Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động sáng tác VHNT nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa, giá trị của các hoạt động này?

KTS Nguyễn Trường Lưu: Nói đúng hơn thì không phải chỉ nhân dịp 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh mới có những hoạt động sôi nổi cho sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT mà hằng năm, các hoạt động này được tổ chức liên tục. Các hội đã tổ chức nhiều trại sáng tác, chuyến đi thực tế sáng tác để văn nghệ sĩ có thêm nguồn cảm hứng sáng tạo các tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật. Nhưng ở sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì không riêng gì thành phố hay các hội VHNT mà chính các văn nghệ sĩ khi nghĩ về sự kiện này đã náo nức, trăn trở để định hướng cho những tác phẩm của mình. Đây là một sự kiện mà nếu như người chiến sĩ, nghệ sĩ đã sáng tác từ trước năm 1975 thì quãng thời gian này đã đủ để suy tư, cảm nhận cho những tác phẩm đặc sắc về đề tài chiến tranh cách mạng. Những văn nghệ sĩ bắt đầu hoạt động sau năm 1975 thì cũng đủ độ chín để có những tác phẩm mà lâu nay còn trăn trở. Những tác giả trẻ muốn tìm tòi cho mình một cái nhìn, cách tiếp cận mới về sự kiện này thì cũng là một dịp để thể nghiệm sáng tác.

leftcenterrightdel
KTS Nguyễn Trường Lưu. 

Để nói hết được ý nghĩa này, trước hết phải nói về kế hoạch của thành phố. Thành phố đã có 3 kế hoạch giao cho các hội VHNT, các văn nghệ sĩ. Cụ thể là phát động cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT nhân dịp 50 năm Ngày đất nước thống nhất; đầu tư cho mỗi hội chuyên ngành sáng tác một công trình, tác phẩm VHNT; tổ chức bình chọn 50 tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu về VHNT được sáng tác, phát hành, biểu diễn, dàn dựng và xây dựng trong 50 năm qua.

Đây là dịp để văn nghệ sĩ với tác phẩm được hòa cùng ngày vui, niềm hạnh phúc của đất nước, cũng như tưởng nhớ và tri ân những người đã hy sinh để có được ngày non sông thống nhất.

PV: Thông qua các hoạt động đó, có thể thấy điều gì về đề tài sáng tác này, thưa ông?

KTS Nguyễn Trường Lưu: Thông qua các hoạt động nêu trên, ta thấy rất rõ ràng về những tấm lòng, về sự hồ hởi tham gia của các tác giả. Ví như ở chương trình vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT, thành phố đã thu được hơn 800 tác phẩm ở 9 lĩnh vực. Hay việc đầu tư cho mỗi hội chuyên ngành thì ở nhiều lĩnh vực, văn nghệ sĩ đã đề nghị được tham gia tác phẩm vào chương trình và kinh phí được xã hội hóa (không cần thành phố đầu tư về tài chính). Tiêu biểu là tác phẩm điện ảnh “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” do Bùi Thạc Chuyên làm đạo diễn kiêm viết kịch bản, đồng thời còn là bộ phim đầu tay của ông dưới vai trò là nhà sản xuất. Bộ phim về đề tài chiến tranh này đã tạo được sức hút đặc biệt với khán giả, giữ vững ngôi đầu bảng doanh thu phòng vé ở Việt Nam khi chỉ sau 12 ngày phát hành đã đạt doanh thu 132 tỷ đồng.

Còn về sự hấp dẫn của đề tài hay nội dung thể hiện, điều đó đã được phản ánh thông qua tác phẩm cũng như sự cuốn hút đối với văn nghệ sĩ của thành phố. Chúng ta cũng biết, trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều văn nghệ sĩ phải cuốn vào việc sáng tác theo các nội dung “đặt hàng”. Và đây là dịp để họ nhớ lại, trăn trở làm sao có những tác phẩm mà mình đeo đuổi bấy lâu nay với một sự kiện lớn. Hay lớp tác giả trẻ có thể dễ bị cuốn theo những trào lưu nhất thời mà lâu nay chưa quan tâm hoặc “quên” rằng đất nước ta đã trải qua muôn vàn hy sinh anh dũng để có được ngày thống nhất, hòa bình, phát triển như hôm nay; thì đây là dịp để họ tìm hiểu, trăn trở, để tìm về và mạnh dạn đi vào đề tài ý nghĩa này với những cách tiếp cận, thể hiện, sáng tạo thể nghiệm của người trẻ. Chính ý nghĩa và sức hấp dẫn của đề tài đã giúp chúng ta có những sáng tác VHNT mới và hứa hẹn còn nhiều tác phẩm trong tương lai.

PV: Trong tiến trình phát triển của TP Hồ Chí Minh suốt 50 năm qua, theo ông, VHNT đã thể hiện được ở mức độ nào?

KTS Nguyễn Trường Lưu: Nếu nhìn nhận, đánh giá về VHNT với tiến trình phát triển của TP Hồ Chí Minh, theo tôi nghĩ, chúng ta cần phải có một hội thảo khoa học, chuyên đề về vấn đề này thì mới đánh giá được chính xác. Nhưng tổng quan thì tôi cho rằng, có thể nhìn nhận VHNT TP Hồ Chí Minh với sự phát triển của thành phố ở từng giai đoạn, như thế có lẽ sẽ phù hợp hơn.

Sau năm 1975, đất nước vừa thống nhất, lực lượng văn nghệ sĩ tại TP Hồ Chí Minh được hình thành, với 4 “cánh quân” hội tụ về mảnh đất Sài Gòn-Gia Định để làm nòng cốt cho VHNT TP Hồ Chí Minh cho đến ngày hôm nay. Cánh quân thứ nhất bao gồm các văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam; thứ hai là lực lượng văn nghệ sĩ khu Sài Gòn-Gia Định; cùng lực lượng văn nghệ sĩ từ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên; lực lượng văn nghệ sĩ từ miền Bắc. Tất cả đã hòa chung với sự kiện lịch sử của dân tộc mùa xuân 1975 để thăng hoa, sáng tạo những tác phẩm VHNT xứng tầm với sự kiện của đất nước, có thể kể đến như: Về văn học có “Quê hương địa đạo” (Viễn Phương), “Thì thầm với dòng sông” (Hoài Vũ)...; sân khấu có: “Người ven đô” (đạo diễn Minh Khoa), “Tiếng trống Mê Linh” (đạo diễn Ngô Y Linh), “Mâm vàng Cửu Long” (NSND Thái Ly)...; âm nhạc có: “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng), “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” (Phạm Minh Tuấn), “Một đời người một rừng cây” (Trần Long Ẩn)...; điện ảnh có: “Cánh đồng hoang” (đạo diễn Hồng Sến), “Ván bài lật ngửa” (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân)...

leftcenterrightdel
TP Hồ Chí Minh qua tranh của họa sĩ Lê Sa Long.  

Từ năm 1986 đến 2015, VHNT tiếp tục đồng hành, phản ánh sinh động nhịp phát triển của thành phố trong thời kỳ đổi mới với những tác phẩm ở các loại hình và lĩnh vực, đề tài khác nhau. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, VHNT đã bùng nổ về số lượng tác phẩm cũng như cách thể hiện tìm tòi các ngôn ngữ mới và đa dạng. Đây là giai đoạn của một thế hệ văn nghệ sĩ trẻ được hình thành và cũng có nhiều tác phẩm đã đi vào cuộc sống của thế hệ trẻ thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

PV: Hiện nay, có ý kiến cho rằng, VHNT chưa phản ánh xứng tầm những vấn đề đương đại, với riêng VHNT ở TP Hồ Chí Minh thì sao, thưa ông?

KTS Nguyễn Trường Lưu: Sứ mệnh của VHNT là phải phản ánh được thời đại, đời sống xã hội của một dân tộc, quê hương, vùng đất. VHNT phải đi vào đời sống của dân tộc, của nhân dân thì mới đứng vững được.

Ở nước ta hiện nay, có thể thấy hai dòng VHNT. Dòng VHNT giải trí đã có chỗ đứng theo nghĩa đen, tức là đã có khán giả, có vai trò, vị trí nhất định và đang phát triển. Nhưng nó chỉ là bề nổi của VHNT. Còn dòng VHNT với những tác phẩm có tính tư tưởng và nghệ thuật cao, có giá trị sống mãi với thời gian thì phải thẳng thắn mà nói là chưa xứng tầm với những vấn đề của xã hội hiện nay trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung, cũng như viết tiếp truyền thống cách mạng, sự phát triển của TP Hồ Chí Minh nói riêng. VHNT chưa phản ánh toàn diện những tâm tư, nguyện vọng, những ước mơ và mất mát, hy sinh... của mọi tầng lớp con người trong xã hội và công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

PV: Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

KTS Nguyễn Trường Lưu: Trước hết, chủ thể của tác phẩm là tác giả, vì vậy theo tôi, ngoài tài năng thì tác giả cũng phải hy sinh cái riêng, là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng, như Bác Hồ đã nói: “VHNT cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Tiếp đến, cần phải đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới vào đời sống VHNT bằng các thể chế, chính sách cụ thể của Chính phủ trên tinh thần của nghị quyết đã xác định “... xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, VHNT là một bộ phận rất quan trọng...”. Theo đó, các chương trình đầu tư, hỗ trợ, hay các giải pháp đặt hàng... cho VHNT phải đi vào chiều sâu, cụ thể, không nên đầu tư chung chung, dàn trải. Có như vậy, VHNT mới có điều kiện phát triển và thể hiện được đúng vai trò của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

VÂN HÒA (thực hiện)