Mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử

Phóng viên (PV): Những năm gần đây, cổ phục đang tạo thành làn sóng mới trong đời sống xã hội. Là người nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực cổ phục nhiều năm nay, anh nhìn nhận ra sao?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc: Vài năm trở lại đây, sự quan tâm của xã hội với cổ phục đang ngày càng có chiều sâu và rộng rãi hơn, không còn là trào lưu tự phát nữa. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào lĩnh vực này.

Tôi đã hợp tác và chứng kiến ngày càng nhiều bạn trẻ chọn cổ phục làm trang phục cho lễ ăn hỏi, lễ cưới-dịp trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Nếu như trước đây, trang phục dùng trong các lễ hội-vốn mang đậm tính văn hóa, lịch sử, thời đại-vẫn chưa được quan tâm đúng mực và còn nhiều tranh luận, thì nay đang ngày càng được quan tâm nghiên cứu, đầu tư hơn. Hay như việc mỗi khi có những vấn đề liên quan đến cổ phục xuất hiện đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của công chúng, sự phản biện xã hội, tranh luận sâu sắc hơn cũng cho thấy kiến thức, hiểu biết và sự quan tâm của xã hội đối với cổ phục đang dần được nâng lên. Đặc biệt, cổ phục đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt bằng tình yêu văn hóa với tâm thế mới, góp phần lớn lan tỏa qua việc sử dụng, tìm hiểu cũng như tạo nên những xu hướng với cổ phục trên mạng xã hội.

leftcenterrightdel
Cổ phục ngày càng được nhiều bạn trẻ chọn dùng trong dịp cưới hỏi. 

PV: Cổ phục vốn mang đậm bản sắc văn hóa của một đất nước, nhưng thực tế lại không hiếm hiện tượng lai căng, biến tướng cổ phục Việt với trang phục các nước khác. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc: Bản thân cổ phục bao gồm hai yếu tố. Thứ nhất, “cổ” là cũ, tức là nói về văn hóa, lịch sử thì cần phải có nghiên cứu cẩn trọng. Thứ hai, “phục” là trang phục thì bản thân nó phải có tính chất thời trang. Hai yếu tố đó không thể tách rời trong việc bảo đảm trang phục phải đúng và đẹp; đúng rồi đẹp. Công tác nghiên cứu cần có tư liệu, phương pháp, có lý luận, dẫn chứng... chặt chẽ. Nhưng nghiên cứu xong rồi, tái hiện thành bộ đồ lại là công việc của những người làm thời trang. Đôi khi tư duy nghiên cứu và thời trang lại rất khó để gặp nhau. Chúng ta từng chứng kiến những bộ phim lịch sử bị khán giả và giới chuyên môn phản ứng gay gắt vì vấn đề phục trang. Có khi trang phục đúng nhưng không đẹp, hoặc trang phục nhìn rất đẹp mắt nhưng hàm lượng văn hóa, lịch sử lại rất thấp.

Cổ phục dùng trong đời sống hay các sự kiện, hoạt động khác cũng vậy. Người làm thời trang cần sáng tạo để phù hợp với người dùng, nhưng điều căn bản nhất là phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm trang phục đúng, giữ được bản sắc rồi mới làm cho nó đẹp hơn tùy từng mục đích sử dụng.

leftcenterrightdel
Cổ phục được nhiều người yêu thích, sử dụng trong đời sống và lưu giữ kỷ niệm qua các bộ ảnh. 

Nhưng thế nào là đúng thì có nhiều người vẫn chưa rõ. Bởi công tác nghiên cứu về cổ phục ở Việt Nam vẫn rất hạn chế. Nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này rất ít, tài liệu không nhiều, chưa kể muốn tìm hiểu kỹ còn cần phải có nền tảng tốt về lịch sử, văn hóa, xã hội... Cách đây khoảng 7-10 năm, việc tìm kiếm thông tin về cổ phục Việt hết sức khó khăn. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến kiến thức về cổ phục không được cập nhật tới xã hội, công chúng. Và không hiểu, không biết thì sẽ dễ mặc không đúng, thậm chí nhầm lẫn với trang phục của một số nước gần giống chúng ta như Trung Quốc hoặc vùng Nam Á.

Thách thức với doanh nghiệp văn hóa

PV: Còn nhớ khi thành lập thương hiệu Ỷ Vân Hiên, anh mới 28 tuổi. Tuổi đời trẻ có khi nào là một điều không thuận lợi với anh khi hoạt động ở lĩnh vực khó này?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc: Khi tôi khởi nghiệp, nhiều người nói rằng tôi quá trẻ và mạo hiểm khi chọn lĩnh vực còn quá mới và khó. Tôi vốn là người yêu và học chuyên Lịch sử, gia đình nhiều thế hệ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, từ nhỏ, tôi đã được sống, tiếp xúc với môi trường ấy, lại yêu thích thời trang nên tôi nghĩ được làm đúng những lĩnh vực mình thích thì tại sao lại không làm. Tôi may mắn khi ở lứa tuổi không quá trẻ để mơ hồ về lịch sử, quá khứ và cũng không quá lớn tuổi để trở nên lạc hậu, để vẫn có được tư duy hiện đại, cập nhật và tiếp cận giới trẻ cũng như lan tỏa giá trị cổ phục hiệu quả hơn.

Thực tế là những năm qua, tôi và thương hiệu Ỷ Vân Hiên đã hợp tác, làm việc với nhiều đơn vị lớn, nhỏ, từ tư nhân đến nhà nước, ở các lĩnh vực trong và ngoài nước... và tuổi tác của tôi chưa khi nào là vấn đề cản trở, thậm chí đôi khi tôi thấy hãnh diện, bởi dù tôi trẻ vậy nhưng vẫn có nhiều đối tác tin tưởng. Và dù chưa dài nhưng 6 năm thương hiệu Ỷ Vân Hiên ra đời, vượt qua những năm đầy khó khăn bởi dịch Covid-19 để tạo được niềm tin, uy tín và phát triển đến giờ đã phần nào chứng minh được điều đó.

PV: Kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa liên quan đến trang phục truyền thống có gì khác biệt, thưa anh?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc: Một số nước trong khu vực đã thành công khai thác các giá trị văn hóa, trong đó có cổ phục, để phát triển nền công nghiệp văn hóa nhiều năm nay. Ở Nhật Bản, kimono được nâng tầm nghệ thuật trở thành ngành công nghiệp trang phục truyền thống trị giá hàng tỷ đô la, đứng đầu thế giới. Còn ở Việt Nam, đây vẫn là lĩnh vực non trẻ, dù có rất nhiều tiềm năng để phát triển thành ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Ỷ Vân Hiên có thể nói là một trong những doanh nghiệp tiên phong với mục đích sưu tầm, nghiên cứu những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc qua các triều đại, từ nghi lễ, nghi thức, sinh hoạt văn hóa tới các loại trang phục và đồ dùng của người xưa. Qua đó, mong muốn góp một phần nhỏ vào công cuộc lưu giữ các giá trị truyền thống và đem bản sắc văn hóa Việt hòa vào dòng chảy của văn hóa thế giới.

leftcenterrightdel
Nhà nghiên cứu, thiết kế và phục dựng trang phục cổ Nguyễn Đức Lộc. 

Tôi quan niệm, mỗi sản phẩm đưa ra không chỉ là kinh doanh, mà còn qua đó để truyền thông văn hóa, mang tới cho công chúng những kiến thức, câu chuyện để họ hiểu và yêu văn hóa hơn, sẵn sàng đầu tư cho văn hóa. Vì thế, để ra đời được một sản phẩm tới khách hàng, là một hành trình mà nếu đứng ở góc độ kinh doanh thông thường, người ta sẽ rất khó để đầu tư. Nghiên cứu cổ phục là một công việc gian khó, mất nhiều thời gian, càng lùi xa về quá khứ càng khó khăn. Nghiên cứu rồi còn phải mất nhiều lần dựng mẫu, chỉnh sửa để cho ra sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, hàm lượng văn hóa, lịch sử, tính thời trang, thị hiếu người dùng. Cổ phục nói riêng, các sản phẩm từ văn hóa nói chung không phải là sản phẩm tiêu dùng thông thường, nó hàm chứa nhiều giá trị, thậm chí đại diện cho văn hóa đất nước. Cho nên, kinh doanh vốn dĩ đã khó rồi, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa còn khó hơn rất nhiều, không khác nào đi giữa một lằn ranh mỏng giữa lịch sử, văn hóa, thời trang và lợi nhuận. Hài hòa được các yếu tố đó là một bài toán thực sự khiến người kinh doanh đau đầu.

PV: Từ thực tế, với anh đâu là vấn đề thách thức nhất cần được giải quyết để phát triển các doanh nghiệp văn hóa?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc: Những vấn đề nêu trên đều là những vấn đề nội tại đòi hỏi tôi cũng như mỗi doanh nghiệp phải đối mặt và vượt qua. Nhưng một trong những cản trở đối với các doanh nghiệp khai thác văn hóa cũng như để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta lại là vấn đề khách quan về thể chế. Câu chuyện về sản phẩm gối xếp-gối tựa được dùng trong cung đình Huế xưa mà Ỷ Vân Hiên khai thác kinh doanh là một ví dụ. Nhiều năm trước, tôi tìm đến mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ, một nghệ nhân làm gối xếp ở Huế, để tìm hiểu và được mệ truyền dạy lại cách làm. Mệ cũng đồng ý và có hợp đồng đầy đủ cho Ỷ Vân Hiên sử dụng hình ảnh của mệ để quảng bá, khai thác sản xuất, kinh doanh gối xếp. Ỷ Vân Hiên cũng đã trên cơ sở gối được mệ dạy để sáng tạo, hoàn thiện thiết kế riêng và làm hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để bảo hộ cho sản phẩm khi đưa vào sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, lâu dài. Nhưng qua thời gian nộp hồ sơ vài năm rồi, chúng tôi vẫn chưa đăng ký được... Còn nhiều vướng mắc nữa liên quan đến khai thác vốn văn hóa dân tộc cho kinh doanh khiến doanh nghiệp thì lúng túng, xã hội dễ chưa hiểu đúng.

Đầu tư vào văn hóa vốn là lĩnh vực tốn kém và lâu dài, nhưng chính những khó khăn như trên khiến người làm văn hóa, tâm huyết với văn hóa còn ngại và nản, nói gì tới những người ngoài muốn đầu tư vào văn hóa. Phát triển văn hóa, suy cho cùng không thể chỉ trông đợi vào Nhà nước đầu tư. Để huy động các nguồn lực xã hội thì Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những người làm văn hóa, đầu tư vào văn hóa được thuận lợi hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

DƯƠNG HÒA (Thực hiện)