Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Bộ đội Trường Sơn được thành lập đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một vinh dự rất đặc biệt đối với Binh đoàn 12. Đó có phải là động lực để Bộ đội Trường Sơn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ.

Đại tá Nguyễn Thế Lực: Trước hết, tôi xin khẳng định, tình cảm, sự tin tưởng của Bác, của Đảng dành cho đồng bào, chiến sĩ Trường Sơn là vô bờ bến. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng tại Hà Nội, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó là niềm tin của Đảng, của Bác Hồ dành cho Bộ đội Trường Sơn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và căn dặn Đoàn 559: “... Muốn làm cách mạng phải có dân, có bộ đội mạnh khỏe. Các chú phải chăm lo đời sống bộ đội hơn nữa và giúp đỡ dân. Các chú cần mở thêm đường, cần có nhiều cách vận chuyển, tiến tới vận chuyển lớn mới đáp ứng được yêu cầu cách mạng miền Nam”. Lời căn dặn của Người trở thành động lực tinh thần, là phương châm hành động, là mệnh lệnh của Bộ đội Trường Sơn cả trong quá khứ và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiện nay.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Thế Lực. 

Trong kháng chiến, mỗi khi các đồng chí phụ trách Đoàn 559 về Hà Nội hoặc chuẩn bị vào Trường Sơn, Bác Hồ thường gọi đến để trực tiếp nghe báo cáo về tình hình mọi mặt. Năm 1962, đồng chí Võ Bẩm, Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559 lên gặp Bác. Sau khi nghe báo cáo, Bác vô cùng xúc động, căn dặn các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chú ý chăm sóc đời sống và sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, kể cả lực lượng thanh niên xung phong và phải tìm cách cứu giúp đồng bào. Dịp Quốc khánh 2-9-1962, chấp hành chỉ thị của Người, Đoàn 559 đã chuyển đến đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn 30 tấn muối, 10 tấn vải và nhiều lương thực.

Với sự tin tưởng vào Bộ đội Trường Sơn, Bác đã nói: "Đường Trường Sơn là con đường thắng lợi". Câu nói giản dị nhưng sâu sắc ấy của Bác trở thành ngọn đèn soi sáng ý chí cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn. Những tình cảm và lời chỉ dạy sâu sắc của Người trở thành động lực to lớn để Bộ đội Trường Sơn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

PV: Trước tình cảm vô cùng đặc biệt ấy, Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện những lời Bác dặn như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Thế Lực: Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu là động lực tinh thần để Bộ đội Trường Sơn và các lực lượng khác trên tuyến lửa có sức mạnh vượt qua khó khăn, gian khổ. Bộ đội Trường Sơn đã biến lời mong mỏi của Bác thành khẩu hiệu hành động cách mạng “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “máu có thể đổ, đường không thể tắc” thành hành động để vượt qua muôn vàn khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Ở thời kỳ đầu, với mệnh lệnh: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, với nhiều tháng mở đường, ngày 13-8-1959, sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã được vận chuyển tới Tà Riệp, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ. Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, ác liệt sau này, Bộ đội Trường Sơn đã biến lời dạy của Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” thành hành động cách mạng, liên tục thi đua, coi thi đua là động lực để giữ vững mạch máu giao thông, chi viện cho tiền tuyến lớn. Bộ đội Trường Sơn đã sáng tạo ra nhiều cách vận chuyển, từ gùi thồ đến vận chuyển cơ giới; vừa tổ chức vận chuyển hàng, vừa đánh địch, bảo vệ đội hình hoặc làm đường kín để vận chuyển. Hay việc xây dựng tổ chức lực lượng bảo đảm quân y, chăm sóc sức khỏe bộ đội, thương binh trên tuyến hoặc xây dựng hệ thống đường ống xăng dầu ở Trường Sơn trong điều kiện địch đánh phá, ngăn chặn quyết liệt, góp phần làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

PV: Tinh thần xung kích, làm theo lời Bác của Bộ đội Trường Sơn-Binh đoàn 12 đã và đang được phát huy thế nào trong thời kỳ mới, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Thế Lực: Việc thực hiện lời dạy của Bác ở Binh đoàn 12 là truyền thống, được kế thừa liên tục và hiện nay có sự phát triển phù hợp hoàn cảnh từng nhiệm vụ, nhất là trong học tập nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý, tổ chức thi công; ứng dụng khoa học-công nghệ để thực hiện an toàn, hiệu quả, vượt tiến độ từng công trình, phần việc. 

Hiện nay, Binh đoàn 12 là nhà thầu chủ lực tham gia thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm của đất nước, tiêu biểu là 11 gói thầu đường cao tốc Bắc Nam trục dọc; 3 gói thầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; dự án thành phần đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang; đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu; đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn, Hòa Bình-Mộc Châu. Các dự án đường cao tốc liên vùng như đường vành đai 4-Hà Nội; đường vành đai 3-TP Hồ Chí Minh, đường kết nối ven sông tỉnh Quảng Ninh, đường ven biển tỉnh Quảng Trị. Các dự án sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Đồng Hới; các dự án mở rộng một số thủy điện: Hòa Bình, Ialy, tích năng Bắc Ái... Các công trình do Binh đoàn 12 thi công không chỉ bảo đảm tiến độ, chất lượng, được chủ đầu tư tin tưởng, đánh giá cao mà Binh đoàn 12 còn hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách, bảo hiểm... Cùng với đó, Binh đoàn 12 được Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ thi công nhiều dự án quân sự, quốc phòng và các dự án có tính chất khẩn cấp, như: Tái thiết Khu dân cư Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên) và Khu dân cư thôn Nậm Tông (Nậm Lúc, Bắc Hà), tỉnh Lào Cai. Hiện Binh đoàn 12 đang tập trung lực lượng triển khai thi công dự án cầu Phong Châu mới ở tỉnh Phú Thọ.

Có thể khẳng định, nhờ kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng, thực hiện lời dạy của Bác mà Bộ đội Trường Sơn đã có được bản sắc văn hóa riêng, hòa chung với văn hóa quân sự và văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trung thành, tận tụy, sáng tạo, vượt khó là cốt cách văn hóa của Bộ đội Trường Sơn. Chính bản sắc văn hóa đó là cơ sở đặc biệt quan trọng để Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt niềm tin vào Bộ đội Trường Sơn.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tại Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ do Binh đoàn 12 thực hiện. Ảnh: PHÚ SƠN

PV: Bản sắc văn hóa Bộ đội Trường Sơn trong thời kỳ phát triển mới mà đồng chí vừa nhắc tới đã được gìn giữ và bồi đắp ra sao?

Đại tá Nguyễn Thế Lực: Với truyền thống khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn, chúng tôi luôn coi mỗi công trình là “mặt trận”, coi tiến độ, chất lượng là “mệnh lệnh” và vẫn duy trì phương châm “ở đâu khó, có Bộ đội Trường Sơn”. Chúng tôi xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, kỷ luật dân chủ, nghiêm minh. Dù ở công trường xây dựng hay trong doanh trại, nếp sống quân ngũ vẫn được duy trì. Đặc biệt, chúng tôi luôn phát huy sự gần gũi nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Vì thế, bất cứ nơi nào chúng tôi đến cũng được nhân dân yêu mến, được chính quyền, đoàn thể địa phương thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ và chở che.

Nhiều đơn vị của Binh đoàn 12 vẫn duy trì lễ ra quân, lễ kết nạp Đảng tại công trường, nói chuyện truyền thống... để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử-văn hóa-bản lĩnh bộ đội công trình. Bộ đội Trường Sơn hôm nay còn thể hiện bản sắc văn hóa ở tinh thần học hỏi, cập nhật công nghệ mới. Nhiều kỹ sư trẻ không chỉ giỏi nghề mà còn sáng tạo trong cách làm, cải tiến kỹ thuật, tối ưu vận hành máy móc mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Đó chính là giá trị văn hóa đặc trưng, đặc sắc mà Bộ đội Trường Sơn chúng tôi có được trong miệt mài phấn đấu và kiên trì thực hiện lời Bác Hồ dạy.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN MẠNH - HÀ THANH (thực hiện)