Phóng viên (PV): Thưa nhà văn, VHNT Thái Nguyên thời gian gần đây có nhiều tác phẩm ở nhiều loại hình về đề tài TNXP. Nhà văn có thể chia sẻ thêm về điều này?
Nhà văn Hồ Thủy Giang: Nói đến câu chuyện này, chúng ta phải nhắc lại sự kiện lịch sử 60 đội viên Đại đội TNXP 915, thuộc Đội TNXP 91 của tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) hy sinh anh dũng trong trận bom B-52 vào đêm Noel 24-12-1972 trong khi làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa tại khu vực ga Lưu Xá. Khoảng hơn 10 trở lại đây, sự kiện này cùng sự hy sinh anh dũng của các đội viên nhận được nhiều sự quan tâm tôn vinh, tri ân của Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, đây cũng đã trở thành một đề tài được nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh quan tâm. Đặc biệt, vào năm 2018, khi Tỉnh ủy Thái Nguyên phát động phong trào vinh danh Đại đội 915 Anh hùng thì dường như có sự nở rộ các tác phẩm VHNT viết về đề tài này. Không kể các tác phẩm báo chí, riêng về tác phẩm VHNT cũng đã có tới vài trăm bài ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, trường ca, kịch bản phim truyện, phim tài liệu, sân khấu... Rất nhiều sự kiện, những câu chuyện, những ký ức được khơi gợi lại; rất nhiều tấm gương lao động, chiến đấu, hy sinh của các đội viên Đại đội 915, Đội 91 đã được tái tạo, hiện diện trên báo chí, xuất bản phẩm, sân khấu, trên các kênh truyền hình...
    |
 |
Cảnh trong vở chèo "Lưu Xá một thời hoa lửa" về các thanh niên xung phong Đại đội 915. Ảnh: TUẤN CƯỜNG
|
Trong vài trăm tác phẩm kể trên, nhiều tác phẩm đã đi vào lòng công chúng, có một số tác phẩm đã được trao giải từ cấp địa phương đến Trung ương. Trong đó có thể kể đến, như: Tiểu thuyết "Nắng phía sau mặt trời" (Phan Thái), tiểu thuyết "Nhật ký cô văn thư" (Ngọc Thị Kẹo), trường ca "Ngọc trong núi" (Minh Hằng), "Đời này đã trọn chữ yêu" (Đoàn Hữu Nam), cùng nhiều truyện ngắn, bút ký, thơ đoạt giải trong các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác trong tỉnh. Từ năm 2018 đến năm 2023, song song với công việc xây dựng Nhà tưởng niệm TNXP, tỉnh Thái Nguyên đã xuất bản nhiều ấn phẩm về đề tài Đại đội 915 Anh hùng. Các ấn phẩm đã được phát hành rộng rãi đến các cơ quan, trường học, cựu TNXP và bạn đọc trong và ngoài tỉnh.
PV: Còn với riêng nhà văn thì sao?
Nhà văn Hồ Thủy Giang: Với cá nhân tôi, hòa trong không khí sôi nổi nói trên, cũng sáng tác được khá nhiều tác phẩm và được trao tặng giải thưởng VHNT, như: Tiểu thuyết "Những người mở đường”, kịch bản phim truyện điện ảnh "Những người ở lại". Những năm sau đó, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài về TNXP. Năm 2023, tôi xuất bản tiểu thuyết "Những bông hoa núi"; năm 2024 hoàn thành kịch bản kịch nói "Người trở về" viết về những cựu TNXP Đại đội 915 trong thời bình. Đối với các văn nghệ sĩ Thái Nguyên thì đề tài về Đại đội 915 nói riêng và TNXP nói chung lâu nay đã trở thành một đề tài tâm huyết, sáng tác thường xuyên và đã có những tác phẩm đóng góp xứng đáng vào đề tài ý nghĩa này.
PV: Cảm hứng nào mang đến cho nhà văn cũng như nhiều tác giả sáng tác về đề tài này như vậy?
Nhà văn Hồ Thủy Giang: Ngày 15-7-1950, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được ra đời tại núi Hồng, tỉnh Thái Nguyên. Với người cầm bút Thái Nguyên, ngoài niềm tự hào là người dân ở địa phương ra đời của lực lượng TNXP đầu tiên của cả nước, thì tình yêu và lòng cảm phục luôn là một động lực to lớn để họ tha thiết viết về đề tài này. Sẵn có tình cảm đặc biệt, lại thêm có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống, tinh thần lao động, chiến đấu và hy sinh quả cảm của các đội viên TNXP Đại đội 915 thì nhiều người cầm bút đã như bị "thôi miên". Những năm qua, ngoài những cuộc đi thâm nhập thực tế do Tỉnh ủy tổ chức thì nhiều anh chị em đã "một mình một ngựa" leo đèo, lội suối đến tận các vùng núi xa xôi hiểm trở, gặp gỡ từng cựu đội viên TNXP để tìm hiểu và sáng tác. Nhiều người thức trắng đêm, đắm mình trong tác phẩm... Đó cũng là câu trả lời vì sao chỉ trong vài năm mà các văn nghệ sĩ đã có một khối lượng tác phẩm đồ sộ đến như vậy. Thêm nữa, dường như trong sự thành công ấy có cả sự phù hộ và giúp sức của anh linh các liệt sĩ.
PV: TNXP nói riêng, chiến tranh cách mạng nói chung là đề tài thiêng liêng, bất tận của VHNT, theo nhà văn, làm sao để có thêm những tác phẩm hay về đề tài này?
Nhà văn Hồ Thủy Giang: Đúng như vậy. Với một đất nước đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì chiến tranh cách mạng sẽ trở thành một đề tài thiêng liêng và bất tận trong VHNT. Viết về chiến tranh ở Việt Nam đã có nhiều tác phẩm xuất sắc. Nhưng tôi nghĩ, sáng tác riêng về lực lượng TNXP vẫn còn hơi ít và có lẽ chưa thật nổi bật. Các sự kiện lớn như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, hay gần đây nổi lên là sự kiện hy sinh anh dũng của 60 đội viên Đại đội 915 Anh hùng... nếu được khai thác, được đầu tư công sức triệt để hơn nữa, có thể sẽ cho ra đời những tác phẩm lớn...
Ở Thái Nguyên, những năm vừa qua, với một đội ngũ không phải quá đông đảo và cũng chủ yếu chỉ là những tác giả địa phương đã đạt được những thành tựu như vậy chính là nhờ sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy và chính quyền địa phương. Đó là việc vinh danh kịp thời, tổ chức những cuộc vận động sáng tác lớn và rộng khắp của Hội VHNT cùng sự ủng hộ của các ngành, các cấp, sự tham gia nhiệt tình của các tác giả...
Chú trọng và tôn vinh đề tài chiến tranh cách mạng có nghĩa là chúng ta đã truyền lại cho thế hệ mai sau niềm tự hào về lịch sử đất nước cùng sự biết ơn sâu sắc đến những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tôi nghĩ, đây là việc quan trọng chúng ta cần làm và làm tốt hơn nữa.
    |
 |
Hình ảnh hậu trường MV "Cúc ơi" của NSƯT Tố Nga, kể về sự hy sinh của các nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc. |
PV: Lực lượng TNXP với những đóng góp trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc đã trở thành tượng đài cao đẹp về sự cống hiến, hy sinh của tuổi trẻ Việt Nam. Ngày nay, làm sao để chúng ta lan tỏa tinh thần ấy tới giới trẻ qua các tác phẩm VHNT?
Nhà văn Hồ Thủy Giang: Nhiều địa phương đã xây dựng tượng đài, nhà tưởng niệm, bia di tích... để tưởng nhớ tới công lao của lực lượng TNXP đối với đất nước. Ở Thái Nguyên cũng đã có Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái là nơi hằng ngày đón khách bốn phương đến thăm viếng, tưởng nhớ đến các TNXP. Tuy nhiên, để có thể xây những "tượng đài tinh thần" bằng VHNT về những hy sinh quả cảm, những đóng góp lớn lao của lực lượng TNXP và lan tỏa tinh thần ấy đến các thế hệ mai sau thì quả là một công việc không hề đơn giản. Có được điều ấy không chỉ bằng tấm lòng và tiền bạc... Tôi nghĩ, trước hết phải có sự khai mở của chính quyền, cơ quan, đoàn thể, của những người có trách nhiệm. Và điều quan trọng nhất chính là nhiệt huyết và tài năng của những văn nghệ sĩ.
Bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn cần sự chung tay của các mạnh thường quân. Đơn cử như cuốn tiểu thuyết "Những bông hoa núi" (viết về Đại đội 915) của tôi đã được doanh nhân, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Thắng tài trợ để có thể xuất bản hàng nghìn cuốn và phát hành rộng rãi trong và ngoài tỉnh... Tôi nghĩ, tăng cường xã hội hóa trong việc sáng tác, quảng bá rộng rãi giá trị các tác phẩm VHNT, nhất là tác phẩm có ý nghĩa giáo dục, bồi đắp tình yêu đất nước và trách nhiệm với dân tộc cho giới trẻ là điều vô cùng cần thiết và thiết thực. Đó là sự góp sức của toàn xã hội, và quan trọng hơn, mỗi người cầm bút phải nhận thức về sứ mệnh thiêng liêng của mình trước nhân dân và đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn về những chia sẻ trên!
DƯƠNG THU (thực hiện)