Phóng viên (PV): Anh từng chia sẻ rằng, những năm tháng quân ngũ, cùng đồng đội trên chiến trường chính là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời, vì sao vậy, thưa anh?

Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Thời gian không dài, chỉ khoảng 3 năm, nhưng chính những tháng ngày cùng đồng đội trên chiến trường bảo vệ Tổ quốc là thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi. Là bởi, thứ nhất, lứa chúng tôi nhập ngũ hầu hết chỉ vừa rời ghế nhà trường, tâm hồn, suy nghĩ hồn nhiên, trong trẻo, đó là những năm tháng của tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người mà ai cũng chỉ trải qua một lần; thứ hai, là tình cảm nồng ấm của người dân những vùng đất đơn vị đóng quân, mà những câu thơ hồi đi học trong bài “Bầm ơi” của Tố Hữu như: “Bao bà cụ từ tâm như mẹ/ Yêu quý con như đẻ con ra/ Cho con nào áo nào quà/ Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi”, chỉ sau đi bộ đội tôi mới hiểu, mới thấy rằng, có rất nhiều bà mẹ như thế và còn hơn thế, giống như mẹ đẻ mình ở nơi tiền tuyến; thứ ba, là chẳng ở đâu có được như môi trường Quân đội, giúp con người rèn luyện, trưởng thành nhanh chóng, với tình đồng đội thiêng liêng. Mỗi thằng một quê, một hoàn cảnh trở thành người một nhà cùng ăn, ở, cùng sống, chết. Nó rất đỗi bình dị, đời thường như: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá” ("Đồng chí"-Chính Hữu) nhưng góp phần tạo thành giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ riêng của Quân đội nhân dân Việt Nam mà không đâu có được. Chính điều đó tạo nên sức mạnh lớn nhất, khó bị đánh bại nhất.

Càng đi qua thời gian, trải nghiệm nhiều, lại càng thấy đó là quãng thời gian đẹp đẽ, ý nghĩa vô cùng.

PV: Nhưng, có phải dường như nói đến bộ đội là chúng ta nghĩ đến hy sinh, gian khổ, thưa anh?

Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Chúng tôi khi ấy ai cũng vậy, như một lẽ tự nhiên, không nghĩ nhiều đến gian khó, hy sinh. Tôi từng làm công tác hậu cần, trực tiếp chăm sóc đồng đội bị thương, chôn cất đồng đội hy sinh. Mỗi lần an táng đồng đội, tôi chỉ nghĩ rằng, những đồng đội đã hy sinh chẳng thể trở về với mẹ, với gia đình nữa, còn mình vẫn có cơ hội ấy. Đó là một thứ cảm xúc rất khó diễn tả thành lời, là cảm giác nghĩ đến thấy đau thắt lòng, nhất là sau này, khi mình đã may mắn trở về, còn bao đồng đội vẫn nằm lại nơi nào đó. Tới bây giờ, có những đêm, hình ảnh ấy vẫn hiện về, ám ảnh trong giấc mơ của tôi.

Có lần, khi chôn cất đồng đội hy sinh, không có thông tin gì còn lại ngoài bức thư viết dở, chỉ còn rõ 3 chữ “Mẹ kính yêu!” nhòe màu mực lẫn màu máu... Đó cũng chính là thực tế làm tôi bật trào cảm xúc thành ca từ để viết bài hát đầu tiên về những người chiến sĩ, về đồng đội mình có tên “Thư về với mẹ”. Hoàn cảnh ấy, bài hát đó đã thay đổi số phận, cuộc đời tôi hoàn toàn, để rồi sau này dù học nhiều ngành, làm nhiều công việc nhưng tôi vẫn quay về với âm nhạc.

PV: Có nhà thơ từng nói đại ý rằng, chỉ khi trực tiếp hòa mình vào cuộc sống, thực tế chiến tranh, người nghệ sĩ mới có được tác phẩm hay. Điều đó phải chăng rất đúng với anh?

Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Tôi rất đồng tình với nhận định đó. Thực tế là, mặc dù tôi nhập ngũ, vốn được học violon và biết sáng tác, nhưng khi công tác ở đội tuyên văn lại chỉ viết được nhạc, không viết được ca khúc. Có thời điểm chỉ huy giao nhiệm vụ mà nửa tháng tôi không viết được ca từ nào, dù với tôi, phát triển giai điệu không khó. Sau đó, đội tuyên văn giải tán phục vụ chiến đấu, tôi ra mặt trận làm công tác hậu cần, vận chuyển thương binh, tử sĩ thì lại sáng tác được, rất tự nhiên. Thực tiễn trải nghiệm, thực tiễn bằng xương máu đã cộng hưởng với yếu tố chuyên môn và cảm xúc dồn nén bấy lâu không bật ra được, để tôi vượt qua được ngưỡng làm thay đổi định hướng sáng tác của mình.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh, nhạc sĩ Trương Quý Hải hát về đồng đội trước bia mộ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Những sáng tác sau này của tôi phần lớn đều lấy cảm hứng từ thực tiễn. Ví như tôi viết “Bóng chiều Tây Nam” cũng là câu chuyện của một đồng đội từng tham gia Quân tình nguyện ở chiến trường Campuchia. Anh nói tôi hãy viết bài hát về Mặt trận Tây Nam, rằng, anh em các mặt trận đều gian khổ, hy sinh, nhiều anh em chưa tìm được hài cốt nhưng dù sao vẫn được nằm trên đất mẹ, còn với anh em Quân tình nguyện là đằng đẵng không thấy hậu phương, là nhiều trận đánh luồn sâu bị lạc đơn vị, lần mò trong đêm theo hướng núi Bà Đen về đơn vị, nhưng đặc biệt là nhiều anh em hy sinh không được nằm trên đất mẹ. Tôi sáng tác “Bóng chiều Tây Nam” khi nghĩ đến hình ảnh chiều bóng mặt trời đổ xuống ngọn núi, từ hướng Tây sang Đông, như bàn tay những người con với về hướng đất mẹ. Thân xác các anh đã hòa vào dòng Mê Công, đổ về Cửu Long bồi đắp cho phù sa đất mẹ...

PV: Đó là câu chuyện của người chiến sĩ hôm qua, còn hôm nay thì sao, thưa anh?

Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Tôi nghĩ mình thuộc thế hệ may mắn khi được chứng kiến, biết chuyện cha ông mình đánh Pháp, anh mình, chú mình đánh Mỹ. Bản thân từng chạy bom đạn, từng vừa kéo violon vừa đi cùng dàn nhạc thiếu nhi trong ngày đất nước thống nhất. Rồi lại trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, được chứng kiến và hưởng thành quả đổi mới và vị thế của Việt Nam hiện tại.

Bây giờ, tôi cũng lại được chứng kiến câu chuyện của thế hệ trẻ hôm nay. Đó có thể là cuộc chiến mới ở một mặt trận khác, với những chiến binh số của thời kỳ mới đầy lửa nhiệt huyết, tự tôn dân tộc không khác gì thế hệ chúng tôi. Tinh thần dân tộc ở mỗi thời kỳ có cách thể hiện, mục tiêu khác nhau, cha ông ta là khát vọng độc lập dân tộc, rồi thống nhất đất nước, thế hệ tôi là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Bây giờ là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng phương thức mới, bằng công cụ mới nhưng không kém phần dữ dội, với trí tuệ, ý chí và khát vọng nâng tầm vị thế Việt Nam như Bác Hồ hằng mong muốn.

Bộ đội thời bình, vẫn còn những hy sinh, mất mát xương máu. Trong thời đại cuộc sống yên bình, đủ đầy để hưởng thụ, nhưng nơi biên cương, hải đảo xa xôi, thiếu thốn, bộ đội vẫn bám đồn, bám đảo bảo vệ biên cương, bờ cõi, các đơn vị vẫn không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; ở các nhà trường, đơn vị, lực lượng học viên, sĩ quan trẻ tài năng đang nhiệt huyết cống hiến cho Quân đội, đất nước; thế hệ 2000 sinh ra trong thành quả của đổi mới vẫn náo nức lên đường nhập ngũ...

Đã có những lo ngại giới trẻ hôm nay khó lòng chịu được những hy sinh, gian khó, sẽ không muốn nhập ngũ... Nhưng thực tế đã chứng minh, tinh thần dân tộc luôn bất biến, sẽ chỉ tích tụ lớn dần thêm, chỉ là có được khơi gợi, có thể hiện ra bằng cách này hay cách khác.

PV: Anh có nghĩ những giá trị cao đẹp ấy đã được những nghệ sĩ như anh, qua các tác phẩm của mình góp phần bồi đắp cho những thế hệ sau?

Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Thế hệ hôm nay có nhiều lợi thế hơn, có tri thức, điều kiện sống, lựa chọn nhiều hơn. Nhưng trong thời đại công nghệ bùng nổ, việc cảm nhận tình cảm với quê hương, đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc trong mỗi người vẫn có rất nhiều con đường đi riêng. Tôi để ý thấy nhiều clip trên mạng xã hội về lịch sử, truyền thống Quân đội, các trận đánh lớn... không hề ít lượt xem hơn những MV ca nhạc của ngôi sao trẻ. Các bạn trẻ không hề thờ ơ với lịch sử, dân tộc, họ vẫn quan tâm theo cách riêng của họ.

Bài hát “Đàn sếu” của Nga có câu: “Đôi lúc tôi chợt nghĩ rằng, người lính/ Trong cuộc chiến tranh đẫm máu đã hy sinh/ Không vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất/ Mà hóa thành những đàn sếu trắng tinh”. Tôi suy nghĩ, bao thế hệ người Việt Nam chúng ta đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, chắc chắn họ sẽ trở về trong những mùa xuân. Mùa xuân là mùa đoàn tụ. Mỗi mùa xuân, đàn én bay trên bầu trời, tới những cánh đồng quê trơ gốc rạ liền sà xuống chao lượn như đám trẻ thơ nô đùa. Các anh hùng liệt sĩ rời quê hương ở tuổi trẻ và sẽ trở về như đàn én chao lượn trên cánh đồng quê hương mỗi mùa xuân sang. Tôi đã đưa thành ca từ trong bài hát “Đàn én”: “... Kìa những đôi cánh lướt nhanh về quê hương/ Bóng dáng những chiến binh mãi đôi mươi nơi sa trường/ Đội hình hòa bầy trẻ thơ thỏa thuê liệng chao quê mẹ/ Rợp trời én bay, xuân nay đàn con đã về”.

Tôi mong góp phần nhỏ kể lại câu chuyện của đồng đội, thế hệ mình bằng âm nhạc, có lẽ dễ tiếp cận hơn so với các hình thức khác, để giúp người nghe hình dung phần nào về lịch sử, về những giá trị của sự hy sinh, mất mát của dân tộc. Xương máu, sự hy sinh của các thế hệ không chỉ để bảo vệ non sông Tổ quốc mà còn góp phần làm nên quốc hồn, cốt cách dân tộc, là điểm tựa vững bền, thiêng liêng cho thế hệ mai sau.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

THU HÒA (thực hiện)