Phóng viên (PV): Thưa ông, Bác Hồ đã để lại nhiều chỉ dẫn và kinh nghiệm quý cho người làm báo. Đâu là những nội dung căn cốt vẫn đang soi sáng cho những người làm báo hôm nay?

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh: Bác Hồ là người sáng lập, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, dân tộc ta, đồng thời là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nói vậy bởi Bác là người trực tiếp sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam với việc mở đầu là ngày 21-6-1925, Bác đã chủ trì cho ra đời tờ báo Thanh Niên-cơ quan của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Bản thân Bác, với tư cách là lãnh tụ của Đảng, rồi Chủ tịch nước đã viết hàng nghìn bài cho các báo, tạp chí. Học tập kinh nghiệm làm báo của Bác, hay nói một cách bao trùm là học tập phong cách báo chí Hồ Chí Minh có rất nhiều nội dung, nhưng tôi chỉ xin nhấn mạnh mấy vấn đề căn cốt:

Bác Hồ dạy, mỗi người viết báo trước khi viết một tin, bài hãy tự trả lời 3 câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Đó là những định hướng vô cùng quan trọng trước cuộc sống diễn ra vô vàn sự kiện, hiện tượng khác nhau, chọn vấn đề gì mà nhân dân đang quan tâm để thông qua bài báo phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng lúc bấy giờ và để nâng cao hiệu quả bài viết, tạo hiệu ứng xã hội. Tôi cho rằng lời dạy của Bác chứa đựng ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất sinh động, vẫn còn nguyên giá trị với người làm báo hôm nay.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh. 

Thứ hai, quan điểm của Bác và các văn kiện của Đảng, qua câu vắn tắt nhưng đầy tính khái quát của Bác là: “Báo chí là một mặt trận”, “Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” đã khẳng định tầm quan trọng của báo chí là “vũ khí sắc bén”, người làm báo là “chiến sĩ xung kích”.

Thứ ba, theo Bác, báo chí phải biết phát hiện, cổ vũ, tôn vinh, nhân rộng các mô hình hay trong cuộc sống, nhưng cũng cần dũng cảm phê bình các cơ quan, đơn vị, địa phương làm chưa tốt. Ngay các cơ quan báo chí, từng nhà báo cũng phải tự nêu cao tinh thần tự phê bình.

Đó là những điều rất căn cốt về nghề báo mà đến nay chúng ta cần đào sâu hơn nữa, thấm sâu hơn nữa để mỗi nhà báo tìm thấy động lực tự đổi mới mình, tự nâng tầm từng dòng tin, bài viết theo lời dạy của Bác.

PV: Những người làm báo đã tiếp thu lời chỉ dạy của Bác ra sao, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh: Chúng ta học ở Bác không chỉ vấn đề định hướng tư tưởng đúng đắn về hoạt động báo chí mà còn là học tập kinh nghiệm làm báo của Bác, xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của báo chí cách mạng, sứ mệnh của người làm báo cũng như phương thức tác nghiệp để mỗi tin, bài góp phần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. Theo hướng đó nên báo chí cách mạng Việt Nam từ ngày thành lập tới nay luôn song hành với Đảng, Nhà nước, nhân dân và toàn dân tộc, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Minh chứng bằng việc Hội Nhà báo Việt Nam-đại diện của những người làm báo cách mạng, đã được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2000), Huân chương Sao vàng (năm 2010)...

PV: Với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, báo chí đã tham gia như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh: Trong hai kỳ đại hội Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959 và 1962, Bác Hồ đến dự và tự nhận mình là “người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Bác thân tình kể chuyện về cuộc đời làm báo của Bác, đại ý rằng, đề tài Bác luôn suy nghĩ và theo đuổi là đấu tranh giành, giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hôm nay, cổ vũ, tôn vinh những con người mới, việc làm mới, điển hình mới đang tận tâm, tận lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhưng báo chí cũng phải tham gia chống quyết liệt những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, quan liêu. Trong đó, về mặt xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải chống những luận điểm sai trái, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là nhiệm vụ quan trọng của công tác lý luận, công tác báo chí-phải bảo vệ bằng được nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh mạnh mẽ có hiệu quả những quan điểm sai trái đã và đang diễn ra. Đảng ta khi ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về vấn đề này đã chỉ rõ, đây là cuộc đấu tranh thường xuyên, lâu dài, vì thế, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phải biết lựa chọn những đề tài trọng tâm, trọng điểm mà kẻ thù đang tập trung chống phá.

Tôi rất mừng trong nhiệm vụ này, Báo Quân đội nhân dân là một trong những tờ báo mà Ban biên tập các thời kỳ, nhất là thời gian gần đây đã tổ chức nhiều chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình"; “Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”; tổ chức Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”... thu hút đông đảo nhà khoa học, tác giả trong và ngoài Quân đội ở các ngành nghề, các cấp tham gia. Báo không chỉ làm tốt nhiệm vụ chống mà còn làm tốt nhiệm vụ xây khi đan xen những bài ca ngợi việc làm tốt, tấm gương hay ở Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Tôi cho rằng Báo Quân đội nhân dân đã thực hiện tốt phương châm xây và chống, lấy xây để chống trong thời gian qua.

leftcenterrightdel
Gian trưng bày của khối báo chí Quân đội tại Hội báo toàn quốc năm 2024 thu hút đông đảo đồng nghiệp và bạn đọc tham quan, tìm hiểu. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

PV: Những yêu cầu, thách thức đặt ra cho báo chí cũng như nhà báo trong nhiệm vụ này là gì, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh: Theo tôi, thứ nhất vẫn cần giải quyết tốt hơn nữa vấn đề nhận thức tư tưởng của toàn xã hội và trước hết là của đội ngũ người cầm bút về sự nguy hại của các luận điệu xuyên tạc, thù địch. Qua đó nêu cao trách nhiệm của mỗi người, đồng thời phê phán tư tưởng thỏa mãn hoặc dửng dưng “đứng ngoài” của người cầm bút. Thứ hai, báo chí trên lĩnh vực này đòi hỏi những bài viết lý luận, thường được coi là khô cứng, nhưng không vì thế mà chúng ta né tránh. Vấn đề hiện nay là phải đi vào thực tiễn cuộc sống một cách có ý thức và chủ động tìm hiểu, đề xuất đề tài cũng như cách thức thể hiện.

Vì vậy, nhà báo phải nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đi vào đời sống để bài viết vừa có tính chiến đấu, vừa có tính thực tiễn mới thu hút được người đọc và với lập luận đanh thép mới có thể đập tan những luận điệu xuyên tạc.

PV: Thưa ông, để báo chí làm tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, vấn đề tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp theo hướng xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí đang được quan tâm thực hiện. Chúng ta cần chú trọng đến yếu tố nào để thực hiện hiệu quả, thiết thực?

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh: Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ rất thuận lợi và thách thức đan xen. Ngoài ưu điểm, phẩm chất bao trùm các nhà báo, chúng ta cần suy ngẫm tại sao đâu đó vẫn còn những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý? Đâu đó có những nhà báo, cơ quan báo chí có biểu hiện ngại đụng chạm... Tuy đó là “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng với nhà báo cách mạng thì đó là điều hết sức đau xót.

Trước đây, tôi có dự hội thảo với chủ đề nâng cao trách nhiệm công dân và nghĩa vụ xã hội của nhà báo cách mạng. Tinh thần ấy vẫn cần nhắc lại, vẫn phải làm một cách quyết liệt hơn theo phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực". Do vậy, cách đây hai năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” gồm 6 điểm dành cho cơ quan báo chí, 6 điểm dành cho người làm báo. Mỗi người, mỗi cơ quan hãy tự soi, suy ngẫm xem mình đã thực hiện như thế nào, làm được những gì!

Trong thời đại công nghệ và hội nhập, mỗi nhà báo, ngay cả những người đã thành danh cần tự xác định không được chủ quan, tự mãn. Việc trau dồi kiến thức, làm chủ chuyên môn với người làm báo cấp bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi mỗi nhà báo phải tự vượt lên chính mình, đổi mới tư duy, cách thức viết báo để có tác phẩm đúng và trúng, có sức hấp dẫn, thuyết phục. Đó là một cuộc vật lộn của mỗi người cầm bút có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, trong tình hình đất nước có nhiều khó khăn tác động đến cuộc sống của người làm báo, nhất là việc tăng cường giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan cần căn cứ tình hình cụ thể tìm cách thức, bước đi để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời cải thiện đời sống cho người làm báo, hai nhiệm vụ đó song hành không hề đơn giản. Tất nhiên đó còn là trách nhiệm của cơ quan chủ quản và của Đảng, Nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÒA (thực hiện)