Phóng viên (PV): Xin chúc mừng ông mới đây được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu NSND. Danh hiệu này có khiến ông cảm thấy mình khác trước?

Đại tá, NSND Dương Minh Đức: Tôi thật xúc động khi vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu NSND. Thú thực, nếu tôi nhận danh hiệu này khi còn trẻ thì sẽ áp lực, nhưng những nghệ sĩ như tôi bây giờ sẽ khác. Bởi đã có nền tảng làm nghề nhiều năm, kể cả lúc tôi chưa là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), NSND cũng đã luôn tâm niệm sống, làm nghề nghiêm túc, chuẩn mực, giờ có thêm danh hiệu thật đáng quý dù không hẳn tôi sẽ được thuận lợi gì hơn. Cũng có thể học trò sẽ thích được thầy là NSND dạy hơn, nhưng quan trọng là tôi cảm thấy mình phải trách nhiệm hơn. Trách nhiệm của nghệ sĩ, của người thầy phải là tấm gương sáng hơn nữa về mọi mặt. Và tôi thật sự vui mừng khi bao năm giảng dạy, tôi đã có rất nhiều học trò yêu nghề, cống hiến say mê, trở thành NSƯT, NSND, trong đó nhiều em được phong tặng danh hiệu NSND trước tôi.

leftcenterrightdel

Đại tá, NSND Dương Minh Đức. 

PV: Cơ duyên gì để ông dù đã tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự được giữ lại trường, nhưng vẫn quyết thi vào trường âm nhạc và theo nghiệp ca hát?

Đại tá, NSND Dương Minh Đức: Có thể nói đó là nghề chọn người. Tôi được khen có năng khiếu, hát hay từ nhỏ, lúc học trường quân sự dù chưa học hành gì về âm nhạc nhưng đã tham gia Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân và đoạt Huy chương Vàng. Khi nhỏ, bố tôi không cho theo ca hát. Bố tôi là Đại tá, đạo diễn, NSƯT Dương Minh Đẩu. Ông trưởng thành trong quân ngũ, từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi là thế hệ thành lập và giữ chức Giám đốc đầu tiên của Xưởng phim Quân đội (nay là Điện ảnh Quân đội nhân dân), nhưng lại không ủng hộ tôi theo nghệ thuật từ đầu. Khi còn nhỏ, tôi học trường thiếu sinh quân, tốt nghiệp phổ thông, ông cho tôi nhập ngũ, vào đơn vị hải quân rèn luyện một thời gian trước khi thi vào Khoa Chế tạo máy (ngành xe quân sự), Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự-PV).

Sau này ông mới giải thích với tôi rằng, không phải ông không ủng hộ tôi theo con đường nghệ thuật mà vì lúc nhỏ tôi chưa hiểu hết. Ông là người làm nghệ thuật nên hiểu được những điều người nghệ sĩ cần phải có. Vì thế ông muốn tôi phải học hết đại học, có nền tảng kiến thức, văn hóa nhất định rồi mới học làm người nghệ sĩ. Lúc trẻ đang “máu” hát nên tôi thấy ông rất cứng nhắc, nhưng học xong và đi làm, đi diễn, giảng dạy, càng ngày tôi càng thấy định hướng của bố đúng đắn. Khi học hành cơ bản, có kiến thức nền tảng, tư duy sẽ giúp chúng ta hoàn thiện hơn ở các lĩnh vực khác để trở thành một người nghệ sĩ chứ không phải chỉ là thợ hát, thợ đàn.

PV: Năng khiếu là một phần, nhưng để theo nghệ thuật chuyên nghiệp lại là việc khác, trong khi nghe nói lúc thi vào nhạc viện ông còn chưa biết xướng âm, cũng chưa từng chạm đến cây đàn piano?

Đại tá, NSND Dương Minh Đức: Lúc thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam-PV) tôi như người “điếc không sợ súng”. Tôi được người quen vì tiếc giọng hát hay của tôi nên dắt vào trường thi. Thi như nào tôi cũng không được chuẩn bị. Người đệm đàn hỏi tôi hát tông gì, tôi còn không biết. Thế mà tôi thi đỗ thẳng vào hệ đại học, tiền lệ xưa nay chưa từng có nên được học dự bị một năm để hoàn thiện các môn cơ sở. Thầy Hiệu trưởng Tạ Phước nhìn tôi, cậu thiếu úy trẻ măng, rồi bảo cậu này tuy chưa học hành gì nhưng hát được, nhìn nhanh nhẹn, sẽ học được. Và tôi cũng đã say sưa, nỗ lực học tập, thuận lợi 5 năm ra trường với tấm bằng đỏ.

Từ yêu thích, năng khiếu đến khi thi vào trường nhạc và xác lập con đường nghệ thuật chuyên nghiệp đến giờ, với tôi đó là quá trình phải liên tục tự học, rèn luyện bản thân về mọi mặt, nhất là khi tôi lại gắn bó với nghề giáo, đồng hành, hướng dẫn các học trò trên chặng đường đầu tiên nhưng rất quan trọng của con đường trở thành người nghệ sĩ.

leftcenterrightdel

Ở tuổi 75, Đại tá, NSND Dương Minh Đức vẫn miệt mài với công tác giảng dạy. Ảnh: THU HÒA

PV: Ở tuổi 75, điều gì khiến ông vẫn bận rộn và nhiệt huyết với công việc giảng dạy?

Đại tá, NSND Dương Minh Đức: Tính ra đến nay tôi đã gắn bó với nghề giáo được 44 năm. Tôi yêu nghề dạy học, ngay cả khi làm Phó hiệu trưởng vẫn dạy học. Hiện tại tôi đang dạy 3 lớp của hai trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội với 6 buổi dạy mỗi tuần. Cũng không ít học trò muốn học nhưng tôi không có đủ thời gian để nhận. Là nghệ sĩ, quay lại giảng dạy, tôi muốn bằng kinh nghiệm, kiến thức của mình chỉ cho các em học tập, rèn luyện nghiêm túc, bài bản, thấy cái được, cái chưa được để phát triển. Xã hội bây giờ cho các bạn trẻ nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy cám dỗ, thách thức khiến các em dễ bị phân tán, chệch hướng. Làm thế nào để các em vừa được hát, rèn luyện thực tiễn, có thêm thu nhập nhưng không lơ là học tập, vẫn trau dồi cho mình được nền tảng vững chắc để theo nghề? Bên cạnh đó, giới trẻ trong thời toàn cầu hóa được tiếp cận nhiều xu hướng âm nhạc mới và cách dạy ra làm sao cũng là vấn đề của người thầy như tôi.

Ví như phần luyện thanh bây giờ khác kiểu ngày xưa nhưng cũng không thể bỏ cách cổ điển vì đó là cái gốc. Nếu không học kỹ phần cổ điển thì giọng sao mở, quãng sao rộng, âm lượng sao ra được. Nhưng học trò bây giờ lại không nghĩ như vậy, trước mắt hát hay thì đi hát kiếm tiền đã, cứ luyến láy theo kiểu riêng rồi khi lên lớp thầy cô dạy lại rất khó... Dù chưa nhiều nhưng đã không ít trường hợp như thế. Nếu các em không muốn, không thích thì dù bắt học cũng khó hiệu quả, vì thế muốn kéo người học đi đúng hướng thì phải làm cho các em hiểu, yêu nghề, say nghề rồi tự theo học, ham học. Và dạy các em kỹ thuật rồi, còn phải dạy văn hóa nữa. Thực tế hiện nay không ít thầy cô đang thiếu điều đó nên đôi khi cách phát biểu, văn hóa ứng xử, văn hóa trong ca hát của ca sĩ cũng thiếu. Tôi hay nói với học trò là, xã hội cần người ca sĩ có văn hóa, chứ không cần người mua vui, thợ hát. Bản thân các em đã hát hay rồi, còn điều thầy dạy các em là để thành người nghệ sĩ.

PV: Là nghệ sĩ, cũng là nhà giáo ở lĩnh vực đào tạo đặc biệt, đâu là điều ông tâm niệm và hướng tới trong những năm qua?

Đại tá, NSND Dương Minh Đức: Như tôi đã chia sẻ, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm là tấm gương sáng hơn. Dạy học trò trở thành nghệ sĩ thì người thầy cũng phải là tấm gương để học trò nhìn vào, đó là dạy tốt, ứng xử tốt, có đồng nghiệp tốt, lao động, cống hiến hết mình. Thầy không có nghĩa là cái gì cũng biết, cũng giỏi hơn trò, nên thầy cũng phải không ngừng học, học cả từ học trò, nếu không thì thầy sẽ tụt hậu ngay. Bây giờ âm nhạc phong phú, cập nhật liên tục các xu hướng, có những thể loại nhạc, phong cách mới tôi cũng không được học nhưng phải tự tìm hiểu, nghiên cứu để biết vì sao giới trẻ lại thích, để hướng dẫn học trò...

Rồi tôi cũng đâu được học giọng nữ, nhưng vẫn dạy cả học trò nam và nữ, mỗi giọng lại một kiểu khác nhau nên bản thân người thầy giống như bác sĩ vậy, phải biết mỗi học trò cần một toa thuốc khác nhau-là bài dạy, phương pháp dạy khác nhau, cần một giáo trình khác nhau mà thầy luôn phải tìm tòi để đưa ra được cách hiệu quả nhất. Chẳng hạn trong nghề có khi nghe nói đến có những trường hợp rất “xương”, tức là bản thân em ấy hát rất hay nhưng đến một ngưỡng nào đó chững lại, nếu vượt qua ngưỡng quan trọng ấy thì sẽ tiến bộ vượt trội, nhưng không phải thầy cô nào cũng giúp các em bứt phá được. Tôi đã nhiều lần đau đầu, quần quật cùng học trò vượt qua những thách thức như thế. Với tôi, làm thầy luôn có cả vinh quang và mồ hôi, nước mắt. Nhưng đã dạy là phải dạy đến nơi, đến chốn tới khi học trò tốt nghiệp một cách vẻ vang, đấy cũng là trách nhiệm và vinh quang của người thầy như tôi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)