“Nếu còn sống, chắc hẳn Thạc sẽ dồn tất cả tinh hoa mình có để tôi luyện, trở thành một nhà thơ chiến trường giống nhà thơ Phạm Tiến Duật mà Thạc từng ngưỡng mộ”. Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Thục (anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc), hiện sống ở phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Mặc dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhắc đến người em trai, ông Thục vẫn nhớ như in những trang thư, nhật ký mà Thạc gửi gắm trước khi bước vào các trận đánh khốc liệt trên chiến trường miền Nam.
|
|
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thục xem lại cuốn nhật ký của người em trai-liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. |
Ngoan ngoãn, lễ độ và khiêm nhường là những từ mà ông Thục nhắc đến người em trai yêu quý của mình. Sinh ra trong thời chiến, kinh tế gia đình khó khăn trăm bề vì hậu quả chiến tranh, nhưng đó lại là động lực để Thạc vươn lên những lý tưởng sống cao đẹp. Với niềm đam mê và tình yêu văn học từ nhỏ, ngay từ khi học lớp 6, Thạc bắt đầu sáng tác thơ, đặc biệt hơn khi có những bài được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, thành quả 10 năm đèn sách Thạc có được là đạt điểm A toàn diện các môn, giải nhì môn Văn cấp TP Hà Nội và giải nhất học sinh giỏi môn Văn toàn miền Bắc. Ông Thục nhớ lại: “Ngày đó nhờ bạn của Thạc kể, gia đình tôi mới biết em đoạt giải nhất môn Văn toàn miền Bắc. Đáng tự hào là vậy, nhưng khi tôi hỏi, Thạc chỉ cười và bảo rằng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa”.
Là học sinh giỏi, được Bác Hồ khen tặng, trao thưởng nhưng Nguyễn Văn Thạc luôn khiêm tốn và coi đó là chút thành quả nhỏ để mình tiếp tục nỗ lực phấn đấu cho đam mê. Trên con đường đến với tri thức, Nguyễn Văn Thạc may mắn có được sự ủng hộ toàn tâm từ gia đình. Có những ngày ôn tập đến đêm khuya, để con mình có giấc ngủ ngon, mẹ Thạc thường bước những bước nhẹ nhàng tránh con thức giấc.
... Này tiếng chân mẹ bước trong đêm
Nhè nhẹ, êm êm sợ con thức giấc
Ôi! Trên đời này còn gì chân thật
Bằng âm thanh của mẹ thân yêu...
(trích "Lời mẹ dặn"-Nguyễn Văn Thạc)
Ông Thục chia sẻ: “Thạc thương lắm khi cha mẹ vất vả, đàn em thơ không được học hành. Vì vậy, Thạc luôn nỗ lực và gửi gắm tâm tư của mình bằng những câu thơ khi còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”.
Từ một học sinh giỏi toàn diện, Nguyễn Văn Thạc trở thành sinh viên Khoa Toán-Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Người sinh viên tài năng ấy có vô vàn con đường để bước tiếp đến tương lai, nhưng anh lựa chọn nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cùng với hàng nghìn sinh viên các trường đại học, xếp bút nghiên lên đường ra trận. Những ngày trong quân ngũ là những ngày mà Thạc tìm lại được đam mê với văn học-nghệ thuật. Đối với anh, văn học chính là nơi truyền cảm hứng đến biết bao chiến sĩ nơi tiền tuyến. Vì thế, người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc rất yêu thích cuốn sách “Chiến tranh và hòa bình” (Lev Tolstoy) và những bài thơ thấm đẫm chiến trường của Phạm Tiến Duật. Chính những tác phẩm ấy đã thôi thúc anh phải viết, phải chiến đấu cho hòa bình và độc lập dân tộc. Dẫu tuổi 20 chất chứa bao hoài bão nhưng anh vẫn luôn mang trong lòng một tình yêu mãnh liệt với người con gái tên là Như Anh. Có những ngày thức trắng đêm hành quân, nhớ về Hà Nội, nhớ về Như Anh, Thạc viết:
Đêm trắng trong là đêm của em
Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn
Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn
Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa...
(trích "Đêm trắng"-Nguyễn Văn Thạc)
Nhờ tình yêu trong sáng ấy, anh có thêm năng lượng để viết nên những dòng thơ đầy sắc màu, giàu cung bậc cảm xúc. Dù trên bầu trời có dày kín bom đạn, hay những trận mưa che khuất đường hành quân, nhưng ngôi sao Như Anh luôn dẫn lối anh bước tiếp trên con đường mình đã chọn.
“Bây giờ đi lâu, mình càng thấy sự có mặt của mình trong quân đội là cần thiết, là đúng đắn. Xấu hổ biết bao nhiêu vì thanh niên trai tráng, khỏe mạnh lại suốt ngày ru rú trên cửa sổ của giảng đường đại học! Suốt ngày gìn giữ nếp áo quần, giữ bàn tay cho sạch và soi gương làm dáng... để cho lớp thanh niên vừa nhỉnh một chút lăn lộn người ngoài tiền tuyến, với những thằng lính Mỹ xâm lược to gấp đôi, gấp rưỡi mình! Thế sao trước kia mình không nhận thấy điều ấy? Một chân lý đơn giản, thật dễ hiểu?” (trích "Mãi mãi tuổi 20").
Giác ngộ được lý tưởng cách mạng, anh tự trách rằng tại sao mình không nhận thức được sớm hơn. Anh hiểu rằng, bước ra khỏi giảng đường đại học, cuộc đời cách mạng không phải là màu xanh mà tràn đầy sự hy sinh, gian khổ nhưng không kém phần tự hào. Điều anh muốn không chỉ là nhìn nhận sự việc mà là cảm nhận chân thực những gì đã xảy ra ngoài chiến trường bom rơi đạn lạc.
|
|
Chiến sĩ trẻ với cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. |
Và hơn cả là mong ước được như nhà thơ Phạm Tiến Duật khi “thơ anh đã có tác dụng lớn lao trong cuộc chiến đấu mãnh liệt ở tiền phương và cuộc chiến đấu âm thầm, bền bỉ ở hậu hương" (trích "Mãi mãi tuổi 20)". Tất cả đều được anh ghi chép thật tỉ mỉ “làm vốn”, để sau khi quay trở lại Thủ đô yêu dấu, anh có thể viết riêng cho mình cuốn sách khởi đầu cho niềm đam mê mãnh liệt với văn học.
Khi chưa thể viết tiếp ước mơ còn dang dở, người con trai Hà thành ấy đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường miền Trung sau những ngày chiến đấu anh dũng tại Thành cổ Quảng Trị. Nguyễn Văn Thạc khép lại trang nhật ký đời mình khi vừa chớm tuổi hai mươi. Anh hy sinh, bao người tiếc thương vì một tài năng ra đi khi còn quá trẻ nhưng những giá trị tinh thần mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc để lại cho bao thế hệ thanh niên Việt Nam sẽ sống mãi với thời gian...
Bài và ảnh: HẠ ANH