Phóng viên (PV): Hơn nửa thế kỷ trôi qua từ ngày ông cùng hàng nghìn sinh viên cả nước xếp bút nghiên lên đường ra trận. Ký ức trong ông về những ngày tháng ấy như thế nào?

Nhà văn Phùng Huy Thịnh: Trong lịch sử các cuộc chiến tranh của dân tộc ta, đã có nhiều lớp văn sĩ trí thức lên đường ra trận nhưng chưa bao giờ đông đảo, toàn diện như những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn căng thẳng, khốc liệt, với tinh thần "Ba sẵn sàng" và thực hiện lệnh tổng động viên, thanh niên, sinh viên các địa phương đã đồng loạt lên đường nhập ngũ. Từ năm 1970-1972 đã có gần một vạn sinh viên, giáo viên các trường đại học, cao đẳng lên đường ra trận, trong đó đông nhất là năm 1971, với khoảng 4.000 người của 33 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Tôi khi ấy đang là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Phan Hướng, bạn tôi người Quảng Trị còn viết đơn bằng máu xin nhập ngũ để bảo vệ quê hương.

Ngày 6-9 năm đó, tiếng trống trường vang lên nhưng không phải tiếng trống khai trường như mọi năm mà đó trở thành tiếng trống lệnh ra quân của hàng nghìn sinh viên, giáo viên lên đường nhập ngũ. Trên sân trường, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng nhà trường, mái tóc bạc phơ đứng trên đài cao làm lễ xuất quân. Khi tất cả đang chăm chú nghe thầy đọc diễn văn thì một cơn gió mạnh nổi lên, bất ngờ làm gãy cán cờ, lá cờ đỏ đang tung bay đổ xuống. Với vẻ điềm tĩnh, thầy nhanh tay đón lấy lá cờ, bước xuống hàng quân trao cho một sinh viên-chiến sĩ, như một biểu tượng gửi gắm niềm tin của nhà trường, nhân dân, đất nước cho chúng tôi. Hành động của thầy khiến chúng tôi từ nỗi lo lắng, hồi hộp, bỗng thấy trào dâng trong lòng tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

PV: Sinh viên nhập ngũ đã mang tri thức của mình phục vụ kháng chiến ra sao, thưa ông?

Nhà văn Phùng Huy Thịnh: Chúng tôi tự hào nói với nhau rằng, lớp sinh viên nhập ngũ những năm ấy đã góp phần nâng bổng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh lên một tầm cao mới. Chúng tôi được phân về các quân, binh chủng và sử dụng hiệu quả tri thức của mình để nâng cao chất lượng ở các lĩnh vực huấn luyện, chiến đấu, trong đời sống văn hóa tinh thần. Ví như, tôi học tổng hợp Văn nhưng có thể sử dụng thành thạo bảng logarit thập phân. Bạn tôi có cậu Minh học tổng hợp Toán thuộc 1/3 bảng logarit nên vào đơn vị pháo binh tính toán phần tử bắn nhanh như chớp, ứng dụng khôn ngoan, sau đó rất nhanh đã làm trợ lý tham mưu tiểu đoàn chỉ huy bắn. Và nhất là lính sinh viên thì tinh thần trách nhiệm, tự trọng cao nên nhiệm vụ gì được giao cũng hết sức hoàn thành.

Tôi làm trinh sát, hăng hái trèo lên cái cây đã bị đạn pháo bắn cụt ngọn, để quan sát chỉnh độ lệch pháo cối. Tinh thần lạc quan là điều mà những người lính sinh viên luôn giữ được, vào chiến đấu họ cũng không hề sợ hãi, chùn bước, tất cả vì hậu phương thân yêu, vì Tổ quốc và nhân dân. Nhớ cuối năm 1972, bỗng ngày 18-12, thấy địch im ắng lạ thường, đến tối nghe radio mới biết địch đánh Hà Nội, Hải Phòng. Hà Nội làm sao chịu được chúng rải B-52! Hôm sau tất cả đám lính Hà Nội đều viết đơn lên mặt trận xin đánh trong này thật căng để kéo Mỹ vào...

PV: Lính sinh viên thường được cho là hào hoa, lãng mạn, điều đó đã được thể hiện và có tác động thế nào tới con người trong chiến tranh, thưa ông?

Nhà văn Phùng Huy Thịnh: Lứa lính sinh viên chúng tôi ngày ấy ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa Nga Xô viết, trong đó có chủ nghĩa lãng mạn tích cực thời vệ quốc và đây là yếu tố khiến tình cảm chúng tôi trong gian khó, hy sinh vẫn được thăng hoa, biến thành sức mạnh và niềm tin chiến thắng. Hoàng Nhuận Cầm cùng đơn vị tôi, có tiếng nhát nhưng tếu táo và làm thơ rất hay. Cứ cuối tuần có báo động chiến đấu là tôi với cậu cùng nhà hay phải đi tìm Cầm về. Lúc tìm thấy kiểu gì cậu ta cũng đang ngồi bình thơ với em thôn nữ ở bờ mương. Ở đơn vị đám lính sinh viên cũng được tiếng hay lý sự, nghịch ngợm, trêu đùa nhau vui vẻ, lạc quan. Mỗi lần bom đạn đánh xuống không chết lại ngoi lên đàn hát: "Người chiến sĩ trên tiền tuyến xa xôi lòng phơi phới thêm yêu đời. Quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì Tổ quốc ta kiêu hùng, vì ánh lửa muôn đời sáng trong ta vì người yêu nơi quê nhà". Tổ quốc lúc ấy trong đám lính sinh viên chính là người thân yêu nơi quê nhà, là đồng đội xung quanh và mình cần bảo vệ họ.

leftcenterrightdel

Nhà văn Phùng Huy Thịnh. Ảnh: THU HÒA

Có những buổi, dưới hầm bò trong ca gác, tôi ngồi kể truyện "Ruồi trâu", đọc thuộc lòng những bức thư Giema và Ruồi trâu gửi cho nhau. Anh em ngồi nghe, thỉnh thoảng lại hô lên: Phải giữ chốt, phải chiến thắng trở về... Tinh thần lãng mạn tích cực đã khiến sự ủy mị không còn nữa mà là động lực, niềm tin mạnh mẽ vào chiến thắng cuối cùng. Điều này có tác dụng rất lớn trong những năm tháng chiến tranh.

Cuối năm 1973, tôi có bài thơ “Đêm sinh hoạt chi đoàn” đăng trên tờ Quyết thắng của Sư đoàn 325: Tối nay sinh hoạt chi đoàn/ Lòng hòa theo những phím đàn vút cao/ Tiếng ca bát ngát trời sao/ Muốn làm một phím trong bao phím đàn. Trong tôi, giống bao đồng đội khác khi đó, khát khao là một nốt nhạc, góp vào bản giao hưởng bảo vệ Tổ quốc.

PV: Việc trở thành nhà báo, nhà thơ, nhà văn, tác giả sân khấu... của ông sau này có ảnh hưởng bởi những ngày tháng chiến đấu đầy gian khó hy sinh nhưng không kém hào hùng, lãng mạn ấy?

Nhà văn Phùng Huy Thịnh: Lớp sinh viên nhập ngũ năm xưa đã có rất nhiều người hy sinh; nhiều người trở về mang theo thương tật; nhiều người ở lại phục vụ trong Quân đội; còn nhiều người quay lại giảng đường trau dồi tri thức với mong muốn đóng góp cho công cuộc kiến thiết phát triển đất nước, trở thành những văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu.

Đám lính sinh viên chúng tôi thường là nòng cốt đội văn nghệ ở các đơn vị. Cuối năm 1973, gần đến Tết, tôi được chính ủy giao làm chương trình dự hội diễn văn nghệ toàn quân khu Bình-Trị-Thiên, với yêu cầu Sư đoàn 325 chốt giữ Thành cổ phải có tiết mục độc tấu đặc sắc. Tôi viết bài đấu tranh chính trị trên điệu dân ca quan họ, đưa vào các đối thoại cường điệu các vùng miền mà mình học mót được. Lên diễn câu nào, các thủ trưởng và anh em cười câu ấy. Chính ủy bảo, đấu tranh chính trị mà vừa vui, vừa sâu cay thế này đi hội diễn kiểu gì cũng nhất.

Tôi sau này trở thành cây đa năng: Nhà báo, dịch giả, tác giả chèo, kịch nói, dân ca, cải lương, thơ, lời nhạc... cũng nhờ bắt nguồn từ chính những trải nghiệm trong những năm tháng quân ngũ ấy.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh đàn, hát tại Đài chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: NAM THẮNG

PV: Trải qua và chứng kiến những đổi thay của đất nước đến giờ, ông có niềm tin vào thế hệ sinh viên hôm nay sẽ tiếp nối được hào khí sinh viên thế hệ ông?

Nhà văn Phùng Huy Thịnh: Cách đây vài năm, với tư cách Chủ tịch Hội Cựu chiến binh sinh viên-chiến sĩ, tôi cùng nhiều anh em đề nghị được lập đài tưởng niệm 107 liệt sĩ sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội) ở nơi làm lễ xuất quân năm xưa; đã vận động xã hội hóa xây đài tưởng niệm, tặng quà hơn 100 sinh viên hai trường là con thương binh, liệt sĩ. Chúng tôi vẫn thường về thắp hương cho các liệt sĩ, ôn lại truyền thống, trước sự chứng kiến của nhiều sinh viên.

Tôi từng có buổi nói chuyện truyền thống với sinh viên của 22 trường đại học, cao đẳng trên cả nước tại Thành cổ Quảng Trị và cảm nhận được rằng thế hệ sinh viên hôm nay hoàn toàn có thể làm tốt nhiệm vụ, tiếp nối được hào khí của các thế hệ cha anh. Có lần gặp nhóm học sinh cấp THPT từ Hà Nội ra ngoại thành nghỉ, các cháu ngồi chăm chú nghe tôi nói chuyện lịch sử... Tinh thần ở những người lính già vẫn có, vẫn là những tấm gương trong cuộc sống. Tôi tin, lớp học sinh, sinh viên hôm nay dù đâu đó còn lo ngại tâm lý hưởng thụ, thiếu ý chí, nhưng sẽ luôn sẵn sàng tiếp nối hào khí cha anh nếu được khơi gợi và truyền lửa. Và nếu đất nước, dân tộc cần ở bất cứ lĩnh vực nào, các bạn trẻ sẽ chẳng kém chúng tôi năm xưa, thậm chí còn giỏi hơn rất nhiều.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)