuất, nhà máy đã chủ động bám nắm cấp trên, phối hợp với đơn vị bạn và các đối tác để tháo gỡ khó khăn về vấn đề vật tư, nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm... quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra.

Năm 2020 và 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 như nhiều doanh nghiệp khác, nhưng bằng nhiều giải pháp mang tính chủ động, đơn vị chúng tôi vẫn bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 100% lao động (thu nhập bình quân luôn đạt hơn 14,8 triệu đồng/người/tháng); thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Trong năm 2020, tăng trưởng của nhà máy vẫn đạt hơn 3%. Giá trị doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 700 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020.

leftcenterrightdel
Đại tá, TS Nguyễn Hồng Sơn
Đột phá từ ứng dụng khoa học-công nghệ

PV: Để đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP hiện đại lên một tầm cao mới, góp phần tăng tiềm lực, sức mạnh quốc phòng thời kỳ mới thì chú trọng đổi mới và áp dụng hiệu quả khoa học-công nghệ vào sản xuất là một yếu tố quan trọng không thể thiếu. Việc này đã được nhà máy thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, TS Nguyễn Hồng Sơn: Việc ứng dụng khoa học-công nghệ mới đã mang lại những hiệu quả rõ rệt: Năng suất lao động tăng, chất lượng sản phẩm ổn định; giảm chi phí sản xuất; tiết giảm đội ngũ gián tiếp... Nhà máy luôn coi việc áp dụng, nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất là nhiệm vụ quan trọng và là khâu đột phá. Nhà máy tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, không ngừng đổi mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất và công tác.

Từ năm 2011 đến 2021, nhà máy đã chủ trì triển khai hơn 100 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp: Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP và cấp cơ sở; phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai 30 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Nhiều đề tài hướng đến nghiên cứu, chế tạo sản phẩm vũ khí mới có tính năng kỹ thuật tốt hơn, phù hợp với thực tiễn trong nước và tiến trình phát triển vũ khí, khí tài của thế giới. Nhà máy cũng triển khai nhiều đề tài để ổn định và nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm kinh tế mới có chất lượng tốt, được khách hàng tin dùng như: Các sản phẩm thuốc nổ công nghiệp, cơ khí chính xác, các sản phẩm nhựa... Người lao động ở Z131 luôn được khuyến khích tích cực sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đi kèm với quyền lợi, khen thưởng xứng đáng. Từ năm 2015 đến 2020, nhà máy có hơn 2.600 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất với giá trị làm lợi hơn 14 tỷ đồng.

Trong phạm vi quy hoạch nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, với năng lực hiện tại và với những kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học, Z131 hoàn toàn có khả năng chủ trì, phối hợp để nghiên cứu phát triển và sản xuất loạt ổn định các loại vũ khí mới phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội và xuất khẩu. Nhà máy cũng thực hiện hiệu quả công tác đầu tư, triển khai đồng bộ các dự án trọng điểm. Các dự án đầu tư đã phát huy tốt tính lưỡng dụng, vừa nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, vừa phát triển sản xuất kinh tế, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.

leftcenterrightdel
Sản xuất tại Xí nghiệp Cơ khí, Nhà máy Z131 (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh do Nhà máy Z131 cung cấp

Cùng với đó là việc đổi mới phương pháp quản lý, quản trị nhà máy theo nguyên tắc những gì cũ, lạc hậu, gây cản trở, không hiệu quả thì phải điều chỉnh, thay đổi để thích nghi. Đổi mới mô hình quản lý, trước tiên xuất phát từ yêu cầu tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào vật tư, giá cả cạnh tranh, tổ chức sản xuất khoa học, hợp lý. Nhà máy đã phát huy hiệu quả các mô hình như: “5S”, Kaizen, trả lương theo phương pháp "3P", đánh giá hiệu quả, hiệu suất lao động của từng đối tượng, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành sản xuất... Nhờ những bước đi quyết liệt và đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, điều hành, nhà máy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm; đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng (Anh hùng LLVT nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới) và nhiều khen thưởng khác của Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP, tỉnh Thái Nguyên...

PV: Nhìn lại chặng đường sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo, theo đồng chí, những dấu ấn của Nhà máy Z131 là gì?

Đại tá, TS Nguyễn Hồng Sơn: Thời gian qua, nhà máy đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng; chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện quyết liệt, nhất là các nhiệm vụ mới, đột xuất; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng thường xuyên theo kế hoạch, nhà máy đã tập trung nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm vũ khí mới có tính năng và hiệu quả ưu việt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chủ động xúc tiến thương mại, hướng đến mục tiêu xuất khẩu, sẵn sàng phương án triển khai khi được giao nhiệm vụ.

Dù chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của cơ chế thị trường nhưng Đảng ủy, chỉ huy nhà máy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế. Chúng tôi đã phát huy thế mạnh về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp, sản lượng tiêu thụ bình quân hằng năm đạt hơn 17.000 tấn; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, đổi mới phương pháp tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất kinh tế, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong kết hợp sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế. Tính từ năm 2011 đến nay, kết quả sản xuất, kinh doanh của nhà máy hằng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu đạt hơn 11.800 tỷ đồng; thu nhập bình quân trong 10 năm đạt 10,85 triệu đồng/người/tháng (năm 2020 đạt hơn 14,85 triệu đồng/người/tháng).

Hiện tại, công suất dây chuyền sản xuất quốc phòng của nhà máy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được giao tăng thêm đến 150% sản lượng; đáp ứng được nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất một số loại vũ khí mới và có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng doanh thu ở mức cao trong thời gian tới. Nhiều sản phẩm kinh tế của Z131 không chỉ có sức cạnh tranh ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Mỹ và nhiều nước châu Âu...

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực

PV: Một trong những yếu tố giúp nhà máy đạt được những thành tựu, mức tăng trưởng cao trong thời gian qua là nhờ luôn quan tâm xây dựng nguồn nhân lực. Vậy, phần việc này được nhà máy triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, TS Nguyễn Hồng Sơn: Nhà máy có hai nguồn lao động: Nguồn được điều động từ cấp trên và lao động hợp đồng do nhà máy tuyển dụng. Với đặc điểm này, ngoài việc chăm lo, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động qua nhiều hình thức, để phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi đã áp dụng phương thức đào tạo thực tiễn trong quá trình làm việc, thông qua giao nhiệm vụ, luân chuyển, đề bạt, đánh giá, đặt ra yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Và đây là một quá trình sàng lọc, lựa chọn, kiểm tra, đánh giá qua nhiều cấp để tìm ra nhân tố phù hợp với mục tiêu của ngành CNQP theo hướng lưỡng dụng-ngoài bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, chuyên môn quân sự, còn phải am hiểu về pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội, quan hệ đối ngoại...

10 năm qua, nhà máy đã tổ chức 562 lớp đào tạo, bồi dưỡng với hơn 13.100 lượt người tham gia; tập trung nâng cao kỹ năng làm chủ phần mềm thiết kế tiên tiến; nâng cao kiến thức chuyên môn, vận hành thiết bị, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điều khiển số; kỹ thuật an toàn vật liệu nổ, an toàn vệ sinh lao động...

Đội ngũ cán bộ của nhà máy hiện có 3 tiến sĩ, khoảng 60 thạc sĩ, hơn 300 kỹ sư, cử nhân được đào tạo trong và ngoài nước cùng lực lượng công nhân kỹ thuật theo các chuyên ngành đào tạo, hầu hết có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tác phong làm việc khoa học, trách nhiệm với nghề, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được giao phó, đặc biệt trước những nhiệm vụ mới, đột xuất cấp trên giao.  

Đảng ủy nhà máy đã quán triệt sâu sắc nghị quyết của cấp trên và triển khai thực hiện tốt các nội dung về công tác cán bộ, công tác quân lực. Chúng tôi tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm. Cùng với đó là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động và có chính sách bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DƯƠNG THU (thực hiện)