Phóng viên (PV): Thưa ông, nghỉ hưu sau 20 năm làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông từng chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần rằng “Trước sau tôi vẫn là người làm thơ”. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn viết sách, làm thơ. Phải chăng nhà thơ không có tuổi "nghỉ hưu"?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Viết văn, làm thơ với tôi là nghề, cũng là nghiệp, đồng thời và trước hết là niềm say mê, sự khát vọng, là niềm hạnh phúc! Thế nên trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi thì tôi cũng như bất kỳ nhà văn nào không rời bỏ việc cầm bút của mình. Coi sáng tác là niềm vui và chính thông qua việc sáng tác để nhà văn bày tỏ tình cảm, trách nhiệm của mình với xã hội, đất nước.
PV: Chúng ta đang nói nhiều tới trách nhiệm, vai trò của văn học nghệ thuật góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Văn học đã và đang tham gia thế nào, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Bác Hồ đã nói “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Danh từ “chiến sĩ” nên hiểu như thế nào? Đó là khi văn nghệ sĩ dùng tài năng của mình để phục vụ kháng chiến, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc; đồng thời là chiến sĩ tức là phải đứng ở mũi nhọn của cuộc chiến đấu để phản ánh những tấm gương anh hùng, lòng quả cảm và ý chí bất khuất của dân tộc. Trong chiến tranh, đội ngũ văn nghệ sĩ đi sát từng mặt trận, cùng các đơn vị đến những nơi khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất để phản ánh chân thực và sinh động bao tấm gương cao đẹp. Qua đó, văn học nghệ thuật tiếp thêm năng lượng cho con người, nhân lên sức mạnh của lòng yêu nước, làm cho đời sống tinh thần con người phát triển ngang tầm với sứ mệnh lịch sử, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.
|
|
Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh: THU HÒA
|
Đồng hành với dân tộc trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn học đã tham gia công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, xây dựng con người. Với tình cảm, trách nhiệm, văn học đã phát huy tính tích cực xã hội, giúp con người sống tốt đẹp hơn, làm nhân lên cái lương thiện, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng, phát triển con người, văn hóa Việt Nam. Và như chúng ta biết, vì con người là nhân tố trung tâm, quyết định của mọi vấn đề, lĩnh vực nên xây dựng con người chính là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Ngoài ra, các nhà văn vẫn bám sát nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mà yêu cầu hiện nay đặt ra là giáo dục lòng yêu nước, trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc. Nhiều nhà văn đã có những chuyến đi thực tế ở biên giới, hải đảo, đến các đơn vị, phát hiện những tấm gương anh dũng trong thời bình; qua đó giúp thế hệ hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ bồi đắp tình yêu, trách nhiệm với đất nước, giữ vững, củng cố sức mạnh của lòng yêu nước. Văn học cùng các nhà văn cũng tham gia hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Nhiều nhà văn tiếp tục trở lại với đề tài từ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu lịch sử, những hy sinh và chiến công của cha ông.
PV: Cách đây không lâu, ông từng nói về việc nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật, cụ thể đó là gì, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ngoài thành tựu đã đạt được, văn học nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng còn thiếu những tác phẩm đi vào những vấn đề trực diện mà con người đang quan tâm, sự hiểu biết về thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của người viết còn ít; khả năng phát hiện cái mới mẻ, sáng tạo, độc đáo của xã hội hiện nay, vốn sống còn hạn chế nên chưa tạo được xúc động thẩm mỹ, làm rung động lòng người. Thêm nữa là chưa xây dựng được những hình tượng trọng tâm đặc trưng thời kỳ đổi mới. Tức là hình tượng nhân vật trong văn học hiện nay không rõ. Về thể loại thì nhiều truyện ngắn sinh động nhưng còn ít tiểu thuyết tầm cỡ với nhiều khám phá, sáng tạo viết về hôm nay.
Thứ nữa là dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo của người viết chưa rõ, mà bạn đọc thì luôn đòi hỏi rất cao qua tác phẩm phải thấy dấu ấn, tâm hồn của người viết. Văn học không đáp ứng được nguyện vọng, giúp người đọc tìm thấy mình trong tác phẩm cũng là một trong những nguyên nhân bạn đọc hiện nay không mặn mà với văn học.
Tôi mong các nhà văn của chúng ta tiếp tục tìm hiểu rõ nhu cầu, đòi hỏi đa dạng, phong phú của bạn đọc hiện nay. Sự phát triển con người là sự phát triển toàn diện nên nhà văn phải thấy yêu cầu của bạn đọc hôm nay là muốn giàu có về tư tưởng và tâm hồn, cả về đạo đức, lối sống và trách nhiệm công dân. Để có được những điều đó thì văn học phải là nghệ thuật của cái đẹp, góp phần nâng đỡ tầm cỡ, nâng cao chiều kích con người Việt Nam hiện nay.
PV: Từng đi qua chiến tranh, gắn bó với văn chương và tâm huyết với công tác hội nhiều năm, ông có nhắn nhủ gì tới thế hệ nhà văn hôm nay, nhất là lực lượng cầm bút trong Quân đội?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Các nhà văn Quân đội, nhất là những người đã có thời gian trải qua chiến tranh nên cố gắng tập trung viết tác phẩm có giá trị tổng kết về sự nghiệp văn chương. Tôi thấy nhiều người đang làm như vậy. Còn những nhà văn trẻ hơn thì cần quan tâm đi vào đề tài đương đại để nền văn học của chúng ta triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, đồng hành với dân tộc.
Là người trải qua chiến tranh, tôi đã đọc và rất quý, đánh giá cao và gửi gắm hy vọng vào lực lượng trẻ trong Quân đội. Sinh sau chiến tranh nhưng họ trở thành đội ngũ đang sung sức, có nhiều triển vọng. Đó là đội ngũ kế cận rất quý của văn học Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ viết về người lính, chiến tranh cách mạng, tôi rất mong các nhà văn trẻ Quân đội tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta có rất nhiều thành tựu làm thay đổi hẳn diện mạo đất nước và con người mà văn học cần phải bám sát thực tế này, cần đưa thực tiễn đời sống vào tác phẩm.
Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi trước hết phải có tài năng, bồi dưỡng tài năng và tâm huyết, nhất là khi dân trí, đòi hỏi của người đọc ngày càng cao, nhà văn cũng phải nâng tầm của mình lên. Để làm được điều đó, theo tôi có 3 vấn đề lớp trẻ cần phải làm: Thứ nhất là đi vào đời sống, chỉ đi vào đời sống, tài năng mới phát triển được; thứ hai, phải nắm chắc lịch sử, truyền thống, làm chủ nền văn hóa dân tộc để văn học góp phần phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; thứ ba, cần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để trong xu hướng hội nhập hiện nay, phải tạo được dấu ấn của mình, đưa nền văn học phát triển có bản sắc, hòa nhập với khu vực và thế giới. Trong Quân đội hiện nay đã có lớp nhà văn như thế và mong rằng họ sẽ có nhiều tác phẩm hay đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.
PV: Theo ông, bên cạnh sự nỗ lực của các tác giả, chúng ta cần cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách như thế nào để phát huy tốt vai trò của văn học nghệ thuật trong hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tác phẩm hay đầu tiên vẫn phụ thuộc vào tác giả. Nhưng nhà văn bằng tình yêu, say mê và trách nhiệm xã hội đồng hành với đất nước, muốn có tác phẩm hay cũng cần phải có sự quan tâm đầu tư xứng đáng.
Đảng ta đã có nhiều nghị quyết quan tâm đến văn hóa, văn học nghệ thuật, như: Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VI) về "Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới"; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; các kết luận; Hội nghị Văn hóa toàn quốc... Tuy nhiên, nghị quyết đi vào đời sống còn chậm, chưa được thể chế hóa, đầu tư chưa xứng tầm, chưa có những quyết sách mang tính đột phá. Ví như, tài trợ cho văn hóa, văn học nghệ thuật còn ít, chế độ nhuận bút còn thấp, hệ thống thư viện ít được đầu tư, đổi mới; Nhà nước chưa mạnh dạn đặt hàng tác phẩm lớn...
Vậy nên một trong những giải pháp để có tác phẩm hay, chẳng hạn ở lĩnh vực văn học, đó là Nhà nước phải đặt hàng để có tác phẩm dài hơi, khuyến khích nhà văn sáng tác. Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm đầu tư để đội ngũ nhà văn, người sáng tác có thể sống bằng nghề viết. Có như vậy, văn học nghệ thuật mới thực sự phát huy tốt vai trò của mình, đồng hành với đất nước phát triển cường thịnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)