Phóng viên (PV): Theo dõi điện ảnh Việt nhiều năm, nhất là thời gian gần đây tham gia các liên hoan phim với các vai trò khác nhau, bà thấy gì về điện ảnh Việt Nam qua các hoạt động đó?

PGS, TS Hoàng Cẩm Giang: Trong năm nay, tôi có tham gia hai liên hoan phim: Liên hoan phim TP Hồ Chí Minh với vai trò thành viên ban giám khảo và Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng với vai trò tổ chức hội thảo trong khuôn khổ liên hoan phim. Với Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, dù mới là năm thứ hai tổ chức nên có thể chưa nổi bật về truyền thông nhưng tôi đánh giá đây là một liên hoan phim thành công, ý nghĩa với mục tiêu đưa điện ảnh Việt Nam đến với châu Á và đưa điện ảnh thế giới tới Việt Nam. Tôi cảm nhận được ở liên hoan phim không khí không chỉ sôi động mà có chiều sâu chuyên môn với các hạng mục phim châu Á, phim Pháp, phim Việt Nam, phim độc lập, các hội thảo chuyên đề.

leftcenterrightdel
PGS, TS Hoàng Cẩm Giang trong một buổi chiếu phim và thảo luận.  

Ở Việt Nam, khán giả hay bị cuốn theo trào lưu các phim thương mại chiếu rạp. Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng chiếu cả phim thương mại, mặt khác cũng giới thiệu những phim nghệ thuật. Một điều bất ngờ là các rạp chiếu đều kín khán giả, thậm chí nhiều người trong ban tổ chức chủ quan, khi đến rạp đã không còn ghế trống. Nhiều khán giả, cả trẻ tuổi và cao tuổi bày tỏ sự hào hứng khi xem những bộ phim rất mới mẻ, trẻ trung, mang tính sáng tạo, cách tân. Khán giả cũng rất chủ động trong giao lưu với các đoàn làm phim. Điều đó cho thấy khán giả Việt Nam luôn sẵn sàng tiếp nhận những màu sắc mới lạ.

PV: Theo bà, "quyền lực" của khán giả, mạng xã hội có ảnh hưởng thế nào tới một bộ phim?

PGS, TS Hoàng Cẩm Giang: Chúng ta không nên quá lo ngại về phản hồi của khán giả, vì đó là quy luật của công nghiệp điện ảnh. Ở Việt Nam có 3 dòng phim chính: Phim thương mại, phim Nhà nước tài trợ, phim độc lập. Ví dụ, phim thương mại chiếm 80% thị phần sẽ phải hướng đến chiều theo thị hiếu khán giả. Khán giả Việt đang cần dòng phim phù hợp tâm lý người xem, thỏa mãn những khát vọng đời thường của con người. Nhiều đạo diễn nổi tiếng với những phim bom tấn doanh thu trăm tỷ hiện nay cũng do đón đầu, đáp ứng được nhu cầu đó của khán giả. Rồi theo phong trào, người xem phản hồi giới thiệu bộ phim, lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người kéo nhau đi xem, tạo hiệu ứng cho bộ phim.

Trong khi đó, phim độc lập là dòng phim đi theo mục tiêu, triết lý làm phim rất khác phim thương mại-không phải là đưa ra rạp kiếm tiền mà để giới thiệu những độc đáo của điện ảnh Việt, hướng đến những thỏa mãn khát vọng sáng tạo của người làm phim. Vì thế, dòng phim này thường nhận những phản ứng trái chiều của công chúng. Tất nhiên, đó cũng không phải điều đáng e ngại bởi càng ngày xu hướng toàn cầu hóa và sự cập nhật của giới trẻ, trình độ thẩm mỹ của công chúng càng cao. Như trên tôi đã nói, việc tiếp xúc với nhiều nền điện ảnh khác nhau sẽ giúp khán giả linh hoạt hơn và chấp nhận những sáng tạo như món ăn mới, một cách chủ động, đa chiều hơn.

PV: Trong việc này, vai trò của các nhà lý luận, phê bình điện ảnh ở đâu trong việc định hướng, nâng cao trình độ thẩm mỹ cho công chúng cũng như chỉ ra những vấn đề của điện ảnh Việt, thưa bà?

PGS, TS Hoàng Cẩm Giang: Cần phải khẳng định rằng, lý luận, phê bình điện ảnh là lĩnh vực chuyên môn, một khoa học. So với người xem đại chúng, nhà lý luận, phê bình có kiến thức lý luận chuyên ngành sâu hơn, rộng hơn, có thể phân tích, làm rõ các khía cạnh thẩm mỹ, chính trị, xã hội, văn hóa của tác phẩm điện ảnh một cách vừa toàn diện, vừa chi tiết. Đặc biệt, các bài phân tích, phê bình đó giúp khán giả phổ thông cũng có sự đánh giá, cảm thụ trọn vẹn hơn, khách quan hơn khi nhìn điện ảnh bằng chính ngôn ngữ/phương tiện nghệ thuật đặc thù của nó; giúp chỉ ra được những đóng góp và những giới hạn của tác phẩm điện ảnh khi so sánh nó với những tác phẩm cùng trào lưu, cùng thời đại, trước và sau nó... Từ đó, khán giả có cơ hội thâu nhận thêm nhiều giá trị mới mẻ từ các bộ phim họ đã, đang và sẽ xem. Cũng nhờ đó, họ có một khả năng làm chủ quá trình thưởng thức thẩm mỹ, công tâm, khách quan hơn trong đánh giá, nhận xét và ứng xử với nền điện ảnh nước nhà.

leftcenterrightdel

Chương trình chiếu phim ngoài trời trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: ANH VŨ

Ở nước ta hiện nay, nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng chủ yếu là đội ngũ sáng tạo tác phẩm điện ảnh và nghệ thuật. Trong khi đó, công việc nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh và nghệ thuật đại chúng thường do số ít giảng viên của trường sân khấu điện ảnh, trường mỹ thuật và đa phần là các đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ và những nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực chuyên môn gần với điện ảnh (phê bình sân khấu, văn học, mỹ thuật...) hoặc phóng viên báo chí thực hiện.

Các bài nghiên cứu, phê bình của những người thuộc số đông trên, hoặc là thiên về kinh nghiệm nghề nghiệp, ấn tượng chủ quan, hoặc là do nhìn tác phẩm nghệ thuật “từ bên ngoài” nên thường thiếu độ chuyên sâu cần thiết. Bên cạnh đó, công việc truyền thông, giám tuyển, sản xuất, phân phối, lưu trữ phim ảnh và nghệ thuật đại chúng gắn liền với công việc sáng tạo nội dung số và các loại hình đa phương tiện khác của nền công nghiệp văn hóa-vốn là xu hướng phổ biến toàn cầu hiện nay-lại chưa được coi trọng và cũng chưa có đủ nhân lực đảm nhiệm ở Việt Nam. Việc tăng cường đội ngũ trình độ, chất lượng cao trong ngành điện ảnh và nghệ thuật đại chúng chỉ có thể thực hiện được bằng con đường đào tạo căn bản và chuyên sâu, trước hết là ở trình độ cử nhân.

PV: Theo bà, trong giai đoạn hiện nay, làm thế nào để phát huy vai trò của lý luận, phê bình, hướng đến phát triển toàn diện nền điện ảnh?

PGS, TS Hoàng Cẩm Giang: Nếu hiểu lý luận, phê bình theo nghĩa chuyên môn sâu, lĩnh vực đóng thì sẽ khó tiếp cận được khán giả đại chúng, không tiếp cận được tận gốc vấn đề. Lý luận, phê bình là một trong những thành tố của điện ảnh, nhưng rộng hơn câu chuyện lý luận, phê bình, tôi muốn nói tới câu chuyện lan truyền tri thức văn hóa trong cuộc sống. Bản thân lý luận, phê bình chuyên nghiệp chỉ tiếp cận được số ít người, còn mỗi khán giả trong nhà trường đang cần được tiếp cận những câu chuyện, kiến thức về nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng như kiến thức cơ bản, nền tảng.

Như tôi từng chia sẻ trong Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, vấn đề là chúng ta cần bồi dưỡng khả năng tiếp nhận điện ảnh cho khán giả chứ không phải cứ giao cho họ trách nhiệm quyết định điện ảnh Việt Nam đi về đâu. Nếu một người được giới thiệu về nghệ thuật điện ảnh, những cách làm phim mới thì khi chọn phim, xem phim, cảm nhận, đánh giá về một bộ phim sẽ khác khán giả thông thường. Nhiều khán giả khi xem chưa hiểu lắm, nhưng khi được nghe phân tích, bình luận thì đã có thêm kiến thức mới, biết cách xem một tác phẩm điện ảnh. Tức là bản thân khán giả cũng cần được đào tạo, được bổ sung kiến thức mới, được hòa mình, cập nhật đời sống điện ảnh để nâng cao trình độ thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, người làm phim không thể cứ làm phim rồi bắt khán giả phải hiểu mà chính họ phải có trách nhiệm kết nối, phổ biến, lan truyền tri thức điện ảnh tới khán giả. Chính điều đó là yếu tố quan trọng, tiềm năng cho người làm phim có lớp khán giả mới chất lượng. Bản thân lớp khán giả mới sẽ tạo nguồn, làm nên hệ sinh thái mới cho điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Việt chỉ có thể phát triển tốt trên hệ sinh thái hoàn thiện chứ không chỉ là vấn đề của kịch bản, đạo diễn, diễn viên hay lý luận, phê bình nữa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

DƯƠNG THU (thực hiện)