Phóng viên (PV): Hệ thống pháp luật của nước ta từng bước được hoàn thiện, tương thích với quốc tế, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ tình trạng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trên bình diện chung, hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác, dẫn đến vẫn có tình trạng “làm theo luật này thì đúng, luật khác thì sai”; nhiều văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau. 

leftcenterrightdel

TS Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: HẢI LÝ 

Vừa qua, thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước, với sự tham gia của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương cấp tỉnh, các tổ chức, hiệp hội có liên quan, phát hiện 18 lĩnh vực trong 22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại nghị quyết (đấu thầu, đấu giá, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, hợp tác công tư, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp, giám định, định giá) có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc. Đối với các văn bản không thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm, qua rà soát cũng phát hiện một số nội dung bất cập, vướng mắc được phản ánh, kiến nghị liên quan đến các luật, nghị định, thông tư thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, khoa học và công nghệ... 

PV: Sự chồng chéo trên ảnh hưởng đến đời sống xã hội như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Sự chồng chéo và xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trước hết, có thể nhìn thấy ngay là việc tạo ra môi trường pháp lý bất ổn. Các doanh nghiệp và cá nhân gặp khó khăn trong việc hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật khi có sự chồng chéo và xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Môi trường pháp lý không rõ ràng làm tăng nguy cơ vi phạm pháp luật ngoài ý muốn và gây ra tranh chấp pháp lý. Các doanh nghiệp phải dành nhiều nguồn lực để tư vấn pháp lý và bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật khác nhau, dẫn đến tăng chi phí hoạt động.

Sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật cũng làm hạn chế đầu tư và phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư có thể e ngại khi môi trường pháp lý không ổn định và thiếu minh bạch, dẫn đến giảm sút đầu tư và phát triển kinh tế. Sự không nhất quán trong pháp luật gây khó khăn cho việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến lược kinh doanh, làm giảm hiệu quả và năng suất của doanh nghiệp.

Các quy định chồng chéo có thể tạo ra lỗ hổng pháp lý mà một số cá nhân hoặc tổ chức có thể lợi dụng để trục lợi, trong khi những người khác phải chịu thiệt hại. Khi pháp luật không rõ ràng và không công bằng, công chúng có thể mất niềm tin vào hệ thống pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước.

Các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc thực thi pháp luật khi có sự xung đột và chồng chéo giữa các quy định. Sự không rõ ràng trong pháp luật làm giảm tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, làm suy yếu quản lý nhà nước.

PV: Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập trên là gì?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Nguyên nhân của tình trạng chồng chéo và xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau.

Trước hết, đó là sự bất cập, hạn chế ngay từ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật. Hiện nay, mặc dù chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng về cải cách bộ máy nhà nước, về phân công chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, song vẫn còn có sự chồng chéo, bất hợp lý về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật không được cập nhật kịp thời theo sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế-xã hội, dẫn đến sự lạc hậu và xung đột. Một bộ phận cán bộ xây dựng pháp luật thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế cần thiết để tạo ra các quy định pháp luật nhất quán và hiệu quả.

Quy trình thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành chưa được thực hiện kỹ lưỡng, dẫn đến việc không phát hiện được những điểm chồng chéo và mâu thuẫn. Không thực hiện rà soát thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để loại bỏ những quy định lỗi thời hoặc mâu thuẫn.

Các nhóm lợi ích cũng có thể tác động đến quá trình xây dựng pháp luật để bảo vệ lợi ích của mình, dẫn đến sự mâu thuẫn và chồng chéo trong các quy định. Quy trình lập pháp có thể bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị, làm giảm tính khách quan và nhất quán của các quy định pháp luật.

leftcenterrightdel

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam kiểm tra, tuyên truyền pháp luật đến ngư dân đánh bắt cá trên biển. Ảnh: ANH TUẤN

PV: Thưa ông, để khắc phục tình trạng trên, cần thực hiện những giải pháp căn bản nào?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi, giải pháp rất căn bản để góp phần khắc phục những hạn chế trên đó là, phải xác định đầy đủ, rõ ràng, hợp lý hơn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, loại bỏ sự chồng chéo, bảo đảm thực hiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng pháp luật. Hiện tại, cơ chế phân công, phối hợp về xây dựng pháp luật của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đang còn nhiều vấn đề bất hợp lý, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan có thẩm quyền xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, cần liên tục theo dõi và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật để bắt kịp với sự thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội. Thực hiện các cải cách toàn diện để bảo đảm hệ thống pháp luật luôn phù hợp với thực tiễn và loại bỏ các quy định lỗi thời. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải tiến hành rà soát một cách tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo chiều ngang giữa các văn bản và cả chiều dọc theo hiệu lực pháp lý từ cao đến thấp: Luật và các văn bản dưới luật về cùng một chủ đề hoặc lĩnh vực nhất định.

Theo kinh nghiệm của các nước, công việc này nhằm phát hiện những điểm cần sửa đổi có thể do một cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức, hội nghề nghiệp tiến hành theo sáng kiến của mình hoặc có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kết quả rà soát được phổ biến rộng rãi cho các bên liên quan và xây dựng thành kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính phủ hoặc cơ quan lập pháp sử dụng kết quả rà soát đó để xây dựng thành dự án luật cụ thể sửa đổi đồng loạt các đạo luật về những vấn đề có liên quan. 

Tăng cường quy trình thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành để phát hiện và loại bỏ các điểm chồng chéo, mâu thuẫn. Thực hiện rà soát thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để loại bỏ hoặc điều chỉnh những quy định không còn phù hợp hoặc mâu thuẫn.

Bảo đảm quá trình xây dựng pháp luật được thực hiện một cách minh bạch và công khai, giảm thiểu sự can thiệp của các nhóm lợi ích. Khuyến khích sự tham gia của công chúng và các tổ chức xã hội vào quá trình xây dựng pháp luật để bảo đảm tính khách quan, công bằng.

Đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ xây dựng luật để họ có thể tạo ra các quy định pháp luật nhất quán và hiệu quả. Khuyến khích cán bộ tham gia vào các hoạt động thực tiễn để hiểu rõ hơn về tác động của các quy định pháp luật.

Tinh giản số lượng cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giảm thiểu sự phân tán và chồng chéo. Tạo ra một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ giữa các cấp, các ngành để bảo đảm tính nhất quán và hiệu quả trong thực thi pháp luật.

Xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin pháp luật hiện đại để giúp đơn vị, cá nhân dễ dàng tra cứu, nắm bắt các quy định pháp luật, tránh sự chồng chéo, xung đột. Sử dụng các công cụ phân tích pháp luật để phát hiện sớm mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VĂN TUẤN - VIỆT CƯỜNG