Phóng viên (PV): Nhiều năm gắn bó với nghề giáo, ông cảm nhận thế nào về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt?

PGS, TS Nguyễn Đức Hạnh: Năm tôi học lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ), dù hai năm trước đó là học sinh giỏi văn xuất sắc của trường, tôi quyết định bỏ môn Văn học, chuyển từ khối C sang ôn thi khối A do có những điều về giáo viên khiến tôi thất vọng, chán nản. Bất ngờ có thầy Lộc từ trường khác chuyển về dạy lớp tôi một học kỳ. Thầy là người dạy giỏi và công bằng trong suy nghĩ của tôi. Tôi nhớ, một hôm thầy đọc bài thơ tôi viết trên tờ báo tường của lớp. Thầy liền gọi tôi ra và bảo: "Em có năng khiếu đặc biệt về văn chương, đừng bỏ nó. Nếu em theo nghiệp văn chương thì sẽ bay cao, bay xa lắm...".

Được sự động viên, chỉ dẫn tận tình của thầy, tôi trở lại thi khối C và đỗ vào trường sư phạm. Đến giờ nhìn lại, tôi đã ít nhiều thành công trên hành trình của mình ở cả sự nghiệp "trồng người" và văn chương. Thật lòng, cả đời tôi biết ơn thầy. Tôi tin, dù ở đâu, thời nào, những thầy cô giáo có tâm, có tài như thầy Lộc của tôi chắc chắn sẽ được các thế hệ học trò yêu mến, kính trọng, biết ơn và noi theo.

Với hơn 40 năm gắn bó với nghề giáo, ở các cấp học khác nhau từ THPT, cao đẳng, đại học, sau đại học, rồi cả luyện thi đại học, tôi nhận thấy truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta như một dòng sông trong mát, liên tục chảy từ quá khứ qua hiện tại và chắc chắn sẽ còn đi tới tương lai. Tuy có thăng trầm theo thời thế, nhưng những điều tốt đẹp vẫn tồn tại bền vững, bất chấp sự tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường. Những giá trị cao đẹp của truyền thống "tôn sư trọng đạo" là cơ bản, là lớn lao. Thật tiếc, trong hoàn cảnh nhiễu thông tin trên mạng xã hội hiện nay, cái tích cực đôi khi “lép vế” trước cái tiêu cực. Nhưng tôi tin, nhân dân thầm lặng nhưng luôn vô cùng sáng suốt, những người thầy chân chính, những ngôi trường tốt đẹp, những mối quan hệ lành mạnh giữa thầy cô giáo và học trò luôn được tôn vinh, ngợi ca, mang giá trị bền vững.

leftcenterrightdel

Giờ học của cô và trò Trường THCS Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: HẢI ANH 

PV: Hiện nay, khi phương pháp giáo dục, học tập đã khác trước rất nhiều, điều đó có làm thay đổi mối quan hệ thầy-trò so với trước đây, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Đức Hạnh: Các phương pháp giảng dạy, học tập đều có tính lịch sử của nó, nghĩa là liên tục thay đổi theo bước tiến của khoa học giáo dục, dù không phải sự thay đổi, cách tân nào cũng mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, mối quan hệ thầy-trò theo ý nghĩa chân chính nhất, chuẩn mực nhất thì không thay đổi. Đó vẫn là mối quan hệ giữa người trao với người nhận kiến thức theo những phương thức khác nhau. Và vị trí người thầy giỏi giang, tử tế vẫn đẹp đẽ trong mắt học trò. Ngay trong các trung tâm luyện thi tôi từng tham gia nhiều năm, tôi hay nói đùa rằng tôi đi “bán chữ” lấy tiền để mưu sinh và để đi học thạc sĩ, tiến sĩ, thì mối quan hệ tốt đẹp, thiêng liêng thầy-trò vẫn tồn tại, tỏa sáng. Trong môi trường đó có điều khác biệt là kiến thức của người thầy giỏi được trả thù lao cao hơn so với mức thù lao ở nhiều môi trường khác, nhưng ở đây lại có thử thách ghê gớm với người thầy luyện thi mà ai chưa qua thì không thể biết. Đó là, không ai ép học sinh vào học trong trung tâm luyện thi được, vì nó vận hành theo cơ chế thị trường, chỉ khi người thầy qua thời gian dài được kiểm chứng chất lượng, uy tín bằng hiệu quả giảng dạy, sự tín nhiệm thực tế, thì mới có đông học sinh theo học. Và tôi nghĩ, dù ở các trung tâm luyện thi hay trong nhà trường nói chung, môi trường giáo dục nào thì người thầy giỏi, có đạo đức tốt vẫn luôn được tôn trọng.

PV: Ông nghĩ sao khi không ít người băn khoăn cho rằng, trong xã hội ngày nay, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã dần mai một?

PGS, TS Nguyễn Đức Hạnh: Tôi nghĩ đó là cái nhìn vừa bi quan, vừa mới thấy được hiện tượng mà chưa thấy bản chất, nhìn chủ yếu vào hình thức mà chưa quan tâm đúng mức đến nội dung ẩn sau hình thức đó. Ví dụ, gia đình bạn tôi có tới 4 người con. Một cháu nổi tiếng nghịch ngợm, không nghe lời, còn 3 cháu rất ngoan, học tốt. Nhưng không thể vì một cháu có tiếng hư ấy mà phủ nhận sạch trơn bảo rằng toàn bộ 4 đứa con của bạn tôi hỏng hết cả. Kể cả với 3 cháu bé ngoan ấy, trang phục và ứng xử của các cháu cũng liên tục thay đổi theo từng độ tuổi, lên học đại học còn thay đổi nhiều hơn nữa. Nhưng đó là những thay đổi tất yếu theo lứa tuổi với tâm sinh lý và thị hiếu thẩm mỹ khác nhau. Dù bề ngoài có lúc có vẻ “khác người”, nhưng bản chất ngoan ngoãn của các cháu là không thay đổi. Áo quần thay đổi theo mốt không có nghĩa là con người ấy xấu đi hay tốt lên. Đừng vì sự biến đổi hình thức bề ngoài, đôi khi thậm chí có thể chướng mắt mà phủ nhận bản chất tốt đẹp bên trong. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn như bản chất tốt đẹp bên trong ấy. Còn hình thức bề ngoài, quan hệ thầy-trò có thể thay đổi theo tính lịch sử của nó. Ví như bây giờ đâu thể yêu cầu học trò quỳ trước thầy, không thuộc bài thì bị thầy dùng thước đánh vào tay như thời phong kiến nữa.

PV: Vậy chúng ta nên nhìn nhận, ứng xử thế nào về những hiện tượng tiêu cực, đáng buồn giữa thầy và trò diễn ra trong môi trường nhà trường mà dư luận đưa ra thời gian qua?

PGS, TS Nguyễn Đức Hạnh: Mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống vị kỷ thực dụng lên ngôi ở nơi này nơi khác làm xuất hiện khá nhiều hiện tượng tiêu cực trong mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học sinh. Vậy thì chúng ta phải có thái độ ứng xử như thế nào trước những hiện tượng ấy? Đó là thái độ nghiêm khắc, toàn diện và công bằng. Truyền thông phải toàn diện, công bằng, nghiêm túc đầu tiên. Rằng có hàng vạn thầy cô giáo vừa "hồng", vừa "chuyên" như Bác Hồ từng dạy đang ngày đêm lặng thầm cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp "trồng người", đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Họ không bao giờ vỗ ngực tự khoe cái tốt, cái đẹp về mình... Chỉ tiếc, truyền thông phản ánh chưa đủ, chưa kịp thời về những con người cao đẹp ấy. Nhưng chỉ cần có một hiện tượng tiêu cực xảy ra trong nhà trường, cả truyền thông và mạng xã hội đưa tin rầm rộ. Một nửa sự thật chưa phải là sự thật. Cần nghiêm khắc lên án những hành vi chưa đẹp trong giáo dục nhưng phải công bằng, toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề đặt ra với giáo viên hiện nay như: Vì sao giáo viên bỏ nghề nhiều trong mấy năm qua? Vì sao tình trạng thiếu giáo viên đã và đang xảy ra ở nhiều nơi? Vì sao tuy giáo viên đang và sẽ còn thiếu rất nhiều trong vài năm tới, nhưng định mức tinh giản biên chế rất cao lại luôn dành cho y tế và giáo dục, như Quốc hội gần đây từng bàn thảo?... Những câu hỏi lớn ấy có lẽ một vài cá nhân như tôi không đủ sức trả lời được.

PV: Là một người thầy giảng dạy trong trường sư phạm, đào tạo ra những thế hệ nhà giáo tương lai, đâu là điều ông tâm huyết nhất khi truyền dạy cho sinh viên của mình?

PGS, TS Nguyễn Đức Hạnh: Với hơn 40 năm đứng trên bục giảng, hiện giờ vẫn đang đứng lớp cho hệ sau đại học, điều tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời dạy học của mình là: Dạy kiến thức đã quý, chỉ cho học trò con đường và lửa nhiệt tình để đi tới kiến thức còn quý hơn nhiều. Và tôi luôn cố gắng thực hiện tâm niệm đó, cũng mong muốn truyền cho học trò của mình điều tâm huyết đó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÒA (thực hiện)