Những thành tựu và chuyển động
Chủ đề, đề tài VHTN trong những năm gần đây đã mở rộng, gần gũi với đặc thù của đời sống trẻ em ngày nay. VHTN Việt Nam đương đại có sự chuyển biến tích cực trong nội dung. Từ những đề tài truyền thống như tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu thiên nhiên, các tác phẩm hiện nay bắt đầu đi sâu vào những vấn đề xã hội. Nếu như giai đoạn trước, nhân vật thiếu nhi thường xuất hiện trong hình tượng những anh hùng nhỏ tuổi, dũng cảm, giàu tinh thần cách mạng, như: Kim Đồng, Lượm hay những dũng sĩ diệt Mỹ trong các tác phẩm thời kháng chiến, thì hiện nay, nhân vật thiếu nhi đã trở về với tinh thần của cuộc sống đời thường, tính cách hồn nhiên, đôi khi vụng về, ngốc nghếch, nhưng giàu cảm xúc, ham hiểu biết và dễ tổn thương. Cậu bé Dũng trong tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần là người mang đến một thế giới quan trong trẻo, ngộ nghĩnh và sâu sắc qua trải nghiệm cảm xúc và các giác quan. Truyện không theo cấu trúc xung đột và giải quyết mâu thuẫn theo kiểu truyền thống mà tập trung tái hiện sự lớn lên từ bên trong tâm hồn trẻ thơ.
VHTN Việt Nam thời gian gần đây cũng phản ánh mối quan tâm toàn cầu về môi trường, sinh thái và biến đổi khí hậu, với những câu chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng với tác phẩm “Cá linh đi học” đoạt giải thưởng VHTN của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 là một thành công của dòng văn học xanh dành cho các em nhỏ.
Một điểm nổi bật khác là sự đa dạng trong giọng kể, từ giọng kể ngôi thứ nhất mang chất tự sự cá nhân đến giọng kể ẩn danh, giàu tính triết lý. VHTN hiện nay không ngại thử nghiệm những cấu trúc phức tạp, ngôn ngữ đa tầng và biểu tượng hóa hình ảnh để mở rộng năng lực tiếp nhận của trẻ. Nhiều tác phẩm cũng mang tính liên văn bản rõ nét với văn học dân gian, văn hóa bản địa hoặc tác phẩm kinh điển nước ngoài. Tác phẩm thiếu nhi hiện nay ngày càng chú trọng yếu tố nghệ thuật. Các biểu tượng thiên nhiên, con vật, đồ vật được khai thác như công cụ ẩn dụ để thể hiện tâm lý nhân vật hoặc những vấn đề mang tính phổ quát (cái chết, nỗi buồn, sự trưởng thành...). Sự giao thoa giữa hiện thực và huyền ảo trở thành đặc điểm phổ biến. Bộ tiểu thuyết 5 tập “Lục địa rồng” của nhà văn trẻ Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại văn chương mà nhiều cây bút trẻ bây giờ đeo đuổi là fantasy (có tính chất kỳ ảo, siêu nhiên) xen lẫn với yếu tố sci-fi (khoa học viễn tưởng). Đây cũng là tác phẩm có tính liên văn bản với nhiều tác phẩm cùng chủ đề tương tự của văn học thế giới.
Ngôn ngữ trong VHTN đương đại giữ được tính trong sáng, dễ hiểu nhưng đồng thời giàu chất thơ và khả năng tạo hình. Câu văn ngắn, giàu nhịp điệu, nhiều phép điệp, so sánh, nhân hóa. Một số tác phẩm chuyển sang dạng sách ảnh, sách tranh kể chuyện, mở rộng khả năng tiếp nhận bằng hình ảnh. Minh họa trở thành một phần không thể thiếu, đặc biệt trong sách dành cho lứa tuổi mầm non và nhi đồng. Các đơn vị xuất bản đang đầu tư cho minh họa chuyên nghiệp, đồng thời, các thể nghiệm như sách có mã QR nghe truyện, sách AR/VR cũng bắt đầu xuất hiện, đánh dấu sự chuyển dịch từ văn bản đơn thuần sang dạng tương tác đa phương tiện.
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn đương đại nổi bật nhất của Việt Nam, vẫn duy trì vị trí là một “tượng đài” của VHTN đương đại từ nhiều năm qua. Với gần 100 tác phẩm đã xuất bản, ông đã tạo dựng một thế giới tuổi thơ phong phú và sâu sắc. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình, thu hút đông đảo khán giả. Cách viết của Nguyễn Nhật Ánh nhẹ nhàng, hài hước và sâu lắng, phản ánh chân thực tâm lý và thế giới nội tâm của thiếu nhi. Tuy nhiên, nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi đã mở ra những hướng đi mới. Nguyễn Xuân Thủy là một nhà văn Quân đội và có thể coi là người mở đường, đi tiên phong với đề tài biển, đảo trong VHTN đương đại. Tác phẩm “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” đã được tái bản nhiều lần và được đưa vào sách giáo khoa. Nhà văn Trần Gia Bảo thì lại chọn hướng sáng tác chưa nhiều nhà văn quan tâm, đó là kể về đời sống của những nhân vật xa xứ, cho dù là chú mèo thuần Việt hay là cô chủ du học sinh trẻ tuổi.
Bên cạnh các cây bút kỳ cựu VHTN thì nhiều cây bút mới đã xuất hiện, mang theo cách nhìn trẻ trung, đa chiều và ngôn ngữ đậm bản sắc vùng miền, thậm chí vươn ra thế giới, cùng với hơi thở của thời đại công nghệ, đã cho thấy sự nhạy bén đối với xã hội và chiều sâu nội tâm nhân vật.
    |
 |
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. |
Những thách thức trong thời đại số
VHTN vẫn còn ít được quan tâm trong hệ thống nghiên cứu và phê bình. Các công trình lý luận, sách nghiên cứu còn mỏng. Đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp hiếm hoi, dẫn đến việc thiếu phản biện và thiếu hệ quy chiếu học thuật cho các tác phẩm mới. Cũng còn thiếu những nhà văn chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi. Theo báo cáo tổng kết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024, trong tổng số hội viên cả nước, chỉ khoảng 3-5% chuyên viết cho thiếu nhi.
Tình trạng xuất bản tự phát, thiếu chiến lược dài hơi khiến nhiều tác phẩm thiếu nhi có chất lượng tốt nhưng không được phân phối rộng rãi. Việc tiếp cận sách của trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn do hạ tầng thư viện trường học, gia đình chưa phát triển đồng đều.
Một mặt, nhu cầu về tác phẩm văn học phù hợp với trẻ em ngày càng cao; mặt khác, thói quen đọc sách của thế hệ trẻ đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các phương tiện truyền thông hiện đại như các nền tảng mạng xã hội, trò chơi điện tử, ti vi... Bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam hiện nay đang thay đổi mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của công nghệ số, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Các thiết bị công nghệ thông minh, các ứng dụng giải trí, các nền tảng mạng xã hội đang làm thay đổi thói quen tiếp nhận văn hóa của trẻ em. Trẻ em ngày nay lớn lên trong môi trường gắn với hình ảnh động, tốc độ nhanh và khả năng tập trung giảm, dễ bị cuốn vào các hình thức giải trí tức thời, dẫn đến giảm hứng thú với đọc sách, đặc biệt là sách văn học thuần túy. Điều này đặt ra yêu cầu mới đối với VHTN về hình thức thể hiện, nội dung truyền tải và phương thức phát hành. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen vào năm 2023, trung bình trẻ em Việt Nam 5-12 tuổi dành 2-4 giờ mỗi ngày cho màn hình, trong khi thời gian đọc sách tối đa là 30 phút mỗi ngày, thậm chí còn ít hơn. Đây là thách thức lớn đòi hỏi sự đổi mới không chỉ từ nội dung mà cả hình thức thể hiện và chiến lược tiếp thị VHTN.
VHTN Việt Nam hiện đại đang trong giai đoạn chuyển mình quan trọng, với những tín hiệu tích cực về nội dung, nghệ thuật và đội ngũ sáng tác. Tuy nhiên, để thực sự trở thành dòng chảy mạnh mẽ và có chiều sâu trong đời sống văn hóa, cần có sự đầu tư đồng bộ từ chính sách nhà nước, ngành xuất bản, giáo dục và truyền thông. Cần xây dựng một hệ sinh thái phát triển VHTN: Khuyến khích sáng tác thông qua giải thưởng uy tín; tổ chức các chương trình tập huấn sáng tác, minh họa, biên tập chuyên sâu; xây dựng mạng lưới phân phối sách hợp lý, công bằng giữa các vùng miền; đặc biệt là thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường và gia đình.
Việc xây dựng một thế hệ độc giả VHTN không chỉ là trách nhiệm của các nhà văn, các nhà xuất bản hay các cơ quan chuyên trách, gia đình hay trường học, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi vì, như nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry từng viết: “Tất cả người lớn đều từng là trẻ con, nhưng ít người trong số họ nhớ điều đó”.
VHTN không chỉ đơn thuần là “văn học cho trẻ em”, mà còn là sự “tái kiến tạo thế giới” từ góc nhìn người lớn dành cho đối tượng đang hình thành nhân cách.
|
Tiến sĩ HÀ THANH VÂN