“Quê hương” và những cung bậc cảm xúc của người lính hát
Phóng viên (PV): Liveshow “Quê hương” được anh tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12), anh có thể chia sẻ về ý tưởng này?
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tình yêu quê hương đất nước luôn là chủ đề bao trùm trong nhiều tác phẩm của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam và của nhiều nhạc sĩ đã khẳng định tên tuổi. Những ca từ, giai điệu về quê hương khi vang lên luôn da diết và bồi hồi. Đặc biệt hai tiếng “Quê hương” thân thương còn gắn với từng dấu chân, là cội nguồn, bệ đỡ cho mỗi bước trưởng thành của người chiến sĩ. Tôi thường nghĩ đến hình ảnh những người con tạm biệt quê hương, gia đình để lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc. Lớp cha trước, lớp con sau, đến nay, hình ảnh những thanh niên tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ cao cả với Tổ quốc mỗi mùa tòng quân, vẫn làm tôi xúc động, bồi hồi.
Thực hiện liveshow nhằm đúng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12), chương trình mang tinh thần, ý nghĩa đó. Tôi mong “Quê hương” mang đến những cung bậc cảm xúc bởi một người lính hát. Vì lẽ đó, khi tôi lựa chọn ca khúc, biên tập âm nhạc cho chương trình đều gửi gắm những ý niệm để làm sao hơn 20 tác phẩm vang lên đều mang âm hưởng quê hương đi cùng năm tháng, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ.
PV: Chăm chỉ ra sản phẩm mới, hầu như năm nào cũng có, không liveshow thì album, đĩa nhạc..., sản phẩm nào cũng được anh đầu tư tâm huyết, chỉn chu, chất lượng, tất nhiên cũng tốn kém nữa, trong khi, dòng nhạc anh theo đuổi lại không quá đông khán giả. Anh nghĩ thế nào?
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi nghĩ, làm nghệ thuật và nhất là khi mình vinh dự được công chúng gọi với danh xưng nghệ sĩ, nếu không đặt cho mình những áp lực, những trăn trở sáng tạo, đổi mới thì mình sẽ mãi giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi trong sự phát triển rất nhanh chóng của nghệ thuật giải trí sôi động. Mỗi ngày, mỗi năm qua đi, mình phải nhìn lại xem đã làm được cái gì, phát triển chuyên môn tới đâu, tích lũy được những gì? Càng đặc biệt hơn khi tôi là một nghệ sĩ Quân đội. Tôi nghĩ rằng, bổn phận sinh ra, ông trời cho mình giọng hát để làm đẹp cho đời, phải làm sao để mình không hối hận vì đã không sống cuộc đời ý nghĩa. Mà cái cảm giác được lên sân khấu, hát những bài hát mình yêu thích, nhìn những ánh mắt trao cho mình tình cảm... như thành thói quen, một cái gì đó gây nghiện vậy. Cho nên năm nào chưa làm được cái gì thì cảm giác cứ day dứt.
|
|
Hình ảnh ý tưởng chủ đề "Quê hương" trong liveshow của ca sĩ Vũ Thắng Lợi. |
Thực ra, với nghệ sĩ ở dòng nhạc như chúng tôi khá vất vả trong việc làm sản phẩm mới cũng như tiếp cận người nghe, nhất là làm liveshow, không có nhà tài trợ hay mạnh thường quân hỗ trợ, bán vé chưa bao giờ là việc dễ dàng. Bởi đam mê mà nhiều khi phải bỏ đi chút sĩ diện của bản thân “gõ cửa” từng nhà để bán vé. Tất nhiên tôi không thấy điều ấy có gì phải xấu hổ cả, bởi mình vì mục đích làm nghề, yêu nghề chứ đâu phải để làm giàu. Đôi khi cũng chấp nhận chịu lỗ chút nhưng đã làm là đau đáu hết mình, phải cố gắng tốt nhất.
PV: Ca sĩ có nhiều cách chân chính để tiếp cận khán giả, khẳng định danh tiếng, thu nhập tốt hơn. Làm liveshow tự bán vé, hay làm đĩa than... đều là cách vất vả, tốn kém trong khi như anh từng chia sẻ, đến giờ vẫn còn chưa trả hết tiền vay mua căn hộ?
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tham gia các chương trình, sự kiện hay lên truyền hình cũng rất hay. Làm liveshow thì yêu cầu, đòi hỏi mình phải chỉn chu hơn về mọi mặt nhưng quan trọng đó là sân chơi của mình nên mình được tự do sáng tạo hơn. Một thầy giáo của tôi từng nói, người nghệ sĩ sáng tạo vì lòng yêu cái đẹp chứ không phải vì danh vọng, tiền tài. Tôi làm những dự án với tâm thế của một người làm nghệ thuật, làm văn hóa. Ca khúc cách mạng luôn có đời sống, sứ mệnh riêng. Nhiều ca khúc ở thời điểm lịch sử từng được cả nước nghe và hát. Sứ mệnh của ca sĩ như tôi bây giờ là làm sống dậy những bài ca đi cùng năm tháng ấy bằng bản phối mới, cách thể hiện mới để khán giả cũ đón nhận lại, còn khán giả trẻ biết đến nhiều hơn, giống như đang phát huy di sản văn hóa vậy. Nếu cứ để ca khúc hay, ý nghĩa như thế ngủ quên, bụi thời gian phủ mờ, khán giả hôm nay dần không biết đến thì sẽ rơi vào quên lãng, mai một. Hơn nữa, đây trước hết là đam mê, sở thích cá nhân. Sau mỗi dự án, tôi lại được trải nghiệm, rút ra những bài học, đặt ra những ý tưởng, mục tiêu mới, nên càng không có gì phải ngại hay sợ thiệt thòi cả.
PV: Ca sĩ Tấn Minh từng nói rằng, Vũ Thắng Lợi có thể không giàu về tiền bạc nhưng về âm nhạc thì lại giàu có hơn so với nhiều anh chị trong nghề. Anh thấy sao về nhận xét đó?
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi xem nhận xét đó của đàn anh là niềm vui, hạnh phúc của mình. Thật ra nếu chăm chăm kiếm tiền, tôi nghĩ sẽ không khó nhưng tôi muốn chọn con đường âm nhạc đi vào chiều sâu, dù có thể không nhiều khán giả, không sôi động.
PV: Thể hiện, làm mới những tác phẩm đã hằn sâu vào tâm trí người nghe lâu năm là một điều không dễ. Anh nghĩ mình đã làm tốt chứ?
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi nghĩ đầu tiên phải chọn tác phẩm phù hợp, vừa vặn với mình, thứ hai là phải cảm nhận được đúng tinh thần tác phẩm, có cảm xúc với tác phẩm. Mỗi thời đại, thời điểm, mỗi người sẽ có cách thể hiện, cảm nhận khác nhau nhưng mình là người làm nghề chuyên nghiệp, hiểu được những tiêu chuẩn nhất định, cũng có sự khó tính, nghiêm túc của riêng mình. Tôi cũng tự tin khi tác phẩm vang lên mà mình cảm thấy hài lòng thì chắc rằng khán giả cũng sẽ tiếp nhận.
May mắn được là chiến sĩ-nghệ sĩ
PV: Là một quân nhân, điều đó có tác động đến việc cảm nhận tinh thần tác phẩm của anh?
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tất nhiên là có chứ! Tôi nghĩ là một quân nhân, bao giờ cũng vậy, sẽ giúp tôi gần gũi với nhân dân, đời sống nhất, sống chậm hơn và tư duy mạch nguồn bền vững hơn. Chất bộ đội, mà nghệ sĩ có được thì hay lắm! Chất ấy giúp ta có sự kiên định, bản lĩnh, dù cuộc sống thuận lợi hay khó khăn; khiến ta không ngại dấn thân và cống hiến. Tôi có thể đứng ở sân khấu lớn với nhịp sống hiện đại, nhưng cũng có thể đứng ở một sân khấu giản dị với bộ đội, đồng bào ở khắp miền biên giới hay hải đảo của Tổ quốc. Tôi lại là người thuộc thế hệ 8X, được chứng kiến giai đoạn giao thời với dư âm của xã hội thời khó khăn-những điều đó đôi khi được thể hiện trong các tác phẩm mà các bạn trẻ bây giờ không biết được. Tôi nghĩ những thuận lợi ấy giúp tôi thể hiện tác phẩm có chiều sâu hơn.
Hơn nữa, hằng năm đi diễn phục vụ bộ đội ở các đơn vị, tôi luôn cảm nhận được tiếp thêm sức trẻ từ những chiến sĩ, chính điều đó cũng tạo thêm cho tôi động lực sáng tạo, muốn truyền thông điệp ý nghĩa tới các bạn. Thú thực có khi các chiến sĩ, học viên trẻ không biết ca sĩ Vũ Thắng Lợi là ai đâu. Nhưng tôi vẫn thường chia sẻ với các bạn ấy mỗi khi có dịp rằng, có thể bây giờ các bạn còn trẻ chưa cảm nhận hết, nhưng một quân nhân được trải qua rèn luyện, được thấm nhuần tư tưởng cách mạng thì dù ở đâu, làm gì cũng sẽ thấy sâu thẳm trong mỗi người, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người luôn là thứ tình yêu đơn giản nhưng cao cả nhất.
|
|
Hình ảnh ý tưởng chủ đề "Quê hương" trong liveshow của ca sĩ Vũ Thắng Lợi.
|
PV: Có ý kiến cho rằng môi trường Quân đội không thuận lợi để nghệ sĩ phát triển, cũng có nghệ sĩ Quân đội muốn tìm cơ hội và phát triển ở thị trường bên ngoài. Quan điểm của anh thì sao?
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Khi trẻ lại có chút thành tựu, giống như được khoác lên mình chiếc áo hào quang thì người ta hay đòi hỏi, như các cụ ta nói là “ngựa non háu đá” vậy. Ngày trước, cũng có lúc tôi từng thoáng có ý nghĩ ấy nhưng may mắn tôi có những đàn anh, đàn chị, đồng đội đi trước cho lời khuyên, góp ý để đi đúng hướng. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là các bạn ấy chưa hiểu thật thấu đáo và chưa xác định được cho mình hướng đi. Môi trường Quân đội rất tốt, quý trọng người tài. Làm nghề lâu năm sẽ thấy, môi trường ngoài cần có nhiều yếu tố để thành công, chẳng hề đơn giản, dễ dàng như ta vẫn tưởng. Nhiều người có chút tài năng, danh hiệu nghĩ ra ngoài sẽ thành công, phát triển tốt hơn. Nhưng tôi lại nghĩ, cơ hội là do chính mình, nếu mình có tài năng, tâm huyết, đam mê và bền bỉ, nghiêm túc, có hướng đi đúng thì sẽ thành công.
PV: Theo anh, làm sao để có thêm nhiều nghệ sĩ Quân đội có thể phát huy tốt cơ hội và khẳng định tài năng của mình trong thế giới âm nhạc, nghệ thuật đầy cạnh tranh như hiện nay?
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Ngày trước, tôi về công tác ở đơn vị rồi mới tham gia các cuộc thi âm nhạc và có thành tích. Ngày ấy, hễ biết có chương trình nào của các ca sĩ là tôi đến xem, nhiều khi không có vé, không có tiền còn xem “chui”, xin bảo vệ cho vào. Xem các anh chị, tôi học hỏi được nhiều điều, rồi ước mơ ngày nào đó mình cũng được như họ.
Nhiều người thuận lợi khi từ trong nhà trường đã có giải thưởng, khi về các đơn vị nghệ thuật thì phát huy tốt hơn, nhưng cũng không ít người về đơn vị lại bị mai một, giậm chân tại chỗ. Tôi nghĩ mỗi người cần có trách nhiệm với bản thân mình trước, phải liên tục tôi luyện, phấn đấu. Chứ nếu có biên chế rồi yên phận, làm tròn trách nhiệm thì đơn giản lắm. Tất nhiên, ngoài học hỏi liên tục còn cần may mắn nữa. Tôi may mắn vì được lãnh đạo, chỉ huy, các anh chị trong đơn vị hết sức tạo điều kiện. Đó cũng là điều các nghệ sĩ rất cần để phát huy khả năng, thỏa sức cống hiến cho Quân đội cũng như nghệ thuật của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!
THU HÒA (thực hiện)