Càng làm nhiều phim về lịch sử năng lực càng nâng cao

Phóng viên (PV): Hai bộ phim hoạt hình do chị viết kịch bản “Chiếc xe thồ Điện Biên” và “Lời hứa Điện Biên” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thật ý nghĩa. Từ khi được giới thiệu, sự quan tâm của khán giả và giới chuyên môn về hai bộ phim ra sao, thưa chị?

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Tôi rất bất ngờ và vui mừng khi hai bộ phim hoạt hình của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam về đề tài Điện Biên Phủ nhận được sự quan tâm của khán giả, các cơ quan báo chí và những người trong nghề. Bộ phim “Chiếc xe thồ Điện Biên” được trình chiếu trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, còn phim “Lời hứa Điện Biên” vẫn đang trong quá trình sản xuất và sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Có lẽ, nhờ không khí và tinh thần kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên ngay từ khi có thông tin, hai bộ phim đã tạo được sức hút nhất định với khán giả và truyền thông. Một phần khác là do hai bộ phim này nằm trong số ít các bộ phim hoạt hình về đề tài lịch sử, đặc biệt là giai đoạn lịch sử hiện đại, rất gần với chúng ta. Vì thế khán giả có tâm lý đón chờ, xem những câu chuyện, sự kiện, nhân vật có thật trong lịch sử được thể hiện trong phim hoạt hình có gì khác các thể loại tài liệu, phim truyện mà chúng ta vẫn thường xem.

leftcenterrightdel
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà.

PV: Ngoài hai phim trên, chị còn nhiều tác phẩm khác về đề tài lịch sử. Dường như chị khá quan tâm tới mảng đề tài này?

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Tôi tự nhận mình là một nhà biên kịch rất yêu thích đề tài lịch sử, đã gắn bó và tham gia biên tập, biên kịch nhiều phim, như: “Hào khí Thăng Long”; “Mỵ Châu-Trọng Thủy”; “Kỳ tích Đầm Dạ Trạch”; “Đại Hành Hoàng đế”; “Tiếng cồng Núi Nưa”; “Người thày của muôn đời”... Ngoài hai bộ phim về Điện Biên Phủ kể trên, thời gian này tôi cũng biên kịch loạt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như kịch bản: “Kỷ vật của người lính” kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; “Em bé Hiền Lương” kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva; “Chuyến tàu Thống nhất” kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; “Cậu bé giữ lá cờ Đảng” kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng... và một số phim cổ tích sự tích mang yếu tố lịch sử.

Từ bé tôi học chuyên văn, có điều kiện học, đọc nhiều. Tôi nhận ra, có nhiều điển tích, điển cố, nhiều chuyện xưa mà muốn học, muốn hiểu thì cần có vốn kiến thức về lịch sử. Bởi vậy, tôi dành nhiều thời gian cho môn lịch sử. Càng đọc, càng hiểu thì càng thấy lịch sử hấp dẫn. Và vốn có khiếu kể chuyện nên tôi thích kể chuyện sử. Sau này, khi trưởng thành, tôi có ý thức sâu sắc hơn những giá trị nền tảng về mặt tri thức, đạo đức, xã hội mà lịch sử mang lại. Tôi viết nhiều truyện tranh lịch sử cho các báo thiếu niên, nhi đồng. Với vai trò Trưởng phòng Kịch bản, tôi nhận nhiệm vụ chuẩn bị nguồn kịch bản cho công tác sản xuất theo định hướng của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà mảng đề tài về lịch sử luôn được ưu tiên đặt hàng nên chúng tôi cần tập trung thực hiện. Tôi cảm thấy càng làm nhiều phim hoạt hình về lịch sử năng lực càng nâng cao, càng có nhiều phim hấp dẫn hơn. Chính vì thế, phim hoạt hình về đề tài lịch sử chiếm một phần không nhỏ trong sự nghiệp biên kịch của tôi suốt 25 năm qua.

Nhiều lợi thế khi khai thác đề tài lịch sử

PV: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là nguồn tư liệu phong phú để các tác giả khai thác cho văn học nghệ thuật. Theo chị, phim hoạt hình đã khai thác mảng đề tài này như thế nào?

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Lịch sử là nguồn chất liệu vô cùng phong phú và hấp dẫn cho văn học nghệ thuật nói chung và hoạt hình nói riêng. Phim hoạt hình còn là thể loại có lợi thế đặc biệt khi khai thác đề tài lịch sử. Với những đặc trưng riêng của ngôn ngữ hoạt hình, các nhà làm phim có thể tái hiện lại tất cả những không gian, thời gian, những đại cảnh hoành tráng, những bối cảnh đã bị tàn phá, mai một theo thời gian hoặc những câu chuyện, tình huống mang yếu tố kỳ bí, huyền thoại... mà các thể loại khác gặp khó khăn do hạn chế về ngôn ngữ thể hiện, về điều kiện, kinh phí... Mặc dù vậy, làm phim hoạt hình lịch sử cũng cần có yêu cầu cao bởi những người làm không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải rất am hiểu lịch sử và cũng cần đầu tư về tài chính, công nghệ, thời gian, công sức lớn hơn nhiều với các bộ phim hoạt hình thông thường.

PV: Không thể phủ nhận vai trò của phim hoạt hình trong việc giáo dục truyền thống cho lớp trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng phim hoạt hình Việt vẫn được cho là phát triển chưa xứng tầm. Theo chị, vì sao và chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Chúng ta nên nhìn nhận thẳng thắn, không chỉ riêng phim hoạt hình chưa phát triển xứng tầm mà rất nhiều thể loại khác với nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ cũng chưa thể hiện được tầm vóc và kỳ vọng chung. Đây là vấn đề mà những người làm phim hoạt hình luôn trăn trở và nỗ lực trong khả năng của mình. Phim hoạt hình là một thể loại cần sự đầu tư không chỉ về tài chính mà cả công nghệ, trình độ nhân lực... Trong điều kiện hiện tại, việc đầu tư cho điện ảnh nói chung và phim hoạt hình nói riêng ngày càng thắt chặt, số lượng phim rất hạn chế so với nhu cầu thưởng thức phim của khán giả. Với các nguồn lực ngoài xã hội thì phim hoạt hình là thể loại rất khó thu hồi vốn nên các công ty tư nhân chủ yếu đầu tư các sản phẩm hoạt hình mang tính giải trí trên các nền tảng giải trí nhanh. Bởi vậy, muốn phát triển phim hoạt hình để thực hiện mục tiêu lâu dài là đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ thì cần có sự đầu tư ở tầm vĩ mô, tạo điều kiện cho phim hoạt hình phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn.

leftcenterrightdel

“Đại Hành Hoàng đế”  - bộ phim hoạt hình về đề tài lịch sử .

Phát huy giá trị, ý nghĩa vốn có của phim hoạt hình

PV: Trong điện ảnh, để nói đến một tác phẩm, bao giờ kịch bản cũng được đặt ra đầu tiên. Là một tác giả, chị nghĩ sao về điều này?

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Kịch bản luôn là yếu tố đầu tiên và quan trọng hàng đầu để tạo nên một tác phẩm điện ảnh. Tác giả kịch bản là người đầu tiên đặt nền móng, xây dựng và nuôi dưỡng câu chuyện. Tuy nhiên, bộ phim lại là sản phẩm của một tập thể. Khán giả được biết đến câu chuyện mà biên kịch dựng lên, thông qua cách kể chuyện của đạo diễn. Bởi vậy, chỉ khi có được sự đồng cảm giữa đạo diễn và biên kịch, kịch bản mới được thể hiện một cách trọn vẹn nhất theo chủ ý nghệ thuật mà người viết hướng tới. Tôi luôn mong muốn có được sự đồng cảm, chia sẻ của đạo diễn, họa sĩ, ê-kíp làm phim để cùng nâng cao chất lượng của kịch bản, dựa trên cái gốc của kịch bản chứ không phải kể một câu chuyện khác mà người đạo diễn sáng tạo nên.

Trong thời điểm hiện tại, nghề biên kịch đang thu hút được khá đông các bạn trẻ. Tuy nhiên, với hoạt hình, do chưa có cơ sở đào tạo chính quy, bài bản nên đội ngũ biên kịch hoạt hình dù rất nhiều năng lượng, sự sáng tạo nhưng còn nhiều hạn chế về kiến thức chuyên môn, về nền tảng cơ bản của điện ảnh, phông văn hóa cần thiết cho người hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật...

PV: Nhiều ý kiến cho rằng phim hoạt hình Việt còn thiếu hấp dẫn khán giả và lép vế trước phim hoạt hình nước ngoài, nhất là khi ra rạp. Theo chị, chúng ta cần quan tâm tới những gì để có tác phẩm chất lượng cao và để phim hoạt hình Việt phát huy được giá trị, ý nghĩa vốn có?

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Điều quan trọng nhất để phim hoạt hình Việt phát huy được giá trị và ý nghĩa vốn có không gì khác ngoài việc chúng ta phải làm nhiều phim, có những tác phẩm hoạt hình chất lượng cao, lôi cuốn khán giả với câu chuyện thú vị, hình ảnh đẹp, âm nhạc hấp dẫn... Nâng cao chất lượng và số lượng phim hoạt hình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim hoạt hình của khán giả; thông qua những tác phẩm để truyền đạt thông điệp, truyền cảm hứng, định hướng, bồi dưỡng, giáo dục các em với cách lan tỏa tự nhiên, có chiều sâu... là điều không chỉ các nhà làm phim hoạt hình mà tất cả chúng ta cùng kỳ vọng.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

DƯƠNG THU (thực hiện)