Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, trại sáng tác văn học về đề tài LLVT và CTCM được Nhà xuất bản QĐND tổ chức thường niên có gì đặc biệt?

Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường: Hằng năm, Nhà xuất bản QĐND phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các trại sáng tác văn học về đề tài LLVT và CTCM tại các nhà sáng tác trên cả nước. Trại viết của Nhà xuất bản QĐND thường dành cho những cây bút chuyên nghiệp, đã thành danh; tập trung cho hai thể loại “hồn cốt” của văn học là tiểu thuyết và trường ca, nhằm hướng đến cho ra đời những tác phẩm văn học đỉnh cao về đề tài này.

Trong những năm gần đây, bình quân sau mỗi trại viết, chúng tôi thu về từ 15 đến 20 bản thảo cơ bản hoàn chỉnh, có chất lượng nội dung tương đối tốt. Và, những bản thảo này thường được lựa chọn để đưa vào biên tập, xuất bản, kịp thời phục vụ bạn đọc. Đặc biệt, phần nhiều tác phẩm sau khi được xuất bản giành được giải thưởng của các hội chuyên ngành Trung ương và địa phương.

leftcenterrightdel
Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường. 

Mặc dù luôn kiên định với một đề tài, song mỗi trại viết, ban tổ chức lại xác định chủ đề, mục tiêu cụ thể. Năm 2022, khi tổ chức ở Cần Thơ, chúng tôi đặt ra mục tiêu đột phá cho sự phát triển thể loại tiểu thuyết của văn học vùng Đồng bằng sông Cửu Long; năm 2023, tại Đà Nẵng, hướng tới có những tác phẩm viết về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên rực lửa...

Lần này tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, chúng tôi muốn có những tác phẩm hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô; 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam; 80 năm Ngày Quốc khánh 2-9... Và hướng đi chính của chúng tôi đặt ra là nhằm tạo ra một bước ngoặt cho dòng văn học viết về chiến tranh trên một phương diện mới, một cách tiếp cận mới...

Trong 3 năm trở lại đây, cũng từ các trại sáng tác, chúng tôi cho ra đời bộ sách văn học (17 đầu sách) hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, chúng tôi còn lựa chọn một số tác giả để đầu tư chiều sâu, tức là thời gian dự trại sẽ dài hơn, có thể từ 1 đến 3 tháng.

PV: Có thể nhận thấy các trại viên tham gia năm nay thuộc nhiều thế hệ, cả trong và ngoài Quân đội. Đồng chí có thể đánh giá sơ bộ về chất lượng tác phẩm từ trại sáng tác?

Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường: Lần này, ngay từ công tác chuẩn bị, lựa chọn trại viên, chúng tôi đã đặt ra tiêu chí lựa chọn đầy đủ những nhà văn thuộc 3 thế hệ: Những nhà văn chống Mỹ, là những người đã từng một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đều là những nhà văn đã được “định vị” trên văn đàn từ nhiều chục năm qua với những tác phẩm viết về chiến tranh hấp dẫn và đặc sắc. Tiếp đó là những nhà văn thuộc thế hệ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hay là những người đã từng đảm trách nhiều cương vị khác nhau cả trong và ngoài Quân đội. Thế nên họ cũng có vốn sống dày dặn, sức viết dồi dào và đặc biệt là “độ chín” của người cầm bút.

Thế hệ thứ ba mà chúng tôi mời tham gia trại viết lần này là những nhà văn trẻ. Bởi chúng tôi cho rằng, những nhà văn trẻ đương đại viết về đề tài LLVT và CTCM hôm nay không nhiều (chưa nói là hiếm), song đây chính là những “hạt mầm” cho tương lai của đề tài bất tận này. Dấn thân vào đề tài này chắc chắn cũng là thách thức với họ. Và những trại viên trẻ tuổi của chúng tôi với niềm lạc quan, có cách tiếp cận mới về chiến tranh, về người lính... đã cho thấy cách viết với sự pha trộn nghệ thuật, từ chiến tranh, thân phận con người thời hậu chiến cho đến đời sống sinh hoạt của người chiến sĩ hôm nay... Sự pha trộn đó làm cho những sáng tác của họ trở nên sống động, hấp dẫn, giàu sức sống. Điều này hứa hẹn sẽ tạo những bước đột phá của đề tài về chiến tranh và người lính trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại.

Kết quả là sau gần hai tuần miệt mài lao động, các tác giả đã cho ra đời 18 bản thảo cơ bản hoàn chỉnh, hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn đọc một cách nhìn mới về văn học cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

leftcenterrightdel
Giờ giải lao của bộ đội Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. NSNA HÀ QUỐC THÁI 

PV: Lâu nay chúng ta vẫn lo ngại sự thiếu hụt đội ngũ sáng tác về đề tài LLVT và CTCM, khi mà các nhà văn thế hệ trực tiếp trải qua chiến tranh cũng dần lớn tuổi, thưa vắng. Trước thực tế đó, Nhà xuất bản QĐND đã phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ cho đề tài này như thế nào?

Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường: Vấn đề bạn đưa ra ở đây là rất thực tế, cũng là vấn đề đang có nhiều trăn trở không chỉ riêng với chúng tôi mà với toàn xã hội hôm nay. Từ lâu, chúng tôi đã xác định phải xây dựng một đội ngũ kế cận cho tương lai, bởi văn học về đề tài LLVT và CTCM vẫn sẽ là đề tài quan trọng và hấp dẫn trong dòng chảy văn học Việt Nam.

Cách đây 3 năm, tại trại viết ở Cần Thơ, nhà văn Hà Đình Cẩn từng khẳng định: “Trại viết của Nhà xuất bản QĐND đã làm được hai nhiệm vụ rất quan trọng, đó là: Giữ mãi sức sống cho văn học viết về CTCM và bồi dưỡng, đào tạo thành công cho một thế hệ trẻ viết về chiến tranh”. Ông đã lấy một ví dụ cụ thể từ một trại viên trẻ để chứng minh điều đó. Qua đó, chúng tôi tin rằng, mục tiêu đặt ra của trại viết đang đi đúng hướng, với phương châm “để trại viên bồi dưỡng cho trại viên bằng việc làm cụ thể thông qua những trang viết là cách làm hiệu quả và thiết thực nhất”. Vấn đề ở chỗ, nhà văn trẻ khi tham gia trại viết phải thực sự có tinh thần cầu thị, biết tiếp thu, chọn lọc những tinh hoa của thế hệ đi trước. Phải biết tạo cho mình một hướng riêng, một góc nhìn riêng trên nền tảng vững vàng về bản lĩnh chính trị, văn hóa, kiến thức... Có như thế nhà văn trẻ mới hiểu hơn về giá trị lịch sử, về nhân văn nghệ thuật, về sự độc đáo của văn học đề tài LLVT, CTCM và người chiến sĩ hôm nay.

PV: Người ta nói rằng, trại sáng tác chỉ tạo không khí sáng tác, là nơi để “khơi mạch sáng tạo”, là “cú hích” để nhà văn bứt phá... chứ trong thời gian ngắn tham gia trại viết thì làm sao hoàn thành một tiểu thuyết hay trường ca. Vậy thực tế những trại sáng tác của Nhà xuất bản QĐND thì sao, thưa đồng chí?

Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường: Tâm lý học sáng tạo nghệ thuật đã chứng minh, một tác phẩm tiểu thuyết, một trường ca dài hơi chưa hẳn đã cần rất nhiều thời gian để hoàn thành. Và ngược lại, chưa chắc thời gian dài có thể giúp nhà văn hoàn thành tác phẩm của mình. Vì vậy, mặc dù vấn đề đặt ra là không sai, nhưng cũng chưa hoàn toàn là đúng. Bởi có lẽ người ta chưa hiểu hết được sức bật, sự bứt phá của các văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo nghệ thuật.

Nhà văn Châu La Việt đến trại viết năm 2023 mà chưa có đề cương hay trang viết nào, ông tâm sự đang ấp ủ một câu chuyện về những người chiến sĩ, nghệ sĩ trong Mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa, nhưng không biết đến khi nào mới thực hiện được... Ấy vậy mà, gần đến ngày kết thúc trại viết, ông đã đem bản thảo hoàn chỉnh “Vầng trăng Him Lam” gửi ban tổ chức. Và tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” ra đời đã trở thành một nét chấm phá nghệ thuật của văn học viết về Mặt trận Điện Biên Phủ ác liệt mà không cần tiếng súng. Cuốn sách được giới thiệu trong bộ sách kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và được PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chuyển thể thành vở nhạc kịch cùng tên.

Hay trước đó, tại trại viết được đầu tư chiều sâu năm 2016, nhà văn Chu Lai đã cho ra đời tiểu thuyết “Mưa đỏ”, sau đó đã được chuyển thể ở nhiều loại hình nghệ thuật và giành nhiều giải thưởng uy tín.

Thực chất, ngoài việc tạo không khí, khơi mạch, tạo cú hích, cảm hứng cho các tác giả thì hầu hết trại viên của chúng tôi đều là những nhà văn chuyên nghiệp, đến trại viết với tinh thần làm việc cao nhất. Nhiều người đem theo “lương khô” đã có sẵn, đến trại để có thời gian nghiền ngẫm, sửa chữa, nâng cấp và hoàn thiện tác phẩm. Nhưng cũng có người đến trại mới bắt tay thực hiện công trình mới.

Từ kết quả đã đạt được ở các trại sáng tác, chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng để Nhà xuất bản QĐND có điều kiện phối hợp tổ chức các trại sáng tác về đề tài LLVT và CTCM một cách nền nếp, hiệu quả. Qua đó đem đến những tác phẩm văn học tiêu biểu về đề tài thiêng liêng, bất tận này, đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài Quân đội; góp phần khẳng định giá trị của văn học trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DƯƠNG THU (thực hiện)