Những con đường bê tông phẳng phiu, cứng cáp dẫn tới nhà văn hóa từng thôn, bản; những ngôi nhà khang trang, kiên cố, mái ngói đỏ tươi, thấp thoáng bên các nương ngô, đồi mía, vườn cam, trải dài ngút tầm mắt, báo hiệu cuộc sống no ấm, đủ đầy trên vùng thủy điện Sông Đà.
Bám sát địa bàn, chọn hướng đi đúng
Chúng tôi tới xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình) vào một ngày cuối tuần. Mặt trời vừa ló rạng khỏi ngọn núi Đồi Thơi, đã thấy tiếng nói cười xôn xao, gọi nhau í ới của bà con trong xóm. Hôm nay, theo kế hoạch, đồng bào được mời tập trung tại Nhà văn hóa Bãi Tam, nghe cán bộ Ban CHQS huyện Kim Bôi phối hợp với các kỹ sư nông nghiệp đến từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi dê, gà đen, phát triển vườn rau sạch.
|
|
Lực lượng vũ trang huyện Kim Bôi (Hòa Bình) hỗ trợ nhân dân trên địa bàn ngăn đập tích nước phục vụ tưới tiêu. |
Không gian khoáng đạt như mở ra từ khoảng sân rộng của Nhà văn hóa Bãi Tam. Trước mắt chúng tôi là vài chiếc xích đu chất liệu inox sáng bóng, kê thẳng hàng dưới những tán cây sum suê, chẳng khác nào chốn công viên. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, say sưa ngắm nhìn không gian nhà văn hóa, Thượng tá Quách Mạnh Dần, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kim Bôi, vui vẻ giới thiệu: “Các sản phẩm này cùng rất nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình đều xuất phát từ kết quả triển khai thực hiện mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” trong toàn tỉnh những năm gần đây”.
Vì sao lại gọi là “làng, bản văn hóa-quốc phòng”? Để chúng tôi dễ hình dung, Đại tá Quách Đăng Phú, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: Là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, những năm trước đây, Hòa Bình có tới 95/210 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do xuất phát điểm thấp nên các làng, bản ở địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh chậm phát triển, năng suất lao động thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng thấp kém.
Bên cạnh đó, do trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu vẫn ăn sâu bám rễ trong đời sống nên thường bị các phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) ở cơ sở.
Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 610/NQ-ĐUQS ngày 20-4-2009, lãnh đạo LLVT làm nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng điểm mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ tỉnh.
|
|
Lực lượng vũ trang huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) giúp nhân dân trên địa bàn đổ bê tông đường giao thông nông thôn. |
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng ở các địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương nghiên cứu xây dựng, triển khai mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” với 4 mục tiêu: “Làng, bản ấm no, không còn nghèo đói-Sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh-Gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền-Làng xóm yên vui”.
Tập trung vào 4 nội dung: Giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình; xây dựng môi trường làng, bản sáng, xanh, sạch, đẹp; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động QPAN toàn dân vững mạnh, theo phương châm “Kiên trì, bước đi vững chắc, nhân dân ủng hộ, cán bộ đi đầu”.
Do mô hình được triển khai thực hiện đồng bộ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, trong đó LLVT giữ vai trò nòng cốt, địa bàn được lựa chọn triển khai mô hình đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có vị trí chiến lược về QPAN nên ban tổ chức thống nhất gọi là mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng”.
Vùng đất khó, ló cái khôn
Khi bước vào triển khai thực hiện mô hình, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình tham mưu với tỉnh chọn xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng làm thí điểm. Theo Thượng tá Phạm Đình Phương, Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình: Đú Sáng từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi, còn Bãi Tam là xóm nghèo nhất Đú Sáng.
Anh nhớ mãi kỷ niệm cách đây gần 10 năm, khi cùng một số đồng chí cán bộ Ban CHQS huyện Kim Bôi hành quân về Đú Sáng để triển khai mô hình, khi ấy xóm làng xơ xác, đường sá chật hẹp, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt, nắng lên thì bụi đất mù trời...
Tuy nhiên, sau khoảng 3 năm triển khai thực hiện mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng”, sự thay đổi ở Bãi Tam không chỉ được phản ánh rõ nét qua diện mạo nông thôn mà còn được thể hiện ở tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế-xã hội. Từ chỗ chỉ độc canh cây lúa, nhờ sự quan tâm, đầu tư của trên, sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương, Bãi Tam tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.
Không ít gia đình mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, đưa cây trồng giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ đó, đời sống người dân chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm từ 50% xuống còn 11,4%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2009; các hủ tục được đẩy lùi, không còn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba...
Như muốn chứng minh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện, đồng chí Bùi Đức Quân, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đú Sáng, vui vẻ đưa chúng tôi tham quan “Công trình xây dựng đường giao thông-Mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” của xã.
Quả thật, đi đến đâu, chúng tôi cũng gặp hệ thống đường bê tông cứng cáp, dẫn tới từng ngõ xóm; đường ống nước sạch từ khe núi được lắp đặt gọn gàng, kiên cố, dẫn đến từng gia đình. Nhất là Bãi Tam, các gia đình trong xóm đều có chuồng trại chăn nuôi kiên cố, được bố trí xa khu vực nhà ở, có sân phơi lúa riêng, phần lớn các hộ có công trình vệ sinh khép kín.
“Đường sá giờ dễ đi lắm rồi, xe máy cũng nhiều lắm! Ra đường làng bây giờ không quan sát cũng nguy hiểm đấy”, ông Bùi Văn Chay, xóm Bãi Tam, cười khoái chí, nhanh nhảu giới thiệu với khách về sự thay da đổi thịt của quê hương mình. Quả đúng như những chia sẻ của ông Chay, thâm nhập đời sống người dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận rõ sự no ấm, đủ đầy qua ánh mắt hân hoan, sự thân thiện, hiếu khách của bà con.
Bãi Tam bây giờ không còn những chân ruộng trơ gốc rạ cũ, thay vào đó là màu xanh đến mát mắt của các loại rau, củ, quả được chuyển đổi, thâm canh gối vụ liên tục. Cả một vùng đất hoang hóa trước kia đã khoác lên mình màu áo mới, nhựa sống căng tràn. Ai cũng phấn khởi, yên tâm làm ăn, gắn bó với thửa ruộng, mảnh vườn, nơi chôn nhau cắt rốn.
Chủ trương đúng đắn, cộng hưởng lòng dân
Được biết, từ kết quả thực hiện mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” tại xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi; xóm Nội, xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình), tỉnh Hòa Bình quyết định mở rộng phạm vi thực hiện mô hình tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Để bảo đảm nguồn kinh phí duy trì thực hiện mô hình, theo Đại tá Triệu Kim Thắng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tham mưu với tỉnh tranh thủ tối đa nguồn xã hội hóa. Cụ thể là huy động sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh, kết hợp với nguồn kinh phí được trích từ các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2020); giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2012-2015) và các ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, qua đó ưu tiên nguồn lực, chung tay xây dựng mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” trên địa bàn, góp phần không ngừng củng cố tiềm lực kinh tế-xã hội, QPAN của địa phương.
Từ chủ trương đúng đắn, đồng thời thấy được hiệu quả của mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng”, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều chủ động đóng góp kinh phí, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị; hàng nghìn hộ sẵn sàng hiến đất làm đường, tự nguyện phá dỡ các công trình kiên cố của gia đình, phục vụ quá trình triển khai thực hiện mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” ở địa phương.
|
|
Lực lượng vũ trang huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) kết hợp giữa huấn luyện với giúp dân xây dựng công trình nước sạch. |
Tính đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 30 làng, bản văn hóa-quốc phòng và trở thành những điểm sáng nổi bật trong bức tranh xây dựng nông thôn mới của các xã đặc biệt khó khăn, góp phần cùng toàn tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Đặc biệt, trong tổng số 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình, có 19 xã xuất phát điểm từ diện đặc biệt khó khăn, nay đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân 99 xã đặc biệt khó khăn đạt 12,6 tiêu chí/xã (bình quân toàn tỉnh đạt 15,1 tiêu chí/xã).
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, khẳng định: “Từ sự tham mưu hiệu quả, tích cực của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo nên sự đổi thay toàn diện trong đời sống của bà con nhân dân. Thông qua việc thực hiện mô hình, mọi người sống chan hòa, tình cảm, gắn bó với nhau hơn trong sinh hoạt cộng đồng, cùng nhau đoàn kết, xây dựng quê hương mỗi ngày thêm no ấm”.
Có thể thấy, việc xây dựng thành công mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng”, trong đó, LLVT giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu, triển khai và trực tiếp thực hiện ở một tỉnh miền núi như Hòa Bình, đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, qua đó phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh ở cơ sở, giúp cho thế trận quốc phòng toàn dân tại các địa bàn đặc biệt khó khăn không ngừng được củng cố, tăng cường, tạo thêm động lực để từng địa phương vươn lên phát triển toàn diện.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG