Xuân Quý Tỵ năm 2013-đó là mùa xuân đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ ở đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Trong lòng tôi-một thiếu úy trẻ-khấp khởi niềm vui và hào hứng đón chào xuân mới. Đơn vị của tôi đóng quân trên địa bàn thị xã Hà Tiên (nay là TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9. Đặc trưng của thị xã trong những ngày giáp Tết là cơn gió mang vị mặn của biển nhưng lại rất mát mẻ dưới tiết trời se lạnh.

Để cán bộ, chiến sĩ có được cái Tết vui tươi, đầm ấm như ở nhà, đơn vị tổ chức Chương trình giao lưu “Xuân biên giới”. Đây là lần đầu trung đoàn phối hợp với Thị đoàn Hà Tiên tổ chức chương trình này trong ngày Ba mươi Tết. Phần vì đam mê công tác đoàn, phần vì muốn được chia sẻ, động viên với những chiến sĩ trẻ khi không có người thân bên cạnh trong dịp Tết nên tôi hứng thú với nhiệm vụ ngay từ đầu.

Tôi được đảm nhận khâu xây dựng kịch bản và làm việc trực tiếp cùng anh Huy, trợ lý thanh niên trung đoàn. Anh hơn tôi 3 tuổi. Anh làm việc tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ khâu chọn nhân vật đến khâu viết kịch bản. Anh hay dặn tôi: "Chỉ cần một phút làm qua loa, không chú tâm, em đã trực tiếp làm “mùa xuân tại ngũ” của nhiều chiến sĩ không còn ý nghĩa. Đó là lúc em chính thức lấy đi cái ấn tượng tốt đẹp về đơn vị mà anh em chúng ta đã dày công xây đắp trong mỗi chiến sĩ!".

leftcenterrightdel
Tác giả bài viết (thứ tư, từ trái sang) cùng các cán bộ, chiến sĩ tập luyện guitar chuẩn bị cho đêm Giao thừa. Ảnh do đơn vị cung cấp.

Mỗi lần nghe anh nhắc nhở là tôi không ngại thức muộn hơn một chút để đọc kỹ kịch bản, tập luyện cùng các nhân vật. Mọi công đoạn chuẩn bị đã xong, thế nhưng một ngày trước khi tổng duyệt chương trình lại có “biến”. Mẹ anh Huy phải nhập viện do bệnh cũ tái phát. Thế là anh Huy được nghỉ tranh thủ một tuần về chăm mẹ. Hôm đó, cuộc họp của cả ê-kíp khá căng thẳng.

- Đây là chương trình lần đầu phối hợp và có nhiều tình huống sân khấu nên đòi hỏi kỹ năng người dẫn chương trình phải thật sự tốt và vững tâm lý. Vì vậy, cá nhân tôi xin đề nghị người thay thế là đồng chí Nhân, bộ phận tổ nội dung đã cùng tôi làm việc gần một tháng nay - Anh Huy nêu ý kiến.

Mọi người bắt đầu xì xào bàn tán.

Tôi giơ tay, đứng dậy trong không khí nặng trĩu của buổi họp:

- Báo cáo thủ trưởng, chương trình giao lưu này, tôi được công tác cùng với các bộ phận và nhân vật nên nắm rõ tình huống sân khấu, ý định chung của ban tổ chức. Vì vậy, tôi xin xung phong nhận vị trí MC thay đồng chí Huy!

 *   *  *

Buổi tổng duyệt chương trình vào hôm sau, tôi đã làm khá tốt dù vẫn còn vài điểm chưa nhuyễn so với kịch bản. Điều tôi lo nhất là đoạn giao lưu với ông ngoại của chiến sĩ. Ông được đơn vị mời lên và nghỉ tại nhà khách từ sáng. Chỉ có ê-kíp biên tập biết đến sự hiện diện của ông để tạo bất ngờ cho chiến sĩ trong đêm giao lưu. Vì thế, khi tập phần này, chỉ có tôi và MC nữ gặp riêng ông tại nhà khách. Ông hỏi tôi:

- Tết tụi con không về quê hay sao mà ở lại đón Tết cùng bộ đội?

- Dạ, con có về chứ ngoại. Sáng mồng Một con về sớm... Tối nay là ngoại gặp cháu rồi. Lâu mình mới được gặp cháu phải không ngoại?

Gương mặt đã nhiều vết hằn của thời gian cùng mái tóc bạc phơ, tay ông đưa lên quệt đuôi mắt đã đỏ hoe từ lúc nào để che đi giọt nước mắt:

- Nhà ngoại giờ còn ai nữa đâu con. Ba mẹ nó ly hôn rồi đi biền biệt, bỏ nó cho ngoại từ hồi nó 3 tuổi. Cái chân ngoại yếu rồi, đâu có tiện đi xe cộ lên thăm cháu. Cũng lo cháu nó buồn, nó tủi mà cắn răng chịu đựng, không biết làm sao cho đặng!

Ông nói đến đây mà không kìm được nước mắt. Ông nấc lên thành tiếng. Thấy vậy, tôi không dám hỏi thêm.

*   *   *

Phần giao lưu được chờ đợi nhất chương trình bắt đầu với hình ảnh của một chiến sĩ dáng người rắn rỏi. Dưới ánh đèn sân khấu, nụ cười em rạng ngời niềm tin và sức trẻ.

- Đã bao lâu rồi Minh chưa được gặp người thân?

- Dạ, từ lúc nhập ngũ đến giờ ạ! Ông ngoại em lớn tuổi nên sức khỏe yếu. Ông chưa thăm em được.

- Nhà còn mình em là lao động chính trong gia đình, vậy tại sao Minh lại đăng ký nghĩa vụ quân sự?

- Ngày em học xong THPT, em muốn xin đi làm để phụ giúp ông ngoại. Nhưng ngoại đã không cho em đi làm. Ngoại động viên em đi bộ đội để rèn luyện và trưởng thành. Còn điều nữa là, ngoại biết em thích được mặc áo xanh bộ đội từ hồi nhỏ nên ngoại rất vui khi biết em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

- Khi đi nghĩa vụ, điều gì làm em lo lắng nhất?

- Dạ, em lo cho ngoại ở nhà một mình không ai phụ giúp nếu lỡ có bệnh. Đơn vị có tạo điều kiện để em gọi điện về cho ngoại mỗi cuối tuần. Nghe ngoại nói ngoại khỏe nên em cũng an tâm hơn.

- Trong thời khắc Giao thừa cận kề, nếu ban tổ chức chương trình dành tặng em một điều ước thì em sẽ ước mong điều gì nhất?

- Dạ, em sợ chắc khó cho chương trình quá! Vì em chỉ có một điều ước duy nhất lúc này là có ngoại bên cạnh em trong đêm Giao thừa ạ!

- Vậy, mời em nhắm mắt lại 2 phút nhé! Biết đâu ban tổ chức có thể thực hiện được thì sao?

Em cười hồn nhiên nhìn tôi, mắt nhắm, hai tay nắm lại phía trước ngực đợi chờ. Cả khán đài im ắng. Mọi người hướng ánh mắt về phía tay tôi chỉ: "Mời món quà đặc biệt của chương trình”.

Vẫn chiếc áo sơ mi dài tay đã bạc màu được xắn lên gọn gàng, chiếc quần tây cũ kỹ, ông ngoại của Minh được MC nữ dẫn lên sân khấu. Tĩnh lặng. Im ắng. Tiếng gió thổi dường như cũng đang dừng lại. Khoảnh khắc ấy, tôi không biết phải dùng ngôn từ nào diễn tả cho xác đáng, cái khoảng lắng đọng của thời gian, cái dồn nén của tình cảm ông cháu bao lâu nay.

- Mở mắt được rồi em. Bên phải, quay!-Tôi dõng dạc hô to.

- Ông ng...o...ạ...i...!!!-Minh la lên thật lớn, như vỡ òa từ trong thanh quản.

Minh chạy thật nhanh đến cạnh, ôm chầm lấy ngoại. Cả khán đài vang dậy tiếng vỗ tay, hò reo. Dưới ánh đèn màu, tôi thấy đôi mắt cả hai ông cháu giàn giụa những giọt nước mắt hạnh phúc, nhớ nhung, ngập tràn yêu thương. Bản nhạc "Ngoại ơi, con về" được đệm nhẹ nhàng, vừa phải, đúng lúc. Khung cảnh đêm Giao thừa như đang thắp lên ngọn lửa tình thân sưởi ấm trong đêm sương.

Dù tôi đã biết trước kịch bản, nhưng ngay thời khắc đó, chính tôi cũng rơi nước mắt. Cả khán đài ai nấy đều mắt đỏ hoe! Khi đi cạnh ông và Minh trở về sân khấu, tôi cảm nhận rõ rệt sự ấm áp của gia đình, của người thân ngày Tết. Tôi như đang ở ngay trong nhà mình chứ không phải là sân khấu chương trình giao lưu hay giữa đơn vị nữa. Rõ ràng, việc gác lại đêm Giao thừa êm ấm bên gia đình riêng để ở lại cùng ê-kíp chương trình làm tôi cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn hơn, góp phần nhân niềm vui cá nhân thành niềm hạnh phúc của tập thể. Ba mẹ, người thân của tôi biết được chắc chắn cũng vui, cũng ấm lòng và sẽ ủng hộ tôi ở lại cùng anh em.

 *   *   *

Tiếng trống múa lân rộn ràng hòa cùng tiếng vỗ tay, tiếng nói cười náo nhiệt... khép lại chương trình giao lưu. Một chương trình thành công ngoài mong đợi. Những cái ôm, những cái bắt tay đã làm đêm Giao thừa ấm áp hơn hẳn.

Sáng mồng Một Tết, ngoại đưa tôi ra cổng trung đoàn đón xe về quê, còn ngoại nán lại đơn vị đợi chuyến xe đò buổi chiều. Chuyến xe quen thuộc dừng lại trước mặt tôi. Ngoại nắm lấy tay tôi và cảm ơn tôi lần nữa về cuộc hạnh ngộ đêm Giao thừa. Tôi thấy mắt ngoại ngân ngấn, ngoại lấy trong túi một cái khăn mùi xoa. Trong đó ngoại gói rất cẩn thận mấy cái phong bao lì xì. Ngoại bảo: “Ngoại lì xì con năm mới!”.

Thoáng chút bối rối, tôi ngập ngừng, không nỡ từ chối tình cảm của ngoại. Ngoại dặn thêm: “Ngoại không có nhiều nhưng ngoại mong nó sẽ mang đến may mắn cho con và con sẽ đạt được ước mơ trong cuộc sống”. Tôi cảm ơn ngoại bằng một cái ôm thật chặt. Chuyến xe lăn bánh, tôi ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy ngoại còn đứng dõi theo. Cánh tay gầy gò của ngoại vẫy chào khuất dần trong lớp sương sớm...

Cảm ơn ngoại, cảm ơn chương trình giao lưu đã cho tôi một đêm Giao thừa bất ngờ, hạnh phúc và xúc động! Một cái Tết mà tôi sẽ nhớ mãi. Có lẽ lúc người ta cảm nhận được mình đang sống chứ không phải tồn tại là những lúc người ta biết cho đi! Tôi sẽ tiếp tục gieo hạt giống sự sẻ chia, lan tỏa bài học “cho đi là còn mãi” trên con đường binh nghiệp của mình. Hai mươi bốn tháng nghĩa vụ quân sự là quãng thời gian đáng nhớ với những chiến sĩ trẻ. Và tôi cùng đội ngũ cán bộ sẽ giúp mỗi chiến sĩ có được những khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất: Đó là mùa xuân quân ngũ!

VÕ THÀNH NHÂN (*)

-----------

(*) Đại úy, trợ lý công tác quần chúng Sư đoàn 330, Quân khu 9