Tạo đất diễn cho sân khấu thiếu nhi

Phóng viên (PV): Trở lại câu chuyện của năm 2012, tại sao ngày đó anh lại mang vở diễn cho thiếu nhi đi dự ở một cuộc liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp như vậy?

NSND Xuân Bắc: Đúng là khi mang vở “Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ” tham dự liên hoan, nhiều người bảo chúng tôi “điếc không sợ súng”. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là tác phẩm dành cho thiếu nhi mà chúng tôi rất tâm đắc. Sân khấu kịch từ hàng chục năm với những kỳ cuộc liên hoan, hội diễn, các nhà hát đều mang những vở chính kịch, bi kịch tham gia mà bỏ quên đi một phần cực kỳ quan trọng-đó là sân khấu của thiếu nhi.

Khi bắt tay dàn dựng những vở diễn cho thiếu nhi, đưa đi thi tại một liên hoan chuyên nghiệp, tôi cho rằng sân khấu cho thiếu nhi cũng cần phải chuyên nghiệp hóa để thực sự có những sản phẩm cần thiết cho các em.

Ở nước ngoài, có những tác phẩm dành riêng cho các em từ 0 đến 3 tuổi. Dù chưa biết gì nhiều nhưng các em từ nhỏ phải được tiếp cận với không gian sân khấu, hành vi sân khấu, nhận thức sân khấu để sau này các em có cơ hội xem, thưởng thức, để thẩm định trong tâm hồn, trong nhận thức của các em. Sau nhiều năm trăn trở thì những ngày trung tuần tháng 5 vừa qua, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024 đã được diễn ra tại Hải Phòng. Thật may mắn!

leftcenterrightdel

 NSND Xuân Bắc.

PV: Được biết, từ đầu nhiệm kỳ này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã đề cao và tập trung đẩy mạnh các hoạt động sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng giám khảo của Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024, anh có đánh giá như thế nào?

NSND Xuân Bắc: Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã có lộ trình bài bản. Trước liên hoan, Hội đã phát động cuộc thi viết kịch bản cho thiếu nhi và đã có nhiều kịch bản được sử dụng ở liên hoan lần này. Lần đầu tổ chức sẽ có những điều chưa như mong muốn, nhưng chắc chắn lần sau ban tổ chức sẽ làm tốt hơn.

Có thể nói 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với hơn 500 diễn viên hội tụ từ hai miền Nam-Bắc trong 17 tác phẩm dự thi ở đa dạng thể loại như: Kịch nói, nhạc kịch, xiếc, chèo, dân ca Nam Bộ, múa rối và ảo thuật; thì hơn một tuần nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật, những người hoạt động nghệ thuật cùng với người dân Hải Phòng và đặc biệt là các bạn nhỏ được sống trong không khí “bữa tiệc” văn hóa đa dạng màu sắc và cảm xúc. Mỗi tác phẩm đều có thông điệp giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức, truyền tải thông điệp tích cực một cách nhẹ nhàng, dí dỏm tới các em thiếu niên, nhi đồng.

Từ liên hoan để thấy những câu chuyện tưởng như đã cũ giờ không còn cũ nữa; những nhân vật chỉ có trong sách hay qua lời kể được xuất hiện trên sân khấu dành cho thiếu nhi. Cũng từ đó chứng minh sức hút mãnh liệt của nghệ thuật biểu diễn với khán giả nhỏ tuổi, và đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ mà người làm sân khấu có thể thỏa sức sáng tạo, hút khách.

Niềm tin cho sân khấu tương lai

PV: Bên cạnh những điểm sáng đáng khích lệ tại liên hoan, theo anh sân khấu thiếu nhi còn bộc lộ những điều gì?

NSND Xuân Bắc: Trước đó đã có nhiều trăn trở, những hiến kế, giải pháp từ các cuộc hội thảo, tọa đàm để mong muốn làm sao kéo khán giả đến với sân khấu nói chung. Bởi thế mà ngay trong liên hoan lần này, người làm sân khấu cũng nhìn nhận rõ những bất cập mà nghệ thuật sân khấu bấy lâu nay vẫn chưa thể tháo gỡ, nhất là tác phẩm dành cho khán giả “nhí”-đối tượng khán giả tương lai và cũng có thể là người làm sân khấu của tương lai. Đó là đội ngũ tác giả, tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi còn quá ít, một số thành phần sáng tạo-diễn viên vẫn đưa cái nhìn của người lớn vào tác phẩm dự thi của mình, cách diễn của một số nghệ sĩ khiến nhiều tác phẩm nói là làm cho thiếu nhi nhưng không có góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu để thu hút trẻ nhỏ.

Chủ đề liên hoan đã được xác định đối tượng rất rõ ràng, nghệ sĩ biết diễn cho ai, diễn để làm gì, nhưng diễn như thế nào lại là một câu hỏi lớn. Từ câu chuyện, hình ảnh, ngôn ngữ, nhân vật, âm nhạc... có thể nói vẫn có một số tác phẩm trong liên hoan còn chưa thực sự phù hợp.

leftcenterrightdel

 Cảnh trong vở "Nắm xôi kỳ diệu-Chuyện thằng Bờm" của Nhà hát Chèo Hà Nội đoạt Huy chương vàng Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024. Ảnh: VIỆT LAM

PV: Liên hoan lần này có phải đã cho thấy khán giả nhỏ tuổi vẫn háo hức đến sân khấu, vẫn dành cho nghệ thuật sân khấu tình yêu, sự ngưỡng mộ, thưa anh?

NSND Xuân Bắc: Đúng là có ra nhà hát, đến sân khấu mới cảm nhận được sự háo hức của các bạn nhỏ. Chẳng qua là các bậc phụ huynh, ông bà có quan tâm đưa con cháu mình đến với sân khấu hay không. Từ đó những người nghệ sĩ, làm sân khấu như chúng tôi càng hiểu rõ sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng cần thiết tới mức nào.

Tôi đã chứng kiến có gia đình đưa con đi xem 3 đêm liên tục, có những cháu nhỏ xem hết chương trình vẫn không chịu về mà chờ bằng được nhận quà của Ban tổ chức-đó là lên sân khấu chụp ảnh với diễn viên, nhân vật mà mình yêu thích. Ngược lại, món quà lớn nhất mà những người làm nghệ thuật sân khấu có thể mang tới cho các em nhỏ chính là những sản phẩm nghệ thuật thu hút, hấp dẫn để hướng các em tới những điều tốt đẹp, những giá trị chân-thiện-mỹ trong cuộc sống. Như thế cũng có nghĩa là người làm sân khấu cũng cần phải nâng cao trách nhiệm của mình với khán giả của mình, bắt đầu từ đối tượng khán giả nhỏ tuổi.

PV: Vấn đề trăn trở và nỗ lực của người làm sân khấu lâu nay là kéo khán giả đến rạp. Thậm chí, nếu khán giả không đến, nghệ sĩ còn phải tìm đến khán giả. Công cuộc chinh phục khán giả dường như vẫn còn gian nan?

NSND Xuân Bắc: Tôi nghĩ rằng làm nghệ sĩ ngoài nhiệt huyết, đam mê sáng tạo những tác phẩm hay thì còn phải có trách nhiệm nữa. Trách nhiệm ở đây là nhìn nhận rõ vai trò của người nghệ sĩ được khán giả tin tưởng, hâm mộ thì khi xuất hiện hoặc đưa tới khán giả tác phẩm nghệ thuật phải thực sự có chất lượng, cách tiếp cận phù hợp với từng đối tượng khán giả và mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, mang những gì mà khán giả đang mong muốn từ nghệ thuật sân khấu ngày hôm nay.

Trở lại với Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần này, thực sự là cú hích để người làm sân khấu được tiếp thêm niềm tin, sức cống hiến để sáng tạo. Sân khấu chưa bao giờ bị khán giả quay lưng, từ đối tượng nhỏ tuổi nhất, thanh niên cho tới người lớn tuổi vẫn nuôi giữ niềm vui, hạnh phúc khi dắt tay nhau bước vào sân khấu thưởng thức nghệ thuật. Cũng từ liên hoan này, nhiều đơn vị, nhà hát từ Trung ương tới địa phương vẫn bền bỉ theo đuổi, triển khai các hoạt động để làm sao giữ nhịp phát triển cho sân khấu, như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội... thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục thực hiện hoạt động sân khấu học đường; Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam có các kế hoạch dàn dựng nâng cao từ các tiết mục nhỏ thành vở diễn và phối hợp với các đơn vị lữ hành, trường học đưa nghệ thuật đến tận sân khấu nhà trường...

Tới đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ còn tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục, các hội văn học nghệ thuật địa phương tổ chức phát động các trại sáng tác kịch bản, tập huấn đạo diễn và thành phần sáng tạo sân khấu để từ đó có nguồn kịch bản dồi dào; đội ngũ nhân lực sân khấu trẻ, mới, góp phần làm đa dạng sắc màu cho sân khấu nói chung, sân khấu thiếu nhi nói riêng.

PV: Trân trọng cảm ơn NSND Xuân Bắc!

HÀ VƯƠNG (thực hiện)