Khảo sát ở các loại hình đơn vị cơ sở, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tình trạng thực hành dân chủ hình thức, như: Hộp thư góp ý hầu như không hoạt động, thậm chí có nơi khóa của hộp thư bị gỉ sét; không ít hội nghị đối thoại dân chủ trở thành "độc thoại" của chỉ huy vì binh sĩ không có ý kiến gì... Vậy, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần làm gì và đã làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Kiểm tra thật mới nghe được lời nói thật

Vừa đến Trung đoàn 141, Thượng tá Vũ Đào Long, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 đi ngay vào bếp ăn Tiểu đoàn 3. Từ bếp ăn, anh vòng về kiểm tra khu nhà vệ sinh rồi mới ra thao trường, nơi Đại đội 9 (Tiểu đoàn 3) đang huấn luyện. Bao quát một lượt, anh Long tiến đến kiểm tra hộp sách báo thao trường, dụng cụ mang nước uống cho bộ đội rồi lấy cốc múc lên uống một ngụm... Tranh thủ lúc giải lao, ngồi tâm tình với bộ đội, anh Long hỏi thăm khẩu phần ăn có bảo đảm không; những ngày nắng nóng, nhà bếp có chế biến đúng thực đơn không; món ăn có bị khô, canh và nước uống có đủ không... Các chiến sĩ trả lời anh như một cuộc trò chuyện. Thi thoảng, anh Long lại kể mẩu chuyện hài hước khiến không khí hết sức vui vẻ.

leftcenterrightdel

Một buổi sinh hoạt của Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). Ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT 

Anh Long chia tay bộ đội, cả đơn vị không nghĩ đó là một cuộc kiểm tra. Chia sẻ với chúng tôi về phương pháp kiểm tra này, Thượng tá Vũ Đào Long cho biết: "Đây là kinh nghiệm được rút ra qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy trong toàn sư đoàn. Theo đó, các đồng chí cán bộ chủ chốt từ sư đoàn đến đơn vị cơ sở đều áp dụng phương pháp này. Cốt lõi của phương pháp là đi sâu, đi sát, nắm chắc vấn đề, từ đó gần gũi, tâm tình với bộ đội để bộ đội giải đáp, làm rõ thêm vấn đề người cán bộ, chỉ huy cần nắm bắt".

Đại tá Vũ Văn Thiệu, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, thì có cái nhìn trực diện hơn về quyền nói thẳng, nói thật của binh sĩ: "Anh em như tờ giấy trắng, tuổi 18-20 nhập ngũ vào quân đội, chưa hiểu nhiều về quyền và nghĩa vụ quân nhân, kể cả những chiến sĩ có trình độ đại học, cao học. Vì thế, muốn bộ đội nói thẳng, nói thật, lãnh đạo, chỉ huy phải tạo ra môi trường dân chủ thực sự thì bộ đội mới tin tưởng mà thể hiện chính kiến".

Hằng quý, theo phân công của đồng chí Sư đoàn trưởng, Đại tá Vũ Văn Thiệu thường chủ trì các cuộc đối thoại dân chủ với nhiều đối tượng khác nhau: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), hạ sĩ quan-binh sĩ (HSQ-BS) ở các trung đoàn và khối cơ quan trực thuộc sư đoàn. Kinh nghiệm của anh là vừa phát phiếu lấy ý kiến từng người, vừa đối thoại trực tiếp. Trong đối thoại, để không rơi vào "độc thoại" thì người chủ trì phải tạo được không khí gần gũi, cởi mở, vừa để bộ đội chủ động xung phong phát biểu gắn với chỉ định. Chỉ định cá nhân phát biểu cũng phải chọn những đồng chí có trình độ cao, có bản lĩnh và chính kiến. Nếu chỉ định vào những đồng chí "nhút nhát", hoặc không nắm chắc tình hình thì cuộc đối thoại dễ lâm vào trạng thái "nhạt", không kích thích được bộ đội nói thẳng, nói thật. Cùng với quá trình đối thoại trực tiếp, việc phát phiếu lấy ý kiến từng người cũng giúp những người "ngại phát biểu" thể hiện quan điểm của mình một cách kín đáo hơn.

Chung quy, theo Đại tá Vũ Văn Thiệu, binh sĩ chỉ nói thẳng, nói thật khi cấp ủy, chỉ huy các đơn vị xây dựng được môi trường đơn vị thực sự dân chủ. Ở cấp nào cũng vậy, phong cách dân chủ của người chỉ huy trưởng và chính ủy, chính trị viên là yếu tố quyết định đến quyền nói thẳng, nói thật của binh sĩ.

Phiếu kín để binh sĩ mở lòng 

Từ những kinh nghiệm của lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 312, chúng tôi vẫn còn băn khoăn về việc phát phiếu lấy ý kiến bộ đội. Tưởng như đây là giải pháp tối ưu, nhưng ở nhiều đơn vị, việc phát phiếu vẫn trở nên hình thức vì nhiều buổi đối thoại, 100% số phiếu thu về vẫn là phiếu trắng. Tại sao lại như vậy? Đơn vị tốt quá chăng, nên bộ đội không có gì phải ý kiến? Đại tá Nguyễn Huy Hùng, Chính ủy Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học, cho rằng: "Bộ đội không góp ý gì cũng có hai mặt. Một là, đơn vị thực sự tốt, các vấn đề về quyền lợi của bộ đội đã được giải quyết trong cơ chế dân chủ từ cấp dưới (đại đội, tiểu đoàn), nên khi đối thoại dân chủ cấp lữ đoàn thì không còn gì phải ý kiến nữa. Hai là, có thể bộ đội còn e ngại. Thậm chí, phiếu kín anh em cũng ngại, vì cấp trên có thể từ chữ viết mà đoán ra con người cụ thể. Để khắc phục tâm lý đó, chúng tôi dùng hình thức phát phiếu trắc nghiệm. Bộ đội không phải viết gì cả, cứ tích vào các mẫu có sẵn trong phiếu. Cách làm đó bảo đảm bí mật 100%, bộ đội hoàn toàn có thể bày tỏ suy nghĩ của mình mà không sợ bất kỳ ai để ý".

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đối chiếu thực đơn bữa ăn của đơn vị (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). Ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT 

Thượng tá Bùi Văn Luyện, Phó chính ủy Lữ đoàn 86, giải thích thêm: "Là một đơn vị có nhiệm vụ chính trị nặng nề, phức tạp, làm sao tránh khỏi chuyện nọ chuyện kia trong thực tiễn. Có nhiều người rất muốn ý kiến, nhưng vì đồng đội "ăn đời ở kiếp" với nhau, không dễ để nói thẳng, nói thật. Vì vậy, chúng tôi phải bám sát thực tế, dự lường các tình huống để phát phiếu hỏi với các phương án trả lời có sẵn, bộ đội chỉ cần tích vào phương án mình chọn".

Tìm hiểu hai bộ phiếu khảo sát (dùng cho cán bộ, QNCN và HSQ-BS) của Lữ đoàn 86, chúng tôi thấy mỗi bộ đều có 18 câu hỏi, bao quát tất cả các mặt công tác của đơn vị. Nội dung câu hỏi cụ thể, thiết thực với bộ đội. Ví dụ, trong phiếu dành cho HSQ-BS có các câu hỏi: Cán bộ, chỉ huy đơn vị đồng chí có biểu hiện gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền không? Người trả lời chỉ cần đánh dấu vào các ô: Có, không có, đôi khi có. Hay trong phiếu dành cho cán bộ, QNCN có câu hỏi: Việc bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ của đơn vị đồng chí có đúng quy chế không? Các lựa chọn trả lời là: Đúng, không đúng, có trường hợp không đúng...

Với cách phát phiếu viết sẵn đáp án, binh sĩ chỉ việc tích vào ô câu trả lời mình lựa chọn nên quyền nói thẳng, nói thật của họ được phát huy cao nhất. Đại tá Nguyễn Huy Hùng khẳng định: “Kết quả lấy phiếu hằng tháng, chúng tôi "khoanh vùng" ngay được những đơn vị còn có "vấn đề" về dân chủ và kỷ luật. Từ đó mà có các biện pháp tiếp theo. Nhưng điều đáng nói, chỉ cần công bố kết quả khảo sát, cán bộ các cấp đã biết "tự soi, tự sửa" rất nhiều. Thành ra, việc lấy ý kiến trở thành một công cụ thực thi dân chủ, thực thi quyền nói thẳng, nói thật không chỉ của binh sĩ mà với cả đội ngũ cán bộ, QNCN".

Quyền nói thẳng, nói thật của binh sĩ chỉ là một mặt của vấn đề dân chủ và kỷ luật ở các đơn vị cơ sở, nhưng là mặt chủ yếu, cốt lõi nhất. Cùng với sự phát triển của quân đội và đời sống xã hội, trình độ dân chủ ở các đơn vị  được nâng lên ngày một cao hơn. Những năm vừa qua, quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã ban hành các chỉ thị, hướng dẫn, quyết định, quy chế, quy định trên các mặt, các lĩnh vực công tác, nhằm cụ thể hóa việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong quân đội. Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Nổi bật là quyền làm chủ của quân nhân, nhất là quyền làm chủ của binh sĩ ở đơn vị cơ sở được đề cao, tôn trọng, ngày càng được phát huy tốt hơn; sự đồng thuận, mối đoàn kết, kỷ luật trong nội bộ từng đơn vị được tăng cường; niềm tin của binh sĩ vào cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp được củng cố vững chắc, tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chất lượng dân chủ và kỷ luật ở cấp cơ sở còn hạn chế, biểu hiện rõ nhất là "bệnh" dân chủ hình thức, giả hiệu; cá biệt có đơn vị còn xảy ra mất đoàn kết, đơn, thư tố cáo nặc danh, vượt cấp, tỷ lệ các vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng vẫn cao... mà nguyên nhân chủ yếu thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Vì vậy, để việc thực hiện QCDC ở các đơn vị cơ sở thực sự là động lực góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của mỗi đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp. Trong đó, cốt lõi là tập trung giải quyết tốt những vấn đề về quyền nói thẳng, nói thật của binh sĩ. Muốn vậy, phải tập trung vào hai nội dung cơ bản là nâng cao nhận thức của binh sĩ về quyền, nghĩa vụ của mình và xây dựng môi trường dân chủ thực sự ở từng cơ quan, đơn vị. Hai nội dung này có mối quan hệ biện chứng, không thể xem nhẹ bất kỳ nội dung nào.

SONG NGUYỄN - PHẠM HOÀNG

(Tiếp theo và hết)