Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với đồng chí Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, ngày 7-11-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Công tác xây dựng pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho nhân dân. Vậy theo đồng chí, cần đổi mới công tác này như thế nào?
Đồng chí Ngô Trung Thành: Trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, pháp luật luôn giữ vai trò trụ cột trong việc bảo đảm trật tự, công bằng và “định hướng” cho tương lai. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người.
Trong gần 80 năm qua, hệ thống pháp luật nước ta được xây dựng, dần hoàn thiện đồng bộ, là nền tảng pháp lý để đất nước phát triển đạt nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, hệ thống pháp luật đã bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế như đã được chỉ ra thời gian qua, đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật phải được đổi mới mạnh mẽ thì mới có thể khắc phục, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, điểm đột phá là phải quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm", “chăm lo cho nhân dân”...
    |
 |
Đồng chí Ngô Trung Thành. |
PV: Trước yêu cầu xây dựng pháp luật phải dựa trên cơ sở thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới, nóng đang diễn ra, công tác xây dựng pháp luật cần chú trọng nội dung gì thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Trung Thành: Về nguyên lý, để phát huy được hiệu quả, pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, phục vụ thực tiễn và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Do đó, trong xây dựng pháp luật phải thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, chú trọng xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách; các quy định của pháp luật phải được xây dựng dựa trên dữ liệu tin cậy từ thực tiễn, những phản ánh trung thực từ người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, các cơ quan, tổ chức và quá trình thực thi phải luôn được kiểm chứng bằng hiệu quả thực tế. Bên cạnh đó, phải linh hoạt và kịp thời trong phản ứng chính sách; khi thực tiễn phát sinh vấn đề mới, không được “né tránh” mà cần có cơ chế pháp lý thử nghiệm (sandbox), quy định tạm thời để điều chỉnh. Không chỉ vậy, phải nhận diện được xu hướng phát triển, ưu thế của vấn đề mới, như kinh tế số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo..., coi đây là tiềm năng, sớm đưa ra các chính sách mang tính “dẫn dắt”, có như vậy mới tận dụng lợi thế “người đi trước” chuyển hóa thành động lực, nguồn lực, cơ hội để đất nước có thể “bứt tốc” phát triển.
PV: Theo đồng chí, trong xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật, cần thực hiện giải pháp như thế nào để không xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung của nhân dân và lợi ích quốc gia?
Đồng chí Ngô Trung Thành: Trong xây dựng pháp luật, việc để xảy ra sự chi phối của lợi ích nhóm, tác động pháp luật sẽ dẫn đến làm méo mó chính sách, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thậm chí gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Để phòng tránh việc này, quan trọng nhất phải là sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát, trực tiếp của cấp ủy đảng, nhất là của người đứng đầu đối với công tác xây dựng pháp luật. Thực tiễn cho thấy, ở cơ quan, đơn vị nào mà cấp ủy, người đứng đầu thực sự “chăm lo” đến công tác này thì văn bản pháp luật do cơ quan, đơn vị đó xây dựng, tham mưu, ban hành đều có chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng, ban hành văn bản cần phải bảo đảm công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy ý kiến hiệu quả, phản biện trách nhiệm, khách quan theo đúng quy định của pháp luật. Phải siết chặt khâu thẩm định với tiêu chuẩn kỹ thuật và đạo đức cao, thẩm định không phải là một bước kỹ thuật hành chính đơn thuần mà phải thực sự là "lá chắn", nơi mọi dấu hiệu của lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm hay nguy cơ gây tổn hại đến quốc phòng, an ninh đều phải được nhận diện, phản biện và loại trừ. Mọi cơ quan, cá nhân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật phải được gắn với cơ chế giải trình, minh bạch. Những điều trên sẽ giúp phát hiện dấu hiệu bất thường, dấu hiệu bị tác động để kịp thời xử lý.
    |
 |
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: PHÚ SƠN |
PV: Trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, để xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển, theo đồng chí, công tác xây dựng pháp luật cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào?
Đồng chí Ngô Trung Thành: Bối cảnh hiện nay tuy có nhiều thách thức, nhưng có thể đây cũng là thời cơ chiến lược, thời cơ vàng hiếm hoi trong tiến trình lịch sử của dân tộc để đất nước ta chuyển mình, bứt phá thành công. Do đó, để phúc đáp yêu cầu phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật phải tập trung cao độ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tập trung xác định và giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật, phải định ra thời hạn sớm hoàn thành việc này, ngay trong năm 2025 hoặc chậm nhất là năm 2026, để sớm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khuyến khích sáng tạo và khơi thông mọi nguồn lực.
Thứ hai, sửa đổi luật pháp để vận hành thông suốt, hiệu quả ngay bộ máy của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với chính quyền địa phương sau sắp xếp; cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra là để địa phương chủ động, sáng tạo, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, còn Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành giữ vai trò kiến tạo, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo đó, phải “soi rọi” yêu cầu này trong xây dựng, ban hành đối với mọi văn bản pháp luật.
Thứ ba, tập trung sửa đổi luật pháp, đưa ra những cơ chế, chính sách vượt trội, hữu hiệu để phục vụ phát triển khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo chủ trương, chiến lược của Đảng, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW; để thu hút được các nhà khoa học, chuyên gia giỏi, toàn tâm, toàn ý thể hiện tài năng, cống hiến vì đất nước như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã làm rất thành công trước đây, trong điều kiện đất nước chiến tranh, muôn vàn khó khăn chồng chất.
Thứ tư, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng thành công. Tiếp theo phải quyết liệt, đẩy nhanh, đẩy mạnh, bảo đảm việc kết nối, liên thông toàn diện, khai thác, phát huy và sử dụng hiệu quả để chuyển hóa thành ưu thế cho phát triển đất nước.
Thứ năm, cần đầu tư thích đáng cả về nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng thể chế, trong đó có pháp luật để thể chế tạo nên lợi thế, bảo đảm thực sự là đột phá của đột phá chiến lược đưa đất nước ta “tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới”, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, hùng cường.
Chúng ta có pháp luật tốt, nhưng chúng ta cũng cần có đội ngũ cán bộ, những con người hành động, trí tuệ và bản lĩnh, những con người dám hoài bão và xây dựng hoài bão lớn cho dân tộc, sẵn sàng cống hiến hết mình, quyết tâm biến hoài bão lớn đó thành hiện thực.
Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân ta đã làm nên nhiều kỳ tích “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Bằng tất cả niềm tự hào trước truyền thống lịch sử hào hùng đó, tôi tin tưởng rằng, 100 triệu người Việt Nam hiện nay đều đoàn kết một lòng, chung tay, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và trong kỷ nguyên phát triển mới, dân tộc ta sẽ lại viết tiếp nên những trang sử vẻ vang, chói lọi, đất nước ta sẽ sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu lập nước.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
VĂN TUẤN - HẢI LÝ (Thực hiện)