Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay âm nhạc đã khai thác và thể hiện đề tài hình tượng người chiến sĩ ra sao?

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh: Văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc có rất nhiều tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ trong chiến tranh với những phẩm chất cao đẹp. Đó là hình ảnh anh hùng Võ Thị Sáu, Bế Văn Đàn, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi...; tới những chủ đề lớn như: Trường Sơn, Điện Biên Phủ, ngày thống nhất đất nước... Tất cả đã tạo nên dòng chảy, kho tàng âm nhạc cách mạng phong phú, đa dạng chủ đề và thể loại, như bản hùng ca về người chiến sĩ cách mạng. Nhiều ca khúc trong số đó đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng còn mãi với thời gian.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Đức Trịnh. 

Thời bình hiện nay, người lính vẫn là lực lượng tiên phong trên nhiều lĩnh vực gian khó. Từ những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở biên cương, hải đảo đến những người nghiên cứu khoa học kỹ thuật, y sĩ, bác sĩ, hay đội ngũ chiến sĩ-nghệ sĩ đi các vùng miền đất nước biểu diễn, phục vụ bộ đội và nhân dân... Hình tượng người chiến sĩ cách mạng lại được khắc họa gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với những nhiệm vụ có phần khác hơn. Nhưng vẫn là những tấm gương hy sinh quên mình vì sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc mà cha ông đã bao đời gìn giữ. Những đóng góp của người lính trên các mặt trận cho sự phát triển của đất nước. Hình tượng người lính trong huấn luyện, trong phòng, chống dịch bệnh, trong bão lũ, thiên tai hay thực hiện nhiệm vụ quốc tế... đã được âm nhạc khai thác, phản ánh trong thời gian qua.

Một điều đáng mừng là vẫn có các bạn trẻ viết về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ với góc nhìn mới, cách thể hiện hiện đại, phù hợp với thị hiếu khán giả, nhất là khán giả trẻ. Có thể kể đến Hoàng Hồng Ngọc, Tạ Quang Thắng, Hồ Thu Trang... Bằng âm nhạc, các tác giả hôm nay đã thành công tái hiện hình ảnh người chiến sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới rất mới mẻ.

Bên cạnh hướng sáng tác về hình tượng người chiến sĩ trong thời kỳ mới, âm nhạc hôm nay vẫn tập trung ca ngợi, tôn vinh người chiến sĩ trong quá khứ-chiến tranh-nói riêng, truyền thống Quân đội nói chung. Chẳng hạn tôi viết “Miền xa thẳm” để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tôi cho rằng, dù thời chiến hay thời bình, dù khai thác từ góc độ nào thì hình ảnh người chiến sĩ cách mạng trong quá khứ hay hiện tại vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì vẫn chưa có nhiều tác phẩm xứng tầm.

PV: Âm nhạc cách mạng những tưởng chỉ hấp dẫn tác giả lớn tuổi, từng trải qua chiến tranh, nhưng gần đây chúng ta chứng kiến nhiều tác giả trẻ tham gia vào đề tài này. Ông đánh giá sao về điều đó?

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh: Tôi rất ấn tượng với nhiều tác phẩm của tác giả trẻ. Ví như lời bài hát “Lá cờ” của Tạ Quang Thắng có đoạn: “Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc Nam/ Chẳng biết chiến tranh là gì/ Chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha... Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng/ Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang/ Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom”. Trong giai điệu, ca từ là những câu chuyện xúc động, là niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, biết ơn thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh cho hòa bình hôm nay. Rõ ràng, lớp trẻ có cách nhìn, tiếp cận về ông cha ta rất khác-qua lời kể của cha, qua câu chuyện của mẹ-nhưng rất thật, rất hay, gây được sự hấp dẫn riêng. Đó cũng là điều chúng ta cần quan tâm khi giáo dục thế hệ trẻ ngày nay về truyền thống dân tộc, về lý tưởng và tình yêu Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Tiết mục trong chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X, năm 2024, khu vực III-Hà Nội. Ảnh: VIỆT TRUNG 

PV: Mặc dù vẫn là đề tài hấp dẫn cho các tác giả khai thác nhưng vì sao âm nhạc về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng nói chung, về người chiến sĩ trong thời bình vẫn được cho là chưa nhiều sáng tác hay, đỉnh cao, thưa ông?

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh: Đúng là chúng ta vẫn bàn luận và lo lắng giai đoạn hiện nay văn học nghệ thuật cũng như âm nhạc đang thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao.

Âm nhạc không nằm ngoài dòng chảy xã hội, trước quá nhiều thông tin, phương tiện giải trí, thể loại âm nhạc, phương thức quảng bá khác nhau... đương nhiên sự thâm nhập của tác phẩm âm nhạc mới vào quần chúng sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng không vì thế mà nói thời bình âm nhạc cách mạng nói chung, về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ nói riêng không có tác phẩm xuất sắc, chỉ là có thể sẽ phải trải qua thời gian lâu hơn để được chiêm nghiệm và chứng minh sức sống, giá trị của nó. Ngày nay, trước hàng chục loại hình phương tiện thông tin giải trí, phong cách sáng tác, sự tiếp nhận của công chúng sẽ bị chia nhỏ hơn và một tác phẩm mới có thể mất cả năm hoặc nhiều năm mới nổi tiếng được.

Còn một vấn đề nữa là các tác giả hiện nay có thể được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, nhưng đôi khi đó cũng là một điểm hạn chế với người sáng tác. Họ dễ bị đặt nặng yếu tố học thuật, chuyên môn mà không chú ý, quan tâm đến việc con người cần phải có xúc cảm từ tâm hồn, trái tim. Điều đó dẫn đến một thực tế khá khập khiễng giữa các lớp người sáng tác: Lớp được đào tạo bài bản thì chú trọng kỹ thuật, hơi khô cứng, tác phẩm đến với khán giả có thể lâu hơn; lớp quá nhanh nhạy nhiều xúc cảm thì tác phẩm đôi khi chưa sâu sắc, dễ bị quên lãng. Đó là hai yếu tố cần dung hòa ở người sáng tác. Chỉ khi làm được điều đó thì mới có thể có được tác phẩm đỉnh cao về đề tài người chiến sĩ.

PV: Theo ông, chúng ta cần làm gì để có những tác phẩm âm nhạc xuất sắc phản ánh sinh động hình tượng người chiến sĩ hôm nay?

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh: Muốn có những tác phẩm âm nhạc xuất sắc phản ánh sinh động hình tượng người chiến sĩ hôm nay, người sáng tác cần rất gần gũi, trải nghiệm cùng công chúng để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của công chúng; đồng thời thâm nhập thực tế đời sống Quân đội với những đặc điểm gắn với nhiệm vụ trong thời kỳ mới để tác phẩm âm nhạc phản ánh sinh động, chính xác, có sức lan tỏa rộng rãi.

Bộ Quốc phòng nhiều năm nay vẫn có những cuộc vận động sáng tác, trao giải thưởng văn học nghệ thuật về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng 5 năm một lần; tổ chức các liên hoan, hội diễn nghệ thuật... Trong đó đã có nhiều tác phẩm mới thể hiện xuất sắc hình tượng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam định kỳ hằng năm tổ chức ít nhất hai trại sáng tác theo các chủ đề khác nhau, trong đó có đề tài về LLVT và chiến tranh cách mạng. Tôi là người trưởng thành, công tác nhiều năm trong Quân đội nên cũng quan tâm, yêu thích đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Thời gian qua, Hội đã bằng chủ trương xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn lực để tổ chức các chương trình, cuộc vận động sáng tác về đề tài này. Năm trước, chúng tôi tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Trọng Loan, qua đó tái hiện những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng về người lính. Mới đây, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thành công Cuộc vận động sáng tác Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”. Chúng tôi cũng đã làm kế hoạch phối hợp với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ tư lệnh Quân khu 9 và Quân chủng Hải quân tổ chức phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài Quân đội anh hùng, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Và tôi tin tưởng rằng cuộc vận động sẽ thu được kết quả tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG HÒA (Thực hiện)