Điện Biên hôm qua, Điện Biên hôm nay
Phóng viên (PV): “Mùa ban thay áo” của anh là một trong số những tác phẩm hiếm hoi của tác giả trẻ viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều gì khiến anh, một người sinh ra và lớn lên ở miền Trung, viết cuốn sách này?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ. Nhưng từ nhỏ, tôi đã biết đến Điện Biên qua các tiết học môn Lịch sử, những thước phim tư liệu và đặc biệt là qua những câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông ngoại tôi, một người lính từng tham gia cả hai cuộc kháng chiến thường kể cho anh em chúng tôi nghe. Lúc bấy giờ, dù chưa một lần được đặt chân đến Điện Biên, nhưng vào những dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lòng tôi lại trào dâng một niềm tự hào, thổn thức khó tả.
Năm 2017, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, tôi được phân công về công tác tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Với tính chất công việc thường xuyên phải “cắm bản” nắm tình hình địa bàn, tôi cũng quen với nhịp sống nơi đây. Vào mùa hè năm 2023, chị Hường Lý-biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng có gặp mặt và tin tưởng đặt tôi viết một bản thảo về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi đã đắn đo rất nhiều và không dám nhận lời vì tôi đang thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách ở đơn vị. Nhưng trong tôi vẫn không ngừng nghĩ về điều đó và khi nhiệm vụ hoàn thành sớm hơn dự kiến, tôi đã liên hệ trình bày đề cương ý tưởng của mình thì được chị ủng hộ nhiệt tình. Có ý tưởng đã khó, viết như thế nào lại càng khó hơn. Mấy đêm liền, tôi trằn trọc nghĩ về Điện Biên-nơi mà tôi đã xem như quê hương thứ hai của mình. Tính đến thời điểm ấy, tôi đã có 6 năm gắn bó với Điện Biên. Khoảng thời gian chưa dài nhưng vừa vặn cho những trải nghiệm đủ chín, những cảm xúc đủ chạm để tôi quyết tâm viết “Mùa ban thay áo”.
PV: Ngoài việc là một tác phẩm “đặt hàng”, khi viết truyện này, anh nghĩ tới và mong muốn gửi gắm điều gì?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Cuốn sách này như một nén tâm nhang tôi viết để tri ân ông ngoại tôi, tri ân những người đã không quản khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều năm đã trôi qua, những dấu tích của chiến tranh vẫn còn đó, nhắc nhở mỗi người chúng ta về một thời “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Dòng thời gian có thể làm xói lở nhiều thứ nhưng không thể mài mòn những giá trị bền vững thuộc về chân lý và lịch sử, để các nhà văn vẫn luôn đau đáu muốn tái hiện những năm tháng hào tráng ấy bằng văn chương. Và tôi cũng vậy. Tôi tâm niệm rằng, dù viết về đề tài gì đi chăng nữa, cách tân độc đáo ra sao thì điều cốt lõi của một tác phẩm đích thực luôn là giá trị nhân văn sâu sắc. Qua truyện này, tôi mong muốn bạn đọc kết nối được những thông điệp về sự "tương thân tương ái" giữa người với người, ấm áp như ngọn lửa hy vọng Pâng và Hạt thắp lên trong hang tối mịt mùng; sự hòa hợp của thiên nhiên và con người, thành tâm như cách con khỉ bất chấp hiểm nguy cứu anh Thược chấp chới nơi dòng sông Nậm Rốm; và đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, vượt lên mọi hoàn cảnh khốc liệt, như hình ảnh lớp lớp cây ban non vẫn chen chúc mọc dày sau những đợt mưa bom, bão đạn của quân thù.
Trách nhiệm tiếp nối mạch nguồn sáng tạo về đề tài lớn
PV: Là tác giả trẻ, khi viết về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng, cụ thể ở đây là câu chuyện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó có phải là một lựa chọn dũng cảm?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Trước sự tận hiến, hy sinh của cha ông ta thì việc một cây bút trẻ như tôi khi được sống giữa thời đại hòa bình viết một cuốn sách nhỏ về đề tài chiến tranh cách mạng đâu dám nghĩ sự lựa chọn của mình tương xứng với từ dũng cảm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, đây là trách nhiệm của bản thân và tôi cần phải làm hết mình. Những điều thuận lợi thì tôi đã chia sẻ ở trên. Còn khó khăn thì thú thực, trong quá trình viết, tôi có thoáng chút lo lắng về việc không kịp tiến độ. Mặt khác, về cơ bản, những hiểu biết của tôi về Chiến dịch Điện Biên Phủ còn mang tính sách vở. Không những thế, sự cách biệt thời gian, thế hệ khiến ban đầu tôi khá lúng túng trong việc nhập vai nhân vật để kể chuyện. Tôi đã cố gắng lấp đầy khoảng trống ấy bằng nhiều cách, như: Đọc mở rộng các nguồn sử liệu, cố gắng phỏng vấn được nhiều cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch, lắng nghe và ghi chép những trải nghiệm, hoài niệm, cảm xúc của họ. Đồng thời, tôi xin phép trao đổi, đặt các câu hỏi để khai thác sâu hơn những câu chuyện bên lề. Giá mà ông ngoại tôi còn sống, chắc ông sẽ chia sẻ thêm cho tôi nhiều chi tiết đắt làm điểm nhấn cho câu chuyện này. Tôi cũng tranh thủ đi thăm những địa danh lịch sử quan trọng trên địa bàn và các bản làng nhằm lấy nguồn cảm hứng chân thật và sống động nhất, để thực sự hòa vào bối cảnh, mạch truyện.
    |
 |
Du khách tham quan Di tích lịch sử Đồi A1, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG |
PV: Chiến tranh cách mạng là một đề tài lớn của văn học nhưng cũng là một thách thức lớn với các tác giả, nhất là tác giả trẻ. Anh nhìn nhận thế nào về điều này?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Độ khó của đề tài luôn tỷ lệ thuận với độ cao của thử thách. Chiến tranh cách mạng là một đề tài rộng lớn, mang tính bao quát cả về không gian và thời gian, đồng thời luôn thấp thoáng những điều vừa là cơ hội kèm theo thử thách, đòi hỏi người viết kỳ công giải mã. Nhớ lại quá trình viết cuốn “Mùa ban thay áo”, vì thiếu kinh nghiệm nên tôi dễ bị lạc lối giữa ngồn ngộn sự kiện và sa đà theo trí tưởng tượng. Tôi đã phải cắt bỏ, đảo cấu trúc và viết lại nhiều đoạn. Có lúc bất lực đến đổ gục trên bàn phím hàng giờ. Tôi là tác giả trẻ đang thử sức với đề tài chiến tranh cách mạng trong tâm thế vừa học hỏi, vừa sáng tác, nên lúc nào cũng thường trực trăn trở về cách giữ ngòi bút thăng bằng giữa ranh giới sự khách quan của lịch sử và sự chủ quan của văn chương. Tuy nhiên, các thử thách, dù là trong văn chương hay bất cứ lĩnh vực nào đều luôn có tác dụng thôi thúc đáng kể động lực sáng tạo.
PV: Theo anh, đội ngũ cầm bút trẻ hôm nay cần tiếp nối mạch nguồn sáng tạo với đề tài lớn này như thế nào?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Đây là một câu hỏi khó và mang tầm vĩ mô mà tôi không chắc mình sẽ trả lời trọn vẹn được. Trước khi có thể tiếp nối, chúng ta cần phải tiếp cận. Với sự thuận tiện về nhiều mặt trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cầm bút có nhiều cách tích lũy vốn hiểu biết cũng như sự trải nghiệm để sẵn sàng lựa chọn những đề tài lớn của văn học-nghệ thuật. Chẳng ai dùng chậu hoa cúc để trồng một cây đa cả. Vì vậy, đề tài lớn cần những ngòi bút bản lĩnh, trường sức và kỷ luật. Thế hệ nhà văn tiền bối đã khơi thông những mạch nguồn sáng tạo dồi dào, nên thế hệ nhà văn trẻ hôm nay cần mở rộng-đào sâu-kéo dài dòng chảy ấy trong tiến trình văn học bằng cách kế thừa, phát huy những thành tựu đã có, đồng thời, mạnh mẽ cách tân, tạo lập những giá trị mới mẻ. Với nhà văn, quan trọng nhất là phải đặt bút viết, trình diện bằng tác phẩm. Nhiều nhà văn trẻ đã khẳng định được tài năng nổi bật của mình khi khai thác thành công đề tài lớn về lịch sử, chiến tranh cách mạng. Các tác giả trẻ cũng thường chịu khó đọc, góp ý cho nhau, hoán đổi vị trí của nhau và đôi khi nảy ra những cuộc tranh luận sôi nổi để vỡ vạc, suy ngẫm và tiếp tục hành trình sáng tạo.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!
DƯƠNG THU (thực hiện)