Từ “Đường lên Điện Biên”

Phóng viên (PV): Đã ra mắt 10 năm, bộ phim truyền hình “Đường lên Điện Biên” do anh làm đạo diễn vẫn được đánh giá là một trong những bộ phim hay về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cảm xúc của anh khi làm bộ phim này như thế nào?

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng: Rất khó để kể hay nói hết... Nhưng tôi có nhiều người thân, họ hàng hy sinh ở Điện Biên Phủ hồi 1954. Mỗi lần đến nghĩa trang liệt sĩ thăm mộ anh trai, tôi đều ghé thắp nhang tưởng niệm họ. Thế hệ chúng ta được hưởng quá nhiều lợi ích, sự ấm no, hạnh phúc từ nền độc lập mà thực sự chưa làm được nhiều để tưởng nhớ, vinh danh thế hệ cha anh. “Đường lên Điện Biên” cũng chỉ là một bộ phim nhỏ, khiêm tốn, tái hiện một khúc rất ngắn trong biên niên sử chiến tranh bi tráng, hào hùng mà cha ông ta đã làm kể từ ngày lập quốc.

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim "Đường lên Điện Biên". 

PV: Sau 10 năm nhìn lại, cảm nghĩ của anh về ý nghĩa cũng như nội dung mà bộ phim truyền tải tới người xem hôm nay ra sao?

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng: Giống như những bộ phim lịch sử và chiến tranh khác, tôi thường suy nghĩ rất kỹ trước khi làm kịch bản đạo diễn. Dù là phim truyền hình nhưng tôi không có thói quen bê nguyên kịch bản vào phim mà thường mổ xẻ, phân tích kỹ từ ý tưởng toàn cục, ý tứ mỗi tập phim, mỗi trường đoạn phim... Trên cơ sở đó sắp xếp và phát triển tình huống, chạy đường dây từng nhân vật, cài cắm chi tiết, tạo những mâu thuẫn và xung đột để tối ưu tài nguyên của tác giả kịch bản, thể hiện cho sâu sắc, hết ý hết tứ.

Nhưng cho đến giờ, tôi vẫn thấy tiếc vì phim “Đường lên Điện Biên” làm chưa đã. Khách quan thì đây là một phim kinh phí thấp, thời gian sản xuất gấp gáp khiến chúng tôi mới chỉ làm được có vậy. Tuy nhiên, bất kể lý do gì, phim hay hay dở là do đạo diễn. Bản thân tôi thấy cố gắng như vậy vẫn là chưa đủ... Tôi rất trân trọng cảm ơn khán giả đã yêu quý và dành tình cảm cho phim cũng như các nhân vật trong bộ phim.

Hiểu biết về chiến tranh thôi là không đủ

PV: Từ những bộ phim đầu tiên như “Đường thư” cho đến nay, anh đã đạo diễn nhiều phim điện ảnh và truyền hình về đề tài chiến tranh, lịch sử. Trong khi đa số người làm phim đánh giá đây là đề tài khó đủ điều và ngại chạm vào, nhưng anh thì ngược lại?

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng: Thực ra, tôi có nhiều lợi thế về gia đình vì mọi người đều công tác trong Quân đội. Cha mẹ tôi từng trực tiếp cầm súng và kinh qua nhiều cuộc chiến tranh. Các anh, chị và bạn bè tôi cũng làm việc trong Quân đội nên đã hỗ trợ tôi rất nhiều khi tìm kiếm tư liệu lịch sử. Tôi rất biết ơn về những điều đó. Bản thân tôi, tuy không giống như các thành viên trong gia đình-đều là quân nhân nhưng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử, chiến tranh. Từ trang thiết bị, vũ khí, khí tài, hành quân, quân lương, vận lương... cho đến chiến thuật, chiến lược, mục tiêu của từng cuộc hành quân, từng trận đánh... Tuy nhiên, có chút hiểu biết về chiến tranh không bao giờ là đủ nếu muốn tái hiện không khí thời chiến, tâm thế của từng người dân, người lính, tướng lĩnh, chính trị gia cả hai phía. Phải có thêm một thứ cực kỳ quan trọng, đó là lòng yêu nước, nhân tâm. Phim cũng như văn, là người. Xem phim biết người. Đạo diễn như thế nào thì phim như thế đó. Tôi cũng có nhiều khuyết điểm và tật xấu lắm. Nhưng tôi luôn ráng sửa mình mỗi ngày để tốt hơn và phim tôi tốt hơn. Trên tất cả, tôi là người yêu đất nước, yêu dân tộc. Lịch sử của gia đình tôi gắn liền với một phần lịch sử của đất nước. Có máu xương của cha anh tôi. Tôi yêu Tổ quốc tôi. Và tôi làm phim bằng tâm thế như vậy.

leftcenterrightdel
Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Tuấn Dũng. 

PV: Theo anh, cái khó nhất của đề tài chiến tranh, lịch sử đối với người làm phim hiện nay là gì?

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng: Đó là kinh phí đầu tư. Bây giờ có tiền đầu tư cho đề tài lịch sử, chiến tranh là điều khó nhất. Sau nữa là kịch bản. Có một kịch bản đủ tầm, một nhà đầu tư và sản xuất có tâm thì chẳng có khó khăn gì mà không làm được những phim lịch sử, chiến tranh tốt. Tuy nhiên, phim về đề tài này nên có một ê kíp thẩm định và kiểm duyệt đủ hiểu biết để tránh đưa ra những bộ phim sai, lỗi, xuyên tạc hoặc thậm chí tô hồng, nịnh bợ lịch sử quá tới mức bịa đặt. Với lịch sử và chiến tranh, tâm thế người làm phim, tầm của người duyệt phim quan trọng lắm!

PV: Vậy để có những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh chất lượng và lan tỏa rộng rãi tới công chúng thì cần những giải pháp gì?

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng: Tôi nghĩ nên có hệ thống thẩm định thị trường và hệ thống phát hành tốt trước khi làm phim. Bất kể đề tài gì, nhất là lịch sử, chiến tranh thì cần phải cân đo thị hiếu khán giả. Chúng ta đừng nên kỳ vọng quá vào những khán giả thường xuyên mua vé xem phim rạp hiện nay (thường từ 16 đến 35 tuổi); mà phải hướng tới cách thức phát hành đa dạng và rộng rãi hơn, thời gian phát hành lâu hơn. Sau cùng thì nhóm sản xuất phim là nhóm nào, dàn tuyển chọn diễn viên ra sao cũng là một yếu tố quyết định đến chất lượng và độ hấp dẫn của phim. Có vậy, bộ phim mới không phụ thuộc vào sự may rủi và có sự lan tỏa tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn anh về những chia sẻ trên!

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Hà Thanh Vân. 

Tiến sĩ HÀ THANH VÂN: Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người

Ở nước ta, phần lớn phim về lịch sử cũng như chiến tranh cách mạng do Nhà nước đặt hàng, bỏ vốn đầu tư và hoàn toàn không có kinh phí cho quảng cáo, truyền thông. Ngược lại, phim do tư nhân làm, kinh phí dành cho quảng bá phim chiếm một phần đáng kể trong vốn đầu tư. Trong khi chờ đợi thay đổi cơ chế, để có những giải pháp toàn diện hơn thì việc khuyến khích tư nhân làm phim lịch sử với những điều kiện ưu đãi là cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể bắt tay với các hãng phim tư nhân để làm phim lịch sử với một tầm vóc mới, từ quy mô đến bối cảnh, từ nhân lực đến vật lực, từ kỹ xảo đến tư duy làm phim...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Làm phim lịch sử cần những con người giỏi và có tư duy tốt. Không chỉ là tư duy chính trị, lịch sử đúng đắn mà còn phải nhanh nhạy với cuộc sống hôm nay để thổi hồn vào những bộ phim lịch sử sức sống mới, tránh sa vào lối mòn. Đồng thời, các cơ quan hữu quan nên chăng đặt ra các cuộc thi viết kịch bản về phim lịch sử; các giải thưởng điện ảnh, báo chí của Nhà nước, của Hội Điện ảnh Việt Nam hay các đơn vị nên có một giải đặc biệt để trao cho phim về đề tài lịch sử... Có như vậy mới tạo điều kiện, tiền đề cho những bộ phim lịch sử chất lượng ra đời.

Và hiện tại, trong khi kinh phí làm phim còn hạn hẹp, khi mà trường quay, nhân lực, vật lực chưa bảo đảm, việc làm phim lịch sử với quy mô lớn, có những đại cảnh hoành tráng, chi phí tốn kém... thì chúng ta nên chọn một hướng khai thác dễ hơn, đó là đi vào những lát cắt của lịch sử, thông qua số phận của một số con người để nói về thời đại. Khi ấy, bộ phim có thể tập trung vào bối cảnh hẹp, tận dụng ưu thế diễn xuất của diễn viên để “đánh động” công chúng.

DƯƠNG THU (thực hiện)