Luôn dành tình cảm đặc biệt với Bác
Phóng viên (PV): Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Quốc do ông là tác giả vừa khánh thành dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác, ý tưởng của ông khi thiết kế tác phẩm là gì?
NSND Vương Duy Biên: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Quốc được tôi sáng tác từ năm 2014. Khi đó, tỉnh Kiên Giang nghiên cứu quy hoạch phát triển địa phương đã mong muốn có điểm nhấn, dấu ấn ở Phú Quốc mà cụ thể là Tượng đài Bác Hồ. Đó là một suy nghĩ sâu xa về chủ quyền biển, đảo. Được sự đồng ý của Ban Bí thư cho chủ trương dựng tượng Bác Hồ ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mời một số nhà điêu khắc, phát động cuộc thi thiết kế tượng Bác và tôi cũng được mời tham gia.
|
|
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên. |
Nhưng phải đến năm 2021 mới diễn ra phiên họp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chủ trì duyệt mẫu phác thảo. Và mẫu tượng Bác Hồ với ý tưởng “miền Nam luôn trong trái tim tôi” của tôi được đánh giá là có nhiều điều mới so với các mẫu tượng Bác Hồ trước đây. Khi nghĩ ý tưởng cho bức tượng, tôi nhớ đến câu nói của Bác “miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Tôi nghĩ câu nói của Bác có thời điểm lịch sử, nhiều tác phẩm chỉ dừng lại mô tả thời điểm nhất định nhưng ở bức tượng Bác đặt tay lên ngực trái hàm chứa những thông điệp lâu dài, rộng hơn cả ý nghĩa miền Nam trong trái tim Bác, đó còn là Tổ quốc, dân tộc luôn trong trái tim Bác.
Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Hồ Chí Minh ở TP Phú Quốc được khởi công năm 2022, hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người nhưng với tình cảm dành cho Bác và tâm thế làm việc hết mình của mọi người nên công trình đã khánh thành sau hai năm.
PV: Tượng Bác Hồ ở Phú Quốc có thể nói là bức tượng danh nhân có kích thước lớn nhất ở nước ta hiện nay. Quá trình thi công, ông và đội ngũ thợ có gặp phải những áp lực, thách thức?
NSND Vương Duy Biên: Mẫu tượng phác thảo đầu tiên của tôi cao 60cm, sau khi được chọn thì tiến hành làm tượng mẫu cao 1,2m cùng tổng thể không gian Quảng trường Hồ Chí Minh trên sa bàn. Tượng chính thức có chiều cao 18m và phần đế cao 2m, được đúc thủ công theo lối truyền thống bằng đồng.
Trước đó, tôi từng làm bức tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cao khoảng 10m, tượng Tổng Bí thư Trường Chinh cao khoảng 7,2m và nhiều tác phẩm điêu khắc khác, nhưng chưa tác phẩm nào có kích thước lớn như tượng Bác Hồ lần này. Bức tượng lớn, lại làm bằng phương pháp thủ công nên dù tôi đã lựa chọn hợp tác với đội ngũ thợ quen, lành nghề ở Nam Định nhưng quá trình thực hiện vẫn có những vấn đề phát sinh, nhất là sai số qua mỗi công đoạn.
Thử tưởng tượng từ khuôn đất sét sang thạch cao sai số một chút, từ thạch cao sang đồng sai số một chút, rồi từ tượng đồng lại phải chỉnh về như mẫu đất sét. Rồi tượng lớn nên phải chia thành nhiều phần, ghép lại với nhau, khuôn đúc co ngót phụ thuộc nhiều yếu tố nên có khi ghép hai phần lại chênh nhau tới 6-7cm. Nếu như đúc bằng phương pháp công nghiệp có thể điều chỉnh, kiểm soát được độ chính xác dễ hơn thì tính chất đúc thủ công phải sửa nguội khó hơn và mất nhiều công. Có khi tôi ở trên giàn giáo mấy tiếng liền chỉ để chỉnh một chi tiết nhỏ sao cho vừa ý nhất. Nhưng cũng từ việc vượt qua những thách thức, khó khăn khi làm công trình này, chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học thiết thực, bổ ích. Và hơn hết là ai cũng cảm thấy vinh dự khi được tham gia vào công trình ý nghĩa, đặc biệt này.
PV: Đây không phải tác phẩm đầu tiên của ông về Bác Hồ?
NSND Vương Duy Biên: Đúng là như thế! Năm 18 tuổi, khi đang học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trong chương trình học có bài sáng tác tự do. Tôi nhớ có lần đọc được bài báo viết rằng Bác Hồ ở Việt Bắc có thói quen đọc báo vào buổi sáng. Vì thế, tôi có ngay ý tưởng làm tượng Bác đang đọc báo. Tác phẩm sau đó được mang dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1978 và được Hội đồng nghệ thuật quốc gia chọn mua để lưu giữ, hiện bức tượng vẫn đang ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nhưng nếu nói đúng ra thì đó cũng không hẳn là lần đầu tôi làm tượng về Bác Hồ. Còn nhớ năm Bác mất, tôi lên 10 tuổi. Tôi dùng những mảnh dao lam cạo râu của bố rồi ra bách hóa mua phấn về gọt, khắc thành tượng Bác nằm, gập miếng mica thành tủ kính, rồi khắc thêm 4 chú cảnh vệ đứng 4 góc, giống như hình ảnh tôi được thấy trong lễ tang Bác. Xong, tôi gọi đám bạn trẻ con trong xóm đến viếng Bác. Người lớn xem thì bảo rằng viên phấn bé xíu mà tôi khắc nhìn rất đẹp. Với Bác, tôi luôn có tình cảm đặc biệt suốt bao năm qua.
|
|
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: DUY PHƯƠNG |
Quan trọng là đem lại cảm xúc cho người xem
PV: Ông được biết đến là tác giả của nhiều tác phẩm điêu khắc các danh nhân dân tộc. Đây là chủ đề không dễ, thưa ông?
NSND Vương Duy Biên: Tôi nghĩ khi sáng tạo những tác phẩm mỹ thuật về các danh nhân, nhất là những người vĩ đại mà hình ảnh đã trở nên quen thuộc với đông đảo người dân thì tác giả phải có sự hiểu biết sâu sắc về nhân vật. Có như vậy mới thể hiện được khí chất, tinh thần của danh nhân qua bức tượng.
Khi làm tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn để dự thi trên phạm vi toàn quốc, tôi mới 30 tuổi, còn rất trẻ, lại tham gia cùng rất nhiều họa sĩ gạo cội, lão làng nên nhiều người không biết tôi là ai. Thêm nữa, trong khi đại đa số tác giả thể hiện hình tượng Trần Hưng Đạo tay nắm chuôi kiếm hoặc đang rút kiếm ra khỏi vỏ thì tôi làm tượng Trần Hưng Đạo tay trái tì lên đốc kiếm, tay phải cầm bản "Hịch tướng sĩ". Tôi thuyết trình về ý tưởng bức tượng rằng Trần Hưng Đạo là vị tướng văn võ song toàn. Hình ảnh tay tì lên đốc kiếm thể hiện ông là vị tướng ở tầm chiến lược, không cần rút kiếm ra, tay phải cầm cuốn "Hịch tướng sĩ" thể hiện rằng "văn" mới là cái đầu tiên ông thu phục nhân tâm để giành thắng lợi. Qua đó cũng thấy rằng, dân tộc ta không phải là dân tộc hiếu chiến mà luôn muốn “lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Tác phẩm của tôi đã thuyết phục được hội đồng và được trao giải nhất. Nhiều người nghĩ tác giả đoạt giải nhất phải là một họa sĩ đứng tuổi nên khi nhìn tôi mặt thư sinh, trẻ măng, nhiều người rất bất ngờ. Bức tượng Trần Hưng Đạo sau đó được dựng ở TP Nam Định, hiện còn được nhân bản ở Khu di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng) và Trường Sa (Khánh Hòa).
Tất nhiên, trong điêu khắc, nhất là chân dung, từ ý tưởng đến thể hiện thành tác phẩm là cả quá trình. Có những điều về kỹ thuật thầy cô trong trường có thể dạy nhưng cũng có những điều thuộc về người sáng tạo mà thầy cô không dạy được. Thần thái nhân vật, cái đem lại cảm xúc cho người xem thì chỉ tác giả trực tiếp làm mới thể hiện được.
PV: Theo ông, việc đặt tượng Bác Hồ ở Phú Quốc hay tượng Trần Hưng Đạo ở Trường Sa có ý nghĩa gì?
NSND Vương Duy Biên: Còn nhớ tại buổi duyệt tượng Bác Hồ đặt ở Phú Quốc, sau khi được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, chúng tôi hiểu rằng, ngoài ý nghĩa thành kính tôn vinh, biết ơn của muôn triệu người dân với Bác, tượng đài Bác Hồ còn là dấu mốc chủ quyền quốc gia.
Việc đưa các công trình văn hóa như tượng đài danh nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ hay việc xây dựng đình, chùa nơi hải đảo, biên giới Tổ quốc càng có ý nghĩa quan trọng trong khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bởi đó còn là những dấu ấn văn hóa, cái chúng ta tìm về lịch sử từ những tầng văn hóa vật thể, phi vật thể... để khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Khi tượng đài và Quảng trường Hồ Chí Minh ở Phú Quốc vừa khánh thành vài ngày, nơi đây đã trở thành một điểm đến trong hành trình khám phá hòn đảo xinh đẹp mà các đơn vị du lịch đưa vào lịch trình cho du khách. Trước mắt, rõ ràng Phú Quốc có thêm một điểm đến, một thiết chế văn hóa mới, ý nghĩa với người dân và du khách. Hơn nữa, khi truyền thông được tăng cường cùng sự trải nghiệm, tìm hiểu của mỗi người cũng góp phần củng cố niềm tự hào, ý thức về chủ quyền Tổ quốc của mỗi người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)