Thế hệ sinh viên lên đường

Ông mở đầu câu chuyện bằng một lời ví von: “Tôi được bạn lính phong cho danh hiệu: Nhạc sĩ của đồng đội. Thực ra, “tôi chỉ là anh nhạc sĩ “tay ngang”, bởi tuy bắt đầu sáng tác từ những năm 1974-1975, nhưng lại không chọn con đường chuyên nghiệp-điều hối tiếc cho đến tận bây giờ”.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng (hàng đầu, bên trái) viếng mộ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tháng 7-2018.

Thế nhưng tình yêu với môn nghệ thuật này đã bắt nguồn từ trước đó rất lâu, mà ông gọi nó như là “cái duyên” trời định. Âm nhạc như một thứ men say, một khi đã bước vào là không thể dứt ra được. Và khúc ca “Mãi mãi tuổi 20” được bắt nguồn từ những năm tháng tuổi trẻ hừng hực khí thế lên đường tòng quân cứu nước. Giai điệu âm vang, hào hùng, lời ca giàu sức gợi, như kể chuyện mà cũng như thúc giục, khiến người nghe muốn hòa theo, muốn cháy cùng một thế hệ đã “xếp bút nghiên chúng tôi lên đường”...

Ngày học cấp 3 đi sơ tán ở Yên Dũng, Hà Bắc (nay là Bắc Giang), qua trường âm nhạc, nghe tiếng đàn, tiếng hát vọng ra, Quý Lăng đã ước ao mình cũng được như vậy. Nhưng rồi sau đó, ông lại trở thành sinh viên Khoa Toán-Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. “Năm 1970, tôi nhập học vào khóa 15, cùng lớp với Nguyễn Văn Thạc. Biết Thạc từng đoạt giải nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, tôi đã rất tò mò, sao anh lại học Khoa Toán? Có lần tôi hỏi thì Thạc trả lời: “Đơn giản vì tớ thích học Toán”. Năm thứ nhất trôi đi nhanh chóng trong quãng đời tuổi trẻ hồn nhiên, tinh nghịch và đầy khát vọng.

 “Nhưng rồi chiến tranh càng ngày càng khốc liệt. Hơn 40 sinh viên Khoa Toán-Cơ cùng với hàng trăm sinh viên các khoa trong trường lên đường nhập ngũ ngày 6-9-1971 - nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng bồi hồi kể lại - Hàng nghìn sinh viên chúng tôi đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ chia tay diễn ra ở bãi đất trống đằng sau khu nhà liên hợp giảng đường Thượng Đình. Gia đình, người thân, bạn bè thì lưu luyến, còn các anh lính trẻ măng rất hồn nhiên kêu bạn bè phải gọi bằng chú. Và còn những giọt nước mắt... chắc của mấy chàng đa tình. Hành trang lên đường ngoài quân tư trang là những quyển sách yêu thích, sổ tay bạn bè tặng để ghi nhật ký”.

Lứa sinh viên “6971” ngày ấy được đưa lên huấn luyện tại hai huyện Việt Yên và Tân Yên (Hà Bắc). Lăng và Thạc ở cùng một tiểu đội. Thấm thoắt hết 3 tháng huấn luyện tân binh, Quý Lăng về đơn vị xe tăng, Thạc ở lại làm lính thông tin Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Vậy là chia tay mỗi người một ngả. Nhớ lại sáng sớm hôm lên đường (mà ông đâu có ngờ lại là lần gặp cuối cùng), trước khi đi, Quý Lăng đã viết lại mảnh giấy chia tay để ở đầu giường bạn. Sau này, ông đã được đọc lại trong nhật ký của Nguyễn Văn Thạc: “Sớm nay bọn lính tăng mới đi. Lăng đi rồi, lúc 5 giờ sáng. Bọn mình còn mệt nằm ngủ, nó không gọi và để lại mảnh giấy nhỏ. Chia tay, giản dị và thân mến quá…” (Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi).

Từ cây đàn guitar cũ đến khúc ca tuổi trẻ

Về Trường 600, Đoàn 10, Binh chủng Tăng-Thiết giáp (Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp sau này), Nguyễn Quý Lăng được học lớp kỹ thuật viên, rồi được giữ làm trợ giảng. Năm 1973, Bộ tư lệnh Tăng-Thiết giáp quyết định thành lập Đội Tuyên văn (tiền thân của đoàn nghệ thuật binh chủng sau này) để chuẩn bị cho hội diễn toàn quân năm 1974. Sau đợt tuyển chọn các “diễn viên” trong binh chủng, toàn đội được tập trung tại Bộ tư lệnh Tăng-Thiết giáp khi đó đóng quân ở cây số 8 đường Vĩnh Yên, Tam Đảo, Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) . Từ đây, họ được cử đi học tập tại Đoàn Văn công Quân khu 3 về nhạc cụ, thanh nhạc. Riêng lớp học sáng tác ca khúc, binh chủng đã mở một lớp riêng mời các nhạc sĩ nổi tiếng Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Nguyên Nhung về giảng dạy. Nhạc sĩ Quý Lăng trầm tư nhớ lại: Ngay từ ngày đó, thầy Huy Du đã khuyên tôi về học sáng tác ở trường âm nhạc. Nhưng tôi đã từ chối với lý do: Bao giờ hết chiến tranh em sẽ về học tiếp đại học.

Nhạc sĩ Quý Lăng bảo rằng, đời người có những cuộc gặp gỡ như là duyên nợ, để rồi nó sẽ theo ta, ám ảnh ta, gắn bó với mọi “hỷ, nộ, ái, ố” mà đời ta phải gánh. Đó là câu chuyện cuộc gặp của ông với cây đàn “duyên nợ” mà sau này ông đã cố gắng đi tìm chủ nhân của nó nhưng không được.

Năm 1975, từ Trung đoàn Xe tăng 574, Quân khu 5 trở về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tiếp tục học Toán, cây đàn đã gắn bó với ông. Những ca khúc ông viết bằng cây đàn ấy không chỉ gắn bó với các phong trào của sinh viên, mà còn cả với những tháng năm ở Hội Âm nhạc TP Hà Nội mà ông là thành viên. Nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, ông luôn nhớ về những đồng đội trong lớp cùng với hàng trăm sinh viên đã mãi mãi ra đi lúc tuổi mới mười chín, đôi mươi. Bốn trong số 16 sinh viên lớp K15 Toán đã hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị không trở về, trong đó có Nguyễn Văn Thạc. Ông luôn ấp ủ sẽ viết một cái gì đó về thế hệ ông, về những người bạn học đã nằm lại nơi chiến trường mà chưa tìm được “tứ”.

Tháng 4-2005, trước giờ lên lớp, theo thói quen, ông dừng lại ở cổng trường mua một tờ báo. Tít bài “Khúc bi tráng của người đoạt giải nhất Văn miền Bắc” (tác giả Đặng Vương Hưng) khiến ông chú ý. Ông giật mình thảng thốt: “Ôi, Thạc đây rồi!”. Đúng lúc đó, tiếng chuông báo vào tiết học vang lên, ông cất tờ báo vào túi rồi bước vào lớp. Nhưng ông cũng chỉ giảng được một tiết, sau đó ông cho sinh viên làm bài tập, rồi ra một quán cà phê gần trường chăm chú đọc bài báo về Nguyễn Văn Thạc. Ngay đêm đó, bên cây đàn guitar cũ, những giai điệu đầu tiên của ca khúc “Mãi mãi tuổi 20” đã vang lên trong căn phòng nhỏ. Ông chỉ mất 15 phút để hoàn thành lời một của ca khúc. Tuy nhiên đến lời hai, ông phải mất thêm ít ngày nữa.

leftcenterrightdel
Bản nhạc bài hát “Mãi mãi tuổi 20”.

Một ngày gần dịp 27-7, ông tìm đến nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc để thắp hương cho người bạn học. Tình cờ, ông gặp một số người bạn ở đây. Ông đề nghị mọi người cùng nghe thử bài hát. Nghe xong, mọi người đều thích, coi đây như một hồi ức đẹp về những năm tháng hào hùng của một thế hệ sinh viên ra trận. Ai cũng động viên ông cố gắng hoàn thành bài hát. “Đêm đó về nhà, tôi không ngủ được, nghĩ đến bước chân của những người lính ra trận, những ca từ “Là... lá... la...” cứ thế vang lên. Bất chợt, tôi nhớ đến lời của nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết, đại ý: Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ đi qua, chỉ còn lại mãi tình yêu... Và tôi vùng dậy, ghi ngay những câu kết: “Và nước mắt/ Và tình yêu/ Và mai sau rực cháy/ Mãi mãi tuổi hai mươi...”-nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng kể.

Bài hát được vang lên lần đầu tiên khi Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” TP Hà Nội ra mắt vào tháng 8-2005. Đến nay, khúc ca của tuổi trẻ “Mãi mãi tuổi 20” đã ra đời được 14 năm, trở thành bài hát gắn bó với những hành trình thiện nguyện của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bài hát được học sinh, sinh viên rất yêu thích, bởi nó không chỉ là câu chuyện của một thế hệ mà còn nói lên khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ hôm nay.

Bài và ảnh: PHẠM THU THỦY