Địa chỉ văn hóa nối kết truyền thống và đương đại

Phóng viên (PV): Thưa bà, sau hai năm mở cửa đón khách, hoạt động của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương hiện ra sao?

TS Thái Kim Lan: Hiện nay có thể khẳng định, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương là một địa chỉ văn hóa tiêu biểu, đóng góp vào di sản văn hóa Huế. Mới đây, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhận định: “Trong hai năm qua, Bảo tàng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thực sự tạo nên một điểm nhấn về văn hóa di sản mới của cố đô Huế”.

Hiện nay, Bảo tàng vẫn tiếp tục đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy di sản trên nhiều phương diện, chẳng hạn: Trên phương diện lịch sử, với số hiện vật gốm từ dòng sông Hương góp phần tái hiện lịch sử văn minh vùng Thuận Hóa; trên phương diện giáo dục trải nghiệm cho giới trẻ; trên phương diện du lịch khi giới thiệu di sản văn hóa đa dạng được lưu trữ từ các bộ sưu tập gốm, đồng, kiến trúc nhà rường Huế xưa, đồ gỗ, ẩm thực, y phục... Hiện nay, lượng khách tham quan Bảo tàng ngày càng tăng, không chỉ khách trong nước mà còn nhiều khách quốc tế. Tạp chí nổi tiếng GEO của Pháp (GEO France) trong số tháng 2-2024 đã giới thiệu Bảo tàng Gốm cổ sông Hương có bộ sưu tập gốm vớt từ sông Hương là “duy nhất trên thế giới”.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Thái Kim Lan giới thiệu về Bảo tàng Gốm cổ sông Hương cho học sinh tới tham quan. 

Bảo tàng cũng đang tiếp tục thực hiện những dự án mới, như: Bảo tàng Áo dài triều Nguyễn; kết nối liên văn hóa với các trường đại học trong nước; liên kết với các bảo tàng tư nhân trong nước và nước ngoài; hỗ trợ phát triển làng nghề gốm tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế...

PV: Từ đâu bà lại cho ra đời Bảo tàng và mong muốn gửi gắm qua không gian này là gì?

TS Thái Kim Lan: Quyết định thành lập Bảo tàng Gốm cổ sông Hương trong quần thể Lan viên cố tích đến từ hai yếu tố. Trước tiên đến từ đam mê văn hóa, trong đó có một phần ảnh hưởng từ nghề nghiệp của tôi. Yếu tố thứ hai đến từ mong muốn giữ lại di sản của tổ tiên, các thế hệ đi trước, biến sự đổ nát hồi sinh và tái sinh một diện mạo mới: Một địa chỉ văn hóa nối kết truyền thống và đương đại ngay trên những di tích và trầm tích cổ xưa.

Lan viên cố tích chính là diện mạo ấy, được xây dựng trên nền tảng và cội nguồn từ ký ức quá khứ, từ chất liệu cổ xưa của những nền văn minh đã trải qua trên dải đất Thuận Hóa-một dải đất luôn trở mình với thời đại như dòng sông Hương luôn chảy, nhưng lại giữ trong lòng trầm tích văn hóa. Gốm sông Hương chính là dấu tích quá khứ đang trở thành tương lai cho người đi sau. Chính sự tích lũy chỉ có ý nghĩa “cố tích” khi nó làm giàu cho mai sau, gây cảm hứng sáng tạo cho người đi sau trong những điều kiện hiện sinh mới, khác với quá khứ, sống động và hiện đại.

May mắn cho tôi là thời điểm Bảo tàng ra đời đúng dịp Nhà nước đang khuyến khích thành lập bảo tàng tư nhân. Bảo tàng Gốm cổ sông Hương do đó đã đánh dấu một giai đoạn mới của bộ sưu tập gốm cổ của gia đình và bằng hữu. Sự ra đời của Bảo tàng trước hết là nỗ lực, gắng sức của bản thân mình, sau nữa luôn có sự quan tâm, ủng hộ của bằng hữu, của cơ quan chức năng trong hoạt động cũng như việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Thái Kim Lan. 

Phát triển nguồn lực từ bảo tàng tư nhân

PV: Là một trong không nhiều bảo tàng tư nhân ở nước ta, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương có những thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình hoạt động, thưa bà?

TS Thái Kim Lan: Như vừa đề cập ở trên, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương được công nhận là bảo tàng tư nhân hay bảo tàng ngoài công lập nằm trong sự khuyến khích của Nhà nước. Ưu điểm của tính ngoài công lập nằm ở chỗ, tư nhân có thể phác họa những đề án thích hợp với chủ đề hay bộ sưu tập của mình, cũng như bảo tồn được tính làm chủ của công trình do mình xây dựng trong sự tương ứng và tôn trọng luật pháp. Quyết định của tư nhân do đó được bảo vệ. Tuy nhiên, khó khăn cũng nằm ở chỗ tư nhân. Hiện nay, tư nhân làm bảo tàng vẫn bị ràng buộc bởi nhiều quy định... Ngoài ra, bảo tàng tư nhân nhận được sự bảo trợ về kinh tế rất hạn chế. Tính tư nhân và tư hữu bảo tàng cũng chưa được định chế hóa. Trong khi đó có thể nói, bảo tàng tư nhân là nguồn lực thiết chế văn hóa rất dồi dào và đa dạng trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế...

PV: Đâu là vấn đề quan trọng nhất, thưa bà?

TS Thái Kim Lan: Theo tôi là làm thế nào để định chế hóa tính ngoài công lập và quyền tư hữu trong chừng mực bảo đảm nguyên tắc luật pháp, để tạo niềm tin cho tư nhân có thể mạnh dạn cống hiến những đóng góp và sở hữu của họ cho xã hội.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Thái Kim Lan và du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. 

PV: Mới đây, Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2024 bàn về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa. Từ hội thảo này, theo bà cần quan tâm tới các yếu tố gì cho bảo tàng phát triển?

TS Thái Kim Lan: Theo tôi, có hai điểm quan trọng cho sự phát triển của các bảo tàng hiện nay. Thứ nhất, cần triển khai ý niệm văn hóa và bảo đảm tính văn hóa trong bối cảnh xã hội đương thời. Bảo đảm văn hóa song hành với kinh tế như là hai yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển xã hội. Một khi hiểu văn hóa như nền tảng, nguồn lực phát triển của xã hội thì mọi thiết chế bảo tồn và phát huy cần được bảo vệ và triển khai trong chính sách. Từ đó tính tư nhân hay ngoài công lập cần được bảo đảm.

Ngoài định chế bảo đảm tính văn hóa như là nền tảng của bảo tàng nói chung và ngoài công lập nói riêng, các bảo tàng ngoài công lập chỉ thật sự đứng vững và phát triển khi có kỹ năng gìn giữ khoa học các bộ sưu tập và giá trị của chúng. Đồng thời, bảo tàng cần có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trên phương diện: Tổ chức, bảo đảm an ninh, quảng bá, truyền thông trong nước và nước ngoài, phát triển các hoạt động kinh tế thuộc bảo tàng. Mặt khác, Nhà nước cần hỗ trợ để nâng cao chất lượng bảo tàng trong xu thế hội nhập quốc tế...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Tiến sĩ Thái Kim Lan sinh ra trong gia đình truyền thống Huế xưa. Năm 1965, bà sang Đức du học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Triết học, rồi được mời làm giảng viên của Đại học Tổng hợp Ludwig Maximilian, Munchen. Bà cũng tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở Việt Nam và có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Huế nói riêng, dân tộc nói chung. Bảo tàng Gốm cổ sông Hương nằm trong không gian “Lan viên cố tích” trên mảnh đất từ đường Thái tộc được bà trùng tu, tôn tạo, với khoảng 5.000 hiện vật gốm cổ được trục vớt từ dòng sông Hương mà bà và gia đình đã sưu tầm, gìn giữ nhiều năm nay.

DƯƠNG THU (thực hiện)