Dấu ấn đáng mừng
Phóng viên (PV): Thưa ông, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 đã được công bố. Ông đánh giá thế nào về giải thưởng năm nay?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi và cả Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam rất vui mừng về giải thưởng năm nay khi đạt tính đồng thuận cao từ đề cử, bỏ phiếu giữa các hội đồng chuyên môn và hội đồng chung khảo, với dư luận bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình. Những tác phẩm được trao giải đều ấn tượng, chất lượng, đặc biệt là hạng mục văn xuôi đã trao giải cho 3 cuốn tiểu thuyết.
|
|
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: THU HÒA
|
Giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam có các hạng mục: Văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch, văn học thiếu nhi và nhiệm kỳ này có thêm giải tác giả trẻ, nhưng không phải năm nào các hạng mục cũng đều tìm được chủ nhân (năm nay thiếu ở hạng mục văn học dịch). Giải tác giả trẻ năm nay cũng chỉ có một tác phẩm được trao nhưng ở đó, nghệ thuật, kỹ thuật viết và vấn đề tác giả đặt ra chính là điều chúng tôi luôn đợi chờ ở các tác giả trẻ. Nghĩa là tâm thế và tư thế của nhà văn phải nhìn sâu vào đời sống này, gọi tên nó và dự báo những vấn đề của đời sống con người có thể diễn ra trong tương lai. Ở đó, chủ nghĩa nhân văn, những lẽ sống chân chính của con người vẫn là vấn đề được bám sát tận cùng.
Ngoài ra, lần đầu tiên hội tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi kéo dài trong hai năm và đã chọn được nhiều tác phẩm để trao giải, trong đó có nhiều tác giả mới với cách nhìn mới, tư duy mới, gieo vào tâm hồn trẻ em những điều tốt đẹp và phù hợp với thị hiếu bạn đọc của thời đại này.
PV: Với những tín hiệu ấn tượng của văn học hiện tại, ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của văn học với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn học dù là tác phẩm có chất lượng hay chưa chất lượng thì hầu hết đều chạm đến những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, nhất là vấn đề thiết lập, xây dựng nhân cách, tư cách của con người, bảo tồn những giá trị của văn hóa truyền thống và mở ra những kết nối với thế giới. Chẳng hạn, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn được các nhà văn thế hệ chống Mỹ cho đến thế hệ trẻ khai thác, giúp chúng ta thấu hiểu hơn về chủ nghĩa anh hùng, khát vọng hòa bình, những phận người trong và sau chiến tranh; các tác phẩm đồng hành với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng; hay những vấn đề nóng bỏng của đô thị trong cuốn tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà (giải thưởng văn xuôi), như tấm gương phản chiếu của chính xã hội đương đại khiến chúng ta phải suy ngẫm...
Đông đảo lực lượng trẻ
PV: Xuất hiện nổi bật trong các giải thưởng, đội ngũ viết trẻ hiện nay đang đi vào nhiều thể loại, đề tài. Đây có thể được coi là tín hiệu đáng mừng, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Qua cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi vừa qua, chúng tôi thấy rất nhiều tác giả trẻ và họ mang đến những vẻ đẹp thật sự xúc động; họ đặt ra những vấn đề sâu sắc về lịch sử, gia đình, truyền thống... Hay như văn học lịch sử gần đây cũng rất phát triển trong đội ngũ tác giả trẻ. Hầu hết tác phẩm của họ đều mang cái nhìn mới về lịch sử, gợi mở nhiều điều cho tương lai, với cái nhìn giản dị, sống động. Chúng tôi cũng đã trao giải thưởng cho nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử của tác giả trẻ, đó là điều đáng mừng.
Tất nhiên, người trẻ có nhiều lợi thế về học tập, điều kiện sống và sáng tạo, nhưng điều quan trọng là họ phải xác lập được mục đích viết. Có năm, chúng tôi nhận được tác phẩm của tác giả rất trẻ, về mặt kỹ thuật, nghề khá chắc nhưng đọc hết cuốn không mang cho người ta ánh sáng của hy vọng, của lương tâm con người, sự tử tế, mà càng đọc càng chìm vào hoang mang, tuyệt vọng. Họ sẽ cần phải có nhiều trải nghiệm để nhận ra những điều ý nghĩa trong cuộc sống, đưa ra được những thông điệp, lẽ sống và chỉ khi đó, tác phẩm mới tạo ra giá trị lớn lao với đời sống, con người.
PV: Ông từng chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần sau lần trao Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 rằng hội sẽ không bước đến trao giải cho nhà văn rồi bỏ đi mà sẽ tìm cách hỗ trợ, tạo cơ hội cho họ... Vậy Hội Nhà văn Việt Nam đã hỗ trợ các tác giả trẻ như thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Năm 2022, khi phát hiện tác giả trẻ triển vọng Vĩ Hạ, chúng tôi đã hỗ trợ in sách, trao giải thưởng. Ban Chấp hành hội sẽ trợ giúp khi phát hiện tác giả có bản thảo hay, giới thiệu qua các kênh của hội, khích lệ họ tham gia Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2021, chúng tôi tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, cũng là một cách giúp người viết trẻ đến và cùng nhau xác lập trách nhiệm, sứ mệnh của mình. Vì thế, câu hỏi “vì sao chúng ta viết?” không đơn giản chỉ là một khẩu hiệu, chúng tôi muốn những người trẻ ngoài tài năng, hiểu biết thì phải có một tư thế, tâm thế, lương tri để viết. Nếu không mang trong mình khát vọng về những điều đẹp đẽ cho con người, đất nước thì anh không nên cầm bút. Có những sự hỗ trợ về vật chất như in sách, trao giải, truyền bá tác phẩm; có những trợ giúp về đào tạo; lại có những trợ giúp về tinh thần để họ mạnh mẽ, tự tin bước vào hội, xác lập con đường sáng tạo của mình...
Sự gắn kết giữa Ban Chấp hành hội với các chi hội rất chặt chẽ trong phát hiện, giới thiệu các tác giả, có những hình thức hỗ trợ cụ thể với các tác giả trẻ triển vọng. Chúng tôi cũng tổ chức hội nghị nhà văn, mở lớp tập huấn đào tạo viết văn, nhất là cho tác giả trẻ ở các địa phương.
|
|
Nhà văn trẻ Đức Anh (ngồi giữa) trong buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết "Nhân sinh kép - sống hai cuộc đời" (Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023). |
Thử thách là điều cần thiết
PV: Người trẻ thường gặp tình trạng thiếu sự ghi nhận, thiếu tiếng nói trước các nhà văn lớn tuổi, như một nhà văn trẻ từng nói rằng: “Khuyến khích sự mới mẻ nhưng đừng để tác giả cảm thấy mình đơn lẻ”. Ông nghĩ đó có phải là một khó khăn, trở ngại của tác giả trẻ?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vừa rồi, khi công bố giải thưởng hạng mục văn học thiếu nhi trao cho Lê Quang Trạng, một tác giả rất trẻ sinh ra, lớn lên và viết về vùng đất Nam Bộ, tôi đã thấy sự mừng rỡ, tự hào của các nhà văn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, các nhà văn trẻ để được thừa nhận, trước hết, họ phải tự bước đi, tự trình bày tác phẩm của mình. Không gì khác, họ sẽ phải sáng tạo một cách bền bỉ, hết mình, dấn thân thì mới có thể nhận được sự tôn trọng của cộng đồng. Và tôi nghĩ những thách thức ấy sẽ không làm nhụt chí các nhà văn, mặt khác, lại rèn luyện cho họ bản lĩnh, sự khiêm nhường. Ở đâu cũng vậy, người trẻ thường phải mất thời gian đi qua những thử thách để khẳng định mình, nhất là trước những đồng nghiệp lớn tuổi, có thành tựu. Tôi vẫn nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ các nhà văn tên tuổi nói rằng nên đọc cuốn này, cuốn kia của tác giả rất trẻ. Và tôi nhận thấy trong đó một thái độ hân hoan, xúc động. Mỗi lần xuất hiện một tác giả trẻ triển vọng, chúng tôi đều thông báo cho nhau, truyền cho nhau đọc, cùng nói chuyện về tác giả ấy và đợi chờ.
PV: Tác giả thường gặp phải những áp lực lớn sau mỗi giải thưởng. Với các tác giả trẻ, ông có lời khuyên gì?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Ở đâu trên thế giới cũng vậy, với ai cũng vậy, kể cả các nhà văn lớn tuổi, sau một tác phẩm được tôn vinh, thừa nhận sẽ gặp những áp lực. Ai cũng muốn vượt lên những tác phẩm trước đó, nhưng để hay hơn hoặc hay như tác phẩm trước đó là điều rất khó. Thách thức lúc nào cũng có, từ chính bản thân, từ đồng nghiệp, bạn đọc... nhưng ngay cả các nhà văn tên tuổi thời nào cũng đều phải “ném” mình trong đời sống đầy thách thức. Nếu đi qua được, anh sẽ trưởng thành mạnh mẽ, còn nếu không đủ bản lĩnh, đam mê sẽ gục ngã.
Tôi đã có lần nói với các nhà văn rằng, nếu trong 5 năm anh chỉ uống bia, chém gió thì khi quay lại sẽ chỉ thấy bia và những lời vô bổ; nhưng nếu anh đọc, sống, suy ngẫm, viết và nghiêm túc với mình thì khi quay lại, anh sẽ thấy những kiến thức, những quả đồi của sự sáng tạo. Vì thế, hãy yêu đời sống này đến tận cùng và hãy sáng tạo không mệt mỏi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)